Phần 3: Nguyên lý tương phản cộng hưởng từ

 Một hình ảnh y học chỉ có ích khi nó cho phép chúng ta phân định rõ ràng các cấu trúc giải phẫu, kể cả các cấu trúc bất thường. Nói cách khác, các cấu trúc khác nhau cần được thể hiện trên hình với một mức độ khác biệt nhất định để chúng ta có thể xác định được ranh giới giữa chúng. Trong thực tế, sự khác biệt thường được biểu hiện bằng màu sắc khác nhau, phổ biến hơn là mức độ trắng đen khác nhau. Khi đó mức độ khác biệt trắng đen được gọi là độ tương phản (contrast). Trong thực tế, độ tương phản có thể được xem là một trong những chỉ số quan trọng nhất của một hình ảnh y học. Mục tiêu của phần này tập trung vào việc trình bày các nguyên lý tương phản được sử dụng trong các hình cộng hưởng từ. Nội dung cụ thể bao gồm:

  • Các tham số thời gian và góc lật
  • Nguyên lý tương phản cộng hưởng từ
  • Nguyên lý tương phản trọng T1
  • Nguyên lý tương phản trọng T2
  • Nguyên lý tương phản trọng đậm độ proton

1. CÁC THAM SỐ THỜI GIAN VÀ GÓC LẬT

Để sử dụng được các tính chất thời gian T1 và T2 của các mô, chúng ta cần chọn một thời điểm phù hợp để đo tín hiệu. Thoạt tiên chúng ta có thể cho rằng thời điểm tốt nhất là thời điểm vừa tắt xung kích thích vì lúc này, tín hiệu cộng hưởng từ mạnh nhất. Thế nhưng vấn đề không hoàn toàn đơn giản như vậy. Thứ nhất, lượng tín hiệu thu được trong một lần đo chưa đủ để chúng ta tạo lập được hình ảnh, vì vậy chúng ta cần phải đo nhiều lần. Thứ hai, như vừa lý luận ở trên, sự khác biệt tín hiệu giữa các mô là một yếu tố quan trọng hơn cường độ tín hiệu của từng mô bởi vì chính nó cho phép tạo ra một độ tương phản nhất định giữa các mô. Trong phần này chúng ta thử xem một số tham số thời gian có ảnh hưởng đến độ tương phản này.

Thời kích TR

Như đã nói ở trên, nếu chỉ kích thích một lần rồi đo tín hiệu, lượng dữ liệu của một lần đo như thế không đủ để chúng ta xây dựng ảnh cộng hưởng từ. Trong thực tế, chúng ta phải sử dụng xung kích thích nhiều lần, khoảng thời gian giữa hai lần phát xung kích thích được chọn cho phù hợp và được gọi là thời kích hoặc thời lặp TR (repetition time).

Thời kích TR này có liên quan mật thiết với thời gian T1 của mô. Giả sử chúng ta đang xem xét một mô có thời gian T1. Sau khi xung kích thích đầu tiên được phát ra, chúng ta đợi một khoảng thời gian TR để phát xung thứ hai. Lúc này chúng ta gặp một trong hai tình huống:

1. Thời kích TR dài bằng hoặc hơn hẳn so với T1, hoặc

2. Thời kích TR nhỏ hơn nhiều so với T1

Trong tình huống (1), do thời kích TR dài bằng hoặc hơn T1 nên khi phát xung lần thứ hai, độ từ hóa dọc hầu như đã khôi phục lại hoàn toàn và vì thế, tín hiệu cộng hưởng từ có được sau khi phát xung lần hai cũng giống tín hiệu sau khi phát xung lần một.

Thế nhưng trong tình huống (2), thời kích TR ngắn hơn nhiều so với T1 nên khi phát xung lần hai, độ từ hóa dọc chỉ mới khôi phục một phần (Mz). Ở lần này, độ từ hóa dọc một phần Mz này bị lật ngang vào mặt phẳng xy, tạo ra một độ từ hóa ngang Mxy nhỏ hơn so với độ từ hóa ngang của lần phát xung đầu tiên. Độ từ hóa ngang lần hai này tạo ra tín hiệu lần hai nhỏ hơn so với tín hiệu lần một (Hình 1).

Với những lần phát xung tiếp theo sau được lặp lại sau mỗi khoảng TR, độ từ hóa dọc Mz được khôi phục lại dưới tác dụng của từ trường B0 sẽ khá ổn định và có độ lớn tùy theo sự chênh lệch giữa TR với T1 của mô. Nói một cách cụ thể hơn, chúng ta có kết quả sau:

1. Nếu TR và T1 gần như bằng nhau hoặc TR dài hơn T1, tín hiệu cộng hưởng từ được tạo ra mạnh nhất.

2. Ngược lại, nếu TR ngắn hơn nhiều so với T1, tín hiệu cộng hưởng từ sẽ yếu hơn so với trường hợp (1).


Hình
1: Tác dụng tạo tín hiệu cộng hưởng từ của một thời kích TR ngắn hơn so với thời gian T1 của một mô. (a) Xung kích thích lần đầu tiên làm lật Mo vào mặt phẳng ngang. (b) Xung kích thích lần hai xảy ra khi độ từ hóa dọc Mz 
chỉ mới khôi phục một phần, tạo ra Mxy nhỏ hơn nhiều so với lần một.

Kết quả này sẽ được vận dụng trong Phần 3 để tạo ra hình trọng T1 hay ảnh tương phản theo T1.

Góc lật

Từ trước đến giờ chúng ta vẫn ngầm định với nhau rằng xung kích thích đang được sử dụng là xung 90o, nghĩa là xung kích thích tạo một góc lật 90o. Trong phần này chúng ta xét đến khả năng sử dụng những xung kích thích có góc lật nhỏ hơn 90o.

Thử quan sát Hình 2. Độ từ hóa dọc và độ từ hóa ngang khi góc lật 90o được vẽ bằng các vectơ xám. Trong Hình 2a, chúng ta sử dụng một góc lật lớn gần bằng 90o. Khi đó, độ từ hóa ngang được tạo ra có nhỏ hơn chút ít so với trường hợp góc lật 90o. Bù lại độ từ hóa dọc Mz chưa bị lật hoàn toàn và vẫn còn lại một ít (các vectơ đậm). Kết quả là tín hiệu cộng hưởng từ được tạo ra không giảm bao nhiêu so với trường hợp góc lật 90o.

Quan sát tiếp Hình 2b, chúng ta thấy góc lật khá nhỏ so với 90o. Khi đó, độ từ hóa dọc chỉ bị mất một ít để chuyển thành độ từ hóa ngang, cho ra tín hiệu cộng hưởng từ không mạnh bằng so với khi dùng góc lật lớn. Hơn thế nữa, do độ từ hóa dọc hầu như còn nguyên nên chúng ta mất ít thời gian để khôi phục lại hoàn toàn độ từ hóa dọc. Do vậy nếu chúng ta dùng thời kích TR ngắn, độ từ hóa dọc vẫn được khôi phục hoàn toàn.

Những nhận xét trên cho phép chúng ta rút ra được điều gì? Trước tiên chúng ta cần nhấn mạnh rằng tín hiệu cộng hưởng từ được tạo ra là do độ từ hóa ngang quay quanh trục z, do vậy khi độ từ hóa ngang nhỏ, tín hiệu  cộng hưởng từ yếu. Trong phần trước chúng ta cũng đã biết rằng nếu T1 của mô khá dài thì khi dùng thời kích TR ngắn, chúng ta chỉ có được một độ từ hóa ngang nhỏ, sinh ra một tín hiệu yếu. Tuy nhiên nếu biết cân đối thì trong trường hợp này, chúng ta vẫn có thể thu được một tín hiệu cộng hưởng từ đủ mạnh bằng cách chọn một góc lật thích hợp.


Hìn
h 2: Ảnh hưởng của góc lật đối với độ từ hóa dọc và độ từ hóa ngang. 
(a) Với góc lật lớn gần bằng 90o, độ từ hóa dọc lật hầu như hoàn toàn thành độ từ hóa ngang, chỉ còn lại một ít chưa lật hết. (b) Với góc lật nhỏ hơn nhiều so với 90o, độ từ hóa dọc chỉ lật một ít thành độ từ hóa ngang và hầu như còn nguyên.

Về mặt lý thuyết, nếu chúng ta định dùng một thời kích TR trên một mô có thời gian T1 đã biết, góc lật tối ưu cho phép tạo ra được tín hiệu mạnh nhất có thể được tính bằng công thức sau đây:

Góc tối ưu = arccos(e-TR/T1)

trong đó e ≈ 2,7282 là cơ số của logarit tự nhiên. Góc lật tối ưu ứng với các giá trị TR và T1 cho trước còn được gọi là góc Ernst (Richard Ernst là một trong những người có những đóng góp quan trọng nhất cho kỹ thuật chụp ảnh cộng hưởng từ y học. Năm 1991, ông nhận được giải Nobel vì những đóng góp này).

