Kinh nghiệm viết và công bố bài báo khoa học

Nguồn: GS. Nguyễn Văn Tuấn – Kinh nghiệm viết và công bố bài báo khoa học 

Báo VNexpress có nhã ý hỏi tôi chia sẻ về kinh nghiệm viết bài báo khoa học. Tôi nghĩ bất cứ ai làm nghiên cứu khoa học cũng đều có những trải nghiệm khó quên, nhất là những trải nghiệm đầu tiên. Trong bài này, tôi xin chia sẻ cùng các bạn kinh nghiệm soạn và công bố bài báo khoa học, và những bài học của mỗi lần trải nghiệm. Tôi sẽ chia sẻ trong vai trò của một tác giả và người biên tập.

Những bài học rút ra từ người học trò

Bài báo đầu tiên tôi viết đã gần 30 năm trước đây và lần trải nghiệm đó thật khó quên. Tôi có hai người thầy hướng dẫn, nhưng người hướng dẫn phụ trong thực tế lại là người … hướng dẫn chính. Lí do là giáo sư hướng dẫn chính rất bận rộn, mỗi tháng chỉ gặp riêng khoảng vài phút, nhưng hàng tuần thì vẫn gặp trong các buổi họp labo. Do đó, công việc ‘cầm tay chỉ việc’ lại do một giáo sư trẻ hơn phụ trách. Vị giáo sư đó cũng bận với công việc bên bệnh viện và đại học, nên ông cũng chỉ gặp tôi mỗi tuần khoảng 10 phút để trao đổi và kiểm tra tiến độ công việc. Sự huớng dẫn của giáo mang tính định hướng, chứ không đi vào chi tiết. Người đi vào chi tiết là một nhà khoa học cấp thấp hơn, như hậu tiến sĩ chẳng hạn. Sau này tôi mới hiểu bài học thứ nhất là làm nghiên cứu sinh chủ yếu là tự học dưới sự hướng dẫn của giáo sư; do đó, năng lực cũng như kĩ năng tự học rất quan trọng.

Trước khi soạn bài báo đầu tiên, giáo sư hướng dẫn nói với tôi rằng đây là một nghiên cứu quan trọng, và ý định là sẽ công bố trên một tập san danh giá. Vấn đề là bắt đầu từ đâu? Ông khuyên tôi nên tìm đọc những bài trước đây trên tập san đó, và cứ thế mà viết theo. Thời đó, các tập san khoa học xuất bản trên báo giấy, chứ không có phiên bản trực tuyến, và tôi phải vào thư viện để sao lại những bài báo liên quan. Bài học 2 mà tôi học được là học từ những bài báo trước đã công bố trên tập san mà mình có ý định sẽ công bố.

Sau hơn 8 tuần lễ miệt mài viết, soạn hình ảnh, chỉnh sửa, và lại chỉnh sửa, cuối cùng tôi cũng có một bản thảo dài hơn 30 trang. Tôi rất tự hào với thành quả của mình, và hẹn giờ để trình bày cho giáo sư hướng dẫn xem và góp ý. Giáo sư hướng dẫn nhìn qua bản thảo của tôi, ông đột nhiên quăng vào thùng rác bên cạnh, và nhìn tôi dò xét. Lúc đó, tôi rất ngạc nhiên, có chút tức tối nhưng cũng lúng túng, không biết làm gì và nói gì. Tôi thầm nghĩ chẳng lẽ tiếng Anh của mình tệ như thế?’

Ông nhìn tôi và mỉm cười, nhặt bản thảo lên, rồi giải thích những sai sót và những chỗ chưa đúng với chuẩn mực khoa học. Vừa giải thích, ông vừa sửa (bằng bút mực đỏ), gạch bỏ chỗ này, viết thêm chỗ kia, ghi chú trên hình ảnh, v.v. Và, kết quả là một bản thảo đầy màu đỏ! Nó không còn là văn của tôi nữa. Tôi còn nhớ ông giáo sư phê bình văn viết của tôi nặng chất thơ quá và nhiều chữ rhetoric quá (có lẽ tôi xuất thân từ văn hoá Việt Nam và quen với những ví von). Lí do đơn giản là vì văn phong khoa học có những đặc thù và thuật ngữ mà chỉ có người trong chuyên ngành mới am hiểu.  Bài học 3 là tiếng Anh mà chúng ta học từ trường hay qua các kì thi như TOEFL, IELTS tuy có ích trong giao tiếp nhưng giúp rất ít vào việc viết bài báo khoa học.

Văn phong khoa học không thể ví von và màu mè, mà phải chính xác, đơn giản và có khi hình tượng. Theo Giáo sư Steven Pinker, một phần ba của bộ não con người được giành cho thị giác, và sự thật này có nghĩa là văn chương khoa học phải làm cho độc giả ‘thấy’ mục tiêu cụ thể của bài báo, và làm được điều này sẽ có hiệu ứng rất tích cực cho bài báo. Nhiều thí nghiệm đã cho thấy rằng độc giả hiểu và nhớ các thông tin tốt hơn khi thông tin được diễn tả bằng một ngôn ngữ mà họ có thể thấy bằng hình ảnh. Ngoài ra, mỗi bài báo là một câu chuyện, và cách viết kể chuyện giúp người đọc lãnh hội rất nhanh. Ngày nay, cách viết kể chuyện hay đàm thoại cũng được rất nhiều tập san khoa học khuyến cáo các tác giả nên viết.Bài học 4 mà tôi học được là viết văn khoa học phải nhắm đến kể một câu chuyện có đầu, có đuôi, và văn phong giàu hình ảnh.

Người mới bước vào khoa học như tôi thời đó chưa có tầm nhìn lớn, nên rất quan tâm (thậm chí ‘khoe’) đến phần phương pháp và kĩ thuật, nhưng người có kinh nghiệm thì quan tâm đến thông điệp chính của bài báo. Câu hỏi mà giáo sư hướng dẫn hay giày vò là tại sao bài báo này quan trọng, và cái thông điệp chính là gì. Có khi phải bỏ ra cả tuần chỉ nghĩ ra cách viết thông điệp chính. Thông điệp đó phải được viết bằng văn phong đơn giản. Giáo sư hướng dẫn thường hay chỉ tay xuống đường phố và nói với tôi rằng ‘phải viết sao cho người lái taxi vẫn hiểu được.’ Thông điệp chính phải phải nhất quán với dữ liệu, không được phát biểu những gì đi ra ngoài phạm vi của dữ liệu. Bài học 5 là nội dung và thông điệp bài báo rