Thuật ngữ y học thông dụng phần đầu (A-H)

A

A-, An-: tiếp đầu ngữ, có nghĩa là thiếu, không có. Ví dụ: atoxic = không độc hại.

Abdomen: bụng, phần cơ thể dưới ngực, ngăn cách với ngực bởi một cơ bắp tên là hoành cách mô (diaphragm). Bụng chứa các cơ quan tiêu hóa như dạ dày, gan, ruột, tụy tạng, và cơ quan bài tiết như thận, bọng đái; ở phụ nữ có buồng trứng, tử cung. Bụng phân ra thành nhiều vùng: thượng vị (epigastrium), rốn (umbilical), hạ vị (hypogastrium), hạ sườn (hypochondrium), thắt lưng (lumbar) và bẹn (inguinal).

Ablation: sự cắt bỏ một mô, một phần của cơ thể hoặc một vùng phát triển bất thường.

Abortion: (sản phụ khoa) sẩy thai, phôi hoặc bào thai chưa thể sống độc lập được (dưới 24 tuần) bị trục ra khỏi tử cung. Trong dọa sẩy thai (threaten abortion) có đau bụng và chảy máu từ tử cung, nhưng thai vẫn còn sống. Khi bào thai đã chết, sẩy thai không thể tránh khỏi (inevitable abortion); sẩy thai không hoàn toàn (incomplete abortion) là khi trong tử cung còn sót một phần bào thai, màng bọc của nó và nhau. Sẩy thai có thể là tự phát (miscarriage), hoặc do phá thai (induced abortion) vì lý do sức khoẻ của người mẹ, bào thai có dị tật, hoặc do một lý do xã hội nào khác. Trường hợp này cần có ý kiến của hai bác sĩ và phải được tiến hành ở bệnh viện. Các phương pháp thường dùng gồm: hút chân không (vacuum aspiration) với một ống nhỏ, nông cổ tử cung và nạo (dilatation & curettage), mổ tử cung qua đường bụng, dùng thuốc Mifepristone phối hợp với Prostaglandins. Phá thai ít gây nguy hiểm nếu thai còn nhỏ, biến chứng sẽ tăng lên hơn từ 13 tuần trở đi.

Abreaction: (tâm lý) sự giải thoát cảm xúc mạnh kèm với kỷ niệm cũ bị chôn vùi vào quên lãng từ lâu. Có thể xảy ra một cách tự nhiên, nhưng thường là nhờ chuyên gia dùng tâm lý liệu pháp (psychotherapy), khoa thôi miên hoặc thuốc ngủ, giúp cho bệnh nhân. Kỹ thuật được áp dụng để điều trị một số chứng lo âu, rối loạn tâm thần do sự dồn nén trong tiềm thức các kỷ niệm hoặc cảm xúc trước kia.

Abruptio placentae: (sản phụ khoa) nhau tróc ra khi có thai từ 24 tuần trở đi, thường do thai phụ bị cao huyết áp hoặc tiền sản giật (pre- eclampsia). Các triệu chứng gồm đau bụng dữ dội, tử cung co thắt liên tục, bị choáng sốc, máu thiếu chất làm đông lại nên dễ chảy. Cần được can thiệp khẩn cấp vì nguy cơ có thể xảy ra cho cả mẹ lẫn con: truyền máu, mổ đem con ra (caesarean section).

Abscess: áp xe, nơi tụ mủ, ví dụ mụt nhọt, do nhiễm trùng cục bộ, tác nhân thường là khuẩn Staphylococci. Chữa trị bằng cách rạch mủ và dùng kháng sinh. Một loại áp xe lạnh (cold abscess) do khuẩn lao gây ra cũng sưng lên nhưng không đau nhức.

Absence: (thần kinh) tình trạng bất tỉnh xảy ra trong vài giây đồng hồ, có trong một loại động kinh (epilepsy).

Acalculia: mất khả năng làm những bài tính đơn giản. Ðây là triệu chứng của bệnh thuộc thùy đỉnh não bộ (parietal lobe).

Accommodation: sự điều chỉnh độ cong của thủy tinh thể mắt để trông thấy rõ khi nhìn gần hay nhìn xa.

ACE inhibitor: nhóm thuốc dùng chữa trị cao huyết áp và suy tim. Tên thuốc: Captopril, Enalapril, Perindopril, Ramiprol.

Acetylcholine: chất truyền dẫn thần kinh (neurotransmitter) tiết ra ở chỗ dây thần kinh tiếp nối với cơ bắp và ở nhiều nơi khác thuộc hệ thần kinh. Acetylcholine sau khi tác động liền được men cholinesterase vô hiệu hóa ngay. Thuốc ức chế tác động của acetylcholine gọi là anticholinergic, gồm Atropine, Propantheline… Achlorhydria: Dịch dạ dày không có chất a xít (hydrochloric acid), do lớp niêm mạc trong cùng bị viêm teo mạn tính hoặc thiếu loại tế bào tiết a xít. Một số người không cảm thấy gì cả, số ít khác có chứng thiếu máu ác tính (pernicious anaemia) do dạ dày không hấp thụ được vitamin B12.

Achondroplasia: chứng lùn, do rối loạn tăng trưởng xương, nhất là ở chân và tay sẽ ngắn lại. Thân hình và đầu có kích thước bình thường, trí thông minh không bị ảnh hưởng. 50% con cái của người lùn sẽ mắc chứng này.

Acid-base balance: cân bằng độ a xít và kiềm trong máu, cần thiết cho sự hoạt động bình thường của cơ thể. Có ba cơ chế duy trì sự cân bằng này: 1- dịch đệm trong máu để trung hòa chất phế thải a xít hoặc kiềm. 2- thở, thở nhanh làm cho máu bớt độ a xít đi, còn thở chậm tăng độ này lên. 3- thận, điều hòa số lượng chất thải a xít hoặc kiềm vào nước tiểu. Rối loạn cân bằng a xít-kiềm sẽ đưa đến máu bị nhiễm a xít (acidosis) hoặc nhiễm kiềm (alcalosis).

Acidosis: máu bị nhiễm a xít, gồm hai loại: 1- nhiễm a xít thở (respiratory acidosis) do khí carbon dioxide tồn đọng quá nhiều trong máu rồi biến thành carbonic acid, xảy ra trong viêm phế quản mạn tính, phế quản bị tắc trít, hen suyễn. 2- nhiễm a xít do rối loạn chuyển hóa (metabolic acidosis) trong bệnh tiểu đường, do mất chất kiềm khi đi tiêu chảy nhiều, do suy thận nên chất a xít không được đào thải ra nước tiểu, do uống Aspirin liều cao.

Acid reflux: dịch a xít dạ dày trào ngược lên thực quản. Trường hợp nhẹ thường xảy ra cho thai phụ, cho những người béo phì; trường hợp nặng do van ở phần cuối thực quản không đóng kín lại sau khi thức ăn đã đi qua, do một phần dạ dày trồi lên qua một điểm yếu của hoành cách mô (hiatus hernia).

Acne: mụn trứng cá. Chữa trị với thuốc thoa chứa chất benzoyl peroxide, retinoic acid, kháng sinh, sulphur; với thuốc kháng sinh, retinoid uống; lột lớp da ngoài (dermabrasion); tia laser.

Acoustic neuroma: u bướu lành tính dây thần kinh thính giác, gây điếc, ù tai chóng mặt. Chữa trị bằng cách giải phẫu cắt bỏ đi.

Acquired immune deficiency syndrome (AIDS): hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải, do siêu khuẩn HIV (Human Immunodeficiency Virus) gây ra. Bệnh nhân mất đi khả năng đề kháng chống lại vi trùng vì số lượng bạch cầu lympho mang kháng nguyên CD4 giảm xuống nhiều. Sau một thời gian dài ủ bệnh (có khi tới nhiều năm), họ sẽ bị sốt, đổ mồ hôi, đi tiêu chảy, sụt cân, nổi hạch ở cổ, nách, háng; cuối cùng chết do nhiễm khuẩn, siêu khuẩn, nấm, các sinh vật đơn bào, ung thư (Kaposi’s sarcoma). Có hai loại HIV, HIV1 và HIV2, hiện diện trong máu, tinh khí, dịch tiết ra từ âm đạo, nước tiểu, nước miếng, sữa mẹ. Lây truyền do sang máu bị nhiễm siêu khuẩn, giao cấu giữa người khác phái hoặc cùng phái, dùng chung kim để tiêm ma túy, xâm mình với dụng cụ không khử trùng, từ mẹ sang con. HIV rất mỏng manh dễ chết nên không có vấn đề lây vì bắt tay nhau, dùng chung nhà vệ sinh, giao tiếp ngoài xã hội. Ðịnh bệnh bằng cách thử máu tìm kháng thể HIV, còn chữa trị hiện nay là sự phối hợp hai hoặc ba loại thuốc, nhưng tác dụng chỉ kéo dài thời gian nhiễm khuẩn, giảm bớt các triệu chứng xảy ra.Acro-: tiếp đầu ngữ có nghĩa là: 1- đầu mút, ví dụ acrohypothermia = lạnh đầu ngón tay/chân. 2- chỗ cao, ví dụ acrophobia = sợ chỗ cao.

Acromegaly: bệnh to cực, tay, chân, mặt tăng kích thước, do quá nhiều hóc môn tăng trưởng từ một u bướu của tuyến yên (pituitary gland) tiết ra. Chữa trị bằng thuốc, tia X hoặc giải phẫu cắt bỏ.

ACTH (adrenocorticotrophic hormone): hóc môn của tuyến yên có vai trò kiểm soát sự tiết chất corticosteroid từ tuyến thượng thận ra.

Actinomycosis: bệnh do khuẩn Actinomyces Israeli thường xảy ra ở hàm mặt, do cơ thể suy yếu, vệ sinh răng miệng không được giữ gìn tốt, chân răng làm mủ. Bệnh thể hiện qua nhiều lỗ rò mở ra ngoài da. Chữa trị bằng cách mổ dẫn lưu mủ và kháng sinh dùng trong một thời gian dài.

Acupuncture: châm cứu.

Acute: cấp tính, mô tả một triệu chứng, một bệnh xảy ra thình lình, có thể là nhẹ hoặc nặng, và thường là ngắn hạn.

Addiction: nghiện.

Addison’s disease: bệnh Addison, gồm các triệu chứng mệt mỏi, mất năng lực, huyết áp thấp, sụt cân, da nổi đen ở chỉ tay, khuỷu tay và đặc biệt là trong mồm. Nguyên nhân: tuyến thượng thận bị tổn hại do bệnh miễn nhiễm (autoimmune disease), do khuẩn lao (hiện nay ít thấy), nên không tiết ra đầy đủ hóc môn corticosteroid.

Adenitis: viêm sưng hạch bạch huyết ở cổ, ở màng ruột.

Adenocarcinoma: ung thư lớp biểu mô có cấu trúc hình tuyến, thành phần của hầu hết các cơ quan trong cơ thể.

Adenoids: mô bạch huyết có ở trẻ con, nằm tại nóc vòm hầu sau mũi, giúp chống lại nhiễm khuẩn. Các mô này nếu nở lớn có thể làm trít mũi, hoặc tắc ống thông từ tai giữa xuống họng (ống Eustache) gây chứng tai giữa có nước nhờn (glue ear) làm giảm thính lực của đứa bé. Giải phẫu nạo mô (adenoidectomy) thường phối hợp với cắt amidan (tonsillectomy).

Adenoma: bướu lành tính mọc ở lớp tế bào bên trong các cơ quan của cơ thể. Bướu tại các tuyến nội tiết như tuyến yên, tuyến giáp, tụy tạng (pancreas), tuyến thượng thận có thể sản xuất quá nhiều hóc môn và gây bệnh. Ví dụ bướu ở tuyến yên gây ra bệnh to cực (acromegaly).

Adrenal glands: tuyến thượng thận, nằm bên trên hai quả thận, gồm lớp vỏ và ruột. Lớp ruột sản xuất hóc môn adrenaline và noradrenaline; lớp vỏ được kích thích bởi hóc môn ACTH của tuyến yên và sản xuất ra ba loại hóc môn corticosteroid: hóc môn ảnh hưởng đến sự chuyển hóa của đường (ví dụ cortisol), chuyển hóa chất điện giải (ví dụ aldosterone) và hóc môn ảnh hưởng đến tuyến sinh dục nam hay nữ (ví dụ oestrogen hay androgen).

Adrenaline (epinephrine): hóc môn quan trọng từ tuyến thượng thận tiết ra, có nhiệm vụ chuẩn bị cho con người để trước một nguy cơ biết sợ và chạy đi, hoặc chống lại. Adrenaline ảnh hưởng đến tuần hoàn máu, cơ bắp và chuyển hóa đường: hoạt động của quả tim tăng lên, nhịp thở nhanh và sâu hơn, cường lực cơ bắp nhiều thêm ra. Adrenaline được dùng trong các trường hợp khẩn cấp như sốc nặng (anaphylactic shock, xem chữ), tim ngừng đập. Ngoài ra, trong thuốc tê người ta thêm adrenaline vào để làm giảm bớt chảy máu, kéo dài hơn thời gian gây tê (thường được sử dụng trong nha khoa).

Adrenogenital syndrome: hội chứng tuyến thượng thận-sinh dục, gây nam hóa ở các thiếu nữ, con trai có tuổi dậy thì sớm, cả hai phái mắc bệnh Addison.

-Aemia: tiếp vĩ ngữ để chỉ về máu. Ví dụ hyperglycaemia = lượng đường máu cao.

Aer-, Aero-: tiếp đầu ngữ có nghĩa là không khí, khí. Ví dụ aerophagy = chứng nuốt không khí vào.

Aetiology: nguyên nhân của bệnh.

Affective disorder: (tâm thần) rối loạn cảm xúc, nặng nhất là trầm cảm (depression) và hưng cảm (mania).

Aflatoxin: độc chất từ một loại nấm mọc ở lúa, khoai sắn, đậu phụng…chứa lâu ngày trong kho và không được bảo quản tốt. Có thể gây ung thư gan cho con người.

Age-related macular degeneration (ARMD): thoái hóa điểm vàng của võng mạc liên quan đến tuổi già, gây mất thị lực ở vùng trung tâm sự vật. Tuy không bị mù hẳn, nhưng bệnh nhân không còn nhìn thấy rõ mặt người đối diện, không đọc được sách báo nữa. Có hai loại, thoái hóa khô và ướt, tiến triển của loại ướt có thể ngăn chận lại bằng tia laser.

Agnosia: (thần kinh) sự không ý thức được đúng các cảm giác, mặc dầu giác quan không bị hư hại., do tổn thương ở thùy đỉnh của não bộ. Ví dụ thấy vật nhưng không còn biết đó là vật gì (visual agnosia).

Agranulocytosis: máu không có bạch cầu hạt do hư tổn tủy xương gây ra bởi độc dược hoặc hóa chất. Triệu chứng: sốt cao, lở loét mồm miệng, suy nhược và chết. Chữa trị với kháng sinh liều cao, truyền bạch cầu.

Agraphia (dysgraphia): (thần kinh) mất khả năng mắc phải về viết, mặc dầu tay vẫn cử động bình thường. Nguyên nhân: hư tổn ở thùy đỉnh não bộ.

Air embolism: nghẽn mạch vì khí làm bế tắc giòng máu từ tâm thất phải chảy ra, có thể do mổ xẻ, chuyền dung dịch vào tĩnh mạch, chấn thương. Bệnh nhân bị khó thở, đau ngực và đôi khi suy tim cấp tính.

Albinism: chứng bạch tạng, do cơ thể thiếu sắc tố melanin nên tóc thì trắng còn da và mắt có màu hồng.

Albuminuria (proteinuria): nước tiểu có chất đạm, do bệnh tim hoặc thận, nhưng cũng có thể xảy ra sau khi vận động nhiều hoặc đứng lâu một chỗ (lính gác hay bị).

Alcoholics Anonymous: tổ chức thiện nguyện giúp đỡ cho người nghiện rượu muốn cai.

Alexia: (thần kinh) mất khả năng đọc do bệnh ở bán cầu não trái (đối với ai thuận tay phải).

-algia: tiếp vĩ ngữ có nghĩa là đau. Ví dụ cephalalgia = đau đầu.

Alkalosis: máu bị nhiễm kiềm, do mất cân bằng giữa chất a xít và kiềm trong máu. Nguyên nhân: mất nhiều dịch a xít dạ dày khi mửa thốc tháo, uống quá liều sodium bicarbonate, thở nhanh và sâu một cách bất thường (respiratory alkalosis). Bệnh nhân cảm thấy mệt mỏi, cơ bắp bị co rút.

Allergen: yếu tố gây dị ứng, ví dụ thực phẩm, phấn hoa, lông thú, mốc meo, bọ bụi (dust mite), dược phẩm, mỹ phẩm v.v.

Allergy: dị ứng, xảy ra cho người quá nhạy cảm với một yếu tố đặc biệt nào đó. Các tế bào bị tổn hại tiết chất histamine và serotonin, gây các triệu chứng như hen suyễn, cảm lạnh, bệnh ngoài da, đau bụng, và đôi khi sốc nặng.

Allograft (homograft): ghép một cơ quan cho một cá thể đồng loại, ví dụ giữa người với nhau.

Alopecia: sói (hói) tóc.

Alpha-blockers: thuốc ngăn tác động của adrenaline và noradrenaline tại điểm tiếp nhận alpha của thần kinh giao cảm, làm mạch máu nở rộng ra và huyết áp tụt xuống. Tên thuốc: Doxazosin, Phentolamine, Prazosin, Tamsulosin.

Alveolitis: viêm phế nang do hít phải bụi hữu cơ trong phân chim bồ câu và chim két, bào tử nấm trong đống rơm mục, hạt khô để mốc.

Alzheimer’s disease: (tâm thần) một trong các loại bệnh lẫn xảy ra cho người trên 65 tuổi, nguyên nhân không rõ; yếu tố di truyền được nói đến đối với những ai mắc phải sớm hơn. Tế bào não dần dần bị thoái hóa và xoắn với nhau, não teo nhỏ lại và có chất đạm betaamyloid đóng ở đấy. Triệu chứng: mới đầu là hay quên, kế đến giai đoạn mất trí nhớ về những chuyện mới xảy ra nhưng vẫn còn minh mẫn đối với chuyện xưa cũ, hay lẫn lộn, mất định hướng về thời gian và nơi chốn, không tìm ra được đúng chữ để diễn tả sự vật, thay đổi nhân cách như có lời nói, cử chỉ thô lỗ cục cằn. Một số bệnh nhân biểu hiện các triệu chứng điên loạn như ảo giác (hallucination) nghe tiếng người lạ nói trong tai, hoang tưởng (paranoid delusion) có kẻ dò la ám hại mình. Cuối cùng, họ nằm liệt một chỗ, bị lở loét ở mông đít, ở lưng và chết vì kiệt sức, sưng phổi. Bác sĩ định bệnh qua khám lâm sàng, làm não điện đồ, CT scan và MRI scan não; nhưng chính xác hơn cả là sinh thiết não. Trong phần chữa trị, quan trọng nhất là sự chăm sóc tại nhà hoặc tại nơi dành cho loại bệnh nhân này, còn thuốc men chỉ giúp căn bệnh chậm phát triển.

Ambivalence: (tâm thần) tình cảm trái ngược nhau như yêu và ghét đối với cùng một người hay một vật. Tình trạng này có thể là một đặc điểm của bệnh tâm thần phân liệt. .

Amblyopia: chứng giảm thị lực, do độc chất của thuốc lá, rượu, một vài loại dược phẩm, do thiếu vitamin, hoặc do mắt không được sử dụng đến ví dụ bị lác mắt, mắt cườm, các bất thường khác của thủy tinh thể (lens).

Amenorrhoea: (sản phụ khoa) vô kinh. Trong vô kinh tiên phát, chu kỳ kinh nguyệt không xuất hiện lúc dậy thì Vô kinh thứ phát có nhiều nguyên nhân: rối loạn ở hạ đồi thị trong não (hypothalamus), thiếu kích thích tố buồng trứng, tuyến thùy và tuyến giáp giảm hoạt động, tiểu đường, bệnh trầm cảm, chán ăn tâm thần (anorexia nervosa), cắt bỏ tử cung hoặc buồng trứng, thay đổi môi trường sống.

Amnesia: (thần kinh) mất trí nhớ hoàn toàn hay từng phần sau khi bị chấn thương đầu, uống phạm thuốc, xúc động mạnh tinh thần. Nạn nhân có thể không nhớ những gì xảy ra trước đó (retrograde amnesia) hoặc sau đó (anterograde amnesia), hoặc cả hai.

Amniocentesis: (sản phụ khoa) rút nước ối (amniotic fluid) trong tử cung để kiểm tra bất thường về nhiễm sắc thể (chromosome) của tế bào da bào thai rụng ra, ví dụ tìm xem có hội chứng Down không, hoặc xét nghiệm sinh hóa để biết những dị tật, ví dụ cột sống nứt đôi (spina bifida). Thủ thuật thường được tiến hành lúc bào thai 14-18 tuần, đôi khi sớm hơn. Biến chứng có thể xảy ra là sẩy thai, vỡ túi ối, tỷ lệ khoảng 0.5%.

Amniotomy: (sản phụ khoa) chọc túi ối để dục đẻ.

Amoebiasis: bệnh kiết lỵ do ký sinh đơn bào amoeba, thường xảy ra tại các quốc gia chậm tiến ăn uống thiếu vệ sinh. Bệnh nhân đi tiêu chảy có lẫn máu và nhớt. Chữa trị với thuốc Metronidazole. Biến chứng: bướu ở manh tràng (caecum) và trực tràng, mủ tụ ở gan, đôi khi ở phổi và não.

Amyloidosis: thoái hóa dạng tinh bột ở gan, thận, lá lách và các mô khác. Loại thứ phát là biến chứng của các bệnh nhiễm khuẩn mạn tính như lao phổi, hủi (cùi).

Amyotrophy: teo cơ do thiếu dinh dưỡng, do cơ bắp ít sử dụng ví dụ khi tay chân phải bó im lâu ngày, hay máu và dây thần kinh phân bổ đến cơ bắp giảm đi, ví dụ trong bệnh tiểu đường.

Anaemia: bệnh thiếu máu, do suy giảm lượng huyết sắc tố haemoglobin chuyên chở khí oxi. Nguyên nhân: mất máu vì tai nạn, trong lúc mổ, chảy máu ít một từ chỗ loét dạ dày, tá tràng; thiếu chất sắt cần thiết cho sự sản xuất haemoglobin; tăng hủy diệt hồng cầu do nhiễm độc hóa chất, bệnh tự miễn, trùng sốt rét, các bệnh hồng cầu lưỡi liềm, hình quả cầu; giảm sản xuất hồng cầu trong thiếu máu ác tính (pernicious anaemia), ung thư máu.

Anaesthesia / anaesthetic: kỹ thuật làm giảm hoặc mất cảm giác đau, gồm gây mê (general anaesthesia), gây tê tại chỗ (local anaesthesia) và cục bộ (regional anaesthesia) / thuốc sử dụng để gây mê, tê.

Anal fissure: nứt da ở hậu môn, thường là do táo bón gây ra.

Analgesia / analgesic: sụ giảm đau / thuốc giảm đau.

Anaphylaxis: sốc do chất histamine được phóng thích từ các mô, gây đỏ mặt, ngứa khắp người, nôn mửa, sưng mồm, lưỡi và khí quản. Trường hợp sốc nặng (anaphylactic shock) có thể đưa đến tử vong. Chữa trị: tiêm adrenaline, thở khí oxi, chuyền dung dịch, tiêm thuốc chống dị ứng, thuốc corticosteroid.

Anasarca: phù toàn thân, ở chân, ngực, lưng, bộ phận sinh dục, xảy ra trong bệnh tim và một vài loại suy thận.

Ancylostomiasis: bệnh giun móc, lâu ngày có thể gây thiếu máu.

Andr-, andro-: tiếp đầu ngữ có nghĩa là đàn ông, giống đực. Ví dụ androgen = kích thích tố nam.

Androblastoma, arrhenoblastoma: (sản phụ khoa) một loại bướu (ít có) ở buồng trứng sản xuất nhiều hóc môn nam, gây nam hóa cho phụ nữ (mọc râu, sói tóc trán, giọng nói khàn, bặt kinh nguyệt). Khoảng 30% bướu trở thành ác tính.

Androgen: hóc môn nam, gồm Testosterone, Androsterone, Dihydrotestosterone, kích thích sự phát triển của cơ quan sinh dục nam cùng những đặc tính của đàn ông (râu, giọng nói, cơ bắp to ra). Các hóc môn này chủ yếu do hòn dái, một ít do tuyến thượng thận và buồng trứng của phụ nữ sản xuất ra (nếu nhiều, phụ nữ sẽ có những biểu hiện nam hóa).

Aneurysm: phình động mạch giống như quả bóng, do lớp cơ trơn của thành mạch bị yếu bẩm sinh, xơ vữa (atherosclerosis), nhiễm khuẩn, giang mai (nay rất hiếm). Ðịa điểm thường là động mạch chủ (aorta), động mạch não. Chỗ phình có thể vỡ ra, màng trong cùng bị rách rồi từ đó máu luồn vào giữa hai lớp của mạch máu (dissecting aneurysm) gây tắc nghẽn các nhánh mạch máu khác. Chữa trị bằng cách thay đoạn phình ở động mạch chủ, kẹp chỗ phình ở động mạch não.

Angi-, angio-: tiếp đầu ngữ có nghĩa là mạch máu hoặc mạch bạch huyết. Ví dụ angiopathy = bệnh mạch máu.

Angina pectoris: cơn đau thắt ngực khi máu cung cấp cho quả tim không đủ đáp ứng nhu cầu, do mạch máu vành tim bị hẹp vì có chất béo đóng ở đấy. Chữa trị với thuốc Glyceryl trinitrate, và nếu không hiệu quả, áp dụng thủ thuật nông mạch máu vành tim (coronary angioplasty, xem chữ) hoặc mổ cầu vồng (coronary artery bypass graft, xem chữ).

Angioplasty: thủ thuật sửa chữa, tái tạo một mạch máu bị tắc, dùng ống thông có quả bóng đưa vào chỗ hẹp rồi bơm hơi vào bóng để nông rộng mạch máu ra. Thường được áp dụng cho mạch máu vành tim, mạch máu ở cổ, thận và chân.

Ankylosing spondylitis: viêm bao khớp xương sống cùng dây chằng và sợi cơ bám ở đấy, xảy ra cho giới trẻ phái nam. Chứng này có thể đưa đến cứng xương khớp lưng.

Ankylosis: cứng khớp, biến chứng của viêm khớp lâu ngày, ví dụ bệnh lao xương, bệnh viêm xương khớp (osteoarthritis, xem chữ).

Anorexia: chán ăn, không muốn ăn.

Anorexia nervosa: (tâm thần) chán ăn tâm thần, một bệnh xảy ra cho các thiếu nữ, nhất là giới người mẫu, vũ nữ, lực sĩ. Nguyên nhân khá phức tạp: chán ăn vì muốn giữ thân hình thon gọn, bị ám ảnh về ngoại dạng của mình cho rằng vẫn còn béo mập, có vấn đề xung khắc trong gia đình, rối loạn hoạt động của hạ đồi thị (hypothalamus), một bộ phận trong não kiểm soát về đói, khát, tình dục. Triệu chứng: gầy ốm sút cân nghiêm trọng, da khô, lông măng mọc khắp người, bặt kinh nguyệt, táo bón. Vì có cái nhìn sai lệch về thân hình mình nên bệnh nhân tập thể dục suốt ngày, ăn vào thì tìm cách để cho nôn ra hoặc uống thuốc xổ. Chữa trị bằng tâm lý liệu pháp, gia đình liệu pháp (family therapy). Bệnh dễ tái lại, một số người chết vì suy nhược trầm trọng, hoặc tự tử.

Anoxia: không có khí oxi vào các mô của cơ thể do tim ngừng đập, ngạt thở. Trường hợp giảm khí oxi (hypoxia) xảy ra thường hơn, khi áp suất không khí ở độ cao xuống thấp, giảm hồng cầu hay huyết sắc tố haemoglobin, suy tim, viêm phế quản mạn tính, khí thủng phổi (emphysema).

Antacid drugs: thuốc kháng a xít như Aluminium hydroxide, Magnesium hydroxide, Sodium bicarbonate…giúp giảm đau và khó chịu trong một số bệnh về tiêu hóa.

Antenatal diagnosis: (sản phụ khoa) chẩn đoán trước khi sinh.

Anthracosis: bệnh nhiễm phổi do bụi than đá.

Anthrax: bệnh than do khuẩn từ gia súc lây sang người, và giữa người với nhau, gây da phồng lên rồi đóng vảy đen như than, sưng phổi. Chữa trị với Penicillin, tiên liệu tốt, nhưng sưng phổi dễ đưa đến tử vong.

Antibody: kháng thể do bạch cầu lympho sản xuất khi có một kháng nguyên (antigen) xâm nhập, ví dụ khuẩn, phấn hoa, một cơ quan ghép vào v.v.

Anticoagulant drugs: thuốc kháng đông máu. Loại thiên nhiên là Heparin, còn loại tổng hợp gồm Dicoumarol, Warfarin dùng để làm máu loãng bớt ngừa huyết khối gây tắc nghẽn mạch máu.

Anticonvulsant drugs: thuốc chống co giật, dùng trong các loại động kinh.

Antidepressant drugs: thuốc chống trầm cảm, gồm nhiều loại khác nhau tùy theo cơ chế tác động. Phụ chứng: khô mồm, mờ mắt, táo bón, tiểu khó, buồn ngủ.

Antidote: thuốc giải độc, trung hòa tác động của chất độc.

Antigen: kháng nguyên, một yếu tố mà cơ thể coi là vật lạ rồi sản xuất ra kháng thể để chống lại, ví dụ khuẩn, cơ quan ghép vào v.v.

Antihistamine drugs: thuốc kháng histamine, dùng trong dị ứng, ví dụ Chlorpheniramine, Terfenadine, Promethazine.

Anti-inflammatory drugs: thuốc kháng viêm, gồm corticosteroid và thuốc không có chất steroid (nonsteroid anti-inflammatory drugs, NSAIDs).

Antimetabolite / antimitotic drugs: các loại thuốc chữa ung thư, gây trở ngại cho sự chuyển hóa (antimetabolite), hoặc ức chế sự phân chia và tăng trưởng của tế bào ung thư (antimitotic), nên chúng sẽ chết đi. Xem thêm chữ cytotoxic drugs.

Antimycotic drugs: thuốc chữa các chứng do nấm gây ra, ví dụ Griseofulvin, Nystatin.

Antipsychotic drugs: (tâm thần) thuốc chữa các loại bệnh tâm thần nặng như tâm thần phân liệt (schizophrenia), hưng cảm kèm với trầm cảm (manic depressive illness).

Antiseptic: hóa chất tiêu diệt, ức chế sự tăng trưởng của khuẩn hoặc các vi sinh vật gây bệnh.

Antiserum: huyết thanh có chứa kháng thể để chống lại một loại kháng nguyên đặc biệt, dùng chữa trị hay tạm thời bảo vệ cơ thể (miễn dịch thụ động), ví dụ trong bệnh chó dại.

Antisocial personality disorder: (tâm thần) rối loạn nhân cách, có những hành động ngược lại với lề thói của xã hội hiện đang sống. Trẻ thì trốn học bị đuổi khỏi trường, ăn cắp, nói láo, phá làng phá xóm (được gọi là conduct disorder nếu dưới 16 tuổi); lớn lên đi làm không ở đâu được lâu, hung hăng hay gây sự, đập phá nhà người khác và các công trình công cộng, bê tha cờ bạc rượu chè, sử dụng ma túy, vợ chồng luôn bất hòa đi đến đổ vỡ.

Antispasmodic drugs: thuốc chống co thắt các cơ trơn.

Antitoxin: thuốc kháng độc tố, dùng để trung hòa độc tố do khuẩn sản xuất ra, ví dụ kháng độc tố chữa bệnh uốn ván (tetanos), yết hầu (diphteria).

Antivenin: thuốc kháng nọc các loài vật như rắn, nhện, bò cạp.

Anuria: vô niệu, thận không sản xuất nước tiểu, xảy ra trong trường hợp huyết áp tụt xuống quá thấp. Cần phân biệt không có nước tiểu do tắc giòng nước tiểu từ thận chảy xuống, ví dụ bị sạn thận.

Anxiety: (tâm lý) lo âu. Tình trạng nếu kéo dài và vô cớ là một dạng của chứng rối loạn tâm thần (neurosis).

Aorta: động mạch chủ, động mạch chính của cơ thể, từ đó xuất phát tất cả các động mạch khác. Ðộng mạch chủ đi ra khỏi tim từ tâm thất trái.

Aortic regurgitation: máu chảy ngược từ động mạch chủ vào tâm thất trái trong thời kỳ tâm trương (diastole). Nguyên nhân: van động mạch chủ hóa sẹo do trước đó bệnh nhân bị sốt thấp khớp (rheumatic fever), do giang mai. Trường hợp nhẹ không có triệu chứng, còn nếu nặng, bệnh nhân dễ chóng mệt và khó thở, đau thắt ngực, lớn tim. Chữa trị bằng cách thay van nhân tạo.

Aortic stenosis: hẹp van động mạch chủ, gây trở ngại cho giòng máu chảy từ tâm thất trái ra. Nguyên nhân: các lá van dính lại với nhau do bẩm sinh, do trước kia bị sốt viêm khớp, van hóa vôi hay hóa sẹo. Bệnh nhân chóng mệt, đau thắt ngực, ngất xỉu. Chữa trị bằng cách thay van nhân tạo hoặc ghép van mới vào.

Apgar score: thang điểm Apgar để đánh giá nhanh tình trạng chung của bé mới sinh. Cho tối đa 2 điểm đối với các dấu hiệu: kiểu thở, nhịp tim, sắc da, trương lực cơ bắp, đáp ứng với kích thích. Một đứa bé có 10 điểm 60 phút sau khi sinh là ở trong tình trạng tốt nhất.

Aphrodisiacs: chất kích thích ham muốn tình dục như nhân sâm, gừng, sừng tê giác, sò ốc.

Apnoea: cơn ngưng thở chốc lát, có thể xảy ra cho trẻ con, người béo mập khi ngủ.

Appendicitis: viêm ruột thừa.

Apraxia (dyspraxia): (thần kinh) không khả năng thực hiện các động tác khéo léo một cách chính xác, do tổn hại ở thùy đỉnh, đôi khi ở thùy trán.

Arrhythmia: loạn nhịp tim do rối loạn của xung lực điện phát đi từ trung tâm tự động (pacemaker) ở tâm nhĩ phải. Có nhiều loại, gây các triệu chứng như hồi hộp, thở mệt, đau thắt ngực, tim ngừng đập trong trường hợp nặng. Loạn nhịp hầu hết đều do bệnh tim mà ra, nhưng cũng có thể không có nguyên nhân rõ rệt.

Arteriosclerosis: xơ cứng động mạch do vôi đóng vào, có thể xảy ra ở tuổi già.

Artery: động mạch đem máu ra khỏi tim. Thành động mạch chứa các sợi cơ trơn co lại giãn ra dưới sự điều khiển của hệ thần kinh giao cảm.

Arthr-, arthro-: tiếp đầu ngữ để chỉ về khớp.

Arthritis: viêm khớp, bệnh liên quan đến màng hoạt dịch (synovium) hay sụn bị thoái hóa. Có hơn 80 loại viêm khớp, như viêm khớp dạng thấp (rheumatoid arthritis), viêm xương khớp (osteoarthritis), thống phong (gout), nhiễm khuẩn, nhiễm lao v.v. Ðịnh bệnh qua khám lâm sàng, chụp Xquang, thử máu, xét nghiệm hoạt dịch (synovial fluid) rút từ khớp ra.

Arthrodesis: thủ thuật làm cứng khớp, áp dụng khi khớp bị biến dạng hoặc đau lâu ngày không giải quyết bằng chỉnh hình được.

Arthroscopy: soi khớp với dụng cụ đặc biệt đưa vào đấy để quan sát các hư tổn.

Arthrotomy: thủ thuật mở khớp để kiểm tra các cơ cấu bên trong, để dẫn lưu mủ (nếu có).

Artificial insemination: thụ tinh nhân tạo, bơm tinh trùng vào tử cung để người phụ nữ có thể mang thai. Ngày tiến hành thủ thuật cần trùng hợp với ngày rụng trứng để đạt kết quả cao. Tinh trùng có thể là của chồng (artificial insemination husband) trong trường hợp bị bất lực, hoặc của người vô danh hiến tặng ngân hàng tinh trùng (artificial insemination donor) khi chồng vô sinh.

Asbestosis: bệnh do hít phải một số lượng lớn hoặc thường xuyên bụi amiăng, có thể đưa đến ung thư màng phổi.

Ascariasis: bệnh giun đũa.

Ascites: cổ trướng, dịch tích tụ trong xoang phúc mạc (peritoneum cavity) làm bụng căng to lên. Nguyên nhân: phúc mạc nhiễm lao (tuberculous peritonitis) nay ít còn xảy ra, suy tim, xơ gan, ung thư gan, ung thư buồng trứng v.v.

Asepsis: sự vô trùng.

Asperger’s syndrome: (tâm thần) hội chứng xảy ra cho trẻ con gần giống như bệnh tự kỷ (autism): đứa bé không thích chơi với ai, chỉ thui thủi một mình, nói năng cứng nhắc, có những sở thích cố định, một số có năng khiếu đặc biệt về computer, vẽ, chơi nhạc…Trí thông minh không bị ảnh hưởng, và nếu được phát hiện sớm để huấn dục thêm, nó sẽ sinh hoạt bình thường khi lớn lên.

Asphyxia: ngạt thở vì bị tắc hay tổn thương bất cứ phần nào của hệ hô hấp, khí oxi không tới được tế bào, nhất là tế bào não, nên rất nguy hiểm cho tính mạng. Nguyên nhân: chết đuối, tắc nghẹt đường hô hấp, hít phải hơi độc.

Association of ideas: (tâm lý) liên hợp một ý niệm này với ý niệm khác một cách có quy củ. Trong một số bệnh tâm thần, ví dụ tâm thần phân liệt, bệnh nhân mất đi sự liên hợp này.

Asthenia: suy nhược.

Asthma: suyễn (phế quản) xảy ra do những cơn co thắt kịch phát của phế quản làm khó thở. Cơn suyễn có thể nổi lên khi bệnh nhân tiếp cận với các yếu tố gây dị ứng như thực phẩm, dược phẩm (ví dụ aspirin), cố gắng quá sức, bị xúc động mạnh, nhiễm khuẩn v.v. Suyễn có thể đi kèm với những biểu hiện khác của sự quá nhạy cảm, ví dụ bệnh chàm (eczema), chứng sổ mũi do phấn hoa (hay fever). Một loại suyễn khác có tên là suyễn tim (cardiac asthma) xảy ra trong suy tim trái, cần phân biệt với suyễn phế quản vì hai cách điều trị khác nhau.

Astigmatism: loạn thị, một khuyết tật về thị giác trong đó hình ảnh của một vật bị méo đi, do độ cong bất thường của giác mạc (cornea) và/hay của thủy tinh thể (lens). Ðiều chỉnh bằng kính hình trụ (cylindric lens).

Ataxia: (thần kinh) não mất sự kiểm soát về điều hòa giữa tư thế của cơ thể và sức mạnh cùng hướng vận động của chi. Bệnh nhân đi đứng xiêu vẹo nhất là khi nhắm mắt lại, còn tay chân thì vụng về và hay run. Nguyên nhân: hư tổn tiểu não (cerebellum) hay các dây thần kinh về cảm giác.

Atelectasis: xẹp phổi, một phần phổi không nở ra. Nguyên nhân: phế nang (alveoli) chưa phát triển đầy đủ ở những bé sinh non, phế quản bị tắc vì đàm nhớt đóng lại sau khi mổ, vì suyễn, ho gà, viêm phế quản mạn tính, u bướu phổi, hạch lao ở phổi v.v., khi có vật lạ rơi vào phế quản.

Atheroma: mảng chất béo đóng ở mạch máu, hạn chế sự lưu thông của máu và tạo điều kiện cho máu đông cục lại. Các yếu tố đưa đến tình trạng này gồm có: ăn nhiều chất béo động vật và đường, hút thuốc, béo phì, ít vận động. Biến chứng là tắc nghẽn mạch gây đau thắt ngực, kích tim, đột quỵ (stroke), thối chân tay.

Atherosclerosis: xơ vữa mạch máu, mảng chất béo đóng ở thành mạch vỡ ra, huyết khối tụ lại, đưa đến kích tim, đột quỵ.

Athetosis: (thần kinh) chứng múa vờn, một cử động vặn vẹo không cố ý, nhất là ở bàn tay, mặt, lưỡi. Ðây thường là một dạng của bệnh liệt não (cerebral palsy).

Athlete’s foot (tinea pedis): một loại bệnh nấm ở giữa các khoé ngón chân, gây lở loét ở đấy nều có thêm nhiễm khuẩn.

Atopy: tình trạng dị ứng có tính di truyền, xảy ra trong nhiều loại bệnh như suyễn, chàm (eczema), sổ mũi vì hoa cỏ (hay fever) v.v.

Atresia: thiếu bẩm sinh hay hẹp bất thường ở một ống, một lỗ của cơ thể, ví dụ biliary atresia là hẹp ống mật gây chứng vàng da trầm trọng cho trẻ con.

Atrium: tâm nhĩ, một trong hai phòng phía trên tim. Tâm nhĩ trái nhận máu có khí oxi từ phổi đến; tâm nhĩ phải nhận máu đã nhả oxi từ các nơi của cơ thể về.

Atrophy: teo, do thoái hóa các tế bào vì cơ thể thiếu dinh dưỡng, vì không được sử dụng lâu ngày, ví dụ bị bệnh phải nằm liệt một chỗ, hoặc vì tuổi già.

Attention deficit hyperactivity disorder, ADHD: (tâm thần) một loại bệnh của trẻ con, trai mắc phải nhiều hơn gái, gồm năng động quá độ, hay nổi cơn bốc đồng, chọc phá trẻ khác, không chú ý vào sự việc

Audiogram / audiometer: thính lực đồ / thính lực kế.

Auditory nerve: (thần kinh) thần kinh thính giác (thần kinh số VIII).

Aura: dấu hiệu báo trước của một số cơn bệnh sắp xảy ra. Trong động kinh, bệnh nhân cảm thấy như có luồng khí lạnh chạy khắp cơ thể; nhức đầu nửa bên; ánh sáng lập loè trong mắt hoặc mờ mắt.

Autism: (tâm thần) tự kỷ, một bệnh tâm thần nặng của trẻ con phát sinh trước 3 tuổi. Ðứa bé không có khả năng truyền đạt bằng lời hoặc bằng dấu hiệu ý muốn của nó, làm đi làm lại một số động tác, có đứa còn đập đầu vào tường, cắn tay chân. Nó không thích quan hệ với ai, kể cả cha mẹ anh chị em, chỉ thích chơi với các đồ vật, và tỏ ra bực tức giận dữ khi có sự thay đổi môi trường quen thuộc, ví dụ đồ vật để đâu phải để nguyên chỗ cho nó. Hầu hết trẻ tự kỷ đều có trí thông minh dưới mức bình thường, nhưng một số có những kỹ năng đặc biệt như vẽ, đánh đàn, sử dụng computer v.v. Nguyên nhân có thể là di truyền, là tổn hại não, nhưng hoàn toàn không phải vì cách nuôi dưỡng của cha mẹ. Về điều trị thì giáo dục đặc biệt và lâu dài sẽ giúp cho đứa bé tiến bộ phần nào.

Autograft: ghép tự thân, lấy một bộ phận từ một nơi của cơ thể chuyển đến một nơi khác, ví dụ trong phỏng, lấy da từ đùi ghép vào.

Autoimmune diseases: bệnh tự miễn, kháng thể của chính mình quay sang đánh phá, gây tổn hại cho các bộ phận trong cơ thể. Một số bệnh là do tự miễn, ví dụ viêm khớp dạng thấp (rheumatoid arthritis), sốt thấp khớp (rheumatic fever), rối loạn chức năng tuyến giáp v.v.

Autonomic nervous system: (thần kinh) hệ thần kinh tự trị kiểm soát các chức năng cơ thể không do ý thức điều khiển, ví dụ tim đập, ra mồ hôi, tiêu hóa. Hệ gồm hai phần; thần kinh giao cảm (sympathetic nervous system) tiết ra chất truyền dẫn thần kinh Noradrenaline và phó giao cảm (parasympathetic nervous system), chất Acetylcholine. Tim, cơ trơn và hầu hết các tuyến tiếp nhận sợi thần kinh của cả hai loại.

Autopsy (post mortem): mổ khám nghiệm tử thi.

Autosuggestion: (tâm lý) tự kỷ ám thị, tự tạo những ý nghĩ nhẹ nhàng, vui tươi thoải mái để thay đổi tình trạng tâm lý hay sinh lý của bản thân. Thường là một kỹ thuật giúp chế ngự sự lo âu, hoặc các thói quen xấu, thiếu lành mạnh.

Aversion therapy: (tâm lý) một liệu pháp để thay đổi, làm giảm bớt các cư xử hành động không tốt, ví dụ uống rượu, sử dụng ma túy. Trong cai rượu, mỗi lần đưa rượu cho bệnh nhân, chuyên viên chạy một luồng điện thật đau, cứ thế vài lần nên họ biết sợ và quên rượu luôn.

Avitaminosis: chứng thiếu vitamin.

Axilla (armpit): nách, hốc nách.

Axon: đuôi tế bào thần kinh hình trục, có một lớp chất béo myelin bao quanh.

Azoospermia: vô tinh trùng, do dịch hoàn không sản xất ra tinh trùng, hoặc có sản xuất nhưng ống dẫn tinh bị tắc nên không có tinh trùng trong tinh khí.

[collapse]

B

Baby blues: (tâm thần) từ thông thường để nói về nỗi buồn khổ, mau chảy nước mắt có tính cách thoáng qua của các sản phụ mới sinh con, nhất là con đầu lòng.

Bacillus: khuẩn hình que.

Backbone (spinal column, vertebral column): cột sống bao quanh và bảo vệ tủy sống (spinal cord), gồm các đốt xương nối lại với nhau bằng những đĩa sụn và nhiều lớp dây chằng (ligament). Vùng cổ có 7 đốt (cervical vertebra), ngực 12 đốt (thoracic vertebra), thắt lưng 5 đốt (lumbar vertebra), xương cùng (sacrum) 5 đốt và xương cụt (coccyx) 4 đốt, các đốt của hai xương này dính lại với nhau. Như vậy, cột sống người lớn có tất cả 26 đốt. Một số bệnh xảy ra ở cột sống gồm: thoái hóa đĩa sụn, nhân đĩa sụn trồi ra rồi chèn ép dây thần kinh từ cột sống chạy ra, loãng xương, lao xương v.v.

Bacteria: khuẩn, có nhiều hình dạng khác nhau: hình cầu, que, xoắn, dấu phẩy, Nhiều loại khuẩn ký sinh không gây hại cho người, ví dụ khuẩn trong ruột già; một số khác gây bệnh bằng cách sản xuất nội / ngoại độc tố (endotoxin / exotoxin).

Bactericidal / bactericides: diệt khuẩn / các chất diệt khuẩn gồm thuốc kháng sinh, sát trùng và tẩy trùng.

Bacteriology / bacteriologist: khoa nghiên cứu về khuẩn / chuyên viên của ngành này..

Balanitis: viêm qui đầu dương vật, thường kết hợp với bao da qui đầu (phimosis).

Barbiturate: (thần kinh) nhóm dược phẩm làm giảm hoạt động của hệ thần kinh trung ương, dùng làm thuốc ngủ, gây mê, chữa động kinh. Vì các phụ chứng độc hại có khi chết người nếu uống quá liều, vì dễ đưa đến tình trạng bệnh nhân lệ thuộc vào nó nên hiện nay thuốc được thay thế bằng các loại khác an toàn hơn.

Barium sulphate: chất cản quang sử dụng để chụp Xquang bộ phận tiêu hóa.

Barotrauma: chấn thương gây hư tổn tai giữa / ống Eustache do thay đổi áp suất không khí khi di chuyển trên không (đi máy bay) hoặc lặn sâu dưới nước.

Bartholin’s glands: (sản phụ khoa) hai tuyến ở nơi tiếp giáp của âm đạo và âm hộ, tiết chất nhờn làm trơn âm đạo giúp dương vật dễ đưa vào khi giao cấu. Tuyến có thể bị viêm cấp hoặc mạn tính.

Basal cell carcinoma (rodent ulcer): ung thư biểu mô tế bào đáy, một loại ung thư gây loét, thường thấy ở bờ mi mắt, môi và mũi. Bệnh hủy hoại da, cơ bắp và xương, nhưng không lan đến các bộ phận cơ thể khác. Chữa trị bằng phẫu thuật, xạ trị, tiên liệu tốt.

Basal ganglia: (thần kinh) hạch đáy, gồm nhiều khối chất xám nằm sâu trong chất trắng của não, liên quan đến việc kiểm soát trong tiềm thức các cử động theo ý muốn.

Basal metabolism: chuyển hóa cơ bản, số năng lượng cần thiết cho cơ thể để duy trì các chức năng quan trọng như hô hấp, tuần hoàn, tiêu hóa. Nhiều yếu tố ảnh hưởng đến số liệu của chuyển hóa cơ bản: tuổi tác, phái tính, đặc biệt là hoạt động của tuyến giáp.

Battered baby syndrome: (tâm thần) hội chứng trẻ thơ bị đánh đập hành hạ. Cha mẹ các đứa bé này thường có rối loạn về cảm xúc, hoặc chính họ cũng từng bị hành hạ khi còn trẻ.

BCG (bacille Calmette-Guérin): một giống khuẩn lao đã mất khả năng gây bệnh nhưng vẫn còn giữ được tính tác động về đề kháng; vì vậy, được dùng để chế tạo thuốc chủng ngừa lao cho nhân viên y tế, trẻ sơ sinh của người dân đến từ các quốc gia có tỷ lệ lao cao, cho trẻ con tuổi từ 10-14 đang đi học.

Bedsore (decubitus ulcer, pressure sore): loét da, xảy ra cho bệnh nhân nằm liệt giường, do sức nặng cơ thể họ thường xuyên đè lên một chỗ. Vết loét có thể làm độc, cho nên cần thay đổi thế nằm của họ cứ hai giờ một lần, giữ thật sạch và khô ráo các vùng mông đít, lưng, vai, khuỷu tay và gót chân.

Bedwetting (enuresis): chứng đái dầm con nít, thường do hệ thần kinh kiểm soát chức năng của bọng đái chậm phát triển, tình trạng sẽ chấm dứt khi đứa trẻ lớn lên; một số ít trường hợp do rối loạn liên quan đến sự bài tiết nước tiểu: dị tật ở cơ quan tiết niệu, đái đường, nhiễm khuẩn, cần được chữa trị tận gốc.

Bell’s palsy: (thần kinh) liệt dây thần kinh mặt ở một bên, các cơ bắp ở mặt bị yếu, mắt không nhắm khít được, mép xệ xuống; một số bệnh nhân mắc thêm chứng mất vị giác, nghe tiếng động vang to hơn. Nguyên nhân chứng liệt này (gọi là liệt Bell, tên một vị bác sĩ) không rõ, tình trạng có thể tự nhiên khỏi. Các chứng liệt mặt khác là do siêu khuẩn bệnh dời leo (shingles), chấn thương dây thần kinh mặt vì tai nạn, vì mổ xẻ.

Bends (decompression sickness, caisson disease): đau khớp và xương, nhức đầu, xây xẩm, đôi khi liệt tay chân, xảy ra cho công nhân làm việc ở độ sâu bên trong thùng kín có áp suất cao, cho thợ lặn sâu rồi trồi lên mặt nước quá nhanh.

Benign: lành tính, trái với malignant là ác tính.

Benign intracranial hypertension: (thần kinh) tăng áp suất lành tính trong hộp sọ, do trở ngại của sự tái hấp thụ não thủy. Triệu chứng: nhức đầu, nôn mửa, nhìn thấy một thành hai, đĩa thị giác (optic disk) ở đáy mắt bị phù lên. Tình trạng có thể tự nhiên khỏi, nhưng đôi khi cần phải chữa trị để bảo vệ thị lực cho bệnh nhân.

Benign prostatic hyperplasia, BPH: phì đại lành tính tuyến tiền liệt, thường xảy ra cho đàn ông từ 50 tuổi trở lên, ép vào niệu đạo gây đái khó phải rặn, giòng tiểu yếu, đái nhiều lần cả ngày lẫn đêm, đôi khi buồn đái chạy không kịp són ra cả quần. Chữa trị bằng thuốc, phẫu thuật lạng hoặc cắt bỏ tuyến.

Beriberi: rối loạn dinh dưỡng do thiếu vitamin B1, xảy ra nếu ăn gạo giả quá trắng làm mất đi chất cám chứa nhiều vitamin B1. Có hai dạng: dạng ướt gây phù nề ở mặt, chân; dạng khô làm cơ bắp teo lại. Cả hai đều có thoái hóa dây thần kinh và bệnh nhân thường chết vì suy tim, nếu không được can thiệp kịp thời.

Beta-blockers: loại dược phẩm dùng để chữa trị các rối loạn nhịp tim, đau thắt ngực, cao huyết áp. Thuốc có thể gây co thắt phế quản, nên ai bị suyễn cần phải hỏi ý kiến bác sĩ.

Bezoar: khối các vật lạ nuốt vào dạ dày, xảy ra cho bệnh nhân tâm thần. Các vật này, ví dụ tóc, tích tụ lại thành khối và có thể gây tắc dạ dày phải mổ lấy ra.

Bicuspid valve: van hai lá, ngăn tâm nhĩ với tâm thất trái.

Bile: mật, do gan tiết ra và tích tụ trong túi mật để từng lúc đổ vào tá tràng, giúp tiêu hóa chất béo. Thành phần gồm muối mật, sắc tố mật, cholesterol.

Bile duct: ống dẫn mât, chuyên chở mật từ gan ra. Hệ thống gồm những ống nhỏ tập trung lại vào ống dẫn mật gan (hepatic duct), rồi cùng với ống dẫn mật của túi mật (cystic duct) hợp thành ống dẫn mật chung (common hepatic duct).

Bile pigment: sắc tố mật, do huyết sắc tố haemoglobin của hồng huyết cầu phân hủy và tiết ra trong mật. Có hai loại: bilirubin màu cam hay vàng và biliverdin màu xanh lá cây. Các sắc tố mật phối hợp với chất chứa trong ruột làm phân có màu nâu.

Bile salts: muối mật, cần cho sự nhũ hóa (emulsification) các chất béo.

Biliary atresia: hẹp ống dẫn mật bẩm sinh, gây chứng vàng da nghiêm trọng cho trẻ sơ sinh.

Biliary colic: đau dữ dội ở bụng trên bên phải, do tắc ở túi mật hay ống dẫn mật, thường là vì sạn mật, một ít trường hợp vì ung thư ở đầu tụy tạng (pancreas) đè lên.

Biochemistry: sinh hóa học, môn học về các tiến trình hóa học xảy ra trong sinh vật.

Biofeedback training: (tâm lý) một kỹ thuật theo đó một người dùng những thông tin về các chức năng của cơ thể không nhận thức được, ví dụ huyết áp, để tự kiểm soát chức năng đó. Kỹ thuật giúp chữa trị một số bệnh liên quan đến căng thẳng tinh thần như cao huyết áp, lo âu, nhức đầu nửa bên (migraine).

Biopsy: sinh thiết, lấy một mẩu mô sống từ một cơ quan của cơ thể để xét nghiệm dưới kính hiển vi, dùng chẩn đoán ung thư và một số bệnh khác.

Bipolar disorder: (tâm thần) bệnh về cảm xúc gồm hai hình thức trái ngược và xen kẽ nhau: trầm cảm và hưng cảm (manic depressive illness).

Birthmark: vết chàm có lúc mới sinh, gồm bớt, tàn nhan, nốt ruồi.

Bisexual: lưỡng tính dục, bị lôi cuốn tình dục với cả hai phái.

Blackwater fever: sốt đái nước đái đen, một thể nghiêm trọng của sốt rét, do loại ký sinh Plasmodium falsiparum gây ra, làm vỡ hàng loạt hồng huyết cầu giải phóng huyết sắc tố trong nước tiểu. Bệnh nhân còn bị vàng da, gan lách to lên, thiếu máu, kiệt sức.

Bladder: bọng đái, cơ quan chứa nước tiểu chảy từ thận xuống qua niệu quản (ureter) rồi bài tiết ra ngoài qua niệu đạo (urethra). Nơi tiếp giáp giữa bọng đái và niệu đạo là cổ bọng đái (bladder neck), bên ngoài ở đàn ông có tuyến tiền liệt. Hoạt động của cổ bọng đái do hệ thần kinh tự trị vùng chậu điều khiển. Bệnh ở bọng đái gồm viêm nhiễm khuẩn, sạn, u lành và ác tính, chấn thương tủy sống gây hư hại dây thần kinh điều khiển hoạt động của bọng đái, các bệnh như tiểu đường, đa xơ thần kinh hệ (multiple sclerosis), già lẫn… ảnh hưởng đến chức năng của bọng đái.

Bleeding disorders: bệnh về chảy máu, có nhiều nguyên nhân: 1- rối loạn đông máu bẩm sinh, ví dụ bệnh ưa chảy máu (haemophilia), Christmas disease, Von Willebrand’s disease, hoặc mắc phải do uống thuốc chống đông máu, suy gan, bệnh đường ruột. 2- tiểu cầu (platelet) thiếu vì ung thư máu. 3- mạch máu bị tổn hại vì cơ thể thiếu vitamin C, vì uống nhiều thuốc steroid.

Blennorrhagia: dịch nhờn có mủ từ niệu đạo tiết ra, do nhiễm khuẩn, ví dụ khuẩn lậu mủ.

Blepharitis: viêm bờ mi mắt, gồm thể có vảy, thể loét mạn tính và thể do dị ứng.Blepharospasm: co giật mi mắt, do đau mắt, hoặc là hình thái của chứng rối loạn trương lựcBlister: bóng nước, một chỗ da phồng chứa dịch lỏng, đôi khi là máu.

Blocking: (tâm thần) ngưng chặn dòng suy nghĩ hay lời nói. Tình trạng này nếu kèm với cảm giác các ý nghĩ biến mất trong trí là một triệu chứng của bệnh tâm thần phân liệt.

Blood: máu, gồm tế bào máu và một môi trường lỏng gọi là huyết tương (plasma). Người lớn trung bình có 5 lít máu (70 mililít máu cho mỗi kí lô nặng của cơ thể).

Blood cells: tế bào máu, gồm ba loại: 1- hồng cầu (red blood cells). 2- bạch cầu (white blood cells) chia ra ba phân loại: bạch cầu hạt (granulocytes), lymphô bào (lymphocytes) và bạch cầu đơn nhân (monocytes). 3- tiểu cầu (platelets), có vai trò trong sự đông máu.

Blood clot / blood coagulation: cục máu / sự đông máu.

Blood group: nhóm máu, được phân loại dựa trên kháng nguyên hiện diện ở bề mặt hồng cầu Có hơn 30 hệ thống nhóm máu, quan trọng nhất là hệ thống ABO, căn cứ trên sự có hay không có kháng nguyên A và B. Nhóm máu A có kháng nguyên A, nhóm B kháng nguyên B, nhóm AB có cả hai và nhóm O không có kháng nguyên nào. Ngoài ra, máu còn được phân loại thành hai nhóm: nhóm có kháng nguyên D, gọi là Rhesus dương (Rh+, 85% trong dân chúng) và không có kháng nguyên D là Rhesus âm (Rh-, 15% trong dân chúng). Như vậy, để cho đầy đủ, máu được phân loại là O Rh+ hoặc O Rh-, A Rh+ hoặc A Rh- v.v. Trong việc truyền máu, người thuộc nhóm A có thể nhận được máu A và O, B nhận máu B và O, AB nhận bất cứ máu loại nào và O chỉ nhận được máu O mà thôi. Ngoài ra, còn phải phân biệt xem người nhận thuộc Rh+ hoặc Rh-.

Blood poisoning: nhiễm độc máu, do độc tố của khuẩn tiết ra, hoặc do quá nhiều khuẩn hiện diện trong máu, gây cho bệnh trở nên trầm trọng.

Blood pressure: huyết áp, áp suất của máu trên thành các động mạch chính. Áp suất cao nhất khi các tâm thất co bóp lại (áp suất tâm thu, systolic pressure) và thấp nhất khi các tâm thất giãn ra và máu đổ về đấy (áp suất tâm trương, diastolic pressure). Ðộ huyết áp thay đổi với số tuổi, một người trưởng thành trẻ tuổi có huyết áp tâm thu khoảng 120 milimét và tâm trương khoảng 80 milimét, ghi tắt là 120/80. Huyết áp được điều chỉnh dưới sự kiểm soát của hệ thần kinh giao cảm và các hóc môn.

Blood sugar: đường máu, nồng độ ghi bằng millimol trong một lít máu. Con số bình thường là 3-5 millimol / lít. Việc định lượng đường máu được tiến hành trong nhiều loại bệnh, đặc biệt là tiểu đường

Blue baby: bé sơ sinh có nước da xanh tái, do dị tật tim bẩm sinh.

Body mass index, BMI: chỉ số khối thân thể, cho biết mức độ cao thấp trong vấn đề bảo quản sức khoẻ. Chỉ số được tính như sau: lấy cân nặng bằng kí lô chia cho bình phương của chiều cao bằng mét; ví dụ nặng 70 kí lô, cao 1 mét 60, chỉ số sẽ là 70: 1.60 x 1.60 = 27.34. BMI trung bình là 20-25, dưới 20 là có cân nặng thấp so với chiều cao, từ 25-30 là hơi quá cân lượng, 30 đến 35 là béo và trên nữa là phì nộn.

Boil (furuncle): mụt nhọt, thường do khuẩn Staphylococcus aureus gây ra. Người hay bị mọc mụt nên được kiểm tra về bệnh tiểu đường.

Bonding: (tâm lý) sự tạo một mối liên quan mật thiết về tâm lý và tình cảm giữa đứa trẻ và cha mẹ nó, nhất là mẹ. Ðiều này rất cần thiết để về sau sự phát triển tình cảm của nó được lành mạnh tốt đẹp.

Bone: xương, một mô liên kết đặc và cứng chứa đựng calcium carbonate và calcium phosphate. Xương gồm thân (diaphysis) và đầu (epiphysis), thành phần từ ngoài vào là: màng xương (periosteum) với nhiều mạch máu và dây thần kinh; xương đặc (compact bone); xương xốp (spongy bone) chứa tủy (marrow) màu vàng ở thân và đỏ ở đầu xương. Hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu được sản xuất tại tủy đỏ. Khi bào thai được 5-6 tuần, xương còn ở tình trạng sụn và bắt đầu xương hóa từ 8 tuần trở đi. Sự tăng trưởng có sự hài hòa giữa tế bào tạo xương (osteoblast) và tế bào hủy xương (osteoclast), đặt dưới sự kiểm soát của các hóc môn tuyến yên (pituitary gland), tuyến giáp và cận giáp (thyroid and parathyroid glands), hóc môn phái tính.

Bone cancer: ung thư xương, gồm: 1- ung thư tiên phát, loại sarcoma (osteosarcoma) thường xảy ra ở xương chân con nít và người trẻ tuổi; loại sarcoma sụn (chondrosarcoma) và ung thư tủy

(myeloma). 2- thứ phát từ các nơi như vú, phổi, tuyến tiền liệt, tuyến giáp và thận di căn đến. Chữa trị bằng mổ cắt chi, xạ trị, thuốc kháng ung thư và hóc môn.

Bone graft: ghép xương, lấy mẩu xương ở một nơi của cơ thể ghép vào chỗ xương hư để làm một cái sườn cho xương mới mọc ra. Phẫu thuật được áp dụng giúp xương gẫy chóng lành, thay thế phần xương bệnh phải mổ bỏ, làm chốt nối hai xương lại với nhau, chỉnh hình xương mặt và sọ.

Bone marrow / bone marrow biopsy: tủy xương, gồm tủy đỏ và tủy vàng. Tủy đỏ là nơi sản xuất ra các tế bào máu và ở người lớn chỉ còn tập trung tại xương sống, xương đòn (clavicle), xương bả vai, xương ức, xương chậu và xương sọ / sinh thiết tủy xương, bằng cách hút hay khoan xương ức hoặc bìa trên xương chậu, để xét nghiệm thành phần tế bào máu ở đấy cùng những tế bào bất thường khác.

Bone marrow transplant: Kỹ thuật ghép tủy xương bình thường thay tủy xương bị ung thư hoặc có những tế bào bất thường. Khoảng 20-50 mililít tủy đỏ được lấy ra từ xương ức hay xương chậu của người hiến tặng rồi truyền vào tĩnh mạch bệnh nhân.

Người hiến tặng thường là anh chị em của người nhận, xác suất tương hợp là 25% cho mỗi người. Biến chứng: nhiễm khuẩn, phần ghép phản ứng chống lại ký chủ (graft versus host) gây triệu chứng như nổi đỏ ở da, vàng da, tiêu chảy, suy thận cấp tính

Borborygmus: sôi ruột, do chuyển động của dịch và khí trong ruột.

Borderline personality disorder: (tâm thần) một loại rối loạn nhân cách, người mắc phải không thể duy trì được quan hệ bền vững với bất cứ ai. Cảm xúc của họ thay đổi nhanh và vô cớ, hay giận dữ nổi cơn bốc đồng, có người còn tự hại mình qua những hành động như đánh bạc, trộm cắp, toan tính quyên sinh.

Botulinum toxin: độc tố rất mạnh của khuẩn Clostridium botulinum. Với một liều thật nhỏ, độc tố được sử dụng để chữa các chứng co giật cơ bắp quanh mắt, co giật chân tay trong bệnh liệt não (cerebral palsy), nhăn da mặt v.v.

Botulism: một dạng ngộ độc thực phẩm nặng gây ra bởi độc tố của khuẩn Clostridium botulinum, nạn nhân chết vì suy tim và suy hô hấp do rối loạn chức năng của trung tâm điều hành tim và phổi thuộc não bộ. Khuẩn phát triển trong thực phẩm tồn trử không đúng cách, ví dụ thịt hộp để lâu ngày. Ðộc tố có thể bị tiêu diệt nếu thức ăn được nấu thật chín.

Brachytherapy: một liệu pháp xạ trị, dùng sợi dây hoặc hạt chứa phóng xạ đặt gần sát hay bên trong u bướu độc, ví dụ u ung thư tuyến tiền liệt.

Brady-: tiếp đầu ngữ chỉ sự chậm, ví dụ bradycardia = tim đập chậm, dưới 50 nhịp mỗi phút.

Bradykinesia: (thần kinh) vận động chậm, một triệu chứng của bệnh Parkinson gồm khó khăn khi bắt đầu cử động, cử động rồi thì tiến hành một cách chậm chạp và mất khả năng điều chỉnh tư thế.

Braille: chữ braille, một hệ thống gồm những kiểu chấm nổi tượng trưng cho mỗi chữ cái, do bác sĩ Louis Braille lập ra năm 1837. Người mù sờ vào có thể đọc được chữ.

Brain: (thần kinh) não, một khối lớn và rất phát triển của mô thần kinh, trọng lượng trung bình là 1.400 gram, bằng 2% sức nặng của cơ thể nhưng nhận đến 20% số máu từ tim bơm ra. Não gồm hai bán cầu, mỗi bên có 4 thùy đảm trách nhiệm vụ khác nhau: thùy trán (frontal lobe), đỉnh (parietal lobe), thái dương (temporal lobe) và chẩm (occipital lobe). Não có hai lớp, bên ngoài là vỏ não (cerebral cortex) gồm chất xám, dưới đó là chất trắng. Nằm sâu trong não có một số thành phần quan trọng: hạch đáy (basal ganglia); đồi thị (thalamus) chuyển cảm giác đến não; hạ đồi thị (hypothalamus) điều hòa các hóc môn của tuyến yên, thân nhiệt, ăn và uống, tình dục, giấc ngủ; tuyến yên (pituitary gland) tiết hóc môn điều hòa các hóc môn khác trong cơ thể; hệ viền (limbic system); bao trong (internal capsule) gồm chùm thần kinh bó tháp từ não chạy xuống tủy sống; thể chai (corpus callosum) nối hai bán cầu với nhau. Tuy não gồm 2 bán cầu nhưng các chức năng quan trọng như nói, viết là do một bên có vai trò vượt trội hơn đảm trách, bên trái đối với người quen sử dụng tay phải, bán cầu kia giữ phần định hướng về không gian, về sáng tạo và nghệ thuật. Bên ngoài não (và tủy sống) là lớp màng não (meninges) trong đó có thủy dịch lưu thông gọi là não thủy (cerebrospinal fluid, CSF) nuôi dưỡng và bảo vệ hệ thần kinh; não thủy cũng lưu thông trong 4 hốc của não (ventricle). Việc chuyển tín hiệu do chất truyền dẫn thần kinh (neurotransmitter) đảm trách: Noradrenaline, Serotonin, Dopamine và Gamma aminobutyric acid (GABA). Những khuyết tật, rối loạn ở não có thể là: 1- tật bẩm sinh như hội chứng Down, não nhỏ hơn bình thường (microcephaly), não thủy tích tụ trong hốc não (hydrocephalus). 2- nguồn tiếp tế máu và khí oxi bị gián đoạn nhất là khi sinh đẻ, gây chứng liệt não (cerebral palsy), tai biến mạch máu não. 3- chấn thương sọ não. 4- nhiễm khuẩn và siêu khuẩn. 5- u bướu lành và ác tính. 6- thoái hóa não trong bệnh đa xơ thần kinh hệ (multiple sclerosis), bệnh Parkinson, bệnh Alzheimer. 7- bệnh tâm thần.

Brain death: (thần kinh) não chết, toàn bộ chức năng não và cuống não của một người ngừng hoạt động và không hồi phục lại, nên người ấy được coi là đã chết mặc dù tim vẫn đập, phổi vẫn thở (nhờ trợ khí cụ). .

Brain haemorrhage: (thần kinh) xuất huyết não, bên trong hoặc quanh não. Có 4 loại: xuất huyết bên ngoài lớp vỏ cứng của não (extradural haemorrhage) hoặc dưới lớp ấy (subdural haemorrage), cả hai thường do chấn thương; xuất huyết dưới lớp màng nhện (subarachnoid haemorrhage) và bên trong não (intracerebral haemorrhage), do vỡ động mạch não vì cao huyết áp, vì phồng động mạch (aneurysm), cả hai là một trường hợp khẩn cấp.

Brainstem: (thần kinh) cuống não, phần trên của tủy sống phình to ra và dính với não, chuyển tín hiệu giữa não và tủy sống, kiểm soát những chức năng cơ bản như thở, nhịp tim, huyết áp, tiêu hóa, giấc ngủ.

Brain tumour: (thần kinh) u bướu não, gồm loại lành tính (ví dụ u bướu màng não, meningioma) hay ác tính (ví dụ glioma, medulloblastoma). Cả hai làm tăng áp suất trong não, có thể gây nhức đầu, động kinh, mờ mắt, thấy hai hình v.v.

Breastbone (sternum): xương ức, nằm phía trước ngực.

Breast: (sản phụ khoa) vú, gồm mô mỡ và nhiều tiểu thùy sản xuất sữa chảy vào các ống dẫn nhỏ rồi ra ngoài ở núm vú. Bệnh có thể xảy ra là: 1- nhiễm khuẩn gây viêm sưng (mastitis), nếu không chữa trị sẽ dẫn đến mủ tụ lại một chỗ (breast abscess). 2- u bướu, lành tính như nang nước (cyst), u xơ tuyến (fibroadenoma), hoặc ác tính như ung thư. 3- rối loạn về hóc môn, vú căng đau trước khi có kinh, chứng sữa chảy ra nhiều (galactorrhoea).

Breast cancer: (sản phụ khoa) ung thư vú, xảy ra nhiều nhất trong các loại ung thư của phụ nữ, tỷ lệ 1 trên 14 người. Nguyên nhân: 1- di truyền, phụ nữ mang gen BRCA1 và BRCA2 đã chuyển hóa (mutation) có 55%-85% nguy cơ mắc phải lúc còn trẻ, thân nhân (mẹ, chị em) bị ung thư vú. 2- hóc môn: uống thuốc ngừa thai lâu ngày, có kinh sớm, tắt kinh muộn, không sinh đẻ. 3- ăn nhiều chất béo, người mập phì to lớn đẫy đà. Dấu hiệu gồm bướu vú sờ thấy, dịch màu nâu hoặc máu tiết ra ở núm vú, núm vú lộn thụt vào, một vùng da vú nhăn như vỏ cam, hạch ở nách. Ðịnh bệnh qua khám lâm sàng, chụp X quang vú (mammography), hút dịch ở nang vú, sinh thiết. Chữa trị bằng phẫu thuật cắt một phần hoặc toàn bộ vú, phối hợp với xạ trị, thuốc chống ung thư, hóc môn như Tamoxifen. Arimidex, Femara v.v.

Breath holding attacks: cơn ngưng thở cố ý của trẻ con 1-2 tuổi, biểu lộ sự không bằng lòng hay tức giận của nó, để cha mẹ chiều theo ý. Nên để mặc, cơn sẽ hết vào khoảng 4-5 tuổi.

Breathlessness: thở nhanh và nông.

Breech presentation: (sản phụ khoa) chửa ngôi mông, chửa ‘ngược’.

Bronchiectasis: giãn phế quản. Nguyên nhân: bẩm sinh, ho gà, sởi, u bướu mọc ở phế quản, vật lạ rơi vào đấy. Bệnh nhân ho khạc ra đàm có mủ lẫn máu. Ðịnh bệnh qua khám lâm sàng, chụp Xquang phế quản, soi phế quản. Chữa trị bằng kháng sinh, đặt bệnh nhân nằm ở thế để đàm nhớt dễ thoát ra, giải phẫu cắt phổi nơi có phế quản giãn.

Bronchiole / bronchiolitis: tiểu phế quản, tiếp nối phế quản và chia ra nhiều nhánh nhỏ khác, tận cùng là phế nang (alveolus) / viêm tiểu phế quản do siêu khuẩn Respiratory syncytial virus, thường xảy ra cho hài nhi và trẻ con, gây khó thở, da và môi xanh tím. Chữa trị bằng thở khí oxi, sinh lý liệu pháp để đàm nhớt dễ thoát ra, đôi khi phải dùng đến máy trợ thở (ventilator); kháng sinh chỉ được cấp khi có bội nhiễm khuẩn.

Bronchitis: viêm phế quản, có thể là cấp hay mạn tính, do khuẩn, siêu khuẩn, không khí ô nhiễm, hút thuốc lá. Trong viêm mạn tính, phế quản bị hẹp và tắc, tiết ra nhiều chất nhờn nên bệnh nhân ho và khạc đàm nhớt mỗi ngày trong nhiều năm tháng. Bệnh thường kết hợp với phế thủng (emphysema), gọi chung là bệnh nghẹt tắc phổi mạn tính (chronic obstructive pulmonary disease, COPD), lâu ngày đưa đến suy tim. Chữa trị bằng thuốc giãn phế quản, thở khí oxi và tuyệt đối ngưng thuốc lá.

Bronchodilatator drug: thuốc giãn phế quản dùng trong các bệnh hen suyễn, viêm phế quản mạn tính.

Bronchography: chụp phế quản bằng cách bơm chất cản quang vào đấy. Trước kia dùng để định bệnh giãn phế quản, nhưng nay ít còn dược sử dụng vì đã có nhiều phương cách khác như CT scan, soi phế quản.

Bronchopneumonia: một loại sưng phổi, ổ viêm nhiễm gồm những mảng nhỏ lan khắp phổi, thay vì tập trung tại một thùy phổi. Thể sưng phổi này thường là nguyên nhân gây chết cho những ai mắc bệnh mạn tính.

Bronchoscopy: soi phế quản để định bệnh và chữa trị.

Bronchus, số nhiều = bronchi: phế quản.

Bruxism: thói ngiến răng.

Bulimia: (tâm thần) bệnh ăn uống vô độ, xảy ra cho nữ giới từ 15-30 tuổi. Ðây là một thể của bệnh chán ăn tâm thần (anorexia nervosa): sau một thời gian dài ăn uống rất ít, bệnh nhân phát lên thèm ăn rồi ăn uống vô độ; nhưng vì sợ béo phì nên họ chọc tay vào mồm cho mửa ra, hoặc uống thuốc xổ, tập thể dục nhiều. Chữa trị bằng cách theo dõi vấn đề ăn uống của họ, tâm lý liệu pháp, thuốc chống trầm cảm. Bệnh dễ tái lại.

Bunion: viêm khớp ngón chân cái – xương thứ nhất bàn chân. Bìu (bursa) chứa hoạt dịch ở đó sưng lên, ngón cái lệch về phía các ngón khác. Nguyên nhân thường do đi giày không vừa chân, chữa trị bằng giải phẫu.

Burn: phỏng, có nhiều mức độ: độ một chỉ ảnh hưởng lớp da ngoài (biểu bì); độ hai, cả lớp bì và biểu bì bị tổn hại; độ ba, toàn bộ bề dày của da và các mô bên dưới bị ảnh hưởng. Trong phỏng nặng (từ 15% hay hơn cho người lớn, 10% hay hơn cho trẻ con), cơ thể mất nhiều huyết tương gây sốc nặng, cần được xử lý ngay. Phỏng còn thêm nguy cơ bị nhiễm khuẩn, nên sự chăm sóc phải giữ vô trùng tối đa.

Bursa / bursitis: túi, bìu bên ngoài màng bao khớp, chứa hoạt dịch giúp giảm bớt sự ma sát của khớp / viêm túi do chấn thương, nhiễm khuẩn, bệnh của khớp, thường xảy ra ở vai, khuỷu tay, đầu gối, ngón chân cái.

Bypass operation: mổ đường vòng, áp dụng ở động mạch, tĩnh mạch và ruột. Tại động mạch, mổ được tiến hành trong trường hợp tắc nghẽn mạch máu vành tim, mạch máu cổ, mạch máu chân; tại tĩnh mạch, áp dụng trong tăng áp suất tĩnh mạch cửa (portal hypertension) do gan bị bệnh, ví dụ chai gan; ở ruột, nối đường vòng để khỏi tắc khi ung thư đã lan ra nhiều không cắt bỏ được.

[collapse]

C

Cachexia: suy mòn cơ thể trầm trọng, xảy ra trong các bệnh mạn tính như ung thư, lao phổi.

Caecostomy: mở thông manh tràng (caecum, phần đầu của ruột già nối với phần cuối của ruột non) ra ngoài thành bụng để dẫn lưu dịch tiêu hóa và phân.

Caesarian section: (sản phụ khoa) mổ bụng đem con ra ngoài, được thực hiện khi có nguy cơ 1- cho hài nhi vì thai quá lớn, nằm ở vị trí bất thường, bị ngạt không đủ khí oxi lên não, nhau đóng thấp bít lối ra. 2- cho sản phụ nếu thời gian sinh con kéo dài quá lâu, bị chứng tiền sản giật (toxaemia), bệnh tim.

Calcitonin: hóc môn tuyến giáp tiết ra, kiểm soát lượng calcium máu. Ðược dùng trong bệnh Paget xương, trong calcium máu tăng cao vì hoạt động quá tải của tuyến cận giáp (parathyroid glands).

Calcium channel blockers: thuốc chữa đau thắt ngực, cao huyết áp và một vài loại loạn nhịp tim: Amlodipine, Nicardipine, Nifedipine v.v. Phụ chứng gồm phừng mặt, sưng cổ chân, nhức đầu, choáng váng.

Calculus: 1- sỏi, một khối cứng giống đá cuội tạo ra trong cơ thể, đặc biệt là ở túi mật, đường tiểu. 2- khối calcium đóng trên mặt răng, có thể làm nướu răng bị hư.

Callus: 1- một chỗ xương mới mọc nối hai đầu xương gẫy với nhau. 2- chai da, do ma sát, ví dụ ở bàn tay và chân.

Cancer: ung thư, một loại u ác tính mọc lên tại một nơi của cơ thể, do tế bào ở đó phát triển một cách vô tổ chức và không kiểm soát được rồi lớn dần và hủy diệt các mô xung quanh. Ung thư còn lan đến cơ quan khác (di căn, metastasis) qua đường máu hoặc bạch huyết, tạo ra ung thư thứ cấp mọc ở một nơi xa, ví dụ ung thư vú di căn đến xương. Yếu tố đưa đến ung thư có thể là: hút thuốc lá hay hít phải khói thuốc của người khác, rượu, thực phẩm, siêu khuẩn, tia phóng xạ, hóa chất, môi trường đang sống, di truyền. Phần chữa trị có nhiều phương cách, riêng rẽ hoặc phối hợp với nhau: giải phẫu, xạ trị, thuốc chống ung thư, hóc môn (trong ung thư vú, ung thư tuyến tiền liệt).

Cancerphobia: (tâm lý) nỗi ám ảnh, sự sợ hãi về bệnh ung thư. Tuy chỉ có một vài triệu chứng thông thường, nhưng người mắc phải hay đến khám bác sĩ và có một nếp sống bất thường như rửa tay nhiều lần, tránh không tiếp xúc với ai, ăn uống khác lạ v.v.

Cancrum oris (noma): lở loét trong và quanh mồm, xảy ra cho trẻ con thiếu dinh dưỡng ở các xứ chậm tiến.

Candidiasis (thrush): nhiễm nấm Candida albicans, thường xảy ra ở âm đạo, trong mồm, vùng da ướt. Các yếu tố tạo điều kiện là uống kháng sinh lâu ngày, cơ thể suy nhược, bệnh tiểu đường, có thai, uống thuốc ngừa thai, giao cấu với người mắc bệnh. Nấm ở âm đạo có chất tiết ra màu trắng sệt như cheese, gây ngứa ngáy, đái khó và gắt; ở mồm mọc những vết trắng trên lưỡi và mặt trong má. Chữa trị với Nystatin, Clotrimazole, Miconazole.

Cannabis: cần sa, lấy từ cây Cannabis sativa, lá xắt nhỏ để hút, uống như trà hoặc trộn với thức ăn. Tinh chất của nó là Tetrahydroxy cannabinol, cũng có trong nhựa cây (hashish). Khi hút, người sử dụng cảm thấy sản khoái, lơ mơ, thư giãn, thời khắc như chậm lại, trí tưởng tượng thêm phong phú, các hình ảnh cũng chói sáng hơn. Nếu hút nhiều sẽ gây cho họ những cơn hoảng sợ, ảo giác và hoang tưởng (delusion) bị người khác rình rập ám hại. Ngoài ra, họ có thể mắc phải ung thư phổi, viêm phế quản mạn tính, ung thư mồm và thực quản, và tai hại nhất là con đường đưa đến sử dụng ma túy không xa.

Cannula: ống thông bằng nhựa hoặc kim khí đưa vào mạch máu, vào các xoang của cơ thể, ví dụ bọng đái để nước tiểu thoát ra.

Capillary: mao mạch, mạch máu nhỏ li ti tạo thành một mạng lưới trong hầu hết các mô. Thành mạch rất mỏng, giúp trao đổi khí oxi, đường, nước, khí carbon dioxide và chất phế thải; bạch cầu có thể đi xuyên qua để tấn công khuẩn. Mao mạch dễ vỡ ở người già, khi sử dụng nhiều thuốc corticosteroid, cơ thể thiếu vitamin C. U huyết quản (haemangioma) là u lành tính của mao mạch, tạo những vết đỏ trên da, ở niêm mạc.

Capsulitis: viêm bao bao quanh một cơ quan, ví dụ khớp. Tại vai, viêm bao làm cứng khớp không đưa tay lên được (frozen shoulder).

Carbohydrate: hợp chất chứa đường và tinh bột, một trong những nguồn cung cấp quan trọng về năng lượng cho cơ thể, hai nguồn kia là đạm và chất béo. Qua quá trình chuyển hóa, hợp chất tạo ra đường glucose, phần chưa dùng đến được tích trử trong gan và cơ bắp dưới dạng glycogen, để biến trở lại thành glucose khi cần thêm năng lượng.

Carbon dioxide: một khí không màu sắc tạo ra từ chuyển hóa của đường và mỡ, và được chuyên chở như một chất phế thải đến phổi để thở ra ngoài không khí. Công thức hóa học là CO2.

Carbon monoxide: một khí không màu sắc, không mùi vị, rất độc hại. Khi hít vào, khí hợp với huyết sắc tố haemoglobin của hồng cầu để tạo ra carboxyhaemoglobin. Hợp chất này rất bền chắc và do đó ngăn haemoglobin không kết nạp khí oxi được, các tế bào sẽ bị ngạt (asphyxia). Nạn nhân cảm thấy choáng váng, nhức đầu, buồn nôn và ngất đi. Công thức hóa học là CO, có trong khói xe, khói nhà máy, than củi đốt v.v.

Carbuncle: tập hợp của nhiều nhọt với nhiều khe dẫn lưu, thường do khuẩn Staphylococcus aureus, tạo thành những vùng da lớn bị tróc. Chữa trị với kháng sinh, đôi khi phải xẻ cho mủ thoát ra.

Carcinogen: tác nhân gây ung thư: hóa chất, thuốc lá, phóng xạ, tia cực tím mặt trời, khuẩn, nấm, thực phẩm v.v.

Cardia-: tiếp đầu ngữ để chỉ về tim, ví dụ cardiomegaly = to tim.

Cardiac arrest: sự ngưng hoạt động bơm máu của cơ tim, thường do nhồi máu cơ tim (myocardial infarction, heart attack); các nguyên nhân khác có thể là ngưng hô hấp, điện giật, thân nhiệt hạ xuống thấp (hypothermia), mất nhiều máu, sốc dị ứng, uống thuốc quá liều. Bệnh nhân bị bất tỉnh, ngừng thở, mạch không bắt được, tình trạng này cần được hồi sinh ngay tức khắc.

Cardiology / cardiologist: khoa tim mạch / bác sĩ chuyên khoa tim mạch.

Cardiomyopathy: bệnh cơ tim, nguyên nhân có thể là: siêu khuẩn, nghiện rượu nặng, thiếu vitamin B1, nhiễm độc, bệnh thoái hóa, bệnh tự miễn. Tim to ra, gây chóng mặt, đau thắt ngực, đánh trống ngực, loạn nhịp tim, cuối cùng là suy tim. Chữa trị với thuốc trợ tim, nhưng cơ bản là thay tim.

Cardiopulmonary bypass: phương pháp duy trì sự tuần hoàn của cơ thể trong khi tim ngừng đập, để bác sĩ tiến hành cuộc giải phẫu ở đó.

Cardiopulmonary resuscitation: phép hồi sinh giúp tim phổi hoạt động trở lại khi tim ngừng đập.

Cardiovascular system: hệ tim mạch.

Cardioversion: khử rung, một phương pháp phục hồi cho nhịp tim trở lại bình thường, trong trường hợp loạn nhịp tim. Dụng cụ sử dụng có tên là defibrillator.

Caries: bệnh sâu răng.

Carotene: sắc tố màu vàng hoặc cam của cây củ như củ cà rốt Một trong những sắc tố này là Beta-carotene, có thể biến đổi thành vitamin A.

Carotid artery: động mạch cảnh ở hai bên cổ, gồm động mạch chung và chia thành hai nhánh: nhánh trong (internal carotid) cung cấp máu cho não bộ, trán, mũi, mắt, tai giữa, và nhánh ngoài (external carotid) cung cấp máu cho da đầu, mặt, cổ. Mảng chất béo có thể đóng vào động mạch cảnh gây tai biến mạch máu não (stroke).

Carpal tunnel: đưởng hầm cổ tay, khoảng trống giữa xương cổ tay và dây chằng (ligament) phủ trên mặt, bên trong có dây thần kinh giữa (median nerve) và các sợi gân (tendon) cơ bắp gập ngón tay.

Carpal tunnel syndrome: hội chứng đường hầm cổ tay, dây thần kinh giữa bị chèn ép gây đau tê các ngón (trừ ngón út) và yếu cơ bắp giạng ngón cái ra. Bệnh xảy ra cho các bà mang thai, uống thuốc ngừa thai, có hội chứng trước khi hành kinh (premenstrual syndrome), cho người sử dụng computer, bệnh viêm khớp dạng thấp (rheumatoid arthritis), suy tuyến giáp, to cực (acromegaly). Chữa trị: ban đêm đặt tay trên một thanh nẹp (splint), tiêm corticosteroid vào đường hầm, giải phẫu.

Carrier: người mang mầm bệnh. 1- mang vi sinh vật trong cơ thể nhưng không có triệu chứng và dấu hiệu bệnh, và có thể truyền sang cho người khác, ví dụ siêu khuẩn viêm gan B. 2- mang gen bất thường không gây bệnh cho bản thân nhưng có thể truyền sang cho con cái và chúng sẽ mắc bệnh.

Cartilage: sụn, một cơ quan gồm tế bào sụn (chondrocyte) với thành phần hóa học chính là chondroitin sulphate.

Caseation: bã đậu hóa, xảy ra trong bệnh lao, nhất là ở phổi.

Cast: khuôn để bó im xương, khớp.

Castration: thiến, cắt bỏ tuyến sinh dục (hòn dái, buồng trứng) để chữa trường hợp các cơ quan này bị tổn hại, để làm giảm hóc môn testosterone hoặc oestrogen như là một phương cách điều trị ung thư vú, ung thư tuyến tiền liệt. Thực hiện ở tuổi trưởng thành – thường áp dụng trong ung thư – thiến ít gây thay đổi về thể chất đối với cả hai phái, tạo vô sinh nhưng không gây bất lực hoặc mất đi sự ham muốn về tình dục.

Catabolism: sự phân hủy hóa học các chất phức hợp trong cơ thể, tạo những chất đơn giản hơn, kèm theo phóng thích năng lượng.

Catalyst: chất xúc tác làm thay đổi tốc độ của phản ứng hóa học. Trong phản ứng sinh hóa, chất này được gọi là phân hóa tố (men, enzyme).

Cataplexy: (thần kinh) tình trạng tê bại, yếu chân tay xảy ra chốc lát khi bị cảm xúc mạnh, ví dụ tức giận, sợ hãi, ghen tương, phấn khởi quá độ, không gây nguy hiểm cho người mắc phải. Nhưng nếu kèm với chứng hay buồn ngủ (narcolepsy), thì cần được chữa trị.

Cataract: cườm mắt, đục thủy tinh thể. Nguyên nhân: tuổi già (thường thấy nhất), tật bẩm sinh trong trường hợp mẹ bị bệnh sởi Ðức (rubella) khi có thai được 2-3 tháng, hội chứng Down, bệnh galactose huyết tăng cao, tiểu đường, uống thuốc steroid hoặc nhỏ thuốc có chất steroid lâu ngày, ảnh hưởng lâu dài của tia hồng ngoại, chấn thương mắt do tai nạn hoặc do giải phẫu ở mắt. Chữa trị bằng cách mổ lấy cườm ra. Trước kia, cả cườm lẫn bao ngoài của thủy tinh thể được lấy ra, nay kỹ thuật mới chỉ lấy cườm, để bao lại (extracapsular extraction) và thay vào đó với thấu kính bằng plastic. Phẫu thuật lâu khoảng 20-40 phút, dùng thuốc tê, bệnh nhân có thể về nhà trong ngày.

Catatonia: (tâm thần) tình trạng gồm những bất thường về cử động và tư thế, xảy ra trong bệnh tâm thần phân liệt và một vài loại bệnh não.

Catecholamine: (thần kinh) nhóm sinh hóa chất quan trọng, gồm adrenaline, noradrenaline và dopamine, giữ vai trò truyền dẫn các xung động thần kinh trong sự điều hành của hệ thần kinh trung ương và hệ giao cảm.

Catgut: một loại chỉ làm bằng ruột cừu, dùng khâu các vết cắt, buộc các mạch máu. Chỉ sẽ tự tan dần.

Catharsis: xổ, tẩy ruột với thuốc nhuận tràng.

Catheterization: thủ thuật thông, đút ống thông vào một cơ quan rỗng.

-Thông tiểu (urinary catheterization): cho ống thông vào bọng đái để nước tiểu thoát

-Thông tim (cardiac catheterization): cho ống thông vào động hay tĩnh mạch chân hay tay rồi đưa dần lên buồng tim, diễn tiến được theo dõi qua khung màn ảnh nhỏ. Áp dụng để đo áp suất và khí oxi buồng tim, sinh thiết tế bào tim, chụp Xquang buồng tim, giúp định bệnh và ước định tình trạng các bệnh tim bẩm sinh, bệnh van tim; ống thông còn được đưa vào mạch máu vành tim bơm chất cản quang để chụp hình các mạch máu này, phát hiện những chỗ tắc nghẽn do chất béo đóng vào. Thủ thuật dùng thuốc tê tiêm vào vùng da có động hay tĩnh mạch bên dưới, xẻ một đường nhỏ ở đấy rồi cho ống thông vào. Bệnh nhân có thể ra về trong ngày hoặc ngày hôm

CAT scanning: chữ viết tắt của Computerized axial tomographic scanning, chụp Xquang cắt lớp thông qua máy vi tính để khảo sát các mô mềm, ví dụ não bộ.

Causal agent: tác nhân gây bệnh.

Causalgia: chứng hỏa thống, đau rát như bị bỏng tại chi mà thần kinh giao cảm và thần kinh cảm giác bị tổn thương.

Caustic: chất đốt cháy và hủy diệt mô, ví dụ nitrát bạc dùng để loại bỏ da chết, hủy các mụn cơm (wart)

Cauterize: hủy diệt mô bằng cách dùng dụng cụ để đốt.

Cavernous sinus thrombosis: tắc nghẽn do cục máu đông tại nơi tĩnh mạch phình rộng sau hốc mắt (khoang thể hang). Tình trạng này rất nghiêm trọng, cần được xử lý với kháng sinh và thuốc chống đông máu.

Cell: tế bào, một đơn vị cơ bản của mọi sinh vật. Con người có hàng tỷ tế bào, khi còn ở giai đoạn phôi đã được biệt hóa (differenciation) để mỗi loại đảm trách một chức năng đặc hiệu, ví dụ tế bào gan, tim v.v. Thành phần tế bào gồm: 1- màng bao ngoài, kiểm soát các chất ra vào tế bào. 2- bào tương (cytoplasma) có các bộ phận cần thiết tạo ra đạm, năng lượng, phân hóa tố (enzyme) vô hiệu hóa khuẩn và độc tố. 3- nhân, giữ nhiệm vụ điều hợp tất cả hoạt động và chức năng của tế bào, và là đơn vị di truyền gồm nhiễm sắc thể (chromosome) chứa đựng gen (gene).

Cellulitis: nhiễm khuẩn da và mô bên dưới, thường xảy ra ở vùng mặt, cổ và chân. Biến chứng: nhiễm trùng huyết (septicaemia), hoại thư (gangrene).

Central nervous system, CNS: (thần kinh) hệ thần kinh trung ương gồm não và tủy sống, hoạt động song hành với hệ thần kinh ngoại biên (peripheral nervous system) là những dây thần kinh từ não và tủy sống chạy ra. Nhiệm vụ tổng quát của hệ là tiếp nhận tín hiệu cảm giác từ các cơ quan như mắt, tai và các nơi khác của cơ thể, phân tích tín hiệu ấy rồi đưa ra một đáp ứng cơ động thích hợp, ví dụ co cơ bắp. Bệnh và chấn thương ở thần kinh trung ương thường gây tàn phế vĩnh viễn, còn hư hại ở thần kinh ngoại biên đôi khi có thể sửa chữa lại được.

Cephal-, cephalo-: tiếp đầu ngữ chỉ đầu, ví dụ cephalalgia = đau đầu.

Cerebellum: (thần kinh) tiểu não, nằm ở dưới não và sau cuống não, bên ngoài là vỏ màu xám, trong là màu trắng. Tiểu não nhận tín hiệu từ cơ bắp, từ bộ phận giữ thăng bằng của tai trong… rồi cùng với hạch đáy trong não, điều hợp các tín hiệu này để sự hoạt động thêm nhịp nhàng ăn khớp với nhau, tư thế đươc vững chắc. Tổn hại ở tiểu não làm bệnh nhân đi đứng xiêu vẹo, nói năng ngọng nghịu, cử động mất sự chính xác.

Cerebral cortex: (thần kinh) vỏ não gồm khoảng 1.5 tỷ tế bào, là thành phần trách nhiệm về sự tỉnh thức, và giữ những vai trò thiết yếu như tri giác, trí nhớ, suy nghĩ, trí thông minh, khả năng tâm thần.

Cerebral palsy: (thần kinh) liệt não, gồm những rối loạn về vận động và tư thế, do não của đứa bé bị hư tổn khi còn là bào thai, trong khi sinh hoặc sau sau khi sinh, viêm não và màng não, xuất huyết não, chấn thương đầu. Triệu chứng: liệt cứng cơ, tay múa vờn, đi đứng xiêu vẹo, kém thính lực, khó phát âm, lên cơn động kinh, trí thông minh ít nhiều bị ảnh hưởng.

Cerebrospinal fluid, CSF: (thần kinh) não thủy, dịch lưu chuyển trong màng não, não thất và kênh tủy sống, bảo vệ và giảm thiểu tổn hại khi bị chấn thương. Xét nghiệm não thủy bằng cách chọc kim vào xương sống vùng thắt lưng (lumbar puncture) rút dịch ra, giúp việc định bệnh viêm màng não, xuất huyết trong màng não. Não thủy tích tụ trong giai đoạn còn là bào thai hoặc khi còn trẻ sẽ làm cho hộp sọ to ra, chứng này có tên là tràn dịch não (hydrocephalus).

Cerebrovascular accident, CVA: (thần kinh) tai biến mạch máu não, do tắc hoặc vỡ mạch máu não gây đột quỵ (stroke). Nguyên nhân tắc co thể là máu đông cục tại chỗ (thrombosis), xảy ra nhiều nhất, hoặc máu cục từ nơi khác chạy đến (embolism), ví dụ từ động mạch cổ, từ tim; còn vỡ là do cao huyết áp, động mạch não phình to (aneurysm).Cerumen: ráy tai.

Cervical: tính từ liên quan đến 1- cổ, ví dụ cervical spondylosis = viêm xương khớp cổ. 2- cổ tử cung, ví dụ cervical cancer = ung thư cổ tử cung.

Cervical cancer: (sản phụ khoa) ung thư cổ tử cung. Nguyên nhân chưa rõ, một số yếu tố tạo điều kiện cho ung thư phát sinh, có thể là: nhiễm siêu khuẩn Human papilloma virus,HPV, gây mụn cơm (wart), nhất là loại HPV16 và HPV18; có thân nhân mắc phải; hút thuốc lá, chất ung thư của thuốc hiện diện trong dịch cổ tử cung; biết vấn đề tình dục sớm và với nhiều người. Giai đoạn tiền ung thư không có triệu chứng nào cả; khi ung thư đã phát triển thì bệnh nhân bị ra máu ở âm đạo, đau âm ỉ bụng dưới, cổ tử cung có vết loét hoặc mọc u hình cải hoa đụng vào là chảy máu. Không chữa trị sớm, ung thư sẽ lan dần vào phần sâu của cổ tử cung rồi các cơ quan xung quanh và di căn đến nơi xa khác. Ðịnh bệnh bằng cách quệt cổ tử cung lấy tế bào để xét nghiệm (cervical smear test), quan sát cổ tử cung với dụng cụ phóng đại (colposcopy), làm sinh thiết ở đấy. Về chữa trị, vào giai đoạn tiền ung thư, dùng hơi nóng bằng cách đốt điện, tia laser, hoặc hơi lạnh (cryosurgery), kết quả đạt tới 95%. Khi ung thư đã lan xa, xử lý bằng giải phẫu, xạ trị, kết quả kém đi nhiều.

Cervical smear test: (sản phụ khoa) xét nghiệm tế bào cổ tử cung, lấy que đặc dụng quệt một lớp mỏng và quan sát dưới kính hiển vi. Thủ thuật giúp khám phá tế bào bất thường vào giai đoạn đầu, nếu không chữa trị sẽ có khả năng trở thành ung thư. Phụ nữ sau lần giao cấu đầu tiên nên được xét nghiệm, và sau đó cứ ba năm một lần cho đến mãn đời. Tế bào bất thường được phân loại từ 1 đến 3: CIN1, CIN2 và CIN3 (cervical intraepithelial neoplasia).

Cervical spondylosis (cervical osteoarthritis): viêm khớpxương vùng cổ, thường xảy ra cho người lớn tuổi, gây đau cứng cổ, đôi khi cả tay và vai, tê như kim châm ở bàn tay nếu dây thần kinh từ tủy sống chạy ra bị đè lên. Triệu chứng khác là choáng váng, lảo đảo, thấy hai hình khi xoay đầu, do động mạch đốt sống (vertebral artery) chạy lên não bị ép lại. Chữa trị bằng cách mang bao nhựa cứng ở cổ, dùng hơi nóng, siêu âm, xoa bóp, thuốc giảm đau, đôi khi giải phẫu.

Cervicitis: (sản phụ khoa) viêm cổ tử cung, thường do nhiễm khuẩn bệnh lậu, khuẩn Chlamydia, siêu khuẩn Herpes sinh dục (genital herpes). Không được chữa trị tốt, viêm sẽ lan đến tử cung, vòi trứng, vùng chậu.

Cervix: (sản phụ khoa) cổ tử cung.

Chalazion: sưng tuyến bã nhờn (sebaceous glands) của mi mắt. Chữa trị với kem chứa kháng sinh, xẻ và nạo tuyến.

Chancre, hard: vết loét không đau ở bộ phận sinh dục, sờ vào có cảm giác cứng, xảy ra ở giai đoạn đầu của bệnh giang mai (syphilis).

Chancroid, soft sore: hạ cam, vết loét mềm rất đau ở bộ phận sinh dục, kèm thêm hạch nổi ở bẹn, do lan truyền qua đường tình dục. Tác nhân là khuẩn Haemophilus Ducreyi, thường xảy ra tại vùng nhiệt đới.

Cheilosis: chứng khô nứt môi, một triệu chứng của bệnh về dinh dưỡng do thiếu vitamin B2 (riboflavine).

Cheloid: sẹo lồi.

Chemotherapy: hóa liệu pháp, dùng thuốc để chữa trị nhiễm khuẩn hay ung thư, nhiễm khuẩn với kháng sinh, ung thư với thuốc chống ung thư.

Chest pain: đau ngực, do nhiều nguyên nhân: căng đau cơ bắp lồng ngực, viêm khớp xương sườn – xương ức, viêm màng phổi, dịch dạ dày trào ngược lên thực quản, bệnh ở mạch máu vành tim do chất béo đóng vào, viêm bao tim.

Chickenpox: thủy đậu, trái rạ, bệnh truyền nhiễm của trẻ con lây nhau qua những hạt nước li ti bắn ra khi ho hoặc nhảy mũi. Siêu khuẩn có thể ẩn trong tế bào thần kinh về sau gây bệnh dời leo (herpes zoster, shingles) cho người lớn.

Chilblain: chỗ sưng đỏ và ngứa ở da ngón tay hoặc chân vào mùa rét.

Child abuse: sách nhiễu, hành hạ trẻ con về thể chất hay tình cảm, về tình dục.

Chiropody / chiropodist: khoa điều trị các chứng ở bàn chân / chuyên viên khoa này.

Chiropractic: thuật chữa trị dùng tay nắn kéo, chủ yếu là cột sống lưng, dựa trên lý thuyết hầu hết các chứng bệnh là do xương không nằm đúng vị trí và sẽ làm suy giảm chức năng của dây thần kinh và cơ bắp trong thân thể.

Chlamydia: vi sinh vật giống như siêu khuẩn. Chlamydia trachomatis là tác nhân gây bệnh đau mắt hột (trachoma) và viêm niệu đạo (urethritis) lan truyền qua đường tình dục.

Choking: nghẹt thở do tắc trít khí quản bởi vật lạ, thức ăn và uống rơi vào.Cholagogue: thuốc kích thích mật từ túi mật và ống mật chảy xuống tá tràng.Cholangiography: chụp Xquang đường mật bằng nhiều phương cách.

Cholangiosarcoma: ung thư ống dẫn mật.

Cholangitis: viêm ống dẫn mật, thường thấy khi ống bị bế tắc, đặc biệt là do sạn.

Cholecystitis: viêm túi mật, có thể là cấp hay mạn tính, thường do sạn mật gây ra.

Cholera: dịch tả, một bệnh nhiễm trùng ở ruột non do khuẩn Vibrio cholerae. Bệnh nhân mửa và tiêu chảy trầm trọng, phân ra như nước gạo. Sự lây truyền là do thức ăn, nước uống bị nhiễm khuẩn từ phân người bệnh. Tình trạng mất nước và điện giải của cơ thể có thể gây tử vong nếu không được chữa trị trong vòng 24 giờ.

Cholesterol: chất giống như chất béo loại steroid, hiện diện trong máu và trong hầu hết các mô, đặc biệt là mô thần kinh. Cholesterol là tiền chất của nhiều hóc môn steroid và muối mật, và được tổng hợp trong gan. Lượng trung bình là 140-300mg/100mililít máu (3,6-7.2 milimol/lít). Có hai loại cholesterol: loại kết hợp với đạm lipoprotein tỷ trọng cao (high density lipoprotein, HDL) và loại tỷ trọng thấp (low density lipoprotein, LDL). Càng nhiều LDL càng có thêm nguy cơ bệnh xơ vữa mạch máu vành tim.

Choluria: có mật trong nước tiểu, đặc biệt trong chứng vàng da do tắc ống dẫn mật. nước tiểu trở màu nâu xậm hoặc màu vàng.

Chondr-, chondro-: tiếp đầu ngữ chỉ sụn, ví dụ chondrogenesis = sụ tạo sụn.Chondroblast / chondrocyte: tế bào sản xuất chất căn bản của sụn / tế bào sụn.Chondroitin sulphate: một thành phần quan trọng của sụn, xương và các mô liên kết khác.Chondroma: u sụn lành tính, thấy trong xương ngón tay và chân.

Chondrosarcoma: u sụn ác tính, chữa trị bằng cách cắt bỏ chi, xạ trị.

Chorea: cơn giật thân hình, tay và mặt kéo dài vài giây đồng hồ, do thương tổn hạch đáy trong não, đôi khi kèm thêm chứng múa vờn tay (athetosis), tên chung gọi là choreoathetosis. Có nhiều loại: giật do tuổi già, giật Sydhenham trong trường hợp bị sốt thấp khớp (rheumatic fever), giật Huntington kèm theo thoái hóa dần tế bào não gây chứng lẫn (dementia). Cơn giật có thể là phụ chứng của thuốc ngừa thai, thuốc chữa bệnh tâm thần và Parkinson.

Choriocarcinoma: (sản phụ khoa) ung thư lá nhau, thường là biến chứng của chửa trứng (hydatiform mole), một vài trường hợp do sẩy thai, xảy ra vài tháng có khi vài năm sau. Không phát hiện sớm, ung thư sẽ lan vào tử cung, âm đạo và di căn đến gan, phổi, não và xương. Chữa trị bằng thuốc chống ung thư rất công hiệu, hoặc bằng giải phẫu cắt bỏ tử cung.

Chorionic villus sampling, CVS: (sản phụ khoa) thủ thuật lấy một mẩu nhỏ bên ngoài bào thai (chorion) để xét nghiệm những bất thường về nhiễm sắc thể, ví dụ hôi chứng Down, tiến hành trong ba tháng đầu có mang hoặc sớm hơn, khoảng 9 tuần. Thông thường là lấy kim chọc xuyên qua bụng và tử cung để lấy mẩu, cách khác là đưa một ống nhỏ từ âm đạo lên. Ðiều lợi là có thể phát hiện bất thường của bào thai sớm hơn với cách rút nước ối, để có quyết định sớm, ví dụ phá bỏ đi, ít gây bất trắc cho bà mẹ. Biến chứng: chọc thủng túi ối, chảy máu, nhiễm khuẩn, sẩy thai.

Choroid / choroiditis: màng mạch của mắt / viêm màng mạch riêng biệt hoặc phối hợp với viêm mống mắt (iris) và thể mi (ciliary body).

Christmas disease: một loại bệnh ưa chảy máu, do thiếu yếu tố đông máu IX (christmas factor), khác với haemophilia là bệnh ưa chảy máu do thiếu yếu tố đông máu VIII.

Chromosome: nhiễm sắc thể trong nhân tế bào, mang các tín hiệu di truyền dưới dạng gen (gene). Cấu trúc giống hai sợi dây xoắn lại nhau, thành phần gồm chất DNA (deoxyribonucleic acid) và gen nằm dọc trên mỗi sợi. Nhân tế bào có 46 nhiễm sắc thể sắp thành 23 cặp, 22 cặp là nhiễm sắc thể bản thể (autosomal chromosome) giống nhau cho cả hai phái, và một cặp là nhiễm sắc thể phái tính (sex chromosome), nam là XY, nữ là XX. Trứng chỉ có một nhiễm sắc thể phái tính và luôn luôn là X, còn tinh trùng mang nhiễm sắc thể X hoặc Y. Tinh trùng Y hợp với trứng sẽ cho ra con trai (X +Y = XY), tinh trùng X sẽ cho ra con gái (X + X = XX). Bất thường có thể xảy ra cho nhiễm sắc thể bản thể, ví dụ hội chứng Down mang 3 nhiễm sắc thể ở số 21 thay vì 2 (trisomy 21); cho nhiễm sắc thể phái tính, ví dụ phụ nữ với hội chứng Turner chỉ có 1 nhiễm sắc thể X thay vì 2, nam nhân với hội chứng Klinefelter có số nhiễm sắc thể X nhiều hơn bình thường (XXY hoặc XXXY).

Chronic: mạn tính, mô tả một bệnh kéo dài lâu và thay đổi rất chậm.

Chronic fatigue syndrome, myalgic encephalomyelitis (ME): (thần kinh) chứng mệt mỏi rã rời xảy ra từ nhiều tháng, tăng thêm khi làm việc bằng tay chân hay trí óc, không giảm bớt khi nằm nghỉ, nhưng không có tổn hại gì về cơ thể. Chứng này thường kèm thêm đau khớp và cơ bắp, nổi hạch cổ và nách, buồn chán, khó tập trung tư tưởng. Nguyên nhân chưa rõ, có thể là do nhiễm siêu khuẩn.

Chronic obstructive pulmonary disease, COPD: bệnh hô hấp người lớn do hút nhiều thuốc lá hoặc thường xuyên hít phải không khí ô nhiễm. Bệnh có những triệu chứng của bệnh khí thủng (emphysema) và viêm khí quản mạn tính (chronic bronchitis).

Chyluria: nước tiểu có chất nhũ trấp, màu giống như sữa.

Ciliary body: thể mi, một thành phần của mắt.

Cinchonism: ngộ độc vì uống quá liều quinquina, hoặc các loại thuốc quinine, quinidine. Triệu chứng: ù tai, chóng mặt, mờ mắt có khi mù hẳn.

Circumcision: phẫu thuật cắt bao quy đầu dương vật. Female circumcision là cắt bỏ âm vật, mép lớn và nhỏ âm hộ, tục lệ này vẫn còn xảy ra tại vài bộ lạc ở Phi châu.

Circumstantiality: (tâm thần) rối loạn về tư tưởng, sự suy nghĩ và lời nói diễn ra một cách chậm chạp và với quá nhiều chi tiết không cần thiết. Hiện tượng này đôi khi xảy ra trong loạn tâm do bệnh thể chất của não (organic psychosis), tâm thần phân liệt, người có nhiều nỗi ám ảnh.

Cirrhosis: chai xơ gan, mô gan hóa sợi, gan teo nhỏ lại, mặt ngoài có nhiều u nhỏ. Nguyên nhân: uống rượu nhiều, viêm gan do siêu khuẩn B và C, tắc mạn tính ống dẫn mật, suy tim, bệnh tự miễn; một số lớn khác không rõ nguyên do. Triệu chứng: tăng áp suất tĩnh mạch cửa (portal hypertension) có thể gây mửa máu xối xả, bụng ỏng nước (cổ trướng, ascites), ung thư gan, não bộ bị ảnh hưởng. Bệnh không chữa được, chỉ có thể ngăn chận sự tiến triển nếu loại được nguyên nhân gây ra, ví dụ uống rượu, viêm gan.

Claudication: đi khập khiễng. Khập khiễng cách hồi (intermittent claudication) là do đau rút cơ bắp ở chân và cẳng chân khi đi một đoạn đường ngắn và giảm bớt sau khi ngồi nghỉ. Nguyên nhân: máu không chảy đủ đến cơ bắp vì động mạch chân có chất béo đóng vào (atheroma) nên lòng mạch hẹp lại. Chữa trị bằng cách nông mạch (angioplasty, xem chữ).

Claustrophobia: (tâm thần) chứng sợ những chỗ kín, ví dụ thang máy, phòng đóng kín cửa.

Clavicle, collar bone: xương đòn, nối xương ức với xương vai.

Claw foot: bàn chân quặp, mu bàn chân nhô lên quá cao. Ðiều trị bằng phẫu thuật, kết quả tốt nếu được thực hiện khi còn trẻ.

Cleft palate: khe hở vòm miệng, đôi khi có cùng với tật sứt môi (cleft lip).

Climacteric: (sản phụ khoa) thời kỳ mãn kinh. Chữ này cũng có nghĩa là suy giảm về ham muốn tình dục và khả năng sinh con đối với phái nam vào tuổi trung niên.

Clitoris: (sản phụ khoa) âm vật, một bộ phận của phụ nữ giống như dương vật, rất nhạy cảm khi được kích thích.

Clone: giòng vô tính, một nhóm tế bào (thường là khuẩn) sinh sản từ một tế bào đơn độc, nghĩa là không có sự phối hợp đực cái. Do đó, chúng giống hệt nhau và có cùng loại gen của tế bào mẹ.

Cloning: phỏng sinh vô tính, tạo sinh vật không có sự phối hợp nam nữ. Cừu Dolly là con vật đầu tiên được tạo ra năm 1997 tại Scotland, VQ Anh. Về người, thành quả của giáo sư Hwang người Nam Hàn vào năm 2003 là một phôi phát triển đến giai đoạn 8 tế bào – để trích tế bào mầm (stem cell) nghiên cứu về y khoa – rồi bị hủy đi. Kỹ thuật như sau: 1- lấy trứng hiến tặng của một phụ nữ và bỏ nhân đi, như vậy trứng không còn yếu tố di truyền nữa và chỉ đóng vai trò là một cái vỏ. 2- lấy tế bào của một người muốn phỏng sinh, trích nhân và đặt vào vỏ nói trên, kết quả là một tế bào mới M. 3- cho dòng điện chạy qua M để nó có ‘cảm tưởng’ được thụ thai rồi sau đó sẽ phát triển thành phôi. Phỏng sinh vô tính tạo ra con người bị cả thế giới lên án, hiện nay một số chính phủ chỉ cho phép thực hiện tạo phôi để trích tế bào mầm; các tế bào này sẽ được nuôi cấy để trở thành tế bào của từng cơ quan trong cơ thể, ví dụ tim, não, gan v.v. dùng vào việc chữa bệnh.

Clonorchis / clonorchiasis: sán lá gan / bệnh sán lá gan, thường thấy ở vùng Viễn Ðông.

Clonus: (thần kinh) giật rung cơ bắp khi bất ngờ bị kéo mạnh, ví dụ gập bàn chân lên cẳng chân. Ðây là dấu hiệu của bệnh về não hay tủy sống.

Clostridium: một loại khuẩn thường sinh sản trong đất, trong ruột người và thú vật: Clostridium botulinum có trong thức ăn đóng hộp không bảo quản tốt, gây ngộ độc nặng (botulism); Clostridium tetani là tác nhân của bệnh uốn ván (tetanus); Clostridium perfringens gây ngộ độc thực phẩm, nhiễm trùng huyết, hoại thư.

Clubbing: đầu ngón tay/chân tròn như dùi trống, móng nhô cao lên, thấy trong bệnh lao phổi, giãn phế quản, màng phổi có mủ, ung thư phổi, bệnh tim bẩm sinh gây tím môi và da tái xanh, nhiễm khuẩn màng trong của tim.

Club foot (talipes): bàn chân vẹo vào trong hoặc ra ngoài, có thể sửa chữa với nẹp chỉnh hình (orthopedic splinting) trong mấy tháng đầu sau khi sinh.

Coagulation factors: yếu tố có trong máu để làm máu đông lại, được đánh số La Mã để gọi tên, ví dụ yếu tố V, yếu tố IX v.v. Thiếu bất cứ yếu tố nào đều làm cho máu khó đông lại.

Coagulation time (clotting time): thời gian đông máu, dùng để xét nghiệm chức năng đông máu.

Coarctation (of the aorta): hẹp bẩm sinh một đoạn ngắn của động mạch chủ, thường là đoạn trong lồng ngực, có triệu chứng là huyết áp cao ở phần trên cơ thể và cánh tay, thấp ở phần dưới và chân. Chữa trị bằng giải phẫu thay đoạn hẹp.

Cocaine: chất trích từ lá cây coca, hoặc điều chế bằng tổng hợp. Trước kia dùng để gây tê cục bộ trong giải phẫu mắt, tai mũi họng, nay được thay thế bằng thuốc khác an toàn hơn. Lạm dụng có thể đưa đến nghiện, bệnh tâm thần, động kinh, tim ngừng đập.

Coccus, số nhiều = cocci: mọi loại khuẩn hình cầu, ví dụ Staphylococcus = tụ cầu khuẩn, Streptococcus = liên cầu khuẩn.