Như vậy khi chúng ta muốn dùng thời kích TR ngắn nhưng vẫn muốn có được tín hiệu đủ mạnh trên các mô có T1 dài, sử dụng một góc lật nhỏ là một kỹ thuật thích hợp. Vấn đề này sẽ được xem xét lại trong những phần sau khi chúng ta nói đến các kỹ thuật làm giảm bớt thời gian đo tín hiệu cộng hưởng từ.

Thời vang TE

Như chúng ta đã biết, tín hiệu cộng hưởng từ ngay sau khi tắt xung luôn là tín hiệu mạnh nhất. Tuy nhiên vì cần phải thực hiện thêm một số kỹ thuật quan trọng khác trước khi đo tín hiệu nên trong thực tế, chúng ta luôn có một khoảng thời gian nhất định kể từ lúc tắt xung kích thích đến lúc đo tín hiệu. Khoảng thời gian này được gọi là thời vang TE (echo time).

Sở dĩ gọi là thời vang vì tín hiệu đo được lúc này không phải là tín hiệu gốc ban đầu mà là tín hiệu đã được tái lập lại bằng một kỹ thuật thích hợp. Nói cách khác, tín hiệu đo được là tín hiệu vọng lại hay một điểm vang (echo) của tín hiệu ban đầu. Ngay trong phần tiếp theo chúng ta sẽ gặp một kỹ thuật tái lập lại tín hiệu rất độc đáo được dùng trong một chuỗi xung căn bản là chuỗi xung điểm vang spin (viết tắt là chuỗi xung SE).

Cần nhắc lại rằng thời gian T2 chính là thời gian xảy ra hiện tượng suy giảm tín hiệu FID. Do vậy thời vang TE có mối liên hệ chặt chẽ với thời gian T2 của một mô. Khi TE khá nhỏ so với T2, tín hiệu thu được lúc này còn khá mạnh. Tuy nhiên khi TE dài gần bằng T2, tín hiệu thu được sẽ yếu vì đã bị suy giảm nhiều.

Chúng ta cũng biết rằng trong thực tế, do tác động của từ trường cục bộ không đồng nhất vốn luôn tồn tại trong các mô, thời gian suy giảm tín hiệu thực tế còn ngắn hơn nữa. Thời gian này gọi là T2*. Như vậy nếu TE khá ngắn, tín hiệu thu được vẫn còn là tín hiệu chịu ảnh hưởng của T2. Khi TE dài hơn, ảnh hưởng của T2* càng rõ, và tín hiệu thu  được  lúc  này  càng  biểu  hiện  cho  tình  trạng  không  đồng  nhất  của  từ trường cục bộ.

Xung tái lập 180o

Theo như phân tích ở trên, thời vang TE cho phép chúng ta có đủ thời gian để thực hiện một số kỹ thuật cần thiết trước khi đo tín hiệu. Tuy nhiên qua thời gian, số proton quay lệch pha nhau càng nhiều và đây là nguyên nhân của hiện tượng suy giảm tín hiệu FID.

Bây giờ thử quan sát các proton đang quay trong mặt phẳng xy tại một số thời điểm sau khi tắt xung kích thích. Trên Hình 3, mỗi proton được biểu thị bằng một vectơ nhỏ. Ở Hình 3a, các proton sau khi tắt xung kích thích đang cùng pha, tạo ra một vectơ lớn nhất tại vạch xuất phát. Trên hình này, chúng ta xem như trục x là vạch xuất phát. Sau đó do sự khác biệt về tốc độ quay, chúng dần dần lệch pha nhau: các proton quay nhanh hơn vượt dần lên trước, các proton quay chậm rớt lại phía sau như được minh họa trong Hình 3b. Ở đây, proton có vectơ xám chạy chậm và rớt hẳn lại phía sau, nghĩa là nó nằm gần vạch xuất phát (đường chấm đứt đoạn).

Bây giờ, nếu tại thời điểm TE/2, nghĩa là sau khi hết khoảng một nửa thời vang TE, chúng ta phát ra một xung 180o. Tác dụng của xung là làm lật các proton 180o, đồng nghĩa với việc lật úp mặt phẳng xy quanh trục xuất phát ban đầu. Lúc này, các proton đang chạy “lật đật” phía sau “bỗng dưng” lại trở thành những proton dẫn đầu (Hình 3c). Tuy nhiên do chúng vẫn quay chậm hơn nên trong khoảng nửa thời gian TE còn lại, chúng dần bị các pro- ton chạy nhanh bắt kịp. Vì vậy tại đúng thời điểm đo TE như trên Hình 3d, tín hiệu đã được tái lập, tạo ra một điểm vang (echo). Xung 180o được dùng với mục đích này gọi là xung tái lập (refocusing pulse).

