Nổi hạch ở trẻ em sau khi tiêm vaccine ngừa lao

1. Lâm sàng

Vaccine BCG được phân lập từ chủng Mycobacterium Bovis sống đã được làm suy yếu. Được tiêm cho trẻ dưới 1 tuổi để ngừa bệnh lao, thường tiêm sau khi sinh. Một vài trường hợp nếu sẹo tiêm không được thành lập, trẻ sẽ được tiêm nhắc lại lúc 6 tuổi. Nhiễm vi khuẩn Mycobacteria không điển hình thường xảy ra ở trẻ từ 1 đến 5 tuổi. Tình trạng nổi hạch ở trẻ em sau chích ngừa khá thường gặp. Nổi hạch chứng tỏ việc chích ngừa có thể có tác dụng. Trên lâm sàng thường gặp nhất là sờ thấy một khối ở nách của trẻ. Các yếu tố sau giúp xác định đây là hạch phản ứng do chích ngừa:

  • Nổi hạch trong vòng 2 tuần đến 6 tháng kể từ ngày chích ngừa lao.
  • Trẻ thường dưới 2 tuổi.
  • Hạch cùng bên với bên chích ngừa, tức là ở bên trái.
  • Thường gặp ở nách, thượng đòn hoặc cổ.
  • Thường hạch đơn độc.
  • Hạch tròn hoặc bầu dục, nhẵn, chắc, di động và không đau.
  • Không thay đổi màu sắc da, hoặc tấy nhẹ, hoặc viêm đỏ.
  • Thường không có triệu chứng toàn thân, không sốt hay sụt kí.
  • Không phát hiện các dấu hiệu khác qua thăm khám, không nổi hạch ở các cơ quan khác ví dụ ở cổ nách bên đối diện hoặc ở bẹn.
  • Gan lách thường không thấy bất thường.


Vài hình ảnh minh họa hạch nách ở trẻ sau chích ngừa lao

2. Chẩn đoán hình ảnh

  • Lao và Mycobacteria không điển hình thường xuất hiện với một hạch lớn đơn độc và một số tổn thương vệ tinh nhỏ hơn. 
  • Có thể hoại tử trung tâm, có dày lên của da, viêm xung quanh.
  • Có thể hóa mủ và dò ra da. 
  • Vôi hóa được nhìn thấy phổ biến hơn trong nhiễm trùng lao so với nhiễm trùng Mycobacterial không điển hình, đặc biệt là sau khi điều trị.
2.1. Trường hợp 1


Hình siêu âm minh họa hạch sau chích ngừa lao. Hạch có thể hình tròn hoặc bầu dục, giảm âm, bờ đều hoặc không đều, đặc hoặc hóa dịch.

2.2. Trường hợp 2


Cậu bé 2 tuổi bị sưng tấy ở cổ. Nhiễm trùng Mycobacterium không điển hình đã được xác nhận. Các phần trống âm (mũi tên) trong hạch thường được thấy trong nhiễm trùng Mycobacteria không điển hình.


Ba tháng sau vẫn còn sưng. Các hạch lympho ở sâu đã hóa lỏng. Sau bốn tháng, một hạch bạch huyết đã trải qua quá trình hóa lỏng và dò ra các mô xung quanh.

2.3. Trường hợp 3


Hình ảnh siêu âm của một cậu bé 6 tuổi bị sưng ở cổ. Vôi hóa được nhìn thấy trong các hạch. Xét nghiệm Mantoux và Qferon đều dương tính, nhưng nuôi cấy lao âm tính. Bệnh nhân được điều trị bệnh lao với kết quả tốt.

2.4. Trường hợp 4

Cậu bé 10 tháng tuổi sưng phần cao đùi trái sau tiêm BCG


Sưng đùi trái


Sưng đùi trái nhìn rõ hơn với tư thế nghiêng


Siêu âm thấy hình ảnh áp xe hạch


Siêu âm thấy hình ảnh áp xe đùi trái

3. Diễn tiến

  • Đa số hạch tự lành và biến mất.
  • Một số hóa mủ: có thể tự lành hoặc dò ra da hoặc gây sẹo xấu, có thể bội nhiễm
  • Số ít bị vôi hóa.


Biến chứng dò mủ và để lại sẹo

4. Điều trị

  • Nếu hạch không hóa mủ, chỉ cần theo dõi, hạch sẽ biến mất một cách tự nhiên trong vòng 4-6 tháng. 
  • Nếu xuất hiện các dấu hiệu toàn thân: sốt, sụt cân, hạch nổi vùng xa, gan lách to thì cần thêm các xét nghiệm về lao như Mantoux và Qferon, sinh thiết và nuôi cấy để đánh giá.
  • Nếu hạch hóa mủ, có thể dùng kim chọc hút dịch mủ ra. Có thể chọc hút 2 lần nếu vẫn thất bại thì cân nhắc phẫu thuật.
  • Nếu hạch tồn tại dai dẳng trên 6-9 tháng không hết và kích thước lớn hơn 3cm thì cân nhắc phẫu thuật nạo hạch.

5. Những điều nên tránh

  • Kháng sinh: không có chỉ định các kháng sinh chống lao. Nếu bị bội nhiễm do tụ cầu hay liên cầu mới dùng kháng sinh.
  • Không nên rạch dẫn lưu mủ thường quy vì có thể dẫn tới làm chậm lành vết thương, kéo dài thời gian chảy mủ và để lại sẹo xấu.
  • Phẫu thuật cắt bỏ hạch phải được cân nhắc, sau khi thất bại với liệu pháp chọc hút mủ 2 lần thì cân nhắc phẫu thuật, vì những nguy cơ liên quan tới gây mê và biến chứng của phẫu thuật.

6. Tham khảo

  • http://www.radiologyassistant.nl/
  • https://radiopaedia.org/
  • https://www.ncbi.nlm.nih.gov/
  • http://www.scielo.br/
  • Lâm sàng Nhi khoa

Viết một bình luận