Coccyx: xương cụt, phần thấp nhất của cột sống, gồm 4 đốt dính lại với nhau.

Cochlea: ốc tai, cơ quan xoắn ốc của mê đạo thuộc tai trong, tiếp nhận âm thanh rồi tạo xung động thần kinh chuyển lên não theo thần kinh ốc tai (cochlear nerve).

Cochlear implant: thiết bị gồm một hoặc nhiều điện cực đặt vào ốc tai, giúp chữa những trường hợp kém thính lực nặng. Kết quả khá tốt đối với con nít mới sinh ra đã bị điếc.

Codeine: một loại thuốc giảm đau trích từ cây thuốc phiện, có thêm tác dụng giảm ho, bớt đi chảy.

Coeliac disease (gluten enteropathy): bệnh ruột có tính gia đình, do chất gluten trong bột mì, lúa mạch và một số ngũ cốc khác làm tổn hại lớp trong cùng của ruột non, nên thức ăn không hấp thụ vào được. Bệnh nhân sụt kí, thiếu máu, bụng ỏng to, phân có bọt và rất hôi thối, trẻ con còi cọc không lớn Ðịnh bệnh bằng cách sinh thiết hỗng tràng (jejunal biopsy). Chữa trị: dùng thực phẩm không có gluten, tránh ăn bột mì, lúa mạch; phụ sản của sữa, thịt cá, rau trái, gạo bắp đều tốt.

Cognitive behavioural therapy: (tâm thần) liệu pháp thay đổi hành động và cách xử thế, áp dụng trong một số rối loạn tâm thần, ví dụ bệnh trầm uất (depression).

Coitus interruptus: giao hợp gián đoạn, một phương cách ngừa thai, rút dương vật ra khỏi âm đạo trước khi xuất tinh. Kết quả chỉ được khoảng 70% vì một ít tinh khí có thể đã xuất ra trước khi người đàn ông đạt đến tột đỉnh khoái lạc.

Cold (common cold): cảm lạnh do nhiễm siêu khuẩn lây truyền từ những giọt nước li ti bắn ra khi ho, nhảy mũi.

Cold sore: bệnh do siêu khuẩn Herpes virus type 1 gây ra, tạo những nốt phồng nước xung quanh mồm, có thể tái đi tái lại. Chữa trị với kem thoa Acyclovir chống siêu khuẩn, công hiệu nếu được sử dụng khi bệnh mới phát.

Colectomy: cắt một phần hay toàn phần đại tràng (ruột già).

Colic: đau bụng dữ dội từng cơn vài giây hoặc vài phút. Nguyên nhân: sạn mật, sạn đường tiểu, tắc ruột, nhiễm khuẩn ruột. Ðối với trẻ con, cơn đau thường là do go bóp ruột, nguyên nhân không rõ, xảy ra vài tuần đầu sau khi sinh và sẽ tự nhiên khỏi; nhưng nếu có thêm dấu hiệu khác như ỉa chảy, táo bón, sốt, bị sụt cân thì nên đưa đến bác sĩ để kiểm tra.

Colitis: viêm ruột già, gây đau bụng, ỉa chảy có máu và mủ. Nguyên nhân: nhiễm khuẩn, siêu khuẩn, đơn bào a míp, viêm loét ruột già (ulcerative colitis), bệnh Crohn, viêm chi nang ruột già (colonic diverticulitis).

Collagen: chất tạo keo, một phần chính của mô liên kết (connective tissue), có trong da, xương, sụn, gân cơ bắp, dây chằng.

Collagen diseases (connective tissue diseases): bệnh mô liên kết, một loại bệnh tự miễn gồm viêm khớp dạng thấp (rheumatoid arthritis), bệnh lupus đỏ, viêm động mạch dạng nút (polyarteritis nodosa), viêm da và cơ bắp (dermatomyositis).

Colon: đại tràng (ruột già), gồm nhiều đoạn: đại tràng lên (ascending colon), đại tràng ngang (transverse colon), đại tràng xuống (descending colon), trực tràng (rectum), Ðại tràng không có chức năng tiêu hóa, chỉ hấp thụ một số lượng nước lớn và điện giải của thức ăn chưa tiêu hóa từ ruột non qua để biến thành phân.

Colonoscopy: soi ruột già với một dụng cụ mềm uốn được.

Colostomy: mở thông đại tràng ra thành bụng để phân thoát ra. Có thể là tạm thời hoặc vĩnh viễn (trong trường hợp cắt bỏ trực tràng).

Colour blindness: chứng mù màu sắc, thường thấy nhất là mù màu đỏ, bệnh nhân không phân biệt được giữa màu đỏ và màu xanh. Phần lớn trường hợp là do di truyền.

Colp-, colpo-: (sản phụ khoa) tiếp đầu ngữ nói về âm đạo.

Colporrhaphy: (sản phụ khoa) thủ thuật khâu thâu bớt lại âm đạo giãn ra quá độ, áp dụng trong trường hợp sa bọng đái (khâu âm đạo phía trước, anterior colporrhaphy) hoặc sa trực tràng (khâu âm đạo phía sau, posterior colporrhaphy).

Colposcopy: (sản phụ khoa) soi âm đạo và cổ tử cung với một dụng cụ phóng đại hình ảnh. Ðây là thủ thuật thực hiện tiếp theo khám quệt ở cổ tử cung (cervical smear) để khám xét các bất thường ở đó.

Coma: (thần kinh) hôn mê, tình trạng bất tỉnh do 1- cơ thể không được tiếp tế khí oxi trên vài phút, ví dụ chết đuối, bị bóp cổ hoặc ngạt thở. 2- máu không chảy đầy đủ đến não, ví dụ bị đột quỵ, chấn thương đầu, ngộ độc, bệnh tiểu đường không được chữa trị tốt, đường máu xuống quá thấp vì dùng insulin (để chữa tiểu đường) quá liều.

Communicable diseases: bệnh truyền nhiễm.

Community nurses: (VQ Anh) y tá cộng đồng, bao gồm y tá thăm viếng sức khoẻ, y tá chuyên về tâm thần (community psychiatric nurse, CPN), về sản khoa, y tá khu vực.

Compatibility: sự tương hợp giữa hệ thống đề kháng của cơ thể và một vật lạ xâm nhập hoặc được đưa vào, ví dụ cơ quan ghép. Incompatibility = bất tương hợp.

Complication: biến chứng.

Computerised axial tomography, CAT: chụp Xquang cắt lớp thông qua máy vi tính, khảo sát các mô mềm trong cơ thể, ví dụ não, bụng. Phương cách này không gây nguy hiểm cho bệnh nhân.

Conception: (sản phụ khoa) sự thụ thai.

Concussion: (thần kinh) chấn động não vì đầu bị va mạnh gây bất tỉnh một thời gian ngắn, từ vài giây đến vài giờ, não không có tổn thương nào cả. Nhưng nếu chấn động xảy ra liên tục – trường hợp của các võ sĩ quyền Anh – não có thể bị hư hại trầm trọng.

Conditioning: (tâm lý) điều kiện hóa, sự tạo ra một lối cư xử, hành động mới bằng cách thay đổi các kích thích hoặc phản ứng. Trong điều kiện hóa cổ điển (classical conditioning), một kích thích X không gây phản ứng được tiến hành kèm với kích thích Y gây phản ứng, cứ lập đi lập lại như thế cho đến khi chỉ một mình kích thích X cũng đủ để gây phản ứng. Trong điều kiện hóa tăng cường (operant conditioning), một phản ứng được thưởng (hay phạt) mỗi khi xảy ra, cho tới khi xảy ra thường hơn hoặc ít đi.

Condom: bao cao su tròng lên dương vật khi giao hợp, để ngừa thai, ngừa bệnh lây truyền qua đường tình dục.

Conduct disorder: (tâm thần) cư xử hành động trái với lề thói xã hội đang sinh sống, xảy ra từ lúc còn trẻ duới 16 tuổi, như ăn cắp, nói láo, trốn học, hút thuốc lá, tụ tập gây lộn đánh nhau, phá làng phá xóm v.v.

Cone: tế bào hình nón, một trong hai loại tế bào cảm nhận ánh sáng trong võng mạc mắt, tế bào kia có hình que. Tế bào nón có vai trò trong sự thu nhận hình ảnh một cách chính xác và sắc nét, sự phân biệt màu sắc.

Cone biopsy, conization: (sản phụ khoa) cắt một mẩu hình nón ở cổ tử cung để định bệnh và điều trị ung thư cổ tử cung mới phát.

Confabulation: (thần kinh) chứng bịa chuyện để khỏa lấp những gì không nhớ về các sự kiện xảy ra trong quá khứ. Ðây có thể là triệu chứng của một dạng mất trí nhớ, đặc biệt là ở người nghiện rượu nặng, cơ thể thiếu vitamin B1.

Congenital: bẩm sinh, xảy ra lúc mới sinh.

Congestion: sự xung huyết, máu ứ động trong một cơ quan, hậu quả của áp suất tăng trong tĩnh mạch, ví dụ ứ động máu trong phổi, trong gan do suy tim.

Conjoined twins, Siamese twins: hai trẻ sinh đôi giống nhau như tạc (identical twins) dính lại với nhau khi sinh ra. Có thể là dính ở đầu, ngực, bụng v.v.

Conjunctiva / conjunctivitis: kết mạc, màng niêm mạc bao phủ phần trước của mắt và bên trong mi mắt. / viêm kết mạc gây đỏ và chảy nước mắt, đổ nhiều ghèn. Nguyên nhân: nhiễm khuẩn, siêu khuẩn, hóa chất rơi vào, dị ứng với hoa cỏ, bụi, lông thú (allergic conjunctivitis).

Connective tissue / connective tissue diseases: mô liên kết, có vai trò chống đỡ, liên kết hoặc tách rời các mô và cơ quan, dùng làm chất đệm trong cơ thể / bệnh của mô liên kết (xem chữ collagen diseases).

Consciousness: (thần kinh) sự tỉnh táo, thức tỉnh. Tình trạng này đòi hỏi sự nguyên vẹn của chức năng não và cuốn não.

Conservative treatment / curative treatment: điều trị có tính duy trì, để ngăn bệnh không trở nặng thêm với hy vọng bệnh sẽ tự khỏi hoặc tiến triển chậm không cần phải chữa trị một cách tích cực / chữa trị tận căn.

Constipation: táo bón, đại tiện không xảy ra thường xuyên, hoặc phân cứng và nhỏ, hoặc phân ra khó khăn.

Contact lenses: thấu kính đặt vào tròng mắt, thay cho kính mang.

Contagious diseases: bệnh truyền nhiễm, như chữ communicable diseases

Contraception: (sản phụ khoa) sự ngừa thai, thực hiện bằng nhiều phương cách: Giao hợp theo chu kỳ kinh nguyệt, tránh các ngày thứ 8 đến 16 sau ngày đầu có kinh; giao hợp gián đoạn, rút dương vật ra trước khi xuất tinh; dùng bao cao su đàn ông hay đàn bà; dùng thuốc diệt tinh trùng; màng chắn bao vào cổ tử cung; vòng xoắn; uống hay tiêm thuốc ngừa thai; mổ triệt sản cho phái nam và nữ (có tính cách vĩnh viễn).

Contracture: xơ hóa làm cơ bắp teo và ngắn lại, thường là hậu quả của chứng đau và ít sử dụng đến, nhất là ở chi.

Contraindication: chống chỉ định, ví dụ chống chỉ định việc gây mê trong trường hợp sưng phổi.

Contrast medium: chất cản quang dùng khi chụp Xquang một bộ phận rỗng của cơ thể. Barium uống hoặc bơm vào ruột là một ví dụ.

Contrecoup: tổn thương ở một phần cơ thể do va chạm mạnh phần đối diện. Ví dụ cú đánh sau đầu gây cho phần trước não bị đẩy vào mặt trong của hộp sọ.

Contusion: vết thâm tím da khi bị va chạm mạnh.

Conversion disorder: (tâm thần) một rối loạn tâm lý do sự dồn nén những cảm xúc đau buồn của quá khứ rồi chuyển một cách vô ý thức thành triệu chứng cơ thể, mặc dù các cơ quan không có tổn hại nào cả: mờ mắt, điếc tai, câm nín, mất cảm giác, liệt chi, đi đứng không vững v.v. Các triệu chứng trên chỉ có tính giai đoạn, giúp bệnh nhân giải tỏa bớt nỗi lo âu, mặc cảm phạm tội. Trước kia có tên là Hysteria.

Convulsion: (thần kinh) chứng co giật cơ bắp vặn vẹo thân hình và chân tay, xảy ra trong động kinh (epilepsy), trẻ con sốt cao độ và bất tỉnh.

Copr-, copro-: tiếp đầu ngữ chỉ phân.

Coprolalia: (tâm thần) nói đi nói lại một cách vô ý thức những lời tục tĩu, có trong hội chứng Gilles de la Tourette.

Corn: chai da ở ngón chân, do mang giày chật.

Cornea / corneal graft: giác mạc, phần trong suốt phía trước nhãn cầu, không có mạch máu nuôi dưỡng, rất nhạy cảm về đau. / ghép giác mạc, tỷ lệ thành công rất cao.

Coronary arteries: động mạch vành cung cấp máu cho quả tim, gồm hai nhánh xuất phát từ động mạch chủ.

Coronary angioplasty: thủ thuật thông lòng động mạch vành tim bị hẹp vì chất béo đóng vào, ống thông được đưa từ động mạch háng lần lên động mạch chủ rồi động mạch vành, đầu ống có một bóng để bơm hơi vào ép dẹp mảng chất béo. Quanh bóng có thể có một lưới thép, được để lại sau khi rút ống thông và bóng ra, lưới ngăn mạch máu không bị hẹp trở lại.

Coronary artery bypass graft, CABG: ghép cầu vồng để tái lập lưu thông máu trong động mạch vành tim bị tắc trít, dùng một đoạn tĩnh mạch đùi hoặc động mạch vú trong lồng ngực.

Coronary thrombosis: chứng huyết khối động mạch vành tim, cục máu làm tắc dòng máu chảy tới tim, thường là do động mạch đó bị xơ vữa (atherosclerosis). Hậu quả là một phần cơ tim bị chết, gây kích tim (heart attack).

Cor pulmonale: tâm thất phải nở lớn, do bệnh mạn tính ở phổi làm áp suất động mạch phổi tăng cao và gây trở ngại cho máu từ tâm thất phải chảy ra.

Corpus luteum: (sản phụ khoa) thể vàng của buồng trứng tạo ra sau khi trứng rụng, tiết hóc môn progesterone để chuẩn bị cho tử cung sẵn sàng nhận thai đậu vào. Nếu không có thai, thể vàng sẽ ngừng hoạt động và thoái hóa dần.

Corticosteroid drugs: nhóm thuốc giống như hóc môn tự nhiên corticosteroid từ vỏ tuyến thượng thận tiết ra, dùng trong nhiều trường hợp: để thay thế hóc môn corticosteroid thiếu trong bệnh Addison; viêm động mạch thái dương (temporal arteritis); viêm loét đại tràng (ulcerative colitis); bệnh Crohn; các loại bệnh miễn nhiễm như viêm khớp dạng thấp (rheumatoid arthritis), lupus dỏ; suyễn, chàm (eczema), viêm mũi dị ứng; viêm khớp; một vài loại ung thư máu; chống cơ thể thải bỏ tạng ghép vào v.v. Tùy theo liều lượng, thời gian sử dụng, dạng thuốc bào chế (thuốc nhỏ mũi, mắt, bơm vào khí quản) mà phụ chứng có thể xảy ra: phù mặt, tiểu đường, loét dạ dày và tá tràng, hội chứng Cushing, buồn chán, suy giảm chức năng của hệ thống miễn nhiễm, con nít chậm lớn.

Coryza: viêm niêm mạc mũi gây chảy nước mũi, do cảm lạnh, bị dị ứng cỏ hoa.

Cot death: chết trong giường cũi, xảy ra cho trẻ con dưới 2 tuổi, nhiều nhất là từ 2-6 tháng. Nguyên nhân chưa rõ, một số yếu tố tạo điều kiện đưa đến rủi ro chết người này: sinh thiếu tháng, ngủ nằm sấp, bú sữa bình, cha mẹ hút thuốc trong nhà, phòng ngủ quá nóng hoặc quá lạnh, gia đình đã có con nhỏ chết cùng thứ bệnh, nhiễm siêu khuẩn đường hô hấp v.v.

Counselling: (tâm lý) tư vấn, chuyên viên giúp cho một cá nhân có vấn đề về tâm lý được sáng tỏ thêm, đôi khi họ cũng góp ý, nhưng chính cá nhân đó phải tự mình tìm lấy biện pháp giải quyết.

Cradle cap: ‘cứt trâu’, một lớp vảy màu vàng đóng ở da đầu hài nhi, thường vô hại nếu da không bị nhiễm khuẩn.

Cramp: ‘chuột rút’, cơ bắp go đau trong vài phút. Nguyên nhân: vận động nhiều, chất lactic acid tích tụ trong cơ bắp; làm một công việc nhẹ nhưng có tính cách liên tục, ví dụ người viết văn (writer’s cramp); đứng ngồi không đúng cách; đổ nhiều mồ hôi nên cơ thể mất chất muối khi bị sốt cao, trời nóng bức, lao động nặng. Chuột rút ban đêm không có nguyên nhân rõ rệt, một đôi trường hợp là do mạch máu chân bị hẹp, cần phải được kiểm tra đầy đủ.

Cranial nerves: (thần kinh) dây thần kinh sọ, gồm 12 đôi, 2 đôi xuất phát từ não, 10 đôi từ cuống não (brain stem). Các đôi được đánh số La mã theo qui ước như sau: I: thần kinh khứu giác, đặc trách về ngửi mùi (olfactory nerve). II: thần kinh thị giác, đặc trách về sự nhìn (optic nerve). III, IV, VI: thần kinh đặc trách về vận động của nhãn cầu (oculomotor nerve, trochlear nerve, abducens nerve). V: thần kinh sinh ba, đặc trách về cảm giác ở mặt, cử động của hàm (trigeminal nerve). VII: thần kinh mặt, đặc trách về sự biểu lộ nét mặt, về vị giác (facial nerve). (Thần kinh đặc trách về nghe và giữ thăng bằng (vestibulo-cochlear nerve); Tthần kinh đặc trách về vị giác và cảm giác trong họng (glossopharyngeal nerve). X: thần kinh phế vị, đặc trách về thở, tuần hoàn máu, tiêu hóa (vagus nerve)). XI: thần kinh đặc trách về cử động của cổ và cơ bắp lưng (spinal accessory nerve). XII: thần kinh đặc trách về cử động của lưỡi (hypoglossal nerve).

Craniopharyngioma: (thần kinh) u ít có ở tuyến yên, xảy ra cho người trẻ dưới 20 tuổi. Triệu chứng: nhức đầu, nôn mửa, nhìn không rõ, đái tháo lạt (diabetes insipidus).

Craniotomy: (thần kinh) thủ thuật mở hộp sọ để sinh thiết não, cắt bỏ u, dẫn lưu mủ, máu.

Cranium: (thần kinh) hộp sọ.

Cretinism: đần độn, hội chứng bẩm sinh gồm thấp nhỏ người, chậm phát triển trí tuệ, nét mặt thô kệch. Nguyên nhân: thiếu hóc môn tuyến giáp khi mới sinh.

Creutzfeld – Jacob disease, CJD: (thần kinh) thoái hóa não do một chất đạm bất thường tên là prion đóng vào, do nhiễm siêu khuẩn cùng loại với siêu khuẩn bệnh bò điên (mad cow disease). Trước 1996, bệnh được chia ra hai phân loại: một xảy ra cho người trung và lão niên, nguyên nhân không rõ, một cho người trẻ tuổi mắc phải khi được ghép tạng hoặc tiêm hóc môn tăng trưởng mang mầm bệnh. Năm 1996, một loại CJD mới tên là new variant CJD (nvCJD), được phát hiện, nguyên nhân là ăn phải thịt bò điên. Triệu chứng chung gồm lẫn xảy ra từ từ, co giật cơ bắp, suy thoái trí tuệ và nhân cách, mờ mắt, khó phát âm. Hiện chưa có thuốc chữa, bệnh nhân chết trong vòng 2-3 năm.

Crohn’s disease: bệnh của cơ quan tiêu hóa, một đoạn bị viêm sưng, loét và dày lên, thường là ở phần cuối của ruột non (hồi tràng, ileum). Bệnh mạn tính gây trít ruột, đau bụng, ỉa chảy, các thức ăn không hấp thu được nên gầy ốm sụt cân, lỗ rò (fistulae) xì ra ngoài da quanh hậu môn, xì vào bọng đái hoặc giữa các đoạn ruột với nhau. Nguyên nhân chưa rõ, có thể là do siêu khuẩn, một số trường hợp được cho là do chủng ngừa sởi, quai bị, sởi Ðức (MMR vaccination)? Chữa trị bằng kháng sinh, thuốc corticosteroid, đôi khi cắt bỏ đoạn ruột bệnh.

Cross-matching: xét nghiệm tương hợp giữa máu bệnh nhân và máu hiến tặng, khi cần truyền máu.

Croup: viêm cấp tính thanh và khí quản, xảy ra cho trẻ con từ 6 tháng đến 3 tuổi, gây khò khè ngạt thở, tiếng ho như sủa, da xanh tái. Nguyên nhân: trước kia là khuẩn bệnh yết hầu (diphteria), nay hầu như không còn ở các xứ Tây phương nữa; đa số hiện do siêu khuẩn, khuẩn khi bị bội nhiễm. Chữa trị: làm ẩm không khí trong phòng, dùng kháng sinh nếu cần, đôi khi phải cho ống thông vào khí quản (intubation) hoặc khai thông khí quản (tracheostomy).

Cruciate ligament: hai dây chằng bắt chéo hình chữ thập bên trong khớp, có thể bị rách hoặc đứt, nhất là đối với những người đá bóng.

Crush syndrome: giập nát một số lớn cơ bắp, thường do tai nạn lưu thông, gây suy thận cấp tính, cần phải được lọc máu (dialysis) ngay.

Cry-, cryo-: tiếp đầu ngữ nói về lạnh, ví dụ cryotherapy = chữa trị bằng khí lạnh.

Cryosurgery: phẫu thuật dùng một độ cực lạnh để hủy tế bào. Áp dụng trong ung thư cổ tử cung, trong các cơ quan như gan, ruột, mắt (mổ lấy cườm mắt, chữa bong võng mạc).

Cryptorchidism, undescended testis: tinh hoàn không xuống tới bìu dái mà còn nằm trong bụng hoặc ở bẹn, thường xảy ra một bên. Tình trạng này có thể đưa đến vô sinh nếu là hai bên, nguy cơ ung thư tinh hoàn cũng tăng lên.

Curettage: nạo mặt trong của một cơ quan hay xoang lấy mô bệnh đi, hoặc lấy một mẩu để xét nghiệm.

Cushing’s syndrome: hội chứng Cushing ( tên một bác sĩ người Anh) gây ra do có quá nhiều hóc môn corticosteroid trong cơ thể. Triệu chứng: phù mặt, thân hình béo ra, lông mọc ở mặt, mụn trứng cá, da dễ bị bầm, huyết áp cao, tiểu đường, loãng xương, buồn chán, đôi khi phấn chấn. Nguyên nhân: dùng corticosteroid lâu ngày để chữa bệnh, ví dụ suyễn, u tuyến thượng thận, u tuyến yên, u ác tính ở phổi hay vài nơi khác.

Cyanide: dộc chất có thể gây chết tức khắc, do tế bào không hấp thụ khí oxi được. Hơi hydrogen cyanide được dùng để xử tử hình bằng cách dùng hơi ngạt.

Cyanosis: xanh tím da, thấy rõ nhất ở môi, lưỡi, móng tay, do không đủ khí oxi trong máu. Nguyên nhân: khí hậu quá lạnh, bệnh mạch máu ngoại biên, bệnh tim bẩm sinh, suy tim, bệnh phổi, ứ nước trong phổi (pulmonary oedema).

Cyclitis: viêm thể mi trong mắt.

Cyclothymia: (tâm thần) thay đổi cảm xúc từ phấn khởi sang buồn chán, tình trạng nhẹ hơn chứng loạn tâm hưng-trầm cảm (manic depressive psychosis).

Cyst: u nang chứa chất lỏng hoặc nhờn bên trong.

Cyst-, cysto-: tiếp đầu ngữ nói về bọng đái, ví dụ cystectomy = mổ cắt bỏ bọng đái.

Cystic duct: ống dẫn mật của túi mật. Xem chữ bile duct.

Cysticercosis: bệnh sán Taenia soleum do ăn thịt heo ‘gạo’ không nấu chín kỹ,. Các ấu trùng sán phát triển trong cơ bắp bệnh nhân gây yếu và đau nhức, trong não gây suy thoái về tâm thần, bại liệt, đi đứng không vững, động kinh..

Cystic fibrosis: bệnh di truyền, các tuyến ở phổi, tụy tạng (pancreas), ruột, sản xuất ra chất nhờn đặc, ảnh hưởng đến vấn đề tiêu hóa, hô hấp. Triệu chứng gồm phân có mùi hôi, đứa trẻ chậm lớn, hay bị nhiễm khuẩn gây sưng phổi, viêm phế quản, giãn phế quản, mồ hôi có nhiều sodium và chloride. Chữa trị: uống men tụy tạng để dễ tiêu hóa, liệu pháp sinh lý (physiotherapy) phổi, ngừa nhiễm khuẩn.

Cystitis: viêm bọng đái, thường do khuẩn E. Coli. Phụ nữ mắc phải nhiều hơn, vì niệu đạo ngắn, lỗ niệu đạo gần âm đạo và hậu môn; đối với nam giới, nguyên nhân là lưu thông nước tiểu bị trở ngại do phì đại tuyến tiền liệt, sạn hay u bọng đái, trít niệu đạo; ở trẻ con, tật bẩm sinh nước tiểu tràn ngược lên niệu quản (ureter) nên bọng đái dễ nhiễm trùng. Triệu chứng: hay đi tiểu, đái khó và đau, nước tiểu đôi khi có máu. Chữa trị với kháng sinh, uống thật nhiều nước, xử lý các nguyên nhân gây bệnh.

Cystocele: sa phần đáy bọng đái của phụ nữ, do đáy chậu bị yếu sau nhiều lần sinh đẻ. Khi ho hay rặn, vách trước âm đạo lồi ra thành một u bướu. Có thể không có triệu chứng nào cả, hoặc bệnh nhân bị són đái, nước tiểu còn đọng lại dễ gây nhiễm khuẩn. Chữa trị: tập cơ bắp vùng chậu, đặt vòng nâng bọng đái lên (pessary), giải phẫu.

Cystoscopy: soi bọng đái.

Cystostomy: mở thông bọng đái ra thành bụng trước để nước tiểu thoát ra.

Cytology: tế bào học.

Cytomegalovirus (CMV): một loại siêu khuẩn thường chỉ gây bệnh nhẹ. Nhưng nếu hệ thống miễn nhiễm suy yếu, ví dụ khi về già, bị AIDS, bệnh sẽ trở nặng thêm. Siêu khuẩn có thể truyền từ mẹ sang bào thai, gây hư hại não, dị tật cho hài nhi.

Cytotoxic drugs: thuốc độc hại cho tế bào, thường được sử dụng để chữa ung thư. Thuốc ức chế sự sinh sản của tế bào ung thư, nhưng cũng tác động trên tế bào thường của tủy xương, da, niêm mạc ruột.

[collapse]

D

Dacryocystitis: viêm túi lệ, do ống dẫn nước mắt xuống mũi bị tắc trít.

Dandruff: gầu, vảy cám da đầu. Trong vài loại gầu kèm với viêm da có bã nhờn (seborrhoeic dermatitis), da đầu đóng từng mảng vảy vàng rất ngứa.

Deafness: điếc, mất thính lực một phần hay toàn phần, gồm hai loại: điếc do trở ngại về dẫn truyền (conductive deafness) và điếc do trở ngại về nhận thức. Ðiếc dẫn truyền có nhiều nguyên nhân: ráy tai; viêm tai giữa (otitis media); tai giữa có dịch nhờn (glue ear) xảy ra cho trẻ con; thủng màng nhĩ; xương bàn đạp tai giữa bị xơ cứng nên mất đi sự chuyển động bình thường (otosclerosis); áp suất không khí thay đổi khi đi máy bay hoặc lặn sâu dưới nước (barotrauma). Ðiếc nhận thức: ở trẻ sơ sinh là do bất thường về gen, do cơ quan thính giác không phát triển vì mẹ lúc mang thai bị bệnh sởi Ðức (rubella), do thiếu khí oxi khi sinh, bị vàng da nặng sau khi sinh. Ðối với người lớn, do làm việc lâu ngày ở nơi có nhiều tiếng động liên tục; viêm mê đạo (labyrhintitis); bệnh Ménière; nhiễm độc dược phẩm, ví dụ kháng sinh Streptomycin; bướu lành dây thần kinh thính giác (acoustic neuroma); thần kinh thính giác bị thoái hóa vì tuổi già gây nghễnh ngãng tai (presbyacusis). Ðiếc có thể kèm thêm ù tai và chóng mặt trong viêm mê đạo, trong bệnh Ménière. Chữa trị tùy theo nguyên nhân, dùng trợ thính lực (hearing aids), giải phẫu đặt điện cực trong ốc tai (cochlear implant).

Death: chết, các chức năng quan trọng cho sự sống ngưng hoạt động vĩnh viễn, đặc biệt là tim và phổi. Ngày nay, nhờ máy móc tân tiến nên một người, mặc dù không còn hay biết gì nữa, vẫn có thể được duy trì cuộc sống thực vật (vegetative life), nghĩa là tim vẫn đập, phổi vẫn thở. Cho nên quan niệm về não chết (brain death) được đưa ra: một cá nhân được cho là chết hẳn khi chức năng của não, của cuống não kiểm soát phản xạ thở, phản xạ đồng tử (con ngươi) và các phản xạ quan trọng khác ngưng hoạt động hoàn toàn.

Debility: yếu sức, mất năng lực, có thể do bệnh thể chất, ví dụ thiếu máu, hoặc bệnh tâm thần, ví dụ trầm buồn.

Debridement: mổ làm sạch vết thương, lấy đi những vật lạ, mô hư thối, để vết thương dễ lành lại.

Decibels (dB): đơn vị đo lường tiếng động. Im lặng hoàn toàn = 0dB; tiếng thì thầm = 30dB tiếng nói thường = 60dB; tiếng hét to, tiếng xe cộ ngoài đường = 90dB; tiếng phản lực cơ = 120 dB.

Deciduous teeth: răng tạm thời, răng sữa, sẽ rụng đi trước khi răng vĩnh viễn mọc ra.

Decomposition: sự phân hủy, tan rã dần dần của một chất hữu cơ chết, thường là thực phẩm hay các mô, do tác động hóa học của vi trùng hay vi nấm (fungi).

Decompression sickness: xem chữ bends.

Decongestant drugs: thuốc giảm nghẹt mũi. Người có bệnh tim không nên dùng thuốc viên; thuốc nhỏ mũi không nên dùng lâu vì sau khi ngưng thuốc, chứng nghẹt mũi có thể tăng hơn lên.

Deep vein thrombosis, DVT (phlebothrombosis): tắc nghẽn tĩnh mạch do cục máu đông, thường xảy ra ở tĩnh mạch nằm sâu trong bắp chân. Nguyên nhân: nằm lâu một chỗ vì bệnh, có thai, suy tim, chấn thương, ngồi im trên máy bay đi đường xa. Nguy cơ là cục máu đông có thể tách rời và chạy lên phổi, gây tắc ngẽn mạch máu phổi (pulmonary embolism).

Defense mechanism: (tâm lý) cơ chế bảo vệ, tâm trí dùng những biện pháp để chống lại, để thích hợp với hoàn cảnh khó khăn, với những cảm xúc và cơn bốc đồng. Có nhiều phương cách: kiềm chế, trấn áp cảm xúc (repression), ví dụ kiềm chế nỗi đau buồn khi có người thân qua đời, chối bỏ (denial) cho rằng họ vẫn còn sống; tạo phản ứng lại (reaction formation), ví dụ có mặc cảm thấp kém nên hay gây sự để che lấp; biện minh, đưa ra lời giải thích hợp lý (rationalisation), ví dụ hay cả thẹn không dám gặp gái thì cho rằng không ai xứng đáng với mình v.v.

Defibrillation, cardioversion: dùng sốc điện tạo lại sự điều hòa của nhịp tim, trong trường hợp rung tâm thất (ventricular fibrillation) gây kích tim, hoặc rối loạn nhịp tim kéo dài nhiều giờ, nhiều ngày.

Degeneration: sự hư hỏng, mất chức năng đặc biệt của tế bào, mô, cơ quan. Nguyên nhân: tuổi già, chấn thương, máu cung cấp không đủ, chất độc ví dụ rượu, thiếu vitamin v.v.

Dehydration: sự mất nước trong cơ thể.

Déjà vu: (thần kinh) chữ Pháp có nghĩa là đã thấy, cảm tưởng một chuyện mới xảy ra hình như đã có xảy ra trước kia. Hiện tượng này có ở người bình thường, nhưng nếu tiếp diễn thường xuyên thì có thể là một triệu chứng của động kinh thùy thái dương (temporal lobe epilepsy).

Delirium: (thần kinh) mê sảng, một rối loạn cấp tính của chức năng não bộ, xảy ra trong các bệnh về chuyển hóa, trúng độc, ví dụ rượu, sốt cao, nhiễm khuẩn v.v. Bệnh nhân có cơn ảo giác, hoang tưởng (ví dụ cho cô y tá là người làm hại mình), sợ hãi tột độ, mất định hướng về thời gian và không gian.

Delirium tremens: (thần kinh) cơn cuồng sảng xảy ra cho người nghiện rượu nặng khi phải ngừng uống vì lý do nào đó, ví dụ bị tai nạn. Triệu chứng: lo âu, run tay chân, đổ nhiều mồ hôi, có ảo giác gây kinh hoàng về các con vật hay côn trùng. Bệnh cần được xử lý ngay vì có nguy cơ tử vong.

Delusion: (tâm thần) hoang tưởng, tin tưởng một cách phi lý về một sự việc không có thật và khó thuyết phục được. Có nhiều loại: hoang tưởng vĩ đại (delusion of grandeur) cho mình là Chúa, là Phật; hoang tưởng ghen tương (delusion of jealousy) cho rằng người hôn phối không trung thành với mình; hoang tưởng bị truy hại bởi người khác (delusion of persecution); hoang tưởng yêu thương (delusion of love) cho rằng một nhân vật quan trọng đang có tình ý với mình v.v. Hoang tưởng có thể là triệu chứng của bệnh tâm thần phân liệt, bệnh buồn chán xen lẫn với hưng cảm (manic depressive psychosis), bệnh thuộc não bộ.Dementia: (tâm thần) hội chứng giảm trí nhớ và mất dần càc chức năng của trí tuệ, do não bị suy thoái vì nhiều yếu tố: Bệnh Alzheimer chiếm 50%; 10% do những lần trúng phong nhẹ, làm chết đi một số tế bào não; 10% vì nghiện rượu nặng; số còn lại là các bệnh Parkinson, CJD, Huntington, kinh phong, giang mai, bướu não, thiếu máu ác tính (pernicious anaemia). Triệu chứng: quên chuyện mới xảy ra nhưng nhớ rõ chuyện xưa cũ từng chi tiết, dần dà rồi cũng quên luôn chuyện đó; xúc cảm thay đổi không chừng, khóc đó rồi cười đó; mất khả năng suy luận; cá tính khác thường không còn biết đến những qui tắc xã hội sơ đẳng, ví dụ đái nơi công cộng, lục thùng rác; có hoang tưởng người khác ám hại mình; lơ là trong vấn đề vệ sinh cá nhân, ăn uống thất thường. Cuối cùng bệnh nhân nằm liệt một chỗ, ỉa đái trên giường, kiệt sức và chết vì thiếu dinh dưỡng, vì nhiễm khuẩn.

Demyelination: (thần kinh) hư hại lớp chất béo myelin bao bên ngoài đuôi tế bào thần kinh, ngăn trở hoạt động của tế bào đó. Có trong bệnh đa xơ thần kinh hệ (multiple sclerosis, MS).

Dengue, breakbone fever: bệnh vùng nhiệt đới, siêu khuẩn từ một loại muỗi truyền sang. Triệu chứng: sốt cao độ, nhức đầu, nổi ban đỏ, đặc biệt là đau dữ dội trong xương, cơ bắp và khớp (nên có tên là ‘sốt làm gẫy xương’). Không có thuốc chữa và thuốc chủng phòng.

Dental caries: sâu răng.

Dentine: chất cứng của răng, bên trên có một lớp ngà (enamel) phủ lên.

Deontology: nghĩa vụ luận, qui chế hành nghề. Trong y khoa, các điều khoản bao gồm cách cư xử hành động, thái độ của bác sĩ đối với bệnh nhân.

Deoxyribonucleic acid, DNA: phân tử (molecule) dài khoảng 2 mét, nằm trong nhân tế bào dưới hình thức hai sợi xoắn lại với nhau tạo thành nhiễm sắc thể (chromosome), dọc trên đó là những gen di truyền. Thành phần mỗi sợi gồm chất đường deoxyribose, phosphate và các bazơ (bases) Adenine, Thymine, Cytosine và Guanine (A,T,C,G).

Dependence: (tâm lý) sự lệ thuộc về thể chất (physical dependence) và/hoặc về tâm lý (psychological dependence), do thói quen dùng một thứ thuốc, một chất nào đó nên buộc phải dùng đến nó, khó bỏ được. Trong lệ thuộc về thể chất, ngưng ma túy, rượu sẽ gây một số triệu chứng như đổ mồ hôi, run tay chân, nôn mửa. Trong lệ thuộc về tâm lý, có thuốc mới tạo được sự thoải mái dễ chịu, nhưng không bị các triệu chứng nói trên hành hạ nếu thiếu nó, ví dụ thuốc lá, cần sa, thuốc ngủ, thuốc kích thích loại Amphetamines.

Depersonalisation: (tâm lý) cảm nghĩ là con người, hình dạng của mình không còn thực nữa, và đã thay đổi một cách khác lạ, ví dụ thấy ngón tay dài to ra, hoặc ngắn nhỏ lại, tâm trí thì tách rời khỏi cơ thể. Hiện tượng trên có thể xảy ra khi tinh thần bị căng thẳng, lo âu, bệnh tâm thần phân liệt, buồn chán, bệnh kinh phong.

Depot injection: tiêm thịt với thuốc dầu nhả dần hoạt chất vào máu, tác dụng có thể kéo dài nhiều giờ, nhiều ngày hoặc tuần. Một vài ví dụ là thuốc tiêm ngừa thai, thuốc corticosteroid, thuốc chữa bệnh tâm thần.

Depressant: (thần kinh) tác nhân làm giảm sự hoạt động bình thường của các chức năng trong cơ thể. Thuốc gây mê, thuốc ngủ, thuốc có chất nha phiến làm giảm hoạt động của thần kinh hệ và hô hấp. Thuốc độc hại cho tế bào (cytotoxic) làm giảm số lượng bạch cầu. Antidepressant là thuốc chữa bệnh trầm buồn.