Về cơ bản, xung tái lập đã hóa giải được các nguyên nhân làm cho các pro- ton lệch pha nhau do tình trạng không đồng nhất của từ trường cục bộ. Kỹ thuật độc đáo này hiện nay đã trở thành một trong những kỹ thuật căn bản của cộng hưởng từ. Các chuỗi xung điểm vang spin hay spin echo (SE) mà chúng ta sẽ nghiên cứu trong các phần tiếp theo đều dựa trên nền tảng của kỹ thuật này.


Hìn
h 3: Kỹ thuật dùng xung tái lập 180o để thu được một điểm vang cần thiết tại thời điểm đo tín hiệu TE. Trong (a), các proton đang cùng pha tại thời điểm ngay sau khi tắt xung kích thích. Theo thời gian, các proton lệch pha nhau, dẫn đến tình huống của (b) tại thời điểm TE/2. Trong (c), sau khi phát xung tái lập 180o, các proton bị lật qua phía bên đối diện của vạch xuất phát, khiến cho các proton quay chậm lại đứng trước các proton quay nhanh. Cuối cùng vào thời điểm TE như trong (d), các proton lại cùng pha, tạo ra một điểm vang.

2.  NGUYÊN LÝ TƯƠNG PHẢN CỘNG HƯỞNG TỪ

Chúng ta đã biết rằng mục tiêu quan trọng nhất của các kỹ thuật chụp ảnh y học là khả năng phân định rõ ràng các cấu trúc giải phẫu, nhờ đó chúng ta dễ dàng phát hiện các cấu trúc bất thường ngay cả khi kích thước của chúng còn rất nhỏ. Trên một hình trắng đen, các cấu trúc cạnh nhau có thể “phân biệt được” nếu chúng có mức độ trắng-đen khác nhau đủ để mắt phân biệt được.

Khác biệt về mức độ trắng-đen giữa các cấu trúc trên một hình ảnh y học được gọi là độ tương phản (contrast). Yêu cầu tạo ra được một độ tương phản cao giữa các cấu trúc nằm cạnh nhau có thể được xem là một trong những yêu cầu quan trọng nhất của mọi kỹ thuật chụp ảnh y học. Cộng hưởng từ là một kỹ thuật chụp ảnh y học tạo được độ tương phản tốt nhất hiện nay đối với nhiều cấu trúc trong cơ thể.

Theo cách hiểu thông thường, ảnh chụp cộng hưởng từ là hình ảnh phân bố nước và mỡ (chủ yếu là nước) trong các mô cơ thể. Điều này nghe có vẻ như nơi đâu có nhiều nước, nơi đó có nhiều tín hiệu cộng hưởng từ. Cách hiểu giản đơn như vậy chỉ đúng một phần. Trước tiên, như chúng ta đã biết, tỷ lệ nước tự do và nước tù trong mô có ảnh hưởng trực tiếp đến các thời gian hồi giãn của mô: mô có nhiều nước tự do sẽ có các thời gian hồi giãn dài hơn mô có ít nước tự do. Thứ hai, bởi vì tín hiệu cộng hưởng từ bị suy giảm theo thời gian, thời điểm đo tín hiệu có ảnh hưởng trực tiếp đến lượng tín hiệu thu được. Thời gian hồi giãn và thời điểm đo tín hiệu có thể được dùng phối hợp để có được các loại ảnh cộng hưởng từ với những đặc điểm tương phản khác nhau, không hoàn toàn biểu thị cho sự phân bố nước trong các mô cơ thể.

Kỹ thuật chụp ảnh cộng hưởng từ sử dụng cường độ tín hiệu thu được từ các proton của nước và mỡ có mặt trong các mô để tạo ảnh. Cường độ tín hiệu của mô càng mạnh, hình ảnh cộng hưởng từ của mô đó càng trắng. Như vậy, mức độ trắng-đen của mô trên ảnh cộng hưởng từ biểu thị cho cường độ tín hiệu được phát ra từ mô. Trong thực hành lâm sàng, người ta thường dùng thuật ngữ tín hiệu cao (high signal) để mô tả một vùng “trắng” và thuật ngữ tín hiệu thấp (low signal) để mô tả một vùng “đen” trên hình cộng hưởng từ. Khi muốn chỉ rõ sự khác biệt tín hiệu giữa các mô (độ tương phản), người ta dùng các thuật ngữ cường độ mạnh (hyperintensity), cùng cường độ (isointensity) và cường độ yếu (hypointensity).

Để có được một độ tương phản tốt trên ảnh, kỹ thuật chụp ảnh cộng hưởng từ hiện sử dụng nhiều nguyên lý tương phản khác nhau. Trong phần này chúng ta sẽ nghiên cứu ba nguyên lý tương phản cơ bản được sử dụng thường xuyên trong các hệ thống chụp ảnh cộng hưởng từ là:

  1. Nguyên lý tương phản trọng T1 dựa trên sự khác biệt về thời gian T1, cho ra một loại ảnh cộng hưởng từ có tên gọi là hình trọng T1 (T1- weighted image hay T1W)

  2. Nguyên lý tương phản trọng T2 dựa trên sự khác biệt về thời gian T2, cho ra một loại ảnh cộng hưởng từ có tên gọi là hình trọng T2 (T2- weighted image hay T2W)

  3. Nguyên lý tương phản trọng đậm độ proton dựa trên sự khác biệt về đậm độ proton trong mô, cho ra một loại ảnh cộng hưởng từ có tên gọi là hình trọng đậm độ proton (proton density-weighted image hay PDW)

Ngoài ba loại hình ảnh tương phản nêu trên, kỹ thuật cộng hưởng từ cũng sử dụng một số nguyên lý tương phản khác. Chẳng hạn như dựa vào khả năng khuyếch tán của nước trong cơ thể, kỹ thuật cộng hưởng từ có thể tạo ra một loại ảnh được gọi là hình trọng khuyếch tán (Diffusion-weighted  Image hay DWI). Nguyên lý tương phản trọng khuyếch tán rất có giá trị  trong lĩnh vực hình ảnh học thần kinh, đặc biệt là phát hiện tình trạng nhồi máu não giai đoạn sớm giúp các thầy thuốc lâm sàng có cơ sở để thực hiện điều trị tích cực.

3.  NGUYÊN LÝ TƯƠNG PHẢN TRỌNG T1

Một hình trọng T1 được tạo lập dựa trên sự khác biệt thời gian T1 giữa các mô. Để có được một hình như thế, chúng ta cần chọn thời kích TR và thời vang TE sao cho các thời gian T1 khác nhau càng nhiều sẽ phát ra tín hiệu cộng hưởng từ có cường độ khác nhau càng lớn.

Như chúng ta đã biết từ những phần trước, tín hiệu cộng hưởng từ phụ thuộc vào độ lớn của vectơ từ hóa ngang trong mặt phẳng xy. Độ từ hóa ngang này đến lượt nó lại phụ thuộc vào độ lớn của vectơ từ hóa dọc và góc lật a (xem Phần 1): khi a = 90o, độ từ hóa dọc bị lật hoàn toàn thành độ từ hóa ngang; khi a nhỏ hơn 90o, độ từ hóa dọc chỉ bị lật một phần. Trong cả hai trường hợp, độ lớn của vectơ từ hóa dọc có ảnh hưởng đến độ lớn của vectơ từ hóa ngang, và vì vậy ảnh hưởng đến cường độ tín hiệu cộng hưởng từ.

Chúng ta xem lại tình huống ngay trước lần phát xung kích thích đầu tiên. Dưới tác dụng của từ trường ngoài B0, proton trong các mô lúc này cùng nhau tạo thành độ từ hóa thực Mo. Thế rồi xung kích thích thứ nhất được phát ra, độ từ hóa thực Mo bị lật thành độ từ hóa ngang Mxy trong mặt phẳng xy. Sau khi tắt xung, độ từ hóa dọc bắt đầu được khôi phục. Tốc độ khôi phục độ từ hóa dọc ở các mô tùy thuộc vào thời gian T1 của chúng: mô có T1 ngắn khôi phục độ từ hóa dọc nhanh hơn so với mô có T1 dài. Lúc đầu, vectơ từ hóa dọc của các mô có T1 ngắn sẽ lớn hơn vectơ từ hóa dọc của các mô có T1 dài. Dần dà theo thời gian, khác biệt độ lớn giữa các vectơ từ hóa dọc của các mô có T1 dài ngắn khác nhau sẽ bị thu hẹp lại để rồi cuối cùng chúng sẽ bằng nhau và bằng với vectơ từ hóa thực Mo sau một khoảng thời gian đủ lớn tính từ lúc tắt xung kích thích lần đầu.