Depression: (tâm thần) trầm buồn, tỷ lệ trong dân chúng là 10-15%, phụ nữ mắc phải nhiều hơn đàn ông. Bệnh nhân cảm thấy không còn một chút hy vọng nào nữa cả, cho mình là vô dụng bất xứng, có mặc cảm phạm tội về những lỗi lầm nhỏ nhặt trước kia. Họ rút vào phòng nằm một chỗ, không muốn tiếp xúc với ai, ăn uống thất thường, ít ngủ, hay thức giấc vào nửa đêm rồi không ngủ lại được nữa, khó tập trung tư tưởng, dễ khóc, ý nghĩ tự tử lởn vởn trong đầu. Các triệu chứng trên thường nặng vào buổi sáng và giảm dần khi chiều xuống. Một số người có thêm hư giác (hallucination) về nghe và thấy, nghe tiếng thì thầm trong tai, thấy cảnh vật xoay tròn, và hoang tưởng (delusion) có kẻ khác muốn ám hại mình. Nguyên nhân có nhiều, các yếu tố tạo điều kiện cho nhau: nhiễm siêu khuẩn, hóc môn, ví dụ hóc môn tuyến giáp, giảm xuống, xáo trộn tinh thần sau khi sinh đẻ, dùng các dược phẩm như thuốc ngừa thai, thuốc ngủ, mùa trong năm nhất là vào đông. Ngoài ra, phải kể thêm yếu tố di truyền, xã hội, tâm lý như thiếu tình thương của cha mẹ lúc trẻ, mẹ mất sớm v.v. Về chữa trị, ngoài thuốc men ra, còn có tâm lý liệu pháp, chạy điện (electroconvulsive therapy, ECT). Tiên liệu bệnh khá tốt với những thuốc chữa trầm buồn mới (antidepressant) nhưng tỷ lệ tự tử vẫn còn cao, 10%.

Derealisation: (tâm thần) cảm nghĩ xa rời thực tế, thấy môi trường xung quanh không còn thực nữa, có vẻ xa lạ, phẳng lặng và buồn chán. Cảm nghĩ này gây sợ hãi, và thường kết hợp với chứng depersonalisation.

Derm-, dermo-, dermat-: tiếp đầu ngữ chỉ da.

Dermatitis: viêm da, do dị ứng hoặc nguyên nhân không rõ. Một số lớn viêm da là chàm (eczema), một số khác được chia ra ba phân loại: 1- viêm da có bã nhờn (seborrhoeic dermatitis) ở mặt, nhất là mũi và lông mày, ở da đầu kèm theo với gầu, ngực. 2- viêm da do tiếp cận (contact dermatitis) với các chất như nickel trong dây đồng hồ, dây chuyền, với xi măng, chất tẩy rửa, tả trẻ con v.v. 3- viêm da do ánh sáng (photodermatitis) người da trắng hay mắc phải.

Dermatitis herpetiform: bệnh viêm da mạn tính, phụ nữ mắc phải nhiều hơn nam giới, đôi khi kết hợp với bệnh đường ruột do chất gluten gây ra (coeliac disease). Triệu chứng: nhiều nốt đỏ, vết phồng rất ngứa mọc một cách cân đối ở lưng, khuỷu tay, đầu gối, da đầu, mông đít, mặt sau đùi. Vì ngứa gải nên da dễ bị nhiễm khuẩn.

Dermatology / dermatologist: khoa về bệnh ngoài da / bác sĩ chuyên khoa da.

Dermatomyositis: bệnh miễn nhiễm ít xảy ra, phụ nữ mắc phải nhiều hơn nam giới, đôi khi kết hợp với ung thư nội tạng. Da nổi đỏ ở mũi, má, đầu gối, khuỷu tay, cơ bắp bên dưới yếu đi và rất đau, nhất là ở vai và hông.

Dermoid cyst: u lành tính, cơ cấu giống như da, có ở nhiều nơi trong cơ thể, đặc biệt là buồng trứng, da đầu và cổ. U chứa chất nhờn đặc, đôi khi có cả tóc, tuyến bã nhờn, móng tay, sụn, xương và răng.

Desensitisation: giảm cảm thụ. 1- phương cách làm giảm tác động của một kháng nguyên biết được bằng cách tiêm kháng nguyên ấy trong một thời gian với liều lượng tăng dần, cho đến khi cơ thể bệnh nhân tạo được sự đề kháng 2- liệu pháp tâm lý thay đổi cách cư xử hành động của một cá nhân, làm giảm đi cảm xúc, sợ hãi đối với một sự việc gây xúc động mạnh. Ví dụ sợ chó thì lần lượt cho thấy chó trên hình vẽ, chó nhựa rồi chó con, sau cùng là chó lớn.

Desquamation: tróc lớp biểu bì của da ra.

Detergent: chất tẩy rửa.

Detoxication, detoxification: giải độc, tẩy đi các chất độc. Ðây là một trong các chức năng của gan.

Deviation, sexual: (tâm thần) rối loạn tình dục, thường xảy ra cho phái nam. Họ chỉ đạt được tột đỉnh khoái lạc bằng những hành động khác thường như: Ðể người khác đánh thật đau (masochism); mặc quần áo đàn bà (transvestism); phô bày bộ phận sinh dục (exhibitionism); cọ vào mông, vào đùi phụ nữ (frottage); giao cấu với xác chết (necrophilia); gây đau đớn hoặc nhục mạ người đang làm tình với mình (sadism); sờ soạn, giao cấu với con nít (paedophilia), nhìn vào lỗ khóa phụ nữ đang tắm (voyeurism).

Developmental delay: chậm phát triển của đứa bé về nhiều phương diện. Nguyên nhân:

  • cha mẹ thiếu tình thương, không chăm sóc dạy dỗ.
  • giảm thị lực, đứa bé không nhìn thấy đồ vật để lôi cuốn nó bò hay đi đến lấy.
  • tai điếc.
  • hư hại não bộ trước, trong khi và sau khi sinh, hoặc lúc còn bé.
  • bệnh của các cơ quan khác như bệnh tim bẩm sinh, bệnh xương và cơ bắp, hư thận.
  • thiếu dinh dưỡng.

Dextrocardia: tật bẩm sinh, mũi quả tim quay sang bên phải, nguyên nhân không rõ. Tật này đôi khi kèm với gan nằm bên trái, dạ dày bên phải. Trừ khi tim có dị tật phải mổ, tim quay sang phải không cần chữa trị.

Diabetes insipidus: đái tháo lạt, một rối loạn chuyển hóa ít có, bệnh nhân tiểu một khối lượng lớn nước loãng, thường xuyên khát nước. Nguyên nhân: thiếu hóc môn vasopressin của tuyến yên điều hòa việc tái hấp thụ nước ở thận. Chữa trị bằng cách dùng hóc môn này, bào chế dưới dạng bơm vào mũi hoặc tiêm.

Diabetes mellitus: tiểu đường, một rối loạn về chuyển hóa chất đường carbohydrate. Ðường không bị oxi-hóa để tạo ra năng lượng vì thiếu hóc môn insulin của tụy tạng, nên tăng lên trong máu rồi ra ngoài nước tiểu. Triệu chứng gồm sụt cân, chóng mệt, khát nước và đi tiểu nhiều. Vì phải lấy mỡ làm nguồn năng lượng thay thế nên sẽ có rối loạn về cân bằng a xít – kiềm, chất ketone tích tụ trong máu đưa đến hôn mê. Có hai loại tiểu đường: 1- loại I, lệ thuộc vào Insulin (insulin-dependent diabetes mellitus), xảy ra thường nhất vào khoảng 10-16 tuổi, phát triển nhanh. Tế bào tụy tạng bị tiêu hủy – có lẽ do đáp ứng miễn nhiễm sau khi bị siêu khuẩn tấn công – insulin không còn tiết ra nữa. 2- loại II, không lệ thuộc vào insulin (noninsulin-dependent diabetes mellitus), xảy ra từ từ, từ 40 tuổi trở lên. Insulin tuy có tiết ra nhưng không đủ cho nhu cầu của cơ thể, nhất là người mập béo, hoặc cơ thể đề kháng với insulin. Tiểu đường là một bệnh có tính gia đình, một số yếu tố tạo điều kiện cho bệnh xảy ra: nhiễm siêu khuẩn trước kia ảnh hưởng đến chức năng của tụy tạng, béo phì, sử dụng thuốc corticosteroid, thuốc lợi tiểu, nhiễm khuẩn, có thai, tinh thần căng thẳng v.v. Về chữa trị, trường hợp tiểu đường loại I cần tiêm insulin mỗi ngày từ 1-4 lần, chế độ ăn uống kiêng khem phải được triệt để tuân theo; tiểu đường loại II cũng cần ăn uống kiêng khem, giảm cân lượng, uống thuốc hạ đường huyết, đôi khi phải tiêm insulin. Các biến chứng gồm có: hư võng mạc gây khiếm thị, bệnh cườm mắt; hư tổn dây thần kinh ngoại biên làm tê tay chân, bất lực về tình dục; hư thận có thể đưa đến suy thận phải lọc máu hoặc thay thận; loét ở chân gây hoại thư (gangrene); nguy cơ mạch máu bị xơ vữa (atheroslerosis) tăng cao, nhất là mạch máu vành tim, mạch máu não và chân; cao huyết áp và bệnh tim mạch; khả năng đề kháng của cơ thể giảm đi nên dễ bị nhiễm trùng bọng đái, thận và bể thận, nấm Candidiasis mọc ở âm đạo, hay bị mụt nhọt.

Diagnosis / differential diagnosis: chẩn đoán / chẩn đoán sai biệt để loại trừ các bệnh có cùng triệu chứng hay dấu hiệu, ví dụ đau ngực có thể do bệnh mạch máu vành tim, mà cũng có thể vì viêm màng phổi, nước chua trào lên thực quản, đau cơ bắp lồng ngực.

Dialysis: thấm tách, một phương cách lọc bỏ chất cặn bã trong máu và nước quá nhiều trong cơ thể, để chữa suy thận, Có hai kỹ thuật: lọc máu bằng máy lọc (haemodialysis); lọc qua màng bụng (peritoneal dialysis).

Diamorphine (heroin): thuốc chống những cơn đau dữ dội vì chấn thương, kích tim, ung thư, sau khi mổ…Dùng nhiều có thể gây nghiện.

Diaphoresis: sự toát mồ hôi quá nhiều.

Diaphragm: hoành cách mô, một cơ có hình vòm ngăn cách xoang ngực và xoang bụng, có nhiều lỗ để thực quản, mạch máu và dây thần kinh đi qua. Cơ hoành giữ vai trò quan trọng trong sự thở: mỗi lần hít không khí vào, cơ co lại, trở thành dẹp ở bên dưới nên thể tích xoang ngực tăng lên; khi thở ra, cơ giãn ra và trở lại dạng vòm.

Diarrhoea: tiêu chảy, có thể do nhiễm khuẩn đường ruột, viêm loét đại tràng (ulcerative colitis), bệnh Crohn, ruột kém hấp thụ thức ăn, hội chứng ruột quá nhạy cảm (irritable bowel syndrome), lo âu. Tiêu chảy nặng hoặc kéo dài gây mất nước, các chất muối và dưỡng chất của cơ thể.

Diastole: tâm trương, thời gian giữa hai lần quả tim co bóp, cơ tim giãn ra để máu chảy vào các phòng tim.

Diastolic pressure: huyết áp tâm trương

Diathermy: phép thấu nhiệt, tạo nhiệt bằng cách cho một dòng điện có tần số cao vào hai cực điện đặt trên da bệnh nhân. Áp dụng để làm giảm đau trong chứng viêm khớp, tiêu hủy u bệnh, đốt cầm máu các mạch máu nhỏ khi mổ.

Diazepam: (thần kinh) thuốc thuộc nhóm Benzodiazepines, chữa các chứng lo âu, giật cơ bắp, kinh phong v.v. Tên thương mại là Valium. Dùng lâu có thể gây lệ thuộc về tâm lý.

Diet: chế độ ăn, sự phối hợp các thực phẩm ăn vào.

Dietetics / dietician: thực chế học, áp dụng các nguyên tắc dinh dưỡng để duy trì hoặc phục hồi sức khoẻ / chuyên viên thực chế.

Differentiation: biệt hóa, một tiến trình trong giai đoạn phát triển của phôi, các tế bào, các mô không chuyên biệt sẽ chuyên hóa để mỗi loại đảm trách một chức năng đặc hiệu, ví dụ tế bào tim, gan, phổi v.v.

Digestive system: hệ thống tiêu hóa biến thức ăn thành những chất đơn giản, để cơ thể sản xuất năng lượng, tạo ra tế bào mới, phục hồi các tế bào hư hại. Tiến trình bắt đầu ở miệng, thực phẩm được nhai nhỏ, men nước bọt tiêu hóa chất ngọt. Sau khi qua thực quản xuống dạ dày, thức ăn lại được nhồi nhuyễn thêm, a xít và pepsin ở đó giúp tiêu hóa chất đạm. Dịch sền sệt vào đến tá tràng (duodenum) sẽ có muối và a xít mật từ túi mật chảy xuống tiêu hóa chất béo, men tụy tạng phân hủy mỡ, đạm, đường. Sau đó là tác động của men ruột non biến thực phẩm thành những thành phần đơn giản thấm thấu vào máu và hệ bạch huyết, ruột già sẽ hút một lượng lớn nước của chất bã để biến thành phân. Thời gian thức ăn đi suốt dọc cơ quan tiêu hóa là: miệng = 1 phút; thực quản = 10 giây; dạ dày = 2-4 giờ; ruột non = 1-6 giờ; ruột già = 10 giờ đến nhiều ngày.

Digitalis: chất trích từ cây mao địa hoàng (foxgloves), chứa đưng digitoxin và digoxin làm tăng thêm sự go bóp của cơ tim, dùng chữa trị suy tim.

Dilatation and curettage, D and C: (sản phụ khoa) nông và nạo, một thủ thuật dùng que nông (dilator) cổ tử cung rồi dùng một dụng cụ nạo bên trong tử cung, để lấy đi các phần sót lại sau khi sẩy thai, nạo bỏ khối u, cắt một mẩu nội mạc tử cung để xét nghiệm.

Diode laser: tia laser dùng trong việc chữa trị các bệnh ở võng mạc mắt.

Dioptre: đơn vị đo lực khúc xạ (refraction) của một thấu kính.

Dioxin: nhóm hóa chất diệt cỏ, rất độc hại cho con người, có thể gây dị tật cho bào thai. Tên khác là chất độc màu da cam (agent orange).

Diphtheria: bệnh bạch hầu, do khuẩn Corynebacterium diphtheriae lây truyền do tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân hoặc với người mang mầm bệnh (carrier). Triệu chứng gồm sốt, đau cổ họng, có một lớp màng trắng xám mọc ở a mi đan lan lên vòm miệng, lan xuống thanh và khí quản gây ngạt thở, đôi khi phải mổ thông khí quản (tracheostomy). Ðộc tố của khuẩn tiết ra gây tổn hại cho tim và thần kinh hệ, có thể chết người. Hiện nay, nhờ chương trình tiêm ngừa hữu hiệu nên bệnh rất hiếm xảy ra tại các xứ Tây phương

Diplegia: (thần kinh) liệt hai bên cơ thể, chân bị ảnh hưởng nặng hơn tay.

Dilopia, double vision: chứng song thị, nhìn thấy một hình thành hai. Nguyên nhân: tật lác (lé) mắt, u bướu mi mắt, u bướu hoặc máu đông cục phía sau hốc mắt, bệnh cường giáp trạng kèm lồi tròng mắt (hyperthyroidism with exophthalmos), bong thủy tinh thể mắt (lens dislocation). Ðối với trẻ con, tật lác mắt nên sớm chữa trị để tránh tình trạng khiếm thị về sau; về phần người lớn, nên được kiểm tra ngay để loại trừ khả năng u bướu, phình động mạch (aneurysm), hư hại thần kinh hệ

Disk, intervertebral: đĩa sụn nằm giữa hai đốt sống từ cổ xuống đến thắt lưng. Mỗi đĩa gồm một lớp xơ cứng bên ngoài và nhân mềm bên trong, giữ vai trò đệm cho các đốt xương khi nghiêng người hoặc cúi xuống. Với tuổi đời, đĩa suy thoái dần, nhân có thể trồi ra gây đau ở cổ, ở lưng, tê yếu tay chân.

Disk prolapse, slipped disk: nhân đĩa sụn trồi ra do lớp ngoài của sụn bị yếu, thường nhất là ở thắt lưng, có thể ở cổ. Nguyên nhân hay xảy ra là suy thoái đĩa vì tuổi già, một vài trường hợp do khiêng xách nặng không đúng cách, vặn mạnh thân hình. Tùy nơi đĩa sụn trồi ra mà gây đau ở cổ, ở lưng, kèm theo tê yếu tay chân. Việc định bệnh được tiến hành qua khám lâm sàng, chụp Xquang, làm CT scan, sử dụng MRI, làm các test về hoạt động của cơ bắp. Chữa trị: nằm thẳng lưng trên nệm cứng trong vài tuần, dùng thuốc giảm đau, mang vòng cứng ở cổ hoặc lưng, liệu pháp sinh lý (physiotherapy), mổ nếu cần.

Disinfection: diệt vi sinh vật gây bệnh trong áo quần, dụng cụ bị nhiễm trùng, môi trường chung quanh… với các phương tiện vật lý, hóa học (disinfectant).

Disinfestation: diệt côn trùng và các ký sinh vật khác như bọ chét, chấy rận, rệp v.v.

Dislocation, joint (luxation): sai (trật) khớp do chấn thương, thường kèm thêm rách dây chằng và bao khớp. Tổn hại tùy nơi sai khớp, ví dụ ở đốt lưng, tủy sống có thể bị ảnh hưởng.

Disorientation: (tâm lý) mất định hướng, mất nhận thức về không gian, thời gian hay nhân cách, có thể là hậu quả của ma túy, lo âu, hội chứng giảm trí nhớ và mất dần khả năng trí tuệ (dementia), hội chứng Korsakoff.

Displacement: (tâm lý) chuyển đổi cư xử hành động sang một hướng khác, ví dụ trong lúc bực tức thì đá vào bàn ghế thay vì vào người khác.

Disseminated intravascular coagulation, DIC: tình trạng đông máu lan tỏa, tiếp đến là tiến trình phá vỡ các khối máu đông ấy, dẫn đến hậu quả là máu trở nên dễ chảy. Nguyên nhân: chấn thương trầm trọng, phỏng nặng, truyền nhầm loại máu, bị rắn cắn, bệnh gan.

Dissociative disorders: (tâm lý) rối loạn tâm lý, gồm nhiều loại: không còn nhớ chi tiết về bản thân như tên họ, năm sinh (amnesia); đi lang thang (fugue) và lấy một danh tính khác; có nhiều cá tính khác nhau trong cùng con người (multiple personality). Các tình trạng trên có thể xảy ra khi không thích ứng nổi với một xúc động mạnh, ví dụ chứng kiến cảnh bắn giết tập thể, thiên tai khủng khiếp, bị tình phụ, bị sách nhiễu tình dục lúc trẻ v.v.

Diuretic drugs: thuốc lợi tiểu, sử dụng trong: phù chân tay, mặt và thân thể vì suy tim, bệnh thận có mỡ (nephrotic syndrome), gan chai cứng; đau dữ dội ở bụng và vú trước khi có kinh; cao huyết áp; một vài trường hợp tăng nhãn áp. Phụ chứng: lượng potassium (K) giảm xuống gây yếu cơ, đánh trống ngực, đầu óc lẫn lộn; lượng uric acid máu tăng gây thống phong (gout); lượng đường máu tăng đưa đến tiểu đường.

Diverticulitis: viêm chi nang ruôt già (chi nang = túi tạo ra ở các điểm yếu của thành ruột già do áp suất tăng lên từ bên trong) do nhiễm khuẩn, gây đau bụng dưới, ỉa chảy hoặc táo bón, có thể đưa đến tụ mủ (áp xe) phải mổ dẫn lưu.

Dizygotic twins: con sinh đôi do hai trứng thụ thai bởi hai tinh trùng, nên chúng giống như anh chị em sinh thường (fraternel twins), khác với monozygotic twins là sinh đôi do một trứng thụ thai bởi một tinh trùng, sau đó phôi tách rời thành hai, hai đứa con song sinh giống nhau như tạc và cùng một phái tính (identical twins).

Dizziness: choáng váng, chóng mặt, phần lớn không nguy hại vì do áp suất máu ở não hạ xuống chốc lát, ví dụ khi đang nằm hoặc ngồi rồi bật nhanh dậy. Nguyên nhân khác là: uống thuốc hạ huyết áp, dòng máu chảy trong não bị ngăn trở gây thiếu máu cục bộ thoáng chốc (transient ischaemic attack, TIA), căng thẳng tinh thần, sốt cao, thiếu máu, rối loạn nhịp tim, lượng đường máu xuống thấp, bệnh về tai (viêm mê đạo, bệnh Ménière, u bướu dây thần kinh tai), u bướu não, nhức đầu nửa bên (migraine), viêm khớp xương cổ nên mạch máu sau cổ chạy lên não (vertebral arteries) bị xoắn lại khi quay đầu.

Dominant: (di truyền học) mô tả một gen có ảnh hưởng vượt trội, hoặc thể hiện rõ ràng.

Dopamine: (thần kinh) một chất truyền dẫn thần kinh (neurotransmitter) có vai trò quan trọng trong sự kiểm soát các cử động của cơ thể. Thiếu dopamine trong hạch đáy (basal ganglia) gây ra bệnh Parkinson.

Down’s syndrome: (tâm thần) hội chứng Down, trước kia được gọi là hội chứng Mông Cổ, do xáo trộn về nhiễm sắc thể, gây chậm phát triển trí tuệ. Tế bào có thừa một nhiễm sắc thể ở số 21 (trisomy 21), nâng tổng số lên thành 47 thay vì 46 như bình thường. Tỷ lệ hội chứng Down là 1/650 trẻ con, con số này tăng lên với tuổi của thai phụ, tỷ lệ là 1/40 nếu trên 40 mới sinh đẻ. Thương số thông minh (Intelligence quotient, IQ) của các bé là từ 30-80, có thể học biết chút ít. Chúng thường rất dễ thương, vui vẻ, ít gây phiền hà cho gia đình. Ngoại dạng có những nét đặc biệt như cặp mắt xếch lên (giống người Mông Cổ), đầu dẹp ở phía sau, sống mũi gẫy, lưỡi to và thò ra ngoài, thân hình thấp bé, ngón út hơi cong vào, bàn tay chỉ có một đường chỉ. Chúng có thể mắc thêm một số dị tật ở tim, thực quản, ruột, mạch máu dễ bị chất béo đóng vào, tai điếc, mắt cườm, bệnh Alzheimer xảy ra sớm. Mặc dù y học có nhiều tiến bộ trong sự chữa trị và chăm sóc, nhưng vì tế bào sớm bị lão hóa nên người có hội chứng Down có tuổi thọ kém hơn người bình thường.

DPT vaccine: thuốc chủng phối hợp, ngừa bệnh bạch hầu (diphtheria, D), ho gà (pertussis, P), uốn ván (tetanus, T).

Drain / drainage: dụng cụ dẫn lưu dịch tích tụ trong cơ thể, thường là một ống hay sợi bấc / sự dẫn lưu.

Dressing: băng, dùng trong các vết thương hay một phần cơ thể bị bệnh.

Drip, intravenous drip: chuyền nhỏ giọt vào tĩnh mạch.

Drug dependence: (tâm lý) xem chữ dependence.

Dry eye, keratoconjunctivitis sicca: chứng khô mắt, do nước mắt không sản xuất ra, có trong một số bệnh miễn nhiễm. Khô mắt kéo dài lâu ngày có thể gây ngứa, cộm mắt, mắt mờ đi; biến chứng là giác mạc bị loét và làm sẹo.

Duchenne muscular dystrophy: một loại loạn dưỡng cơ do bác sĩ Duchenne mô tả, có tính di truyền, chỉ con trai mới mắc phải. Bệnh thường bắt đầu khi đứa bé lên 4, cơ bắp vùng đai chậu và lưng bị yếu nhỏ lại, bắp chân, vai và chi trên to và rắn chắc ra. Nó có dáng đi lạch bạch, cột sống thắt lưng ưởn ra trước. Bệnh không chữa được.

Ductus arteriosus / patent ductus arteriosus: một mạch máu trong giai đoạn bào thai nối động mạch phổi với động mạch chủ (nên không có tuần hoàn phổi ở bào thai), và thường đóng lại sau khi sinh. Trường hợp mạch máu không đóng lại (patent ductus arteriosus) có thể đưa đến suy tim, cần phải mổ.

Duodenal ulcer: loét tá tràng, gây ra do tác động của a xít và pepsin trên niêm mạc tá tràng.

Duodenoscopy: soi tá tràng với dụng cụ tên là duodenoscope

Duodenum: tá tràng, phần thứ nhất của ruột non, tiếp theo môn vị. Tại tá tràng có ống dẫn mật và ống dẫn dịch tụy tạng chảy vào.

Dupuytren’s contracture: tình trạng một hay nhiều ngón tay, thường là ngón thứ ba và thứ tư co gập vào, do sợi gân cơ bắp co ngón tay dính với da lòng bàn tay. Bệnh được bác sĩ Dupuytren mô tả, chữa bằng mổ giải phóng chỗ dính.

Dura, dura mater: (thần kinh) lớp vỏ cứng của màng não và tủy sống.

Dwarfism: chứng lùn.

Dys-: tiếp đầu ngữ, chỉ sự khó khăn, bất thường, rối loạn. Ví dụ dysuria = đái khó. Dysarthria: chứng phát âm không rõ, nhưng ý nghĩ, nội dung lời phát biểu vẫn bình thường. Dyschondroplasia: loạn sản sụn, sụn không biến thành xương, u sụn lành tính có thể mọc ra. Dysentery: kiết lỵ, nhiễm trùng đường ruột gây ỉa chảy. 1- kiết lỵ do đơn bào a míp Entamoeba histolytica gây loét ruột già, tiêu chảy có đàm và máu, ăn không tiêu, sụt cân, thiếu máu. Biến chứng có thể là áp xe gan, phổi, não. 2- kiết lỵ do trực khuẩn Shigella, gây tiêu chảy từ nhẹ đến mất nhiều nước trong cơ thể, xuất huyết ruột.

Dysgerminoma: (sản phụ khoa) một loại u ác tính ở buồng trứng, xảy ra từ trẻ đến già. U rất nhạy cảm với xạ trị.

Dyshidrosis: rối loạn về mồ hôi tiết ra, có sự thay đổi màu và mùi.

Dyskinesia: (thần kinh) cử động bất thường của cơ bắp như giật tay chân (chorea), giật rung cơ bắp (myoclonus), múa vờn tay (athetosis), run tay chân. Nguyên nhân có thể là tổn hại não bộ lúc sinh, sử dụng thuốc chữa bệnh tâm thần.

Dyslalia: (tâm thần) nói một thứ ngôn ngữ chỉ riêng người bệnh hiểu.

Dyslexia: (thần kinh) khó khăn trong việc đọc, viết, đánh vần, gây ra bởi bất thường về sự phát triển của não bộ. Người mắc chứng này đọc và viết ngược, nhìn thấy các chữ chồng lên nhau, nhưng họ vẫn bình thường về trí tuệ, cảm xúc. Trong phần chữa trị, cha mẹ cần sớm nhận biết để hỗ trợ khuyến khích đứa trẻ, hợp tác chặt chẽ với các chuyên viên để kết quả thêm tốt đẹp.

Dysmenorrhoea: (sản phụ khoa) chứng thống kinh, đau bụng khi có kinh, do nhiều nguyên nhân: xáo trộn về hóc môn phái nữ, nhiễm khuẩn vùng chậu, u xơ tử cung (fibroid), lạc nội mạc tử cung (endometriosis), căng thẳng tinh thần v.v.

Dysmorphophobia: (tâm thần) chứng ám ảnh tin rằng bản thân đã thay hình đổi dạng, hoặc sắp bị.

Dyspareunia: (sản phụ khoa) tình trạng phụ nữ bị đau khi giao hợp, hoặc khó giao hợp, có thể do các nhân tố cơ thể hay tâm lý.

Dyspepsia: chứng khó tiêu.

Dysphagia: chứng khó nuốt.

Dysphasia: (thần kinh) mất ngôn ngữ, một rối loạn về ngôn ngữ ảnh hưởng đến việc phát âm và hiểu được lời người khác nói, do bệnh ở bán cầu não, thường đi kèm với khó khăn về đọc và viết.

Dysphonia: chứng khó phát âm, do bệnh ở thanh quản, dây thanh âm, lưỡi và họng.

Dysplasia: sự loạn sản, phát triển bất thường của da, xương hay các mô khác.

Dyspnoea: sự khó thở.

Dyspraxia (apraxia): (thần kinh) xem chữ apraxia.

Dysthymic disorder: (tâm thần) buồn chán loại nhẹ, trước kia được gọi là depressive neurosis.

Dystocia: (sản phụ khoa) sự sinh đẻ khó.

Dystonia: loạn trương lực cơ bắp, gây co cứng cơ bắp, đau giật, xảy ra trong bệnh Parkinson, trúng phong, tâm thần phân liệt, dùng thuốc chữa bệnh này.

Dystrophia myotonica: loạn dưỡng cơ bắp do di truyền, thời gian cơ bắp go cứng kéo dài hơn thường lệ. Cơ bắp bị ảnh hưởng: mặt, thái dương, cổ.

Dystrophy: loạn dưỡng, một bộ phận không được nuôi dưỡng tốt bởi mạch máu hoặc dây thần kinh được phân bổ đến.

Dysuria: chứng đái khó.

[collapse]

E

Ear: tai, gồm 3 phần: tai ngoài, giữa và trong, màng nhĩ phân cách tai ngoài và giữa. Tai giữa có 3 xương nhỏ là búa (malleus), đe (incus) và xương bàn đạp (stapes), thông với họng qua ống Eustache. Tai trong có 1- hệ thống mê đạo (labyrinth) gồm tiền đình (vestibule), kênh bán nguyệt (semicircular canals) có vai trò giữ thăng bằng cho cơ thể. 2- ốc tai (cochlea) đặc trách về nghe. Từ hai nơi này chạy ra dây thần kinh tiền đình và thần kinh thính giác, có tên chung là thần kinh tiền đình-thính giác (vestibulocochlear nerve).

Ear ache, otalgia: đau nhức trong tai, thường do viêm nhiễm trùng tai ngoài, tai giữa có mủ. Cũng có thể do đau răng, đau họng, viêm a mi đan.

Ear, discharge from (otorrhoea): dịch tiết từ tai, có thể là nước, chất nhờn, mủ.

Ear drum, perforated: thủng màng nhĩ do viêm tai giữa có mủ, bị tát mạnh vào tai, tiếng nổ lớn kề cận, mất cân bằng về áp suất không khí bên ngoài màng nhĩ và tai giữa khi đi máy bay hoặc lặn sâu xuống nước, vỡ đáy xương sọ.

Ecchondroma / enchondroma: u sụn lành tính lồi ra khỏi bờ xương / u sụn trong vùng tăng trưởng của xương.

Ecchymosis: bầm máu, do chấn thương hoặc do máu tràn ra khỏi mạch máu trong một số bệnh về máu.

Echinococcus: một loại sán dẹp, ấu trùng sinh trưởng ở phổi, gan, não, tạo nang lớn từ 8-10 cm đường kính, đôi khi phải mổ cắt bỏ.

Echocardiography: dùng sóng siêu âm để kiểm tra hoạt động của quả tim đang đập, áp dụng trong việc định bệnh và xác định các bệnh tim bẩm sinh hoặc mắc phải.

Echolalia: (tâm thần) chứng nhại lời người khác, có thể thấy trong bệnh tự kỷ, hội chứng Gilles de la Tourette.

Echopraxia: (tâm thần) bắt chước một cách bệnh hoạn cử động của người khác.

Eclampsia: (sản phụ khoa) sản kinh, xảy ra ở cuối thai kỳ hoặc liền sau khi sinh. Sản phụ bị co giật toàn thân rồi đi vào hôn mê, huyết áp tăng cao, nước tiểu có chất đạm, thân hình mặt mày sưng phù lên. Tình trạng trên rất nghiêm trọng, đe dọa tính mạng của cả mẹ lẫn con.

Sản kinh là một hậu quả của tiến trình nhiễm độc huyết khi mang thai (toxaemia of pregnancy).

Ecstasy: 1- (tâm lý) ngây ngất, cảm giác vui thích tột độ. 2- một loại thuốc bất hợp pháp, kích thích và gây ngây ngất, vui thích cho người sử dụng. Phụ chứng: sốt cao độ, hoạt động không ngưng nghỉ nên khát nước rồi uống vào nhiều làm rối loạn sự quân bình của các chất điện giải trong cơ thể, có thể gây chết người vì suy tim cấp tính.

-ectomy: tiếp vĩ ngữ để chỉ về sự cắt bỏ, ví dụ appendicectomy = cắt bỏ ruột thừa.

Ectopic beat (extrasystole): ngoại tâm thu, tim đập lạc vị, nhịp đập của tim do một xung lực phát đi từ một nơi nào đó trong tim, bên ngoài nút xoang nhĩ như thường lệ. Có thể gây ra bởi bệnh tim, chất nicotine thuốc lá, caffeine trong trà, cà phê, đôi khi người bình thường cũng có. Bệnh nhân không cảm thấy gì, hoặc cảm thấy thiếu mất một nhịp tim, hồi hộp, nặng ngựcEctopic pregnancy (extrauterine pregnancy): (sản phụ khoa) bào thai phát triển ở một vị trí khác hơn là tử cung, thường nhất là trong vòi trứng (tubal pregnancy), một ít trường hợp xảy ra ở buồng trứng, cổ tử cung, trong bụng. Nguy cơ của thai vòi trứng là vòi vỡ ra, gây chảy máu xối xả, nếu không can thiệp kịp thời có thể đưa đến tử vong. Y học có ghi nhận một vài trường hợp thai bụng phát triển lớn thành hài nhi phải mổ đem ra. Nguyên nhân: tật bẩm sinh vòi trứng, vòi trứng bị trít vì nhiễm khuẩn, nhất là khuẩn Chlamydia, đặt vòng xoắn ở tử cung, viêm vùng chậu do nhiễm khuẩn (pelvic inflammatory disease)

Ectropion: tật lộn mi mắt ra ngoài, thường xảy ra cho người già do cơ bắp vòng quanh mắt bị suy yếu, do sẹo da gần mi mắt kéo bật ra, kết mạc mi mắt dày lên, liệt dây thần kinh số VII. Việc giải phẫu sửa lại có kết quả tốt.

Eczema: chàm, viêm mặt ngoài da, chủ yếu là biểu bì (epidermis), gây ngứa, nổi ban đỏ và bóng nước nhỏ rỉ nước rồi đóng vảy, da dày lên và biến màu. Chàm được chia làm hai loại chính: loại do yếu tố ngoại lai và chàm nội sinh (endogenous). Chàm nội sinh gồm 5 kiểu, tủy theo vị trí và hình dạng bên ngoài: chàm dị ứng (atopic eczema) thường xảy ra cho trẻ con, đôi khi phối hợp với lịch sử dị ứng gia đình; chàm hình đĩa trên bàn tay/bàn chân; chàm tiết bã nhờn (seborrhoeic eczema) trên mặt, da đầu; chàm tại vùng tĩnh mạch giãn ở chân (varicose eczema).

Effusion: tràn dịch, sự chảy mủ, huyết thanh, máu, bạch huyết hay các dịch khác vào trong một xoang của cơ thể, do viêm sưng, do quá nhiều máu hay dịch trong mô hay cơ quan.

Ego: (tâm lý) cái tôi, bản ngã, sự nhận thức hay kinh nghiệm bản thân về con người của mình, nhất là trong quan hệ với người khác. Theo Freud, bản ngã điều hòa các đòi hỏi của vô thức (id), ý thức (superego) và thực tế (reality).

Ejaculation: xuất tinh. Rối loạn xuất tinh gồm xuất tinh sớm (premature ejaculation), xuất tinh ngược vào bọng đái (retrograde ejaculation) có thể xảy ra sau khi mổ ở vùng tuyến tiền liệt (prostate).

Elation: (tâm lý) hân hoan, phấn chấn. Quá độ là một dấu hiệu hưng cảm (mania).

Electrocardiogramme, ECG: điện tâm đồ ghi các hoạt động của tim trên băng giấy, giúp chẩn đoán các bệnh tim qua những thay đổi đặc trưng trên điện đồ.

Electrocautery: đốt điện.

Electrocoagulation: làm đông các mô với dòng điện có tần số cao. Áp dụng trong khi mổ làm giảm hoặc ngưng chảy máu.

Electroconvulsive therapy, ECT: (tâm thần) phương cách trị liệu những trường hợp trầm buồn nặng, đôi khi áp dụng trong bệnh tâm thần phân liệt, bệnh hưng cảm. Một dòng điện được chạy qua não bệnh nhân, gây cơn co giật. Tử vong là 1/10,000 ca, một số người có thể mất trí nhớ một thời gian ngắn.

Electroencephalogramme, EEG: (thần kinh) điện đồ não, đo dòng điện từ não phát ra thành làn sóng, dùng thăm dò tình trạng của não bộ bệnh nhân, trạng thái tỉnh táo của họ. Thường được sử dụng trong việc định bệnh bệnh kinh phong. Có 4 loại sóng: alpha, beta, theta và delta.

Electrolyte: chất điện giải của cơ thể như sodium, potassium, chloride, bicarbonate v.v. Chất này có thể mất đi trong trường hợp ỉa mửa nhiều, hoặc tích tụ lại trong suy thận. Cả hai cần được chữa trị ngay.

Electromyography: điện đồ ghi nhận hoạt động của cơ bắp, dùng để định bệnh các rối loạn về dây thần kinh và cơ bắp, để theo dõi tiến triển của một vài loại liệt.

Electroretinography: một phương cách để kiểm tra các xung lực điện của võng mạc, giúp khám xét các bệnh thuộc võng mạc, khi thủy tinh thể bị đục không nhìn thấy được phía sau.

Elephantiasis: bệnh da voi do tắc nghẽn các mạch bạch huyết gây ra bởi giun chỉ ký sinh Wuchereria bancrofti Brugia malayi. Da và mô liên kết bên dưới nở căng to ra, dày lên, xù xì và nhăn như da voi tại chân, bìu dái, âm hộ và cả vú nữa. Bệnh xảy ra ở các nước Phi Châu và Ðông Nam Á, kể cả Việt Nam.

Elixir: chế phẩm có chứa cồn hay glycerin, dùng pha chung với các thuốc đắng, thuốc gây nôn mửa

Emaciation: trạng thái gây suy mòn cơ thể, do thiếu dinh dưỡng, bệnh lao, ung thư, giun ký sinh

Emasculation: thiến.

Embolectomy: phẫu thuật mở mạch máu để lấy đi huyết khối làm tắc nghẽn mạch máu đó. Ðây là một trường hợp khẩn cấp, phần cơ thể được nuôi dưỡng có nguy cơ bị chết.

Embolism: sự tắc nghẽn mạch máu do vật lạ (embolus) từ nơi khác chạy đến.

Embolus: vật gây nghẽn mạch máu, có thể là cục máu đông, chất béo và tủy sống trong trường hợp gẫy xương, không khí, nước ối v.v. Ví dụ: cục máu đông từ tĩnh mạch chân, bụng chạy lên tim phải rồi động mạch phổi, gây tắc ở đó, từ tim chạy ra rồi lên não gây trúng phong (stroke), chạy xuống chân gây thối chân.