Tuy nhiên nếu cho phát xung kích thích lần hai tại một thời điểm khá ngắn so với thời điểm phát xung lần một, nghĩa là thời kích TR ngắn, khác biệt thời gian T1 giữa các mô sẽ bộc lộ rõ: các T1 ngắn đã hồi phục độ từ a dọc khá nhiu so với c T1 dài nên trong ln thứ hai phát xung kích thích sẽ có độ từ hóa ngang lớn hơn, tạo ra tín hiệu cộng hưởng từ mạnh hơn các mô có thời gian T1 dài. Ở những lần phát xung tiếp theo với cùng thời kích TR, chúng ta cũng có kết quả tương tự bởi vì độ lớn của vectơ từ hóa dọc hồi phục lại được sau mỗi xung kích thích phụ thuộc vào từ trường ngoài B0 và thời gian T1, vốn là những đại lượng không đổi. Do vậy, chọn một thời kích TR ngắn sẽ bộc lộ rõ ràng sự khác biệt thời gian T1 của các mô. Khi đó, các mô có T1 ngắn sẽ cho tín hiệu mạnh; ngược lại các mô có thời gian T1 dài sẽ cho tín hiệu yếu (Hình 4). Hình ảnh tạo ra dựa trên sự khác biệt T1 được gọi là hình trọng T1 (T1-weighted image).


Hìn
h 4: Hình trọng T1 cắt ngang não ỏ mức não thất bên cho thấy rất rõ cấu trúc chất xám-chất trắng của mô não. Trên hình trọng T1, chất xám có màu xám (vỏ não và các nhân xám trung ương) còn chất trắng có màu trắng. Lý do là do chất trắng có T1 ngắn hơn so với chất xám nên cho tín hiệu mạnh hơn. Chú ý rằng lớp viền thật sáng quanh sọ là lớp mỡ dưới da có T1 rất ngắn. Vùng đen giữa hình ngăn cách bởi một viền trắng là hình ảnh hai não thất bên với tín hiệu rất yếu của dịch não tủy vì có T1 rất dài.

Thế nhưng thời kích TR bao nhiêu mới được gọi là ngắn? Không có một giá trị cụ thể nào như thế. Tuy nhiên để độc giả dễ hình dung, chúng tôi tạm đưa ra một con số dễ nhớ: thời kích TR nhỏ hơn 1000 ms (dưới 1 giây) có thể được xem là ngắn.

Bây giờ đến thời vang TE. Để có được một hình có độ tương phản tốt nhất trên một hình trọng T1, chúng ta cũng cần chọn thời vang TE ngắn vì theo thời gian, tín hiệu cộng hưởng từ sẽ suy giảm dần. Trong thực hành, TE dưới 30 ms có thể được xem như TE ngắn.

Chúng ta có thể tóm tắt một số điểm chính về loại hình trọng T1 như sau:

  1. Một hình trọng T1 được tạo lập bằng cách dùng thời kích TR ngắn cùng với thời vang TE ngắn.

  2. Trên một hình trọng T1, các mô có T1 ngắn sẽ có tín hiệu mạnh (màu trắng) còn các mô có T1 dài sẽ có tín hiệu yếu (màu đen). Cụ thể, mỡ có màu trắng nhất, các mô mềm có màu xám hơn còn các loại dịch cho màu đen trên hình trọng

4.  NGUYÊN LÝ TƯƠNG PHẢN TRỌNG T2

Nguyên lý tương phản thứ hai được xem xét trong phần này dựa vào sự khác biệt thời gian T2 giữa các mô. Chúng ta cần nhớ lại rằng theo thời gian, tín hiệu cộng hưởng từ sẽ yếu dần do hiện tượng suy giảm cảm ứng tự do FID. Thời gian suy giảm tín hiệu chính là thời gian T2. Nếu dùng thời vang TE ngắn, nghĩa là nếu đo tín hiệu thật sớm, sự suy giảm tín hiệu của các mô lúc này chưa nhiều nên sự khác biệt tín hiệu giữa các mô không rõ.

Thế nhưng nếu đo tín hiệu trễ hơn, nghĩa là thời vang TE dài, các mô có T2 ngắn sẽ bị mất khá nhiều tín hiệu còn các mô có T2 dài lúc này chỉ suy giảm một ít, làm cho sự khác biệt tín hiệu giữa các mô có thời gian T2 khác nhau rõ ràng hơn (Hình 5). Hình ảnh thu được dựa trên nguyên lý tương phản do thời gian T2 này được gọi là hình trọng T2 (T2-weighted image).

Theo nguyên lý này, chúng ta cần dùng thời vang TE dài để bộc lộ rõ sự khác biệt tín hiệu giữa các mô có thời gian T2 khác nhau. Như chúng ta đã biết trong phần trước, thời vang dài ngắn không có một mốc cụ thể. Thông thường, thời vang TE lớn hơn 80 ms có thể được xem là TE dài.