Embryo: (sản phụ khoa) tên gọi thai từ khi mới đậu vào tử cung cho tới tuần lễ thứ tám, sau đó được gọi là bào thai.

Embryology: phôi học, khoa nghiên cứu về sự tăng trưởng và phát triển của phôi và thai từ khi trứng mới thụ tinh cho đến khi sinh.

Emetic: chất gây nôn mửa.

Emollient: chất làm dịu và mềm da, gồm paraffin lỏng và lanolin.

Emotion: (tâm lý) xúc cảm, trạng thái gợi lên cảm giác dễ chịu hay khó chịu.

Empathy: (tâm lý) đồng cảm, khả năng hiểu được ý nghĩ và cảm xúc của người khác.

Emphysema: 1- khí thủng phổi, một bệnh phổi trong đó các tiểu phế quản, phế nang bị hư hại và căng phồng ra, làm giảm diện tích trao đổi khí ốc xi và carbon dioxide. Bệnh nặng gây khó thở, nước da xanh tím, tình trạng sẽ xấu hơn nếu bị nhiễm khuẩn, bệnh nhân chết vì suy tim. Cơ chế phát triển bệnh chưa rõ, yếu tố tạo điều kiện là hút thuốc, thở hít không khí ô nhiễm, viêm phế quản mạn tính. Hiện chưa có phương cách chữa trị hữu hiệu. 2- khí thủng (surgical emphysema) do không khí thoát vào các mô ở ngực và cổ vì chấn thương lồng ngực, thủng thực quản lúc mổ. Khi sờ vào có tiếng rào rạo rất đặc biệt.

Empirical treatment: chữa theo kinh nghiệm hoặc qua các triệu chứng và dấu hiệu bệnh.

Empyema: tích tụ mủ ở màng phổi, do nhiễm khuẩn phổi hay vùng phía dưới hoành cách mô lan lên, cần phải mổ để dẫn lưu.

Enamel: ngà răng, lớp bao bên ngoài răng.

Encephalitis: (thần kinh) viêm não, gây sốt, nhức đầu, nôn mửa, cổ và lưng bị cứng, lên cơn động kinh, có thể tiến tới hôn mê và chết. Hậu quả về lâu: chậm phát triển trí tuệ, động kinh, điếc tai. Nguyên nhân thường là siêu khuẩn trực tiếp gây bệnh như Herpes simplex, Herpes zoster, Coxsackie virus, Polio virus; hoặc do biến chứng của bệnh quai bị, sởi, sởi Ðức, thủy đậu

Encephalomyelitis: (thần kinh) viêm não và tủy sống cấp tính do siêu khuẩn, hoặc là một dạng tăng nhạy cảm muộn đối với thuốc chủng ngừa.

Encopresis: ỉa đùn.

Endarterectomy: phẫu thuật cắt bỏ nội mạc động mạch để khai thông tắc nghẽn vì chất béo đóng vào, áp dụng ở động mạch cảnh (carotid arteries) ngừa nguy cơ trúng phong, động mạch nuôi dưỡng chân để khỏi bị hoại thư (gangrene).

Endarteritis: viêm nội mạc động mạch do giang mai, thường thấy ở mạch máu não, động mạch chủ.

Endemic: dịch bệnh xảy ra tại một khu vực và ảnh hưởng đến một số người.

Endocarditis: viêm nội mạc tim và các van tim, có thể gây tổn hại tạm thời hay vĩnh viễn van tim. Nguyên nhân thường là nhiễm khuẩn, bệnh sốt thấp khớp (rheumatic fever).

Endocardium: nội tâm mạc, màng lót bên trong tim và tiếp nối với màng lót các động và tĩnh mạch

Endocervicitis: (sản phụ khoa) viêm nội mạc cổ tử cung, thường do nhiễm khuẩn, dịch tiết ra có màu trắng hay vàng.

Endocrine glands: tuyến nội tiết, sản xuất một hay nhiều hóc môn tiết trực tiếp vào máu. Các tuyến này gồm có: tuyến giáp (thyroid gland), tuyến cận giáp (parathyroid glands), tuyến yên (pituitary gland), tuyến thượng thận (adrenal glands), buồng trứng (ovaries), tinh hoàn (testes), nhau thai (placenta) và một phần tụy tạng (pancreas).

Endocrinology / endocrinologist: khoa nội tiết / bác sĩ chuyên về khoa này.

Endogenous: nội sinh, phát sinh ra không do nguồn gốc bên ngoài.

Endometrial ablation: (sản phụ khoa) phẫu thuật chữa các chứng rong kinh, u xơ nằm cận nội mạc tử cung, nội mạc tử cung dày lên, dùng tia laser, vòng thép đốt nóng, sức nóng của microwave, hoặc nước nóng trong quả bóng đặt vào bên trong tử cung Ðây là một phương cách chữa trị thay cho việc cắt bỏ tử cung, nông cổ tử cung và nạo bên trong tử cung (dilatation and curettage, D&C).

Endometriosis: (sản phụ khoa) bệnh lạc nội mạc tử cung, lớp nội mạc theo máu kinh chạy ngược lên và đóng ở vòi trứng, buồng trứng, hốc bụng vùng chậu, bọng đái hoặc chạy xuống đóng ở cổ tử cung. Các nơi này cũng ra huyết mỗi lần hành kinh, nhưng vì máu không có lối thoát nên tụ lại thành khối có khi to bằng quả bưởi, gây đau trằn bụng dưới, có kinh ra nhiều huyết, đau lưng, xáo trộn về tiêu hóa Chữa trị với thuốc Danazol, thuốc ngừa thai, hủy các khối máu tụ bằng tia laser hoặc đốt điện (trong khi soi ổ bụng để định bệnh), đôi khi bằng giải phẫu cắt bỏ tử cung nếu bệnh nhân sắp mãn kinh hoặc không muốn có con nữa.

Endometritis: (sản phụ khoa) viêm nội mạc tử cung do vật lạ trong tử cung, ví dụ vòng xoắn ngừa thai, khuẩn, siêu khuẩn, ký sinh (parasite).

Endometrium: (sản phụ khoa) nội mạc tử cung, lớp màng nhầy lót bên trong tử cung. Vào giai đoạn thứ hai của kinh nguyệt, lớp này dày lên để sẵn sàng tiếp nhận bào thai và nếu thụ thai không xảy ra, sẽ tróc ra theo với máu kinh.

Endomyocarditis: viêm cơ và nội mạc tim, do sốt viêm khớp (rheumatic fever) và siêu khuẩn gây ra. Nếu bao tim (pericardium) cũng cùng bị viêm thì gọi là pancarditis.

Endorphin / endomorphin: (thần kinh) nhóm hóa chất tự nhiên của não có đặc tính làm giảm đau tương tự như morphine.

Endoscope / endoscopy: dụng cụ để soi bên trong của một bộ phận, ví dụ soi dạ dày, ruột già / thủ thuật nội soi.

Endotoxin: độc chất rất có hại cho cơ thể, chứa đựng trong một số khuẩn nhuộm Gram-âm (Gram-negative bacteria), khi các khuẩn này vỡ ra hoặc chết.

Enema: thụt rửa ruột già để cho phân ra, hoặc dùng barium sulphate để chụp Xquang ruột già.(barium enema).

Entemoeba: đơn bào a míp, một vài loại là ký sinh đường tiêu hóa của người, ví dụ E. histolytica xâm nhập và làm loét ruột già, gây chứng kiết lỵ có đàm nhớt và máu, và có thể lan đến gan làm mủ ở đấy (áp xe gan).

Enter-, entero-: tiếp đầu ngữ chỉ ruột.

Enteritis: viêm ruột non, gây tiêu chảy. Tác nhân là khuẩn hoặc siêu khuẩn, tia Xquang hoặc phóng xạ, bệnh Crohn.

Enterocolitis: viêm ruột non và ruột già.

Entropion: mi mắt bật vào trong tròng mắt, lông mi quét lên giác mạc và kết mạc. Nguyên nhân: tật bẩm sinh, tuổi già (thường hay bị ở mi dưới), bệnh mắt hột (trachoma) có nhiều ở Việt Nam. Biến chứng: viêm kết mạc, giác mạc mờ đục có thể đưa đến mù.

Enucleation: phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ một cơ quan, khối u hay nang. Trong nhãn khoa, từ này có nghĩa là múc mắt.

Enuresis: chứng đái dầm.

Enzyme: men, một chất xúc tác cần thiết cho sự điều hành và phát triển của cơ thể. Thiếu men (thường là do di truyền), hoặc men không hoạt động bình thường, có thể đưa đến các rối loạn về chuyển hóa, đôi khi gây tai hại nghiêm trọng cho sức khoẻ.

Epidemic: dịch bệnh bộc phát, lan tràn nhanh và ảnh hưởng đến một số lớn dân chúng, ví dụ dịch cúm.

Epidemiology: dịch tễ học, khoa nghiên cứu về các bệnh dịch để tìm biện pháp ngăn chận và phòng ngừa trong tương lai; khoa cũng bao gồm các loại bệnh khác liên quan đến môi trường và lối sống, ví dụ thuốc lá và ung thư, chế độ ăn uống và bệnh tim mạch, và các bệnh hay lây.

Epidermis: biểu bì, lớp ngoài của da.

Epidermomycosis: bệnh nấm da.

Epididymis: mào tinh hoàn, một ống xoắn dài khoảng 7 mét, nối tinh hoàn với ống dẫn tinh. Tinh trùng trưởng thành tại đây trong khoảng thời gian nhiều ngày, rồi tập trung ở phần dưới cho đến khi xuất tinh.

Epididymitis: viêm mào tinh hoàn, do nhiễm trùng từ bọng đái hoặc niệu quản xuống ống dẫn tinh, gây sưng đau ở bìu dái, có thể lan cả sang tinh hoàn (epididymo-orchitis).

Epidural, extradural: (thần kinh) bên ngoài màng cứng, là lớp ngoài cùng của màng não và màng tủy sống. Khoảng ngoài màng cứng (epidural space) của tủy sống là nơi chuyên viên gây tê mê tiêm thuốc tê vào (epidural anaesthesia) giúp sinh đẻ không đau.

Epigastric: vùng thượng vị, phía trên rốn. Xem chữ abdomen.

Epiglottis: tiểu thiệt, một nắp sụn mỏng hình lá có màng nhầy bao bọc, nằm ngay sau lưỡi.

Nắp này đậy thanh quản lại khi nuốt thức ăn, uống nước.

Epiglottitis: viêm sưng tiểu thiệt làm tắc không khí thở vào, gây ra bởi khuẩn Haemophilus influenzae. Chữa trị với kháng sinh, đôi khi phải cho ống thông vào khí quản (intubation) hoặc khai thông khí quản (tracheostomy).

Epilepsy: (thần kinh) động kinh (kinh phong), là những cơn giật hay tái diễn do dòng diện bất thường phát ra từ tế bào não. Nguyên nhân: chấn thương đầu, đứa trẻ sinh khó, viêm màng não và não, u não, trúng phong (stroke), trúng độc thuốc, thình lình phải ngưng sử dụng ma túy và rượu, rối loạn về chuyển hóa. Ðộng kinh có thể là toàn diện hay cục bộ. Trong động kinh toàn diện (generalised epilepsy, grand mal), bệnh nhân ngã xuống đất bất tỉnh, thân hình cứng đơ rồi lên cơn giật, mặt mày tái xanh vì ngừng thở, xùi bọt mép, cắn vào lưỡi, đái dầm. Sau đó, khi tỉnh dậy, bệnh nhân đầu óc lẫn lộn không nhớ những gì đã xảy ra. Kinh phong cục bộ có nhiều dạng: 1- bệnh nhân bất tỉnh trong vài giây đồng hồ (absence, petit mal), môi và mồm mấp máy, ngón tay rung nhẹ. Cơn động kinh này có thể xảy ra nhiều lần trong ngày. 2- dạng do một vùng não bộ bị tổn hại, ví dụ vùng thái dương (temporal lobe epilepsy), gồm các triệu chứng như hư giác (hallucination) về mùi vị, về nghe và thấy, cử động tự động, mất trí nhớ từng lúc, lơ mơ không hay biết đến những gì xảy ra xung quanh

Epiphysis: phần cuối của xương dài, lúc còn trẻ phân cách với thân xương bởi một lớp sụn, sau đó sụn hóa xương khi đến tuổi trưởng thành. Xem chữ bone..

Epiploon, omentum: mành nối phúc mạc kép gắn vào dạ dày, nối dạ dày với các cơ quan khác trong xoang bụng như gan, lách, ruột…Màng nối lớn (great omentum) phủ lên ruột như một tấm chắn bảo vệ ngăn mủ từ một cơ quan lan ra khắp màng bụng (peritoneum). Màng nối nhỏ (lesser omentum) nối dạ dày với gan.

Episio-: tiếp đầu ngữ chỉ âm hộ.

Episiotomy: (sản phụ khoa) cắt đáy chậu (vùng giữa âm đạo và hậu

môn) theo nhiều kiểu khác nhau, mục đích giúp sự sinh đẻ được dễ dàng và tránh vùng chậu không bị rách ra nhiều hơn.

Epistaxis, nosebleed: chảy máu mũi, do bị đánh vào mũi, mạch máu mũi dễ vỡ, cho ngón tay ngoáy vào mũi. Một vài trường hợp do cao huyết áp, bệnh về máu, bướu mũi hoặc xoang mũi.

Epithelioma: ung thư biểu bì, lớp bao bọc mặt ngoài và mặt trong cơ thể (epithelium), trừ mạch máu và mạch bạch huyết.

Epulis: u nướu răng.

Erection: tình trạng dương vật nở lớn và cứng lên để có thể đưa vào âm đạo. Từ này cũng được dùng cho âm vật khi được gợi dục.

Erotomania: (tâm thần) hoang tưởng được một người có địa vị trong xã hội yêu thương để ý đến. Tình trạng này có thể thấy trong bệnh tâm thần phân liệt.

Eructation: ợ hơi.

Erysipelas: viêm quầng đỏ, thường là ở mặt và da đầu, do khuẩn Streptococcus pyogenes gây ra.

Erythrocyte sedimentation rate, ESR: tốc độ lắng của hồng cầu. Tốc độ này tăng nếu lượng của một vài loại đạm trong máu có nhiều hơn bình thường, ví dụ trường hợp nhiễm trùng, bệnh miễn nhiễm, bệnh u tủy (myeloma).

Essential amino acid: loại đạm amino acid cần thiết cho sự tăng trưởng và phát triển bình thường, cơ thể không tổng hợp được. Có tất cả 8 thứ: tryptophan, lysine, phenylalanine, threonine, valine, methionine, leucine và isoleucine, chứa nhiều trong thực phẩm giàu chất đạm như gan, trứng, sản phẩm của sữa.

Essential fatty acid: a xít béo thiết yếu cho sự tăng trưởng nhưng cơ thể không tổng hợp được: linoleic, linolenic và arachidonic acid, có trong dầu bắp, dầu đậu nành..

Euphoria: (tâm lý) sảng khoái, một trạng thái lạc quan, vui vẻ và dễ chịu. Mức độ sảng khoái quá dộ là đặc trưng của chứng hưng cảm hoặc hưng cảm nhẹ (mania, hypomania).

Eustachian tube: ống Eustache, nối tai giữa với họng, giúp áp suất bên trong màng nhĩ được cân bằng với áp suất bên ngoài. Xem chữ ear.

Euthanasia: sự chết bình yên, dùng các phương cách chấm dứt sự sống để giảm đau đớn.

Euthyroidism: tuyến giáp trong tình trạng hoạt động bình thường, không tăng hoặc giảm (hyper /hypothyroidism).

Eventration: tình trạng ruột nhô ra bên trong thành bụng, do thành bụng bị yếu đi sau khi mổ.

Exaltation: (tâm lý) sự phấn chấn tinh thần.

Exchange transfusion: truyền thay máu, một kỹ thuật điều trị bệnh hồng cầu bị vỡ hàng loạt (haemolytic anaemia) ở trẻ sơ sinh.

Excretion: sự bài tiết.

Exhibitionism: (tâm thần) một chứng loạn dâm, phô bày bộ phận sinh dục cho người khác thấy, mục đích là để khơi động tình dục cho mình. Thường chỉ xảy ra cho phái nam.

Exocrine glands: tuyến ngoại tiết, tiết dịch qua ống dẫn mở ra bên trong một cơ quan hoặc bên ngoài cơ thể. Ví dụ: tuyến tụy tạng, tuyến mồ hôi v.v.

Exophthalmos: mắt lộ ra ngoài. Nguyên nhân: bệnh cường tuyến giáp (hyperthyroidism), bướu mắt, phình động mạch (aneurysm) phía sau mắt.

Exotoxin: ngoại độc tố, do một vài loại khuẩn tiết vào máu, rất độc hại. Ví dụ: ngoại độc tố của khuẩn uốn ván (tetanus), bạch hầu (diphteria).

Expectorant / expectoration: thuốc long đàm / sự khạc đàm.

Expiration: 1- động tác thở không khí từ phổi ra. 2- hấp hối.

Extradural: (thần kinh) ngoài màng cứng của màng não, màng tủy sống. Xem chữ epidural.

Extrapyramidal system: (thần kinh) hệ ngoại tháp, một hệ thống dây thần kinh nối vỏ não, hạch đáy, đồi thị (thalamus), tiểu não, cấu tạo lưới (reticular formation), tế bào thần kinh tủy sống. Hệ này liên quan chủ yếu đến sự điều hòa các phản xạ vận động cơ bắp. Tổn hại hệ gây rối loạn trong việc thi hành các động tác, tăng trương lực cơ bắp, tạo những cử động ngoài ý muốn như run và co giật tay chân, múa vờn Tình trạng này xảy ra trong các bệnh Huntington, Parkinson, một vài loại liệt não, sử dụng thuốc chữa bệnh tâm thần.

Extrasystole: ngoại tâm thu, xem chữ ectopic beat.

Extroversion: (tâm lý) một nét nhân cách có đặc điểm là quan tâm đến thế giới bên ngoài hơn là chính mình. Loại người này thích giao du, tính tình dễ dãi, hay thay đổi công việc và hoạt động.

Eye: mắt, cơ quan thị giác tiếp nhận và đáp ứng với ánh sáng. Ánh sáng đi vào mắt qua giác mạc (cornea), thủy tinh dịch (aqueous humour) rồi thủy tinh thể (lens). Bằng cách điều chỉnh hình dạng của thủy tinh thể, ánh sáng được hội tụ tại pha lê dịch (vitreous humour) để tới võng mạc (retina). Tại đây, các tế bào hình nón và hình que rất nhạy cảm với ánh sáng sẽ chuyển xung lực thần kinh theo thần kinh thị giác (optic nerve) đến vùng thùy chẩm nằm tại phần sau của não bộ. Các cơ cấu khác của mắt gồm có: củng mạc (sclera), lớp ngoài cùng cứng màu trắng; mạch mạc (choroid) với nhiều mạch máu nuôi dưỡng; võng mạc (retina) gồm tế bào hình nón (cone) và hình que (rod); tại võng mạc, có một vùng gọi là điểm vàng (macula) chỉ gồm có tế bào hình nón, điểm này có thể bị suy thoái khi về già gây ra chứng gọi là suy thoái điểm vàng ở người có tuổi (age-related macular degeneration), đĩa thị giác (optic disk), nơi bắt đầu của thần kinh thị giác; mống mắt (iris) ở phía trước thủy tinh thể; thể mi (ciliary body) với những dây treo thủy tinh thể và cơ bắp khi co giãn sẽ thay đổi độ cong của thủy tinh thể. Cử động của mắt do các cơ bắp mắt điều khiển, có sự phối hợp hài hòa của các dây thần kinh đặc trách cho mỗi cơ bắp.

Eyebrow / eyelash / eyelid: lông mày / lông mi / mi mắt.

Eyestrain: chứng mỏi mắt.

Eye tumours: u bướu mắt, ít xảy ra và thường là ác tính: u ác tính bẩm sinh ở võng mạc, có ở con nít tại một hay hai mắt (retinoblastoma), chữa bằng xạ trị, tia laser, khí lạnh, hoặc múc mắt (nếu ở một bên); u ác tính màng mạch (choroid), xảy ra vào tuổi trung niên hay người già, chữa trị bằng tia laser hoặc múc mắt; u ác tính do di căn từ nơi khác đến; u ác tính mi mắt (basal cell carcinoma), chữa bằng giải phẫu, xạ trị hay khí lạnh, hoặc phải múc mắt nếu ung thư lan ra nhiều.

[collapse]

F

Face-lift: giải phẫu thẩm mỹ chữa da nhăn ở mặt.

Facial nerve: (thần kinh) dây thần kinh sọ số VII, phân bổ đến cơ bắp biểu lộ nét mặt, vị giác ở phần trước lưỡi, tuyến nước bọt dưới lưỡi và tuyến nước mắt; một nhánh nhỏ điều hòa sức căng của các xương nhỏ tai giữa.

Facial paralysis: (thần kinh) liệt dây thần kinh số VII. Xem chữ Bell’s palsy.

Factitious: giả tạo, do con người vô tình hoặc cố ý tạo ra, vì vậy không có giá trị về kết quả thử nghiệm hay chẩn đoán

Factors VIII, IX, XI: các yếu tố đông máu.

Faeces: phân

Failure to thrive, FTT: đứa trẻ chậm lớn, có thể là dấu hiệu của bệnh tim, thận, cơ quan tiêu hóa không thấm nhập các chất dinh dưỡng, hoặc do các vấn đề xảy ra trong gia đình, ví dụ bị đánh đập, thiếu tình thương của cha mẹ.

Fainting: ngất xỉu.

Fallopian tube, uterine tube: (sản phụ khoa) vòi trứng, bên trong có một lớp lông nhỏ để đẩy trứng rụng ra từ buồng trứng chuyển đến tử cung. Vòi có thể bị trít bẩm sinh hoặc do nhiễm khuẩn, đưa đến chứng vô sinh hoặc nếu thụ thai ở đấy sẽ vỡ ra gây chảy máu xối xả có thể chết người

Family planning: kế hoạch hóa gia đình, dùng các phương pháp ngừa thai để giảm sinh đẻ.

Fantasy: (tâm lý) ảo tưởng, một chuỗi tưởng tượng phức tạp đan vào nhau thành một câu chuyện. Người có mối ưu tư quá đáng về những tưởng tượng của mình có thể sẽ gặp khó khăn khi đối diện với thực tế.

Farmer’s lung: viêm phế nang dị ứng với bào tử nấm mọc trong cỏ còn ướt, xảy ra cho nông dân.

Fascia / fasciitis: màng mô liên kết có độ dày khác nhau, ở ngay dưới da hoặc tại cơ bắp / viêm màng này do nhiễm khuẩn, do bệnh thấp khớp.

Fasciculation: (thần kinh) co cơ tự phát và ngắn hạn của một số sợi cơ, thấy như rung hay chuyển động dưới da. Tình trạng này thường kết hợp với bệnh của tế bào thần kinh vận động của tủy sống, hoặc bệnh của sợi thần kinh.

Fascioliasis / fasciolopsiasis: các loại bệnh gây ra do sán lá, ở gan và ống dẫn mật (fascioliasis) hoặc ở ruột (fasciolopsiasis).

Fat: chất béo, chứa một hay nhiều a xít béo (dưới dạng triglyceride). Chế độ ăn uống phải có một số chất béo để cung cấp đủ a xít béo thiết yếu (essential fatty acids) và để ruột hấp thụ được các vitamin tan trong dầu. Tích tụ quá nhiều chất béo trong cơ thể sẽ đưa đến chứng béo phì (obesity).

Fatigue: mệt mỏi về thể chất hay tinh thần do hoạt động lâu dài hoặc có nhiều căng thẳng.

Fatty acid: a xít béo, thành phần cơ bản của nhiều loại mỡ quan trọng, kể cả triglyceride. Cơ thể có thể tổng hợp một số a xít béo, ngoại trừ các a xít béo thiết yếu phải được cung cấp từ chế độ ăn uống. Ví dụ về a xít béo: palmitic acid, oleic acid, stearic acid.

Fatty degeneration: thoái hóa mỡ, tế bào tích tụ một lượng quá nhiều mỡ, ví dụ gan, tim, gây tai hại nghiêm trọng cho các cơ quan này, do ăn uống không đúng cách, uống rượu quá độ, thiếu khí oxi vì tuần hoàn máu bị trở ngại.

Febrile: liên quan đến sốt.

Feedback: sự hồi tiếp, có thể là nghịch hay thuận, đóng một vai trò quan trọng trong nhiều tiến trình sinh lý học, ví dụ trong sản sinh hóc môn và các phản ứng qua trung gian của chất men (enzyme).

Feminisation: nữ hóa, phát triển các đặc tính sinh dục nữ (vú lớn ra, râu mất đi, có mỡ dưới da) ở phái nam, do rối loạn về hóc môn trong cơ thể, do dùng hóc môn để chữa trị (ví dụ chữa ung thư tuyến tiền liệt).

Femur: xương đùi.

Ferrous sulphate: một loại sulphat sắt dùng chữa hay phòng ngừa thiếu máu do thiếu chất sắt

Fertilisation: (sản phụ khoa) sự thụ tinh, kết hợp của tinh trùng và trứng. Hợp tử (zygote) sẽ vừa bắt đầu phân chia thành hai rồi thành nhiều tế bào vừa di chuyển xuống tử cung để đậu vào đó (implantation)7 ngày sau.

Fetal alcohol syndrome: (sản phụ khoa) hội chứng ở trẻ con do tác hại của rượu mẹ uống khi mang thai: sứt môi và vòm miệng, nhẹ cân lượng, kém thông minh, dị tật tim, mắt và mũi.

Fetal blood sampling: (sản phụ khoa) kỹ thuật lấy máu da đầu của thai nhi, khi đang sinh, để xét nghiệm độ a xít; độ này nếu xuống thấp là dấu hiệu thai nhi thiếu khí oxi, cần phải can thiệp gấp.

Fetal transplant: lấy tế bào của bào thai cấy cho bệnh nhân, ví dụ lấy tế bào não cấy cho người bị bệnh Parkinson, tế bào tụy tạng cho bệnh tiểu đường.

Fetichism: (tâm thần) một chứng loạn dâm xảy ra cho phái nam, dùng các vật sở hữu của phụ nữ như tóc, quần lót, nịt vú, xắc tay, giày dép v.v. để khêu gợi tình dục cho mình.

Fetor, foetor: mùi hôi thối.

Fetoscopy: (sản phụ khoa) thủ thuật dùng dụng cụ đặc biệt chọc xuyên qua bụng và tử cung thai phụ, để quan sát trực tiếp những bất thường của bào thai 18-20 tuần, đồng thời lấy máu từ lá nhau xét nghiệm các bệnh về máu như thiếu máu vùng biển (thalassaemia), bệnh ưa chảy máu (haemophilia), hồng cầu lưỡi liềm (sickle cell disease), và chứng loạn dưỡng cơ Duchenne.

Fetus, foetus: (sản phụ khoa) bào thai, tên gọi của sản phẩm thụ thai từ tuần thứ tám trở đi. Trước đó là phôi (embryo).

Fever: sốt, có thể là: sốt từng cơn (intermittent fever), thân nhiệt lên xuống theo chu kỳ, thường trở lại bình thường vào ban ngày và lên tới cao điểm về đêm, ví dụ trong bệnh sốt rét; sốt dịu đi từng lúc (remittent fever), thân nhiệt giao động và không trở lại bình thường.

Fibre: 1- cấu trúc hình sợi, ví dụ tế bào cơ bắp, sợi collagen. 2- sợi xơ thực phẩm.

Fibre optics: sợi quang học, dùng các sợi để truyền những hình ảnh bên trong cơ thể, giúp quan sát trực tiếp hay chụp hình.

Fibrillation: rung tim, nhiều sợi cơ tim đập nhanh và hỗn loạn, tim không giữ được tính co bóp đồng bộ nên sẽ ngừng bơm máu. Có hai loại: 1- rung tâm nhĩ (atrial fibrillation) thường thấy trong loạn nhịp tim, tim đập không đều và nhanh, mạch tăng lên; nguyên nhân có thể là xơ vữa động mạch, cao huyết áp, nhiễm khuẩn phổi, cường tuyến giáp (hyperthyroidism). 2- rung tâm thất (ventricular fibrillation), tim ngừng đập, thường là do nhồi máu cơ tim (myocardial infarction).

Fibrin: sản phẩm sau cùng của tiến trình đông máu, các sản phẩm này dính kết với nhau tạo thành cục máu đông.

Fibrinogen: sản phẩm đông máu, dưới sự tác động của men thrombin sẽ biến thành fibrin.

Fibrinolysis: sự hủy chất fibrin, làm tan cục máu đông gây bế tắc tuần hoàn. Bình thường, có sự cân bằng trong cơ thể giữa tiến trình đông máu và hủy fibrin; nếu sự hủy này tăng lên sẽ dẫn tới xuất huyết quá độ.

Fibroid: (sản phụ khoa) u xơ lành tính tử cung, có thể một hay nhiều khối mọc trong cơ trơn tử cung, từ nhỏ như hạt đậu đến to như quả bưởi. Nguyên nhân chưa rõ, thường thấy ở phụ nữ trên 30 tuổi. Một số không có triệu chứng nào cả, số khác bị đau trằn bụng dưới, đau lưng, trở ngại trong vấn đề đại tiểu tiện, có kinh ra nhiều huyết, kinh nguyệt không đều, khó thể thụ thai hoặc dễ bị sẩy thai. Sự chữa trị tùy vào từng trường hợp: không can thiệp vì không gây khó chịu đáng kể, cắt bỏ u (myomectomy), cắt toàn bộ tử cung (total hysterectomy). Hiện nay, có vài kỹ thuật giúp không phải mổ, áp dụng cho một số trường hợp: 1- dùng siêu âm làm cho u tiêu dần đi. 2- dùng tia laser đốt chỗ u. 3- làm tắc nghẽn mạch máu nuôi u (therapeutic embolisation) khiến u không còn được nuôi dưỡng nữa nên sẽ teo đi.

Fibroma: một khối u lành tính ở mô liên kết.

Fibroplasia: sự sản sinh ra mô xơ sau khi lành vết thương. Sự tăng sinh bất thường các mô xơ sau thủy tinh thể (retrolental fibroplasia) có thể xảy ra cho trẻ sinh non được cung cấp quá nhiều khí oxi, gây khiếm thị.

Fibrosis: sự xơ hóa, mô liên kết dày lên và hóa sẹo, thường do viêm hay bị chấn thương.

Filariasis: bệnh giun chỉ do muổi truyền sang người, làm tắc mạch bạch huyết nhất là ở

chân, bìu dái, âm hộ, vú, gây ra bệnh da voi (elephantiasis, xem chữ).

Fistula: lỗ rò, sự thông nhau bất thường giữa hai cơ quan rỗng hoặc giữa một cơ quan rỗng và bên ngoài: lỗ rò trực tràng và vùng da quanh hậu môn (anal fistula), lỗ rò giữa đại tràng ngang bị ung thư rồi ăn thủng dạ dày, lỗ rò bẩm sinh giữa khí quản và thực quản v.v.

Fit: (thần kinh) cơn động kinh bộc phát.

Fixation: (tâm lý) sự gắn kết vào một giai đoạn của nhân cách (theo Freud là giai đoạn mồm, hậu môn và cơ quan sinh dục) rồi ngừng ở đấy. Hậu quả là một số chứng nhiễu tâm (neurosis) và rối loạn nhân cách (personality disorders) có thể xảy ra. Kẻ mắc phải khó tạo được sự liên hệ tình cảm với người khác.

Flashback: (tâm lý) sự hồi tưởng, nhớ lại chuyện cũ, thường xảy ra trong tinh thần căng thẳng hậu chấn thương (post traumatic stress disorder, PTSD).

Flatulence / flatus: chứng bụng đầy hơi / hơi từ ruột thoát ra khi trung tiện (đánh rấm).

Flatworm: sán dẹp, gồm sán lá (flukes), sán dây (tapeworms).

Flea: bọ chét, một loại côn trùng không cánh, có chân dài dùng để nhảy, vết cắn có thể là ổ nhiễm bệnh.

Flexion: sự co gập vào, ví dụ gập ngón tay vào lòng bàn tay, trái với extension là duỗi ra.

Floaters: đốm đen bay qua lại trong mắt, do vết đục ở pha lê dịch (vitreous humour) chiếu lên võng mạc. Phần lớn là không việc gì, nhưng nếu đốm đen to lên, kèm theo chớp sáng chói lòa thì đó là dấu báo hiệu của những chúng nguy hiểm như rách và bong võng mạc, chảy máu ở pha lê dịch, pha lê dịch bong ra khỏi võng mạc.

Flooding: (tâm lý) một phương pháp chữa chứng sợ hãi bằng cách cho bệnh nhân tiếp cận ngay và lâu dài với vật gây sợ. Hiệu quả đạt nhanh nếu thực hiện được.

Floppy valve syndrome (Mitral valve prolapse): van hai lá thòng xuống, xảy ra cho phụ nữ trẻ đến trung niên, nguyên nhân không rõ, có thể là di truyền, sốt thấp khớp (rheumatic fever) bệnh cơ tim. Không cần chữa trị nếu không có triệu chứng gì.

Fluke: sán lá, ký sinh của người, thấy trong gan, phổi, ruột, mạch máu.

Fluoridation / fluorosis: sự thêm fluoride vào nước uống để giảm sâu răng / chứng nhiễm fluoride quá lượng, gây cho răng có vằn, màu đục, vôi hóa các dây chằng.

Flush: chứng đỏ phừng mặt và cổ, xảy ra trong một vài rối loạn cảm xúc, trong thời mãn kinh (menopause).

Flutter: chứng rung tim nhẹ ở tâm nhĩ hoặc tâm thất, nguyên nhân và điều trị giống như rung tim (fibrillation).

Folic acid: một loại vitamin B có trong gan, rau xanh. Thai phụ trong 3 tháng đầu nên uống folic acid để tránh dị tật cho đứa con ở não bộ và tủy sống, sứt môi và vòm miệng.

Follicle-stimulating hormone, FSH: hóc môn tiết ra từ tuyến yên, kích thích các nang của buồng trứng tăng trưởng và chín mùi trước khi trứng rụng, tạo tinh dịch trong tinh hoàn. Ðược sử dụng để chữa vô sinh vì trứng không rụng, chứng không có kinh nguyệt, ít tinh dịch. Sự kích thích rụng trứng, trong vài trướng hợp, có thể đưa đến có mang nhiều con.

Fontanelle: thóp, một chỗ hở ở xương sọ bào thai hoặc trẻ sơ sinh, do xương hóa chưa hoàn chỉnh và các khớp nối chưa khép kín hoàn toàn.

Food allergy: dị ứng thực phẩm: sữa của trẻ con, cá, tôm cua sò ốc, trứng v.v. Dị ứng dễ xảy ra cho bệnh nhân suyễn, viêm mũi dị ứng, bị bệnh chàm. Triệu chứng gồm sưng môi, mồm và họng ngứa ran, buồn nôn, đau bụng, ỉa chảy.

Food poisoning: ngộ độc thực phẩm, do khuẩn lan truyền bởi người nấu ăn có mang mầm bệnh, tay không được rửa sạch, sò hến tôm cua sống gần chỗ nước cống chảy ra, trứng, rau cỏ được bón phân người hay thú vật; do độc chất của khuẩn; do siêu khuẩn; do nấm độc, rau quả dính thuốc trừ sâu, sắn (khoai mì) không rửa sạch và nấu kỹ, chì và thủy ngân v.v.

Forceps delivery: (sản phụ khoa) dùng kềm sản khoa kéo đầu hài nhi ra, trong trường hợp sản phụ quá mệt không còn sức để rặn nữa, đứa bé có dấu hiệu ngộp thở vì thiếu khí oxi, sinh ngược đầu ra sau, trẻ sinh thiếu tháng.

Forensic medicine: pháp y, một ngành y khoa để điều nghiên nguyên nhân của chấn thương hoặc chết nghi ngờ là do hành vi phạm pháp.

Foreskin, prepuce: bao quy đầu.

Formication: (thần kinh) cảm giác kiến bò, tê buốt như kim châm (pins and needles) do tổn hại một phần của dây thần kinh ngoại biên bị đè lên, tổn hại của dây thần kinh cảm giác tủy sống, nhiễm độc dược phẩm.

Fracture: gẫy xương, gồm nhiều kiểu: gẫy đơn giản (simple fracture) không làm rách da, các mô xung quanh chỗ gẫy ít bị tổn thương; gẫy hở (compound fracture), đầu xương đâm xuyên da, có nguy cơ bị nhiễm trùng; gẫy vụn (comminuted fracture); gẫy cành tươi (greenstick fracture), xương chỉ bị nứt; gẫy xương sẵn đã bị bệnh (pathological fracture) có thể xảy ra sau một chấn thương nhẹ.

Fragile X syndrome: (tâm thần) hội chứng nhiễm sắc thể X bị thắt lại ở phần đuôi và dễ gẫy, xảy ra cho con trai, con gái mang gen bệnh rồi truyền sang cho con cái. Triệu chứng: chậm phát triển trí tuệ, thương số thông minh (IQ) chỉ vào khoảng 50, thân hình cao lớn, mũi và hàm nhô ra, tinh hoàn to, tính tình hung hăng, dễ bị động kinh.

Fraternal twins: anh chị em sinh đôi, do hai trứng thụ thai với hai tinh trùng. Xem chữ dizygotic twins.

Freckle: tàn nhang.

Free association: (tâm lý) phương cách khuyến khích bệnh nhân phát triển tư tưởng, ý nghĩ của họ sau khi tỉnh cơn thôi miên.

Freudian theory: (tâm lý) thuyết của Sygmund Freud (1856-1939) người Áo, cha đẻ của ngành phân tâm học (psychoanalysis). Ong cho rằng cảm xúc, tư tưởng, thái độ, hành động của một người đều đặt dưới sự kiểm soát trong vô thức của một bên là ước vọng khao khát, bên kia là xung khắc bất đồng. Rối loạn tâm thần là do ước vọng không được thỏa mãn hoặc các xung khắc bất đồng không được giải quyết.

Frigidity: (tâm lý) lãnh cảm, không có hứng thú về tình dục, không đạt được tột đỉnh khoái lạc trong khi giao cấu. Từ này thường dùng cho phụ nữ.

Frontal lobe: (thần kinh) thùy trán, phần trước của mỗi bán cầu não có vai trò trong sự kiểm soát các cử động có ý, trong cách cư xử và thái độ, sự phán đoán, học hỏi để biết, nhân cách.

Frosbite: thương tổn các mô do lạnh giá, đôi khi các mô này hư hại đến độ phải cắt bỏ, ví dụ ngón tay/chân. Không nên xoa bóp chỗ bị lạnh tím, vì không có máu chảy đến, mà nên làm ấm lại với nước ấm.

Frottage: (tâm thần) một loại loạn dâm, người mắc phải chỉ tìm đuợc sự khoái lạc tình dục bằng cách cọ xát vào kẻ khác (thường là trong đám đông).

Frozen shoulder: khớp vai cứng đau, cử động hạn chế, có thể xảy ra sau khi bị chấn thương, trúng phong (stroke), nhồi máu cơ tim (heart attack), hoặc phát triển dần dần không lý do rõ rệt. Chữa trị với thuốc giảm đau, vật lý trị liệu, đôi khi tiêm corticosteroid vào khớp.

Fugue: (tâm thần) mất trí nhớ giai đoạn (vài giờ, vài ngày). Bệnh nhân đi lang thang, đôi khi quên cả tên mình, sau đó không còn nhớ những gì đã xảy ra. Tình trạng này có thể thấy trong bệnh động kinh, bệnh tâm thần do hư tổn não bộ, chấn thương đầu.

Fumigation: sự xông hơi để tẩy trùng quần áo, nhà cửa v.v.

Fundus: 1- đáy của một cơ quan lõm, ví dụ dạ dày, bọng đái, tử cung. 2- đáy mắt, phần bên trong mắt đối diện với đồng tử.

Fungicide / fungus: thuốc diệt nấm / nấm, gồm men, mốc meo, cây nấm. Một vài loại nấm có thể gây bệnh cho người.

Furuncle (boil) / furunculosis: nhọt / bệnh nhọt, thường do khuẩn Staphylococcus aureus.

[collapse]

G

Galact-, galacto-: tiếp đầu ngữ chỉ 1- sữa. 2- đường galactose.

Galactocele: 1u nang vú có chứa sữa do ống dẫn sữa bị tắc. 2- túi có dịch như sữa bao quanh tinh hoàn (hydrocele).

Galactorrhoea: sự tiết nhiều sữa.

Galactosaemia: đường galactose tích tụ trong máu, do đứa trẻ mất khả năng bẩm sinh sử dụng nó. Chữa trị bằng cách ăn uống không có chất này, nếu không, bé sẽ bị chậm phát triển về thể chất và trí tuệ.

Gall bladder: túi mật, hình quả lê dài 7-10 cm, nằm dưới thùy gan phải, trong có chứa mật. Mật được tạo ra trong gan rồi theo ống dẫn mật gan (hepatic duct) vào túi mật, sau đó theo ống dẫn của túi mật (cystic duct) vào ống dẫn mật chung (common hepatic duct) và đổ ra tá tràng.

Gallstone: sỏi mật, một khối cứng gồm sắc tố mật, cholesterol và muối calcium, hình thành do cholesterol mật giảm tính hòa tan, viêm túi mật mạn tính cũng góp phần vào đó. Sỏi xảy ra cho phụ nữ nhiều hơn nam giới, các bà béo phì, trên 40 tuổi và sinh nhiều con dễ mắc phải. Sỏi có thể hiện diện trong nhiều năm mà không gây triệu chứng. Nếu có là những cơn đau dữ dội ở hạ sườn phải lan ra sau lưng hay trước bụng, với các biến chứng như viêm túi mật, sỏi di chuyển vào các ống dẫn mật gây tắc nghẽn và vàng da, Chữa trị bằng cách mổ lấy sỏi hoặc cắt bỏ túi mật.

Gambling, pathological: (tâm thần) đam mê cờ bạc một cách bệnh hoạn, tinh thần căng thẳng chỉ giải tỏa được khi lao vào cuộc đỏ đen. Người đánh bạc không khi nào biết xét lại số tiền đã thua ra, hậu quả là tán gia bại sản, phạm pháp.

Gamete: giao tử, tế bào sinh dục đã trưởng thành, nữ là trứng, nam là tinh trùng. Các tế bào này chỉ có phân nửa số nhiễm sắc thể.

Gametogenesis: tiến trình hình thành trứng và tinh trùng.

Gamma amino butyric acid, GABA: (thần kinh) một chất truyền dẫn thần kinh (neurotransmitter) ức chế tác động của các chất truyền dẫn thần kinh loại kích thích như noradrenaline, dopamine. Ảnh hưởng của GABA tăng thêm khi sử dụng các thuốc an thần Benzodiazepine, thuốc chống co giật (anticonvulsivant).

Gamma rays: tia gamma do một chất phóng xạ phát ra, có độ thâm nhập sâu hơn tia X, dùng khử trùng một số vật liệu, và nếu được kiểm soát kỹ lưỡng, sử dụng trong phép xạ trị.

Ganglion: 1- (thần kinh) hạch, cấu trúc chứa tế bào thần kinh. Trong hệ thần kinh giao cảm (sympathetic nervous system), các chuỗi hạch nằm dọc mỗi bên tủy sống, còn ở hệ phó giao cảm (parasympathetic system), các hạch hiện diện bên trong hay gần cơ quan chịu tác động. Trong hệ thần kinh trung ương, một vài khối tế bào thần kinh cũng được gọi là hạch, ví dụ hạch đáy (basal ganglia). 2- một chỗ phồng bất thường nhưng vô hại tại bao sợi gân cơ bắp (tendon sheath), đặc biệt là ở cổ tay.

Gangrene: hoại thư, tình trạng một bộ phận cơ thể bị chết và phân rã, do thiếu hay bị ngưng cung cấp máu. Nguyên nhân: chấn thương, tổn thương hay xơ vữa mạch máu, tê cóng vì lạnh giá, phỏng nặng, bệnh tiểu đường, bệnh Raynaud. Hoại thư khô (dry gangrene) là các mô chết và khô héo vì bị ngưng cung cấp máu nuôi dưỡng. Hoại thư ướt (moist gangrene) là mô chết và phân rã do nhiễm khuẩn.

Gardnerella vaginalis: (sản phụ khoa) khuẩn thường thấy trong chất tiết có mùi hôi do viêm âm đạo không đặc hiệu.

Gas gangrene: hoại thư sinh hơi từ vết thương bị nhiễm khuẩn Clostridium welchii ở trong

đất. Ðộc chất của khuẩn gây thối rữa và phát ra hơi.

Gastr-, gastro-: tiếp đầu ngữ chỉ dạ dày, ví dụ gastralgia = đau dạ dày.

Gastrectomy: cắt bỏ dạ dày. 1- cắt toàn phần (total gastrectomy) rồi nối thực quản với tá tràng, áp dụng trong ung thư dạ dày. 2- cắt một phần (partial gastrectomy), phần trên nối với hỗng tràng (gastrojejunostomy), áp dụng trong trường hợp loét dạ dày không chữa được với các cách cổ điển. Sau khi mổ, khả năng ăn giảm đi, bệnh nhân có thể bị sụt cân, thiếu máu, kém hấp thụ thức ăn.

Gastric juice: dịch vị, thành phần chính có tính chất tiêu hóa là hydrochloric acid, mucin, rennin và pepsin. Dịch cũng chứa các yếu tố cần thiết cho sự hấp thụ vitamin B12, a xít ở đấy tiêu diệt khuẩn và các sinh vật khác.

Gastritis: viêm niêm mạc dạ dày. 1- viêm cấp tính do uống nhiều rượu hoặc các chất kích thích. 2- viêm mạn tính do hút thuốc và nghiện rượu lâu ngày, do mật từ tá tràng trào ngược lên. 3- viêm teo (atrophic gastritis) là hậu chứng của viêm dạ dày mạn tính, hoặc là một bệnh tự miễn.

Gastroenteritis: viêm dạ dày và ruột non, do khuẩn, siêu khuẩn, độc tố của khuẩn

Gastroenterology / gastroenterologist: khoa chuyên về bệnh đường tiêu hóa / bác sĩ chuyên khoa.

Gastroscopy: soi dạ dày với dụng cụ bằng sợi quang học dẽo. Vì dụng cụ có thể luồn vào tá tràng, nên thủ thuật soi được gọi là soi dạ dày-tá tràng (gastroduodenostomy).

Gastrostomy: thủ thuật mở thông dạ dày ra thành bụng để đưa thực phẩm trực tiếp vào đấy, khi bệnh nhân không thể nuốt được vì bị bệnh ở thực quản.

Gene: gen, đơn vị di truyền và là một phần của chất DNA trong nhiễm sắc thể của nhân tế bào. Mỗi tế bào có khoảng 100,000 gen đủ loại, ảnh hưởng đến chức năng và sự phát triển của cơ thể, thảo chương (program) sự tăng trưởng, sinh sản, sinh tồn và có thể cả tuổi già và cái chết nữa. Bộ gen của mỗi tế bào đều giống nhau và nếu đem so sánh bộ gen của hai người sẽ thấy một số khác biệt, ngoại trừ trường hợp hai anh/chị em sinh đôi có cùng phái tính và ngoại dạng giống hệt nhau (identical twins). Các khác biệt này giải thích sự khác nhau về màu da, tóc, mắt, chiều cao, hình dáng, một vài loại bệnh mắc phải v.v. Riêng trí thông minh, tài năng, nhân cách, tác phong cũng có thể phần nào do ảnh hưởng của gen, nhưng phải kể thêm yếu tố môi trường và giáo dục đã góp phần quan trọng vào đấy. Một người thừa hưởng gen một nửa của cha, nửa kia của mẹ, đi ngược lên là một phần tư của ông bà nội ngoại. Với một bầy con sinh ra, mỗi đứa có sự ‘lựa chọn’ giữa gen cha và mẹ, nên chúng có khác nhau về nét bề ngoài, sức khoẻ, nhân cách.

Genesis: tiếp vĩ ngữ để nói về sự sinh sản, hình thành, ví dụ spermatogenesis = sản xuất tinh trùng.

Gene therapy: kỹ thuật chữa trị bằng gen, đem một gen lành mạnh vào thay chỗ gen xấu. Hiện đang được phát triển để chữa bệnh cystic fibrosis và một vài loại bệnh khác.

Genetic code: mã số gen gồm từng đoạn 3 nhóm các bases (Adenine, Thymine, Cytosine, Guanine) tiếp nối nhau trên DNA, kiểm soát sự sản xuất amino acid của tế bào, từ đó chất đạm và men được tạo ra.

Genetic counselling: tư vấn, góp ý cho bệnh nhân và gia đình về các bệnh di truyền và hậu quả của nó, rủi ro mắc phải, có con đã mắc phải rồi, và những phương cách phòng ngừa, chẩn đoán, chữa trị. Khoa này áp dụng cho các phụ nữ đến khám thai, sau khi sinh hoặc muốn kế hoạch gia đình.

Genetic disorders: rối loạn về gen tạo ra chất đạm và men khác thường làm xáo trộn sinh hóa của cơ thể. Rối loạn này xảy ra do cha hay mẹ hoặc cả hai mang gen bệnh, do tinh trùng/trứng có sự đột biến (mutation) về nhiễm sắc thể nên đứa con sinh ra sẽ mắc tật bệnh mặc dù trong gia đình không có ai bị cả. Có 3 loại chính: Loại do số nhiễm sắc thể nhiều hơn bình thường là 46 (ví dụ hội chứng Down có 47 nhiễm sắc thể), do nhiễm sắc thể mất đi hoặc thêm ra một đoạn. Loại do bất thường của gen: a) cha hoặc mẹ có gen bệnh (autosomal dominant), 50% các con sẽ mắc tật bệnh, ví dụ bệnh Huntington, chứng lùn. b) cha và mẹ mang mầm bệnh (gene carrier) nhưng họ không bị bệnh (autosomal recessive), 25% các con sẽ mắc phải, ví dụ bệnh cystic fibrosis. c) mẹ mang mầm bệnh, cha bình thường (X linked recessive), 25% con trai sẽ bị bệnh, 25% con gái sẽ mang mầm bệnh giống mẹ, ví dụ bệnh ưa chảy máu của con trai (haemophilia). Loại do bất thường của gen, cộng với ảnh hưởng của môi trường, ví dụ suyễn, tiểu đường, tâm thần phân liệt. v..

Genetic engineering: kỹ thuật đưa gen mới vào trong nhân tế bào của một sinh vật để thay đổi những đặc điểm của sinh vật đó. Áp dụng trong sự chế tạo thuốc insulin, interferon, hóc môn tăng trưởng (growth hormone) và trong phép chữa trị bằng gen.

Genetic fingerprint, DNA fingerprint: kỹ thuật dùng máu, tinh khí, tế bào cơ thể, giúp truy tầm liên hệ huyết thống giữa cha mẹ và đứa con (paternity test), truy tầm thủ phạm những vụ án mạng, hiếp dâm v.v. Vì không ai có DNA giống nhau (tỷ lệ giống là vào khoảng 1/30 tỷ người) – ngoại trừ anh chị em sinh đôi cùng phái tính và giống nhau như tạc, identical twins – nên kỹ thuật rất là chính xác.

Genetics: di truyền học, khoa nghiên cứu về những khác biệt và tương đồng giữa các sinh vật có liên hệ với nhau, và cách truyền lại các đặc tính từ cha mẹ sang con cháu.

Genetic screening: xét nghiệm để khám phá những bất thường về gen, đưa đến bệnh tật cho cá thể hoặc truyền cho con cháu.

Genital / genitalia: thuộc cơ quan sinh dục (nam hoặc nữ) / cơ quan sinh dục.

Genito-urinary medicine, GUM: khoa chuyên về các bệnh lây truyền qua đường tình dục, và các hệ quả trên cơ quan sinh dục, đường tiểu cùng các bộ phận khác của cơ thể.

Genome (human): bản đồ vị trí và chức năng của mỗi gen trong số 100,000 gen nằm trên nhiễm sắc thể của tế bào con người, cùng những khác biệt, những bệnh tật do gen bất thường gây ra (cho đến nay đã khám phá được hàng nghìn gen này).

Genotype: kiểu gen, cấu tạo di truyền của mỗi cá thể/nhóm, xác định bằng bộ gen đặc biệt của cá thể hay nhóm đó.

Genu valgum / genu varum: đầu gối khuỳnh vào / đầu gối khuỳnh ra.

Geriatrics: lão bệnh học, ngành y liên quan đến việc định bệnh, chữa trị các rối loạn xảy ra trong tuổi già, sự chăm sóc những người có tuổi.

Germ: mầm bệnh, mọi vi sinh vật gây bệnh.

German measles: sởi Ðức, một bệnh nhiễm siêu khuẩn dễ lây của trẻ con gây sưng các hạch bạch huyết ở cổ, ban đỏ nổi khắp thân thể, các triệu chứng này hết dần sau một tuần. Vì sởi có thể gây dị tật cho bào thai, ví dụ điếc tai, mù mắt, tật bẩm sinh ở tim khi đứa bé sinh ra, nên các thiếu nữ trước tuổi dậy thì cần được tiêm phòng.

Germ cell: tế bào mầm, mọi tế bào của phôi có tiềm năng phát triển thành tinh trùng hoặc trứng.

Germicide: tác nhân diệt được các loại vi sinh vật, đặc biệt là vi sinh vật gây bệnh, ví dụ kháng sinh, thuốc diệt nấm, thuốc sát trùng, tẩy trùng.

Gerontology: lão học, khoa nghiên cứu các thay đổi về tâm trí và thể chất khi lớn tuổi, cùng những vấn đề kết hợp với thay đổi này.

Gestation: (sản phụ khoa) thai kỳ, thời kỳ từ lúc trứng thụ tinh đến khi phát triển thành thai nhi sẵn sàng ra đời.

Thai kỳ con người trung bình là 266 ngày (non 9 tháng), hoặc là 280 (9 tháng 10 ngày) nếu tính từ ngày đầu thấy kinh lần cuối.

Giant cell arteritis, temporal arteritis: viêm động mạch do tế bào khổng lồ gây ra, nhiều nhất là ở vùng thái dương, người già có thể mắc phải. Triệu chứng: nhức đầu dữ dội, da đầu căng ra, nhìn thấy hai hình, mù mắt nếu mạch máu ở mắt bị tắc nghẽn. Chữa trị với thuốc corticosteroid.

Giardiasis: bệnh ở ruột non do ký sinh Giardia lamblia gây ra. Triệu chứng: tiêu chảy, đau bụng đầy hơi, buồn nôn, phân màu lạt có chất mỡ mùi rất thối. Chữa trị với Metronidazole.

Gigantism: chứng khổng lồ, đứa trẻ có chiều cao quá cỡ, do tuyến yên tiết ra quá nhiều hóc môn tăng trưởng (growth hormone) trong thời thơ ấu.

Gilles de la Tourette syndrome, Tourette syndrome: (tâm thần) hội chứng xảy ra từ thuở bé, gồm nhíu mày nhăn mặt, tằng hắng, nói tục liên hồi, nhại lời và cử chỉ của người khác.

Gingiva / gengivitis: nướu răng / viêm nướu răng.

Gland: tuyến, một bộ phận hay một nhóm tế bào tiết dịch lỏng vào các cơ quan hay bài tiết ra ngoài. Có hai loại tuyến chính: tuyến ngoại tiết (exocrine gland) tiết dịch qua một ống dẫn, ví dụ tuyến mồ hôi, tuyến tụy tạng v.v., và tuyến nội tiết (endocrine gland) tiết hóc môn thẳng vào máu.

Glandular fever, infectious mononucleosis: sốt có bạch cầu đơn nhân tăng cao trong máu, xảy ra cho thanh thiếu niên. Triệu chứng gồm sưng hạch bạch huyết ở cổ, sốt, đau họng; trong một vài trường hợp có biến chứng là viêm gan, lá lách sưng to.

Glans (glans penis): quy đầu, phần đầu của dương vật, thường có một lớp da bao bọc gọi là da quy đầu (foreskin, prepuce).

Glaucoma: tăng nhãn áp đưa đến giảm thị lực, vì áp suất mắt tạo sức ép làm tắc nghẽn mạch máu nuôi dưỡng dây thần kinh mắt (optic nerve), gây hư hại cho dây này. Có hai loại: 1- tăng nhãn áp mạn tính, còn gọi là tăng nhãn áp có góc mở (open-angle glaucoma), thường xảy ra cho người từ 40 tuổi trở lên, bệnh có tính cách gia đình và tiến triển âm ỉ. Nguyên nhân là do có sự trở ngại về lưu thông của thủy tinh dịch kéo dài nhiều năm tháng. Loại này không có triệu chứng báo hiệu, thị lực dần dần giảm xuống và chỉ còn giới hạn ở trung tâm, xung quanh mờ đi giống như nhìn qua đường hầm (tunnel vision). 2- tăng nhãn áp cấp tính, còn gọi là tăng nhãn áp có góc đóng (close-angle glaucoma) gây nhức mắt và đau đầu dữ dội, buồn nôn, mắt bị đỏ và mờ hẳn, nhìn thấy nhiều vòng màu sắc khác nhau quanh ánh đèn, con ngươi (đồng tử) nở to ra, giác mạc hơi đục. Loại này cần phải được giải quyết khẩn cấp. Việc chữa trị chủ yếu là làm giảm sự sản sinh thủy tinh dịch và giúp cho dịch này lưu thông bình thường để hạ nhãn áp xuống. Có nhiều phương cách: thuốc nhỏ mắt, thuốc uống hoặc tiêm vào tĩnh mạch, giải phẫu dẫn lưu thủy tinh dịch.

Gleet: chảy mủ ở dương vật/âm đạo do khuẩn bệnh lậu mủ gây ra.

Glia (neuroglia): (thần kinh) mô liên kết đệm, chiếm khoảng 40% tổng thể tích của não và tủy sống, có vai trò nuôi dưỡng và chống đỡ hệ thần kinh trung ương.

Glioma: (thần kinh) u mô liên kết đệm, độ ác tính khác nhau. U nguyên bào đệm (glioblastoma) là loại ác tính nhất, phát triển nhanh, tế bào não mất dần chức năng, áp suất nội sọ tăng lên, gây nhức đầu, nôn mửa, buồn ngủ.

Glomerulonephritis: viêm thận và mao quản thận cấp tính, có máu trong nước tiểu, huyết áp tăng, mặt và chân hơi sưng lên. Nguyên nhân chính xác chưa rõ, có thể là một đáp ứng dị ứng bất thường sau khi bị viêm họng do khuẩn Streptococcus gây ra. Bệnh thường ổn định hoàn toàn và nhanh chóng, một vài trường hợp tiến triển sang viêm mạn tính có thể đưa đến hư thận.

Glossitis: viêm lưỡi, gây ra do thiếu máu, nấm Candida, cơ thể thiếu vitamin.

Glottis: thanh môn, khoảng giữa hai dây thanh âm (vocal cords). Từ này cũng dùng để chỉ dây thanh âm, hay phần thanh quản phát ra tiếng nói.

Glucagon: một hóc môn do tụy tạng tiết ra, có đặc tính làm tăng đường huyết, tác động ngược lại với insulin.

Glucose: đường glu cốt, một nguồn năng lượng quan trọng cho cơ thể, và là năng lượng duy nhất của não, chứa đựng dưới dạng glycogen. Nồng độ trong máu được duy trì ở mức 5 mmol/lít, do tác động của nhiều hóc môn, chủ yếu là insulin và glucagon của tụy tạng. Nếu nồng độ xuống thấp hơn mức này (hypoglycaemia), một số triệu chứng có thể xảy ra như yếu cơ bắp, mất sự điều hợp của các cử động, đầu óc lẫn lộn, mồ hôi đổ ra nhiều. Ngược lại, glu cốt máu tăng cao hơn bình thường là một triệu chứng của bệnh tiểu đường.

Glue ear: bệnh xảy ra cho trẻ con, dịch nhờn tiết ra nhiều ở tai giữa, tầm nghe sẽ bị kém đi. Chữa trị bằng cách xẻ màng nhĩ (myringotomy) đặt ống dẫn lưu ở đấy.

Glycosuria: nước tiểu có đường.

Goitre: bướu cổ do tuyến giáp trạng lớn ra để tăng thêm sự sản xuất hóc môn thyroxine thiếu hụt, vì thực phẩm ăn vào không có chất iodine cần cho sự tạo ra hóc môn này. Trong bướu cổ có lộ mắt (bệnh Graves, exophthalmic goitre), tuyến giáp hoạt động quá tải, triệu chứng gồm có tim đập nhanh, sốt, đổ mồ hôi, run tay, sụt cân mặc dù ăn nhiều, hay lo âu, dễ cau có. khó ngủ; biến chứng nguy hiểm là rung tâm nhĩ (atrial fibrillation) đưa đến tai biến mạch máu não.

Gonad: tuyến sinh dục nam/nữ, sản xuất giao tử (gamete).

Gonadotrophine hormone: một trong những hóc môn tuyến yên tác động trên tinh hoàn/buồng trứng để các cơ quan này tiết ra hóc môn phái tính và sản xuất tinh trùng/trứng.

Gonorrhoea: lậu mủ. Bệnh có thể lây vào mắt hài nhi lúc sinh, lan vào bộ phận sinh dục phụ nữ đưa đến vô sinh; ở đàn ông thì niệu đạo (ống đái) bị trít. Các biến chứng khác là viêm khớp, viêm van tim, nhiễm trùng mắt.

Gout: gút, thống phong, thường xảy ra cho nam giới, do uric acid máu tăng cao rồi lắng xuống thành tinh thể monosodium urate đóng ở các khớp, nhất là ngón chân cái. Các nơi khác là các ngón chân khác, cổ chân, đầu gối, ngón tay, cổ và khuỷu tay, sụn tai, thận gây sạn thận. Các yếu tố gây bệnh gồm có: 1- đào thải uric acid giảm xuống (75%) do suy thận, dùng một vài loại thuốc thông tiểu, aspirin liều thấp, suy tuyến giáp, uống rượu, béo phì, nhịn đói lâu ngày, làm việc vất vả ra nhiều mồ hôi, cơ thể thiếu một số men (có tính cách gia đình) chuyển hóa purine là chất tiền thân của uric acid. 2- sản xuất nhiều uric acid (25%), vì tế bào cơ thể sinh sản rồi chết quá nhanh như trong bệnh vảy nến (psoriasis), ung thư máu. Ðịnh bệnh qua khám lâm sàng, thử lượng uric acid máu, nhưng chính xác nhất là rút dịch trong khớp để tìm tinh thể đặc hiệu của thống phong. Chữa trị với thuốc giảm viêm đau, thuốc Allopurinol ngăn uric acid sản xuất ra, Probenecid, Sulphinpyrazone giúp tăng sự bài tiết uric acid lên. Bệnh nhân nên uống nhiều nước, cữ rượu, bớt hoặc không ăn thức ăn có nhiều purine như các loại đậu, gan lòng thú vật, thịt đỏ, cá sardine, mackerel… và giảm cân nặng.

Graft-versus-host disease: bệnh cơ quan ghép chống lại ký chủ, sau khi ghép tủy xương (bone marrow graft). Triệu chứng xảy ra ngay hoặc vài tháng sau: nổi ban đỏ, đau bụng tiêu chảy, vàng da, khó thở. Các thuốc ức chế phản ứng miễn dịch như Steroid, Cyclosporin giúp giảm bớt mức nghiêm trọng của bệnh.

Grand mal: (thần kinh) một loại cơn động kinh. Xem chữ epilepsy.

Granuloma inguinale: bệnh u hạt gây lở loét ở cơ quan sinh dục, chữa trị với kháng sinh Tetracycline, Gentamycin.

Graves’s disease (exophthalmic goitre): bệnh bướu tuyến giáp trạng, một loại bệnh tự miễn, tuyến giáp hoạt động quá tải, đôi khi kèm thêm chứng lộ mắt. Xem chữ goitre.

Gravid: (sản phụ khoa) có chửa, mang thai.

Grey matter: (thần kinh) chất xám của thần kinh trung ương, chủ yếu gồm thân tế bào thần kinh và tế bào đệm (glial cells). Chất xám tạo thành vỏ não và lớp ngoài của tiểu não, bên trong là chất trắng; ở tủy sống, ngược lại, chất xám nằm bên trong.

Grommet: ống đặt xuyên qua màng nhĩ để dẫn lưu dịch nhờn tai giữa (glue ear) tiết ra.

Group therapy: (tâm lý) liệu pháp tâm lý tiến hành từng nhóm, các bệnh nhân được khuyến khích tìm hiểu, phân tích, đề xuất phương cách khắc phục các vấn đề của bản thân và của người khác, ví dụ nghiện rượu.

Growth hormone: hóc môn tăng trưởng tuyến yên (pituitary gland) tiết ra, giúp sự tăng trưởng các xương dài ở chi và tăng tổng hợp chất đạm cơ thể. Hóc môn sản xuất quá nhiều trước tuổi dậy thì sẽ gây chứng khổng lồ (gigantism), còn ở người lớn là bệnh to cực (acromegaly). Ngược lại, trẻ con thiếu hóc môn tăng trưởng sẽ mắc chứng lùn.

Guillain-Barré syndrome: (thần kinh) một bệnh dị ứng của dây thần kinh ngoại biên làm yếu các chi, xảy ra từ 10-20 ngày sau khi bị nhiễm trùng đường hô hấp.

Gullet: thực quản, cùng nghĩa với chữ oesophagus. Gustatory: liên quan đến các cơ quan dùng để nếm. Gut: ruột.

Gynaecology / gynaecologist: (sản phụ khoa) khoa nghiên cứu các bệnh của phụ nữ, đặc biệt về hệ sinh dục / bác sĩ chuyên khoa này.

Gynaecomastia: chứng phái nam có vú to như phụ nữ, do hóc môn oestrogen sản xuất quá nhiều, do chữa trị với hóc môn này.

[collapse]

H

Haem: một hợp chất chứa sắt kết hợp với đạm globin, tạo ra haemoglobin trong hồng cầu.

Haem-, haema-, haemo-, haemato-: tiếp đầu ngữ chỉ về máu, ví dụ haemophilia = chứng sợ máu.

Haemangioma: u lành tính ở các mạch máu li ti, thường xuất hiện trên mặt trẻ sơ sinh dưới dạng vết bớt đỏ (strawberry haematoma) và tự nhiên hết trong vài năm đầu.

Haemarthrosis: chảy máu ở khớp, do chấn thương hoặc tự phát, trong bệnh ưa chảy máu của con trai (haemophilia).

Haematemesis: thổ huyết, có thể là máu từ mũi chảy xuống rồi nuốt vào, nhưng thường là do giãn tĩnh mạch ở thực quản, viêm dạ dày, loét dạ dày và tá tràng.

Haematocolpos: (sản phụ khoa) máu tích tụ trong âm đạo vì màng trinh không có lỗ thoát.

Haematology / haematologist: ngành y chuyên nghiên cứu về máu và mô tạo máu, cùng các rối loạn liên hệ / bác sĩ chuyên khoa.

Haematoma: ổ tụ huyết, máu tích tụ trong mô và đông lại thành một u cứng. Nguyên nhân: chấn thương, bệnh của mạch máu, rối loạn về đông máu. Về ổ tụ huyết trong hộp sọ, xem chữ brain haemorrhagia.

Haematuria: đái ra máu. Nguyên nhân: nhiễm khuẩn cơ quan bài tiết, sạn và u thận, bọng đái, viêm thận và mao mạch thận (glomerulonephritis), rối loạn về máu.

Haemodialysis: thẩm tách máu, một kỹ thuật dùng máy (dialiser) để loại chất thải, chất độc tích tụ trong máu, do thận suy không hoạt động hữu hiệu.

Haemoglobin: huyết sắc tố làm cho hồng cầu có màu đỏ, thành phần là haem chứa sắt và đạm globin gồm hai loại alpha và beta. Haemoglobin được tạo ra trong tủy xương, chức năng là chuyên chở khí oxi đi khắp thân thể. Lượng trung bình: 12-18g/dl.

Haemoglobinopathy: bệnh di truyền, có sự bất thường về sản xuất haemoglobin, xảy ra trong bệnh thiếu máu vùng bể (thalassaemia), bệnh hồng cầu lưỡi liềm (sickle cell disease).

Haemoglobinuria: trong nước tiểu có haemoglobin, khi hồng cầu bị phân hủy quá nhiều, xảy ra sau khi luyện tập mất sức, trong bệnh sốt rét đái nước đen (black water fever), nhiễm độc hóa chất, ví dụ arsenic, chấn thương nặng phần mềm.

Haemogram: huyết đồ gồm kết quả các thử nghiệm máu thường lệ như nồng độ haemoglobin, thể tích hồng cầu, số lượng hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu.

Haemolytic anaemia: thiếu máu do hồng cầu sớm bị phân hủy (haemolysis). Nguyên nhân: hồng cầu có khuyết điểm như hồng cầu lưỡi liềm, hình quả cầu (spherocyte), thiếu hụt men G6PD bảo vệ; hồng cầu vỡ khi máu chảy qua những thiết bị gắn ở tim, ví dụ van tim giả; truyền máu không đúng loại; bệnh miễn nhiễm về máu; nhiễm trùng nhất là sốt rét.

Haemolytic disease of the newborn: bệnh tan huyết trẻ sơ sinh, do kháng thể của mẹ truyền qua lá nhau khi còn trong giai đoạn bào thai, kháng thể được tạo ra nếu bào thai có máu loại Rh dương (Rh+) còn mẹ là Rh âm (Rh-). Bệnh gây cho đứa bé thiếu máu, vàng da, nặng hơn nữa là thân hình phù to lên (hydrops fetalis), hoăc chết trong bụng mẹ.

Chữa trị: truyền máu Rh- nhiều lần vào cuống rốn hoặc tim của bào thai cho đến khi đủ trưởng thành để sinh ra. Sau khi sinh, nếu vàng da, chữa bằng ánh sáng (phototherapy) hoặc thay máu (exchange transfusion). Về phòng ngừa, tiêm anti-D immunoglobin cho bà mẹ máu Rh- liền sau khi sinh hoặc bị sẩy thai, để tiêu hủy hồng cầu Rh+ của hài nhi đã truyền qua, hầu tránh trường hợp bệnh tan huyết cho đứa con Rh+ trong lần sinh tới.

Haemopericardium: máu tràn trong bao tim, do chấn thương, do phần bị kích tim bị vỡ. Cần phải mổ khẩn cấp để máu thoát ra.

Haemoperitoneum: máu trong xoang bụng.

Haemophilia: bệnh ưa chảy máu, một rối loạn về gen gây thiếu hụt yếu tố đông máu VIII nên máu đông lại rất chậm. Bệnh nhân bị chảy máu kéo dài khi bị thương, hoặc chảy máu tự phát trong cơ bắp, trong khớp. Bệnh chỉ xảy ra cho phái nam, phụ nữ mang mầm bệnh rồi truyền sang cho con trai.

Haemophilus influenzae: một loại khuẩn gây nhiều trường hợp nhiễm trùng nặng cho trẻ con, như viêm tiểu thiệt (epiglottitis), viêm màng não. Thuốc ngừa khuẩn thường xảy ra nhất là Haemophilus influenzae B (Hib vaccine) đã được sử dụng từ năm 1993 để tiêm phòng cho trẻ con.

Haemopneumothorax: tràn máu và khí trong màng phổi, thường là do chấn thương, cần phải dẫn lưu để phổi nở ra bình thường.

Haemoptysis: ho ra máu

Haemorrhage: chảy máu ra bên ngoài hoặc bên trong cơ thể, khi một mạch máu bị đứt.

Haemorrhoids: trĩ (lòi dom), do tĩnh mạch thành hậu môn giãn to ra, nguyên nhân thường là táo bón lâu ngày, tĩnh mạch bẩm sinh bị yếu. Trĩ xảy ra ở ba điểm chính cách đều nhau quanh vòng hậu môn, và có 3 loại: trĩ độ một nằm bên trong hậu môn, độ hai lòi ra ngoài nhưng tự rút lên, độ ba lòi ra nhưng cần phải đẩy vào. Triệu chứng chính là có máu tươi khi đại tiện, đôi khi chất nhờn tiết ra ở hậu môn. Biến chứng gồm thiếu máu vì mất chất sắt, trĩ bị thắt siết làm máu đông lại bên trong gây nhức nhối khó chịu vô cùng, vùng quanh hậu môn sưng to lên. Chữa trị: tránh táo bón, ăn nhiều rau quả có chất xơ sợi; đặt vào hậu môn thuốc hoặc kem chứa steroid và thuốc tê giúp giảm đau, bớt viêm sưng; tiêm thuốc teo trĩ (sclerotherapy), dùng hơi lạnh cao độ (cryosurgery); buộc trĩ (bandage); cắt bỏ trĩ.

Haemostasis: sự cầm máu.

Haemothorax: tràn máu vào nang màng phổi, thường do chấn thương. Nếu không dẫn lưu máu, hai lớp màng phổi sẽ dính lại với nhau, phổi không chuyển động bình thường được.

Halitosis: hơi thở có mùi hôi. Nguyên nhân: ăn thực phẩm nặng mùi như tỏi, hành; thở bằng mồm vì bị nghẹt mũi; nhiễm trùng ở mũi, họng và phổi; răng sâu, nướu răng sưng; táo bón, ăn không tiêu; vài loại bệnh gan.

Hallucination: (tâm thần) hư giác, nhận thức sai của giác quan về những sự việc không có thật. Có nhiều loại: hư giác về nghe (auditory hallucination), nghe tiếng thì thầm trong tai, hư giác về thấy (visual hallucination), thấy vật nhỏ đi hoặc to ra, hư giác về ngửi (olfactive hallucination), cho rằng thân hình mình tỏa ra mùi thối, hư giác về vị giác (gustatory hallucination) ngọt thì cho là chua, đắng, hư giác về sờ mó (tactile hallucination) luôn có cảm giác như kiến bò. Các loại hư giác trên có thể xảy ra trong bệnh tâm thần phân liệt, hưng cảm (mania), động kinh do vùng thái dương của não bị tổn hại, trúng phong (stroke), sử dụng ma túy.

Hallucinogen: thuốc hoặc chất sinh hư giác, ví dụ cần sa, LSD, mescaline, rượu uống quá nhiều.

Hallux valgus: ngón chân cái nhô ra và lệch về phía các ngón khác. Bìu (bursa) chứa hoạt dịch ở khớp ngón cái-xương thứ nhất bàn chân có thể bị sưng đau (bunion) nếu mang giày không vừa chân.

Hammer toe: ngón chân cán búa, thường là ở khớp thứ nhất của ngón thứ hai bị gập vào, bên trên có chai rất đau. Nếu mang giày điều chỉnh không giải quyết được vấn đề thì phải mổ làm cứng khớp bị đau.

Hamstring muscle: nhóm cơ bắp phía sau đùi, có thể bị rách đối với lực sĩ chạy đua hay đá bóng, hoặc bị trật ra nếu làm những thao tác nặng.

Handicap: kém năng lực về thể chất / tâm thần, gây trở ngại nhiều cho các sinh hoạt.

Hashimoto’s disease: một bệnh tự miễn, kháng thể của cơ thể gây tổn hại cho mô tuyến giáp làm tuyến sưng cứng và mất đi một phần hay toàn phần khả năng tiết hóc môn thyroxine, đưa đến bệnh suy tuyến giáp (hypothyroidism).

Hashish: cần sa.

Hay fever: viêm mũi dị ứng, đôi khi kèm thêm viêm kết mạc (conjunctiva), do phấn hoa, cây cỏ gây ra.

Head injury: chấn thương đầu, có thể bề ngoài không việc gì, hoặc làm rách da đầu, nứt vỡ sọ, tổn hại não. Tất cả chấn thương ở đấy đều phải được khám xét kỹ lưỡng và theo dõi, nhất là khi nạn nhân tiếp tục nôn mửa, đồng tử (con ngươi) hai bên mắt có hình dạng khác nhau, thấy hai hình, tình trạng lơ mơ ngày càng tệ đi. Xem thêm chữ brain haemorrhagia. Sau chấn thương nặng, nạn nhân có thể không còn nhớ những gì xảy ra trước và sau tai nạn, cơ bắp yếu đi, mất cảm giác, lên cơn động kinh, thay đổi cá tính.

Hearing aids: trợ thính cụ.

Heart: tim, gồm cơ tim (myocardium), bên ngoài có màng bao tim (pericardium), bên trong là lớp nội mạc (endocardium). Tim có một vách (septum) ngăn đôi thành hai buồng, mỗi buồng có tâm nhĩ (atrium) ở trên và tâm thất (ventricle) ở dưới, được nuôi dưỡng bởi hai mạch máu vành tim (coronary arteries) xuất phát từ động mạch chủ (aorta). Máu từ cơ thể theo tĩnh mạch chủ (vena cava) đổ về buồng phải và lên phổi qua động mạch phổi (pulmonary artery) để nhả khí carbon dioxide rồi tiếp nhận khí oxi, xong chảy vào tĩnh mạch phổi (pulmonary vein) đến buồng trái để phân phối đi khắp thân thể qua động mạch chủ.

Heart attack, myocardial infarction: kích tim, một phần cơ tim bị chết vì một nhánh mạch máu vành tim bị tắc nghẽn do mảng chất béo và máu đông cục gây ra. Bệnh nhân lên cơn đau ngực dữ dội lan lên cằm và cánh tay trái, đổ nhiều mồ hôi và có khi ngất xỉu.

Nguy cơ tử vong thường là do rung tâm thất (ventricular fibrillation), các biến chứng khác gồm rối loạn nhịp tim, suy tim, thủng vách ngăn đôi hai tâm thất, vỡ ở phần cơ tim bị chết, van tim không khép kín lại được, viêm màng bao tim (pericarditis).

Heart block: (sự) ngăn trở dòng điện tự nhiên của tim, nên sức go bóp của nó giảm xuống. Nguyên nhân: tật bẩm sinh; bệnh của tim như kích tim, viêm cơ tim (myocarditis), bệnh cơ tim (cardiomyopathy), bệnh van tim; thoái hóa hệ thống dẫn điện vì tuổi già. Người bệnh có thể không cảm thấy gì cả, nhưng nếu tim và mạch nhảy quá chậm sẽ dễ bị ngất xỉu, suy tim.

Heartburn: đau ở ngực do nước chua từ dạ dày trào ngược lên.