Thế nhưng không giống như trong nguyên lý tương phản trọng T1, ở đó chúng ta cần dùng thời kích TR ngắn để có được sự khác biệt tín hiệu giữa các mô dựa trên T1, trong nguyên lý tương phản trọng T2, chúng ta cần dùng thời kích TR dài để cho các mô có đủ thời gian hồi phục hoàn toàn vectơ từ hóa dọc, để rồi sau đó nó sẽ lật thành vectơ từ hóa ngang, phát ra tín hiệu cộng hưởng từ có cường độ mạnh nhất có thể có. Trên cơ sở tín hiệu cộng hưởng từ sau khi ngừng phát xung kích thích, tốc độ suy giảm tín hiệu sẽ được tận dụng để tạo ra độ tương phản.

Nói tóm lại, chúng ta cần nhớ một số điểm chính yếu về hình trọng T2 như sau:

  1. Hình trọng T2 được tạo lập bằng cách dùng thời kích TR dài cùng với thời vang TE dài.

  2. Trên một hình trọng T2, các mô có T2 dài sẽ có tín hiệu mạnh (màu trắng) còn các mô có T2 ngắn sẽ có tín hiệu yếu (màu đen). Cụ thể, các chất dịch như dịch não tủy có màu trắng nhất, các mô mềm có màu xám hơn. Các mô có tín hiệu suy giảm cực nhanh (T2 cực ngắn) như vỏ xương hầu như không có tín hiệu nên rất đen trên hình trọng T2.


Hìn
h 5: Một hình trọng T2 cắt dọc đứng vùng cột sống thắt lưng cho thấy rõ các đốt sống, đĩa đệm, các thành phần trong ống sống và các mỏm ngang của đốt sống. Một điểm rất đáng chú ý là dịch não tủy trong ống sống rất trắng trên hình trọng T2 do có thời gian T2 dài. Chúng bao quanh một vệt đen là phần cuối của chóp tủy kéo dài thành chùm đuôi ngựa.

5. NGUYÊN LÝ TƯƠNG PHẢN TRỌNG ĐẬM ĐỘ PROTON

Ngoài hai nguyên lý tương phản đã nêu, người ta còn dùng nguyên lý tương phản  dựa  trên  đậm  độ  của  proton  trong  các  mô  cơ  thể, cho  ra  loại  hình trọng đậm độ proton (proton density-weighted image hay PDW).

Như chúng ta đã biết, tín hiệu cộng hưởng từ thu được ngay sau khi tắt xung kích thích về nguyên tắc chỉ phụ thuộc vào đậm độ pro- ton có trong mô, nghĩa là phụ thuộc vào lượng nước và mỡ trong mô. Muốn thu được tín hiệu ở giai đoạn này, chúng ta cần dùng thời kích TR đủ dài để có được tín hiệu tốt nhất kèm với thời vang TE ngắn để làm giảm bớt sự suy giảm tín hiệu (Hình 6).


Hình
6: Một hình trọng đậm độ proton cắt ngang não qua một lớp cắt nằm trên mức não thất bên.

Thế nhưng như chúng ta đã biết, tín hiệu cộng hưởng từ chỉ phản ánh một cách tương đối đậm độ proton trong mô. Tỷ lệ giữa lượng nước tù và nước tự do trong mô làm thay đổi các thời gian hồi giãn đặc trưng của mô, và do vậy tín hiệu cộng hưởng từ của mô không hoàn toàn biểu thị cho đậm độ proton trong mô. Độ xê dịch hóa học cũng là một yếu tố làm thay đổi tín hiệu. Chính vì vậy một số tác giả đề xuất không gọi là hình trọng đậm độ proton mà gọi là ảnh trung gian (intermediate-weighted image). Tuy nhiên thuật ngữ hình trọng đậm độ proton đã được sử dụng phổ biến nên trong cuốn sách này nó vẫn được sử dụng.

Để kết thúc phần này, chúng ta tóm tắt ba nguyên lý tương phản cơ bản bằng cách so sánh các tham số TR và TE được dùng cho mỗi loại tương phản (Hình 7).

  1. Thời kích TR và thời vang TE đều ngắn sẽ tạo ra hình trọng T1

  2. Thời kích TR và thời vang TE đều dài sẽ tạo ra hình trọng T2

  3. Thời kích TR dài còn thời vang TE ngắn sẽ tạo ra hình trọng đậm độ proton

  4. Thế còn trường hợp thời kích TR ngắn còn thời vang TE dài? Nói chung chúng không tạo ra được một hình ảnh có ý nghĩa về độ tương phản vì khi dùng TR ngắn, khác biệt tín hiệu giữa các mô có nguồn gốc từ sự khác biệt thời gian T1 nhưng vì lại dùng thời vang TE dài nên sự khác biệt tín hiệu lại không còn đáng kể nữa do lúc này tín hiệu đã bị suy giảm nhiều.

Hình 7. Các dạng tương phản hình ảnh do phối hợp TR và TE.

6. NHỮNG ĐIỂM CẦN GHI NHỚ

Trong phần này chúng ta đã xem xét ba nguyên lý tương phản thường được dùng khi tạo lập ảnh cộng hưởng từ. Dưới đây chúng ta tóm tắt một số khái niệm quan trọng.

  • Khi chụp ảnh cộng hưởng từ, sự khác biệt cấu trúc giữa các mô được xác định bằng sự khác biệt về cường độ tín hiệu giữa chúng. Thông thường, cường độ tín hiệu được biểu hiện trên hình bằng mức độ trắng đen: cường độ càng cao, cấu trúc càng trắng. Mức độ khác biệt trắng đen khi này được gọi là độ tương phản của hình.

  • Để có được đủ dữ liệu cho một ảnh cộng hưởng từ, chúng ta cần phải phát xung kích thích nhiều lần, tương ứng với nhiều lần đo tín hiệu. Khoảng cách thời gian giữa hai lần phát xung kích thích được gọi là thời kích TR. Khoảng cách thời gian từ khi phát xung kích thích đến lúc thực hiện đo tín hiệu được gọi là thời vang TE. Mỗi tín hiệu tại thời điểm đo được gọi là điểm vang (echo).

  • Ngoài thời kích TR và thời vang TE, người ta còn có thể dùng một góc lật a nhỏ hơn 90o. Mục đích là chỉ lật một phần vectơ từ hóa dọc thành vectơ từ hóa ngang đủ để tạo ra một lượng tín hiệu cần thiết, giảm bớt thời gian khôi phục hoàn toàn vectơ từ hóa dọc.

  • Có ba nguyên lý tương phản cơ bản được dùng trong kỹ thuật chụp cộng hưởng từ: nguyên lý trọng T1 sử dụng TR và TE ngắn; nguyên lý trọng T2 sử dụng TR và TE dài; nguyên lý trọng đậm độ proton sử dụng TR dài và TE ngắn.

  • Trên một hình trọng T1, chúng ta dùng một thời kích TR ngắn để bộc lộ rõ sự khác biệt cường độ tín hiệu giữa hai mô có thời gian T1 khác nhau: mô có T1 ngắn hầu như đã khôi phục hoàn toàn độ từ hóa dọc, cho ra độ từ hóa ngang ở lần kích thích tiếp theo khá lớn; trong khi đó mô có T1 dài chỉ khôi phục được một phần nên độ từ hóa ngang tương ứng ở lần kích thích tiếp theo sẽ nhỏ. Khi đó nếu đo tín hiệu tại một thời điểm khá ngắn sau khi phát xung kích thích (thời vang TE ngắn), tín hiệu của mô có T1 ngắn sẽ cao còn tín hiệu của mô có T1 dài sẽ thấp.

  • Trên một hình trọng T2, chúng ta tận dụng sự khác biệt thời gian T2 giữa các mô, nghĩa là tốc độ suy giảm tín hiệu: mô có T2 càng ngắn, tín hiệu suy giảm càng nhanh. Trước tiên chúng ta cần dùng thời kích TR đủ dài để độ từ hóa dọc của các mô đều khôi phục hoàn toàn, cho ra độ từ hóa ngang tốt nhất có thể có. Sau đó phát xung kích thích và thực hiện đo tín hiệu tại một thời điểm khá dài (thời vang TE dài). Lúc này các mô có thời gian T2 ngắn hầu như đã mất hết tín hiệu; các mô có thời gian T2 dài chỉ mất một ít, cho ra một hình trọng T2, trong đó mô có T2 dài sẽ có tín hiệu cao (màu trắng) còn mô có T2 ngắn sẽ có tín hiệu thấp (màu đen).

  • Trên một hình trọng đậm độ proton, chúng ta tận dụng sự khác biệt giữa đậm độ proton của các mô để tạo độ tương phản trên hình bằng cách chọn thời kích TR dài và thời vang TE ngắ Thời kích TR dài cho phép các mô khôi phục hoàn toàn độ từ hóa dọc, tạo ra một độ từ hóa ngang lớn nhất trong lần kích thích tiếp theo. Thời vang TE ngắn cho phép đo được tín hiệu “thật” của các mô vì lúc này tín hiệu ở các mô chưa bị mất nhiều. Sự khác biệt tín hiệu lúc này biểu thị một cách tương đối sự khác biệt của đậm độ proton trong mô.

Tham khảo: 

  1. Trần Đức Quang (2008), Nguyên lý và kỹ thuật chụp cộng hưởng từ, Chương 3, NXB ĐHQG TPHCM, Trang 35-48.
  2. Mriquestions.com
  3. Radiopaedia.org

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Viết một bình luận