Heart disease, congenital: tật bẩm sinh của tim, tỷ lệ là 8/1,000 đứa trẻ, có thể phát ra lúc còn ở giai đoạn bào thai, nguyên nhân không rõ, một số trường hợp do mẹ bị bệnh sởi Ðức khi mang thai. Các triệu chứng là do máu ‘đen’ (không có khí oxi) được bơm vào cơ thể thay vì vào phổi, hoặc ngược lại máu ‘đỏ’ (có khí oxi) chảy vào phổi thay vì vào cơ thể. Kết quả là bệnh nhân có nước da xanh tím (cyanosis), khó thở; ngoài ra, đứa bé chậm lớn, dễ nhiễm trùng ở phổi, suy tim. Các loại tật bẩm sinh của tim gồm có: lỗ ở vách ngăn đôi hai tâm thất (ventricular septal defect,VSD), thường xảy ra nhất, 50% sẽ tự động bít lại, kỳ dư phải can thiệp phẫu thuật để tránh áp suất động mạch phổi tăng lên (pulmonary hypertension); lỗ ở vách ngăn đôi hai tâm nhĩ (atrial septal defect); hẹp một đoạn ở động mạch chủ (coarctation of the aorta), máu xuống phần bên dưới cơ thể sẽ ít đi; ống dẫn nối động mạch chủ với động mạch phổi khi còn là bào thai không đóng lại (patent ductus arteriosus) sau khi đứa bé sinh ra, đưa đến hậu quả giống như có lỗ ở vách tim; các mạch máu lớn của tim nằm sai vị trí (transposition of the great vessels), động mạch chủ xuất phát từ tâm thất phải, động mạch phổi từ tâm thất trái, nên máu ‘đỏ’ có khí oxi chảy vào phổi còn máu ‘đen’ không khí oxi lại được phân bổ đến khắp cơ thể; hẹp van động mạch phổi, máu lên phổi sẽ ít đi; tứ chứng Fallot (tetralogy of Fallot) gồm lỗ ở vách tâm thất, hẹp van động mạch phổi, động mạch chủ nằm sai chỗ, cơ tim tâm thất phải dày ra. Việc định bệnh được tiến hành khi còn giai đoạn bào thai với sóng siêu âm; sau khi sinh, ngoài khám lâm sàng, bác sĩ sẻ xét nghiệm thêm bằng cách chụp Xquang ngực, làm điện tâm đồ, sử dụng sóng siêu âm tim (echocardiogram), đôi khi thông tim ( cardiac catheterization).

Heart failure: suy tim, quả tim không còn đủ khả năng để bơm máu phân phối đi khắp thân thể. Có hai loại: 1 Suy tim trái, do nhiều nguyên nhân: cao huyết áp, thiếu máu, cường tuyến giáp (hyperthyroidism), bệnh van tim, hẹp một đoạn ở động mạch chủ (coarctation of the aorta), rối loạn nhịp tim, bệnh của cơ tim (cardiomyopathy). Trong mọi trường hợp, tim trái phải làm việc nhiều hơn, cơ tim dày lên, máu bơm ra không hết nên sẽ tràn ngược về phổi. Bệnh nhân bị khó thở khi làm một công việc nhẹ, sau đó là cả khi nằm nghỉ, đôi khi bị chứng phù phổi (pulmonary oedema) cần phải cấp cứu ngay. 2 Suy tim phải, thường là do cao áp suất ở động mạch phổi và phổi (pulmonary hypertension), gây ra do suy tim trái, bệnh ở phổi như viêm phế quản mạn tính, khí thủng phổi (emphysema), tật bẩm sinh ở tim như thủng vách tâm thất, hẹp van động mạch phổi. Máu vì không bơm ra được hết nên sẽ dồn ngược về các tĩnh mạch. Suy tim phải ít gây khó thở, các triệu chứng gồm mặt và chân phù lên, gan to ra, tiêu hóa bị trở ngại.

Heart imaging: kỹ thuật sử dụng để xét nghiệm hình ảnh và cấu tạo của quả tim, gồm có: chụp Xquang ngực, chụp hình mạch máu vành tim và tim sau khi bơm chất cản quang vào đấy (angiography), sóng siêu âm tim (echocardiogram) trong khi tim đang đập, tiêm hoặc uống chất phóng xạ (radionuclide scanning), CT scanning, MRI v.v.

Heart-lung machine: máy tim phổi, một thiết bị đảm trách tạm thời chức năng của tim và phổi trong khi thực hiện phẫu thuật tim.

Heart-lung transplant: ghép tim và phổi lấy từ một người được xem là não đã chết cho bệnh nhân phổi bị hư hại trầm trọng do khí thủng (emphysema), phổi xơ có nang (cystic fibrosis), còn tim có thể bị bệnh hay không. Kết quả khả quan hơn là ghép phổi đơn thuần.

Heart transplant: ghép tim lấy từ một người được xem là não đã chết cho bệnh nhân tim bị hư hại nặng vì bệnh mạch máu vành tim, suy tim, bệnh van tim trầm trọng, bệnh của cơ tim (cardiomyopathy), một vài trường hợp bệnh tim bẩm sinh. Cuộc ghép tim đầu tiên do bác sĩ Christian Barnard, người Nam Phi, thực hiện năm 1967, bệnh nhân chỉ sống hơn một tháng. Từ đó đến nay, nhờ khoa học tiến bộ nên kết quả có phần khả quan hơn: tỷ lệ sống sót sau 2 năm là 80%, sau 5 năm là trên 60%. Biến chứng, ngoài tim ghép bị thải bỏ, gồm: hư thận do thuốc chống thải bỏ gây ra, xơ vữa mạch máu, cao huyết áp, ung thư hạch bạch huyết, nhiễm khuẩn.

Heart valves: van tim, cơ cấu giúp máu chảy ra khỏi buồng tim và ngăn không cho máu dội ngược về. Có 4 van: van 2 lá giữa tâm nhĩ và tâm thất trái, van 3 lá giữa tâm nhĩ và tâm thất phải, van động mạch chủ, van động mạch phổi. Các bệnh của van gồm hẹp van (stenosis) làm tim phải làm việc nhiều hơn để bơm máu ra khỏi buồng tim; hở van (incompetence), van khép lại không kín nên máu dội ngược về. Nguyên nhân: 1- bẩm sinh, thường là hẹp van động mạch chủ (aortic stenosis) hay hẹp van động mạch phổi (pulmonary stenosis). 2- mắc phải, thường do thoái hóa hoặc thiếu máu nuôi một phần tim đưa đến hẹp van động mạch chủ, hở van hai lá (mitral incompetence); do sốt thấp khớp (rheumatic fever) nay ít còn xảy ra; do nhiễm khuẩn nội mạc tim (endocarditis). Hậu quả của các bệnh van tim là suy tim, rối loạn nhịp tim. Về chữa trị, có phẫu thuật nông van tim, thay van bằng van heo, bò, van plastic hay kim loại, van của người chết hiến tặng.

Heat exhaustion: mệt lã và ngất xỉu vì sức nóng của môi trường xung quanh tăng cao quá độ, làm mất nước và muối trong cơ thể nên huyết áp và thể tích máu giảm xuống. .

Heatstroke: say nóng, thân nhiệt tăng lên, da nóng bỏng, mồ hôi không toát ra được, sau đó là bất tỉnh, do cơ chế điều hòa thân nhiệt mất hiệu năng. Nguy cơ chết có thể xảy ra nếu không chữa trị ngay.

Hebephrenia: (tâm thần) một loại bệnh tâm thần phân liệt xảy ra từ lúc trẻ, đặc trưng nổi bật nhất là rối loạn về tư tưởng, cảm xúc thể hiện không phải lúc, ví dụ cười lên khi nghe một chuyện buồn, vô tình hờ hững, hay gây sự, cư xử ngớ ngẩn.

Helminth / helminthiasis: giun sán, ký sinh gồm sán lá (fluke), sán dây (tapeworm), giun tròn (nematode) / bệnh giun sán.

Hemianopsia: bán manh, không trông thấy nửa phần tầm nhìn. Kiểu thường có nhất là bán manh cùng bên, bên phải hoặc trái của mỗi mắt. Chứng này có thể thoáng xảy ra (transient) trong bệnh nhức đầu nửa bên (migraine), trúng phong ngắn hạn do máu tiếp tế não không đủ (transient ischaemic attack, TIA); vĩnh viễn trong trúng phong, u não đè lên thần kinh thị giác số II (optic nerve), chấn thương đầu.

Hemicolectomy: cắt bỏ một nửa ruột già, thực hiện trong bệnh Crohn ở phần cuối ruột non giáp với ruột già (ileum), ung thư ruột già lên.

Hemiparesis / hemiplegia: (thần kinh) liệt nhẹ nửa người / liệt nửa người, do trúng phong, chấn thương đầu, xuất huyết não, viêm não, đa xơ hệ thần kinh (multiple sclerosis).

Heparin: chất làm ngưng đông máu, sử dụng trong chứng máu đông cục lại (thrombosis).

Hepatectomy (partial): cắt bỏ một phần gan trong trường hợp u gan hoặc bị chấn thương nặng. Gan có đặc tính mọc trở lại nên có thể cắt bỏ đến ¾ cơ quan này.

Hepatic encephalopathy: (thần kinh) xáo trộn chức năng não bởi chất độc từ ruột già thấm vào, khi gan bị hư hại nặng không còn khả năng giải độc nữa, ví dụ gan chai (cirrhosis). Triệu chứng: lờ đờ, đầu óc lẫn lộn rồi hôn mê.

Hepatitis: viêm gan do siêu khuẩn, chất độc, bệnh tự miễn (autoimmune disease) gây ra. Viêm gan cấp tính gồm các triệu chứng đau bụng, vàng da, ngứa khắp người, buồn nôn và sốt. Viêm mạn tính cũng có các triệu chứng như trên nhẹ hơn nhưng kéo dài nhiều năm tháng và cuối cùng đưa đến chai gan. Siêu khuẩn viêm gan chủ yếu là siêu khuẩn A, B, C, D và E (hepatitis viruses A, B, C, D and E). Siêu khuẩn A và E truyền đi bằng thực phẩm/nước uống lây nhiễm do bệnh nhân hay người mang mầm bệnh, ít gây biến chứng nghiêm trọng; siêu khuẩn B, C, D truyền lan từ máu và sản phẩm của máu qua truyền máu, dùng chung kim tiêm (người nghiện), xâm mình, quan hệ tình dục, sữa mẹ. Phần lớn bệnh nhân đều hồi phục, nhưng tỷ lệ tử vong là từ 5-20%, do chai gan và ung thư gan. Các siêu khuẩn trên rất dễ bị tiêu hủy khi ra ngoài không khí, nên không có vấn đề lây bệnh vì dùng chung chén đĩa, nhà vệ sinh, bắt tay nhau.

Hepatoblastoma: một loại ung thư gan xảy ra cho trẻ con, chữa trị bằng cách cắt bỏ phần ung thư đó.

Hepatoma: ung thư gan, thường phát triển trong bệnh gan chai. Tại một số quốc gia Phi châu và vùng nhiệt đới, ung thư có thể là tiên phát do ăn phải chất aflatoxin của nấm mọc ở hột lạc.

Hepatomegaly: gan to ra.

Hepatotoxic: độc và gây tổn hại cho tế bào gan, ví dụ uống Paracetamol lâu ngày hoặc uống một lúc liều cực mạnh.

Hereditary: thuộc di truyền, truyền từ cha mẹ sang các con.

Hermaphroditism: lưỡng tính, tình trạng có cả hai loại cơ quan sinh dục nam và nữ, hoặc cơ quan sinh dục gồm cả tế bào trứng và tinh hoàn. Chứng này rất hiếm trên thế giới.

Hernia: thoát vị, tình trạng một cơ quan trồi ra tại một chỗ yếu của cơ thể: thoát vị bẹn (inguinal hernia), đùi (femoral hernia), rốn (umbilical hernia), ở vết mổ bụng cũ (incisional hernia), cơ hoành (diaphragmatic hernia). Thoát vị bẹn xảy ra ở bụng dưới, một túi phúc mạc chứa một khúc ruột trồi theo ống bẹn xuống bẹn hoặc bìu dái; thoát vị đùi cũng tương tự như thoát vị bẹn nhưng nằm ở phần trên của đùi; thoát vị rốn thường thấy ở trẻ con; thoát vị cơ hoành, một cơ quan trong bụng trồi lên xoang ngực, kiểu thường thấy nhất là thoát vị khe (hiatus hernia, xem chữ). Biến chứng: cơ quan thoát vị không trở lại vị trí cũ và mắc dính ở đấy, mạch máu nuôi dưỡng của nó bị xoắn lại, cắt đứt nguồn tiếp tế máu nên có thể gây hoại thư nếu không can thiệp khẩn cấp. Cách chữa trị tốt nhất cho mọi trường hợp thoát vị là giải phẫu.

Heroin (diamorphine): (thần kinh) một loại bột kết tinh màu trắng, đặc chế từ morphine, nhưng tác dụng ngắn hơn, dùng để giảm cơn đau dữ dội. Dùng lâu có thể gây nghiện.

Herpes: bệnh ngoài da hay ở niêm mạc, gồm nhiều mụt bóng nước nhỏ, do siêu khuẩn Herpes gây ra. Có nhiều loại: 1 bệnh mụt nước ở môi (cold sore), do siêu khuẩn Herpes simplex I, thường hay tái phát. 2 bệnh mụt nước ở bộ phận sinh dục (genital herpes), do siêu khuẩn Herpes simplex II lan truyền qua đường tình dục, khi vỡ ra tạo vết loét rất đau nhức. Siêu khuẩn có liên hệ đến ung thư cổ tử cung, phụ nữ nếu mắc phải nên được kiểm tra hàng năm. 3 bệnh ‘dời leo’ (herpes zoster, shingles), do siêu khuẩn Varicella-zoster, gồm nhiều mụt nước nhỏ tại một bên thân thể, ở ngực, bụng, cổ, tay, mặt, mắt, gây đau nhức, cơn đau có khi kéo dài nhiều tháng sau khi các mụt đã lành. Bệnh thường xảy ra cho người trên 50 tuổi, đặc biệt vào lúc hệ thống miễn nhiễm bị suy yếu. Siêu khuẩn có thể gây bệnh thủy đậu (varicella) cho trẻ con. Các bệnh do siêu khuẩn Herpes được chữa trị với thuốc chống siêu khuẩn, ví dụ Aciclovir, làm giảm bớt các triệu chứng, với điều kiện phải được sử dụng sớm.

Heterograft (xenograft): ghép mô sống hay cơ quan của loại này cho loại khác, ví dụ ghép cơ quan của súc vật cho người.

Heterosexuality: (sự) cư xử và ý tưởng về tình dục hướng về một người khác phái.

Heterozygote / homozygote: tình trạng một người mà tế bào chứa đựng hai gen khác nhau về một đặc tính nào đó / tình trạng ngược lại.

Hiatus: khe, lỗ hở, ví dụ cơ hoành (diaphragm) có các khe động mạch chủ, thực quản chạy xuyên qua.

Hiatus hernia: thoát vị khe, một phần dạ dày trồi lên khoang ngực xuyên qua khe cơ hoành, thường xảy ra cho người béo mập, hút thuốc lá. Nhiều bệnh nhân không cảm thấy gì, đối với một số khác dịch dạ dày trào lên thực quản gây chứng đau ngực, viêm thực quản. Ðịnh bệnh bằng cách chụp Xquang thực quản, soi thực quản và làm sinh thiết ở đó. Chữa trị: nằm đầu cao, ăn thức ăn nhẹ, cữ thuốc lá và rượu, giảm cân nặng, dùng dược phẩm, giải phẫu.

Hiccup: nấc cụt.

Hidrosadenitis: viêm tuyến mồ hôi, do tuyến bị tắc, thường thấy ở nách, quanh núm vú, rốn, háng.

Hip replacement: phẫu thuật thay khớp háng bị bệnh viêm xương khớp (osteoarthritis) với thiết bị bằng kim loại. Khớp giả có thể hoạt động trong nhiều năm.

Hippocampus: (thần kinh) hải mã, một thành phần của hệ viền (limbic system) trong não, có vai trò trong sự học biết, trí nhớ.

Hirschprung’s disease: tật bẩm sinh, dây thần kinh vùng trực tràng không phát triển nên gây táo bón cho đứa bé, bụng căng to và đau. Chữa trị bằng giải phẫu.

Hirsutism: chứng rậm lông, đặc biệt ở phụ nữ. Nguyên nhân thường không rõ, một số trường hợp là do rối loạn về hệ thống hóc môn, ví dụ chứng đa nang buồng trứng (polycystic ovary), bướu tuyến thượng thận.

Histamine: một hợp chất làm giãn mạch máu, go bóp cơ trơn, và là một yếu tố trung gian quan trọng trong quá trình viêm sưng, gây phản ứng ngoài da như đỏ mặt, nổi mề đay, trong sốc nặng (anaphylactic shock), trong dị ứng, kể cả suyễn.

Histocompatibility: sự tương hợp giữa các mô, rất cần trong việc ghép cơ quan.

Histology: khoa học về cấu trúc mô.

Histrionic personality disorder: (tâm thần) rối loạn cá tính loại hay phô trương qua cách ăn mặc loè loẹt, muốn người khác chú ý đến mình, cảm xúc thay đổi từng lúc. Rối loạn này thường xảy ra cho phụ nữ.

HIV, Human Immunodeficiency Virus: siêu khuẩn gây bệnh Aids, lây truyền qua đường máu (truyền máu, dùng kim tiêm không khử trùng), qua đường tình dục, qua lá nhau vào bào thai nếu mẹ bị nhiễm. HIV tấn công và hủy hoại T-lympho bào, tế bào máu đặc trách về miễn nhiễm. Siêu khuẩn không sống được khi ra khỏi cơ thể, nên không có vấn đề lây cho người khác khi dùng chung bát đĩa, phòng vệ sinh, bắt tay nhau v.v.

Hives, urticaria: mề đay.

HLA system, Human Leucocyte Antigen system: hệ thống kháng nguyên bạch cầu, gồm một nhóm 8 kháng nguyên quan trọng nhất trong số 20 hay hơn các kháng nguyên của mô. Trong ghép cơ quan, càng ít khác biệt về hệ thống HLA giữa người nhận và người hiến tặng càng tốt.

Hodgkin’s disease: bệnh Hodgkin, một bệnh ung thư của các mô bạch huyết, hạch mọc ở cổ, nách, háng, ngực, bụng, tủy xương, gan và lách sưng to. Bệnh nhân thường ở tuổi 20-30 và 55-70. Các triệu chứng khác gồm sút cân, sốt, ra mồ hôi nhiều về đêm, ngứa khắp người. Ðịnh bệnh bằng sinh thiết hạch, tủy xương, Xquang ngực, CT và MRI scan bụng. Chữa trị: xạ trị, thuốc chống ung thư, khoảng 78% có tiên liệu tốt.

Holistic: phương cách chữa trị bao gồm cả vấn đề thể chất, tâm lý và xã hội của bệnh nhân, thay vì chỉ chú trọng tới căn bệnh đã chẩn đoán.

Homeopathy: liệu pháp vi lượng đồng căn dựa trên lý thuyết ‘dĩ độc trị độc’. Bệnh nhân được chữa trị với một liều rất nhỏ loại thuốc mà chính nó có thể gây ra các triệu chứng của căn bệnh mắc phải.

Homeostasis: tiến trình sinh lý hóa của các hệ thống trong cơ thể – huyết áp, thân nhiệt, độ axít/kiềm – được giữ ở mức cân bằng, bất kể các thay đổi từ bên ngoài.

Homograft, allograft: ghép đồng loại, ghép một cơ quan hay mô sống cho cá thể cùng loại, ví dụ ghép tim của người này sang người khác.

Homosexuality: (tâm lý) đồng tính luyến ái, đàn ông / đàn bà làm tình với người cùng phái. Nguyên nhân chưa rõ, có thể là do có sự khác thường ở nhiễm sắc thể X. Họ đạt khoái lạc tình dục bằng khẩu giao (oral sex), giao cấu qua đường hậu môn (đàn ông), dùng dụng cụ mua tại sex shop (đàn bà), thủ dâm cho nhau v.v. Xã hội ngày nay không còn khăt khe đối với họ nữa, nhưng truyền nhiễm qua đường tình dục dễ xảy ra hơn, ví dụ bệnh HIV-Aids.

Hookworm: giun móc, ví dụ giun Ancylostomia, sống ký sinh trong ruột non, có thể đưa đến chứng thiếu máu vì mất máu.

Hormone: hóc môn, một chất do tuyến nội tiết (tuyến yên, tuyến giáp trạng…) tiết thẳng vào máu đến một cơ quan ở xa, để thay đổi cấu trúc hay chức năng của cơ quan đó. Ví dụ hóc môn tuyến yên trong não ảnh hưởng đến buồng trứng, tinh hoàn.

Hormone replacement therapy, HRT: phép chữa trị dùng hóc môn nhân tạo thay thế, ví dụ dùng oestrogen để làm giảm bớt những triệu chứng xảy ra vào thời tuyệt kinh như phừng đỏ mặt, đổ mồ hôi ban đêm, khó ngủ, khô âm đạo, để ngừa chứng loãng xương (osteoporosis), xơ vữa mạch máu (arteriosclerosis). Hóc môn oestrogen được sử dụng phối hợp với hóc môn progesterone, dưới hình thức thuốc viên hoặc dán, thuốc cấy. Các biến chứng gồm máu dễ đông cục, tỷ lệ ung thư vú và tử cung tăng lên, cao huyết áp, bệnh tim mạch, nôn mửa, chuột rút.

Huntington’s disease: (thần kinh) bệnh di truyền, 50% con cái sẽ mắc phải nếu cha hoặc mẹ bị bệnh, do thoái hóa hạch đáy (basal ganglia) trong não. Các triệu chứng xảy ra từ 35 tuổi trở đi, gồm cơn co giật ở mặt, tay, thân hình, tính khí cùng cách cư xử hành động thay đổi, dễ cau có, hờ hững với sự việc xảy ra, mất trí nhớ. Cho đến nay, chưa có thuốc chữa, bệnh nhân sống được từ 15-30 năm sau khi triệu chứng đầu tiên phát ra.

Hydatiform mole: (sản phụ khoa) thai trứng, tỷ lệ là 1/200 trường hợp có thai, gồm nhiều nang giống như chùm nho phát triển từ lá nhau. Thai phụ nôn mửa nhiều, ra huyết ở âm đạo, còn bào thai thì đã chết. Ðịnh bệnh bằng siêu âm, thử nước tiểu và máu có nhiều hóc môn HCG. Một số ít trường hợp (3%) biến chứng thành ung thư (choriocarcinoma), do đó cần theo dõi trong vòng hai năm. Chữa trị: hút thai trứng, nạo tử cung, đôi khi cắt bỏ tử cung nếu sản phụ trên 40 tuổi.

Hydramnios: (sản phụ khoa) tình trạng quá nhiều nước ối bao quanh bào thai từ tháng thứ năm trở đi. Nguyên nhân thường không rõ, một số ít trường hợp do thai phụ bị bệnh tiểu đường, mang song thai, bào thai có dị tật như không có não (anencephaly), trít thực quản. Triệu chứng: bụng to nhiều hơn so với tuổi thai, khó thở, sưng chân. Thai phụ có thể sinh non.

Hydrocele: dái nước, dịch tích tụ trong một túi bao quanh tinh hoàn, làm bìu dái căng to lên. Nguyên nhân không rõ, đôi khi do viêm, u, chấn thương tinh hoàn. Chữa trị bằng cách rút nước ra hoặc mổ cắt bỏ túi.

Hydrocephalus: (thần kinh) tràn dịch não, tình trạng tăng bất thường số lượng dịch não làm cho đầu đứa bé to ra, một số đặc điểm khác là chân cứng, động kinh, con người lờ đờ thiếu sinh khí. Tràn dịch não ở người lớn gồm các triệu chứng nhức đầu, nôn mửa, cử động mất sự điều hợp, giảm chức năng trí tuệ. Chữa trị: dẫn lưu dịch não xuống xoang bụng.

Hydronephrosis: ứ nước ở thận do cơ quan bài tiết bị tắc vì sạn, u thận, phì đại tuyến tiền liệt, tật bẩm sinh ở niệu quản (ureter). Cần được chữa trị, nếu không sẽ bị suy thận, thận nhiễm khuẩn.

Hydropericardium: tràn dịch màng bao quả tim, xảy ra trong trường hợp viêm màng bao này. Dịch quá nhiều có thể gây trở ngại cho hoạt động của tim, cần phải dẫn lưu.

Hydropneumothorax: tràn dịch và khí trong xoang màng phổi.

Hydrosalpinx: (sản phụ khoa) tràn dịch trong vòi trứng.

Hydrotherapy: thủy liệu pháp, dùng bồn nước xoáy, tắm hoa sen, bể bơi để giúp thư giãn cơ bắp, tập luyện cho bệnh nhân bị viêm xương khớp, gẫy xương đã lành.

Hygiene: vệ sinh, khoa học về sức khoẻ và nghiên cứu các phương pháp bảo tồn sức khoẻ, đặc biệt bằng cách giữ sạch sẽ.

Hymen: (sản phụ khoa) màng trinh. Một số thiếu nữ có màng trinh bít kín không lỗ hở nên máu kinh tụ lại, phải khai thông bằng cách xẻ màng (hymenotomy).

Hyper: tiếp đầu ngữ chỉ sự quá độ, tăng to lên, ví dụ hypertrophy of the prostate = phì đại tuyến tiền liệt.

Hyperacusis: tăng thính lực, tiếng động, nghe dội lớn lên, đôi khi gây đau nhức khó chịu trong tai.

Hyperbaric oxygenation: kỹ thuật để bệnh nhân tiếp cận với khí oxi có áp suất cao, dùng chữa ngộ độc khí carbon monooxide, hoại thư khí (gas gangrene) do khuẩn kỵ khí gây ra.

Hypercalcaemia: lượng calcium máu tăng cao. Nguyên nhân: hóc môn tuyến cận giáp (parathyroid gland) tiết ra quá nhiều, ung thư nơi khác di căn đến xương, uống quá nhiều vitamin D. Triệu chứng: nôn mửa, người lừ đừ, khát nước và tiểu nhiều, buồn chán, mệt mỏi rã rời, rối loạn nhịp tim, suy thận.

Hypercapnia: tăng nồng độ khí carbon dioxide trong máu, do có trở ngại ở đường hô hấp, ví dụ bị suyễn, đưa đến máu nhiễm a xít (respiratory acidosis).

Hyperchlorhydria: tăng a xít trong dịch vị, thường kết hợp với loét tá tràng.

Hyperemesis: chứng nôn mửa thốc tháo.

Hyperglycaemia: lượng đường glu cốt trong máu tăng cao, xảy ra trong nhiều bệnh, đáng chú ý nhất là bệnh tiểu đường. Không chữa trị có thể đưa đến lẫn lộn rồi hôn mê.

Hyperhidrosis: chứng mồ hôi ra quá nhiều, do vận động, thời tiết nóng, lo âu. Một số trường hợp không rõ nguyên nhân, một số khác do nhiễm trùng, cường năng tuyến giáp (hyperthyroidism), đường máu xuống thấp. Nên mặc áo quần bằng bông vải hoặc da. Giải phẫu hủy hạch giao cảm (sympathectomy) phân bổ đến tuyến mồ hôi giúp chữa được chứng ra mồ hôi nhiều ở tay, bàn tay, nách.

Hyperlipidaemia: chất béo – cholesterol, triglycerides, lipoprotein – có nhiều trong máu. Nguyên nhân: di truyền, tuyến giáp giảm hoạt động, nghiện rượu nặng, tiểu đường, suy thận, hội chứng Cushing, dùng lâu ngày thuốc corticosteroid, hóc môn oestrogen. Nguy cơ gồm hẹp động mạch vì chất béo đóng vào, bệnh mạch máu vành tim.

Hypermetropia, long-sightedness: viễn thị.

Hyperparathyroidism: tăng hoạt động của tuyến cận giáp, u lành tính ở tuyến này (parathyroid gland) tiết ra quá nhiều hóc môn làm lượng calcium máu tăng cao. Xem chữ hypercalcaemia.

Hyperpyrexia: sốt cao., nhiệt độ cơ thể trên 106 độ F (41.1 độ C).

Hypersensitivity: nhạy cảm quá độ đối với một kháng nguyên (antigen) được xem là vật lạ xâm nhập cơ thể. Tình trạng chỉ xảy ra vào lần thứ nhì hay các lần kế sau khi tiếp cận với kháng nguyên, gồm 4 loại: loại gây các triệu chứng của suyễn, dị ứng hoa cỏ (hay fever), nổi mề đay, sốc dị ứng nặng (anaphylactic shock); loại gây các bệnh tự miễn (autoimmune diseases); loại gây phản ứng khi tiêm huyết thanh; loại gây bệnh ngoài da vì tiếp cận (contact dermatitis), ví dụ mang dây chuyền, đeo đồng hồ v.v.

Hypertension: cao huyết áp, 90% không rõ nguyên nhân, các yếu tố tạo điều kiện gồm tuổi tác, gia đình có người bị cao huyết áp, béo phì, uống rượu quá độ, ăn mặn, ít vận động, tinh thần luôn bị căng thẳng. Số còn lại là do bệnh ở thận, một vài loại bệnh của tuyến thượng thận, tiền sản giật, sử dụng dược phẩm ví dụ thuốc ngừa thai. Từ con số bình thường là 120/80 mm thủy ngân, huyết áp tăng nhẹ đến cao, từ 160/95 mm trở lên (theo định nghĩa của Tổ chức Y Tế Quốc Tế). Bênh nhân có thể không có triệu chứng nào cả, hoặc nhức đầu, chóng mặt khó thở, mờ mắt. Các biến chứng gồm có: tai biến mạch máu não, suy tim trái, tắc nghẽn mạch máu vành tim, hư thận, hư mạch máu võng mạc mắt. Biến chứng tăng theo với độ cao của huyết áp, ví dụ đối với người đàn ông 40 tuổi, cứ mỗi 10 mm thêm sẽ tăng nguy cơ bệnh tim lên 20%. Trong sự chữa trị, ngoài cữ rượu, thuốc lá, cữ ăn mặn và các chất béo, nên ăn nhiều rau quả và vận động, người bệnh được cấp thuốc hạ huyết áp, thuốc phải uống một thời gian dài hoặc suốt đời. Một số ít trường hợp cao huyết áp nguyên nhân biết được có thể chữa khỏi.

Hyperthermia: tăng thân nhiệt (41 độ C hay cao hơn). Hyperthyroidism: tăng hoạt động của tuyến giáp. Xem chữ goitre. Hypertonia: tăng trương lực cơ.

Hypertrichosis: chứng lông tóc mọc nhiều. Xem chữ hirsutism.

Hypertrophy: mô / cơ quan tăng kích thước do các tế bào to ra, ví dụ cơ bắp nở to sau một thời gian hoạt động nhiều.

Hypervitaminosis: rối loạn chức năng cơ thể do lạm dụng vitamin. Tình trạng ít nghiêm trọng với vitamin tan trong nước vì được thải qua đường tiểu, còn với vitamin tan trong dầu như vitamin A, D, E sẽ có những triệu chứng nhiễm độc. Ví dụ uống nhiều vitamin A gây nhức đầu, buồn nôn, ăn mất ngon, rụng tóc, lột da, kinh nguyệt không đều.

Hypnosis: (tâm lý) thôi miên, tình trạng giống như ngủ do chuyên viên tạo ra cho một cá thể, giúp thư giãn tinh thần, trị chứng nghiện thuốc lá, một vài bệnh như lo âu, sợ hoảng.

Hypnotic: thuốc ngủ, dùng lâu có thể gây nghiện thuốc.

Hypo-: tiếp đầu ngữ chỉ: 1- thiếu hụt. 2- ở dưới, ví dụ hypoglossal = dười lưỡi.

Hypocalcaemia: lượng calcium máu thấp. Nguyên nhân thường nhất là thiếu vitamin D vì ăn uống không đầy đủ, ít ra nắng, suy thận, tuyến cận giáp không tiết ra đủ hóc môn. Trường hợp nhẹ không có triệu chứng gì xảy ra, còn nặng sẽ gây ra cơn co giật cơ bắp, đặc biệt là ở bàn tay và chân (tetany).

Hypochondriasis: (tâm thần) bệnh tưởng, lúc nào cũng nghĩ rằng mình đang mắc một bệnh nặng. Ví dụ đau ở bụng thì cho là đã bị ung thư dạ dày, ruột. Ðây là loại bệnh xảy ra cho người có rối loạn cá tính, hoặc lúc trẻ đã mắc một bệnh nặng, hay đang sống trong gia đình có người mắc bệnh nặng.

Hypoglycaemia: giảm lượng đường trong máu, thường thấy nhất là bệnh nhân bị tiểu đường dùng quá liều insulin tiêm, thuốc viên hạ đường huyết, hoặc bỏ bữa, ăn không đủ chất ngọt carbohydrate. Triệu chứng: đổ mồ hôi, cảm thấy đói, yếu cơ bắp, run tay chân, chóng mặt, đầu óc lẫn lộn, cử động mất đi sự điều hợp, và nếu lượng đường xuống quá thấp sẽ bị hôn mê. Ðường xuống thấp là một tình trạng nguy hiểm, não thiếu đường có thể đưa đến tổn hại vĩnh viễn về trí tuệ.

Hypogonadism: giảm hoạt động của tuyến tình dục (tinh hoàn, buồng trứng) gây chậm phát triển các đặc điểm phái tính thứ phát của phái nam (mọc râu và lông, giọng nói ồ, cơ bắp to lên) và phái nữ (mọc lông, vú to ra).

Hypomania: (tâm thần) hưng cảm nhẹ. Xem chữ mania.

Hypoparathyroidism: giảm hoạt động của tuyến cận giáp, làm lượng calcium máu xuống thấp. Xem chữ hypocalcaemia.

Hypopituitarism: giảm hoạt động của tuyến yên, gây chứng lùn khi còn bé, ở người lớn là hội chứng tổn hại chức năng sinh dục, xanh xao, già trước tuổi. Nguyên nhân: u tuyến yên, giải phẫu và xạ trị tuyến yên, rối loạn hạ đồi thị (hypothalamus).

Hypotension: huyết áp giảm xuống. Ngoài những trường hợp mất máu, mất nước vì tiêu chảy, nôn mửa, bị bỏng, phản ứng dị ứng nặng, nhiễm trùng, nhồi máu cơ tim v.v., một số người bị giảm huyết áp tạm thời khi từ vị trí nằm rồi đột ngột đứng lên có thể gây choáng váng ngất xỉu.

Hypothalamus: (thần kinh) hạ đồi thị, một cơ quan nằm sâu trong não, nối liền với đồi thị (thalamus) ở trên và tuyến yên ở dưới, gồm nhiều chức năng quan trọng: 1- kiểm soát hoạt động của hệ thần kinh giao cảm (sympathetic nervous system) như gặp cảnh kinh hoàng sợ hãi, nhịp tim mạch sẽ tăng lên, thở nhanh, máu chảy nhiều đến cơ bắp để sẵn sàng ứng phó. 2- kiểm soát thân nhiệt, cơn đói và khát. 3- kiểm soát việc ngủ, tình dục, cảm xúc. 4- điều hòa hóc môn tuyến yên. Rối loạn chức năng của hạ đồi thị là do xuất huyết não, u tuyến yên lan lên.

Hypothermia: 1- giảm thân nhiệt (dưới 35 độ C) gây lơ mơ, nhịp tim và thở chậm lại, có thể đưa đến hôn mê và chết. Thường xảy ra cho người già nhà sưởi không đủ ấm, nhất là khi họ mắc thêm chứng tuyến giáp giảm hoạt động, bị lẫn, viêm đau khớp; trẻ sơ sinh cũng dễ mắc phải vì chúng mất nhiệt một cách nhanh chóng. 2- giảm thân nhiệt với mục đích chữa trị, ví dụ trong phẫu thuật để bớt nhu cầu oxi của các cơ quan quan trọng như tim, não.

Hypothyroidism: giảm hoạt động của tuyến giáp, hóc môn tiết ra ít. Nguyên nhân: bệnh tự miễn của tuyến giáp, ví dụ bệnh Hashimoto, một số trường hợp do mổ hoặc xạ trị tuyến giáp. Triệu chứng: mệt mỏi toàn diện, người lờ đờ, mạch nhảy chậm, da khô, táo bón, tóc rụng, tăng cân lượng, mặt phù tròn lên vì mô ở đấy dày ra, đôi khi có bướu cổ. Trẻ con mắc bệnh sẽ chậm lớn, đần độn, lưỡi thò ra, bụng ỏng, tóc và răng không mọc.

Hypotonia: tình trạng giảm trương lực cơ bắp.

Hypoxaemia: giảm nồng độ oxi trong máu, thường do phổi bị bệnh nên không tiếp nhận được đầy đủ không khí hít vào.

Hysterectomy: cắt bỏ tử cung, qua mổ bụng hoặc theo đường âm đạo (vaginal hysterectomy), thực hiện cắt bỏ gần toàn bộ, giữ lại cổ tử cung (subtotal hysterectomy) nay ít làm, hoặc toàn bộ (total hysterectomy), có kèm thêm cắt bỏ một bên/hai bên vòi và buồng trứng. Ðược chỉ định trong các trường hợp u xơ tử cung, ung thư tử cung, cổ tử cung, có kinh ra huyết quá nhiều, lạc nội mạc tử cung (endometriosis), sa tử cung. Cắt bỏ tử cung không ảnh hưởng đến ham muốn hoặc hoạt động tình dục.

Hysteria: (tâm thần) 1- rối loạn tâm lý chuyển thành triệu chứng cơ thể (conversion disorder) nhưng không có hư hại của phần cơ thể đó, ví dụ bị mù, điếc, mất cảm giác, liệt tay chân; những triệu chứng này chỉ tồn tại một thời gian ngắn. 2- tình trạng xúc động mạnh nên la hét, nhảy nhót cuồng loạn, ví dụ chứng kiến cảnh hãi hùng, thấy tài tử mình ngưỡng mộ xuất hiện.

Hysterosalpingography: (sản phụ khoa) chụp Xquang tử cung và vòi trứng.

Hysteroscope: (sản phụ khoa) ống soi dùng quan sát bên trong tử cung.

[collapse]

Tài liệu tham khảo

– Từ điển Y Học Anh-Việt, Bác sĩ Bùi Khánh Thuần, Nhà Xuất bản Y Học, 1993

– Từ điển Y Học Anh-Việt, Bác sĩ Phạm Ngọc Trí, Nhà Xuất bản Y Học, 1999

– Từ điển Anh-Việt, Viện Ngôn Ngữ Học, Nhà Xuất bản T.P Hồ Chí Minh, 1993

– Concise Colour Medical Dictionary, Oxford University Press, 2001

– Complete Family Health Encyclopedia, The British Medical Association, 2000

– Health Encyclopedia, The Royal Society of Medicine, 2002

– Davidson’s Principles & Practice of Medicine, Edition 2000

– Merck Manual of Medical Information, Home Edition, 2000

– Anatomy and Physiology in Health and Illness, Ross and Wilson, 2000

[collapse]

Trích từ

Nguyễn Xuân Cẩm, Chú giải thuật ngữ y học anh-việt thông dụng, english-vietnamese glossary of medical terms in common usage, https://www.vmhs.org.uk/media/17747/medical-glossary.pdf

[collapse]

Còn phần 2…

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Viết một bình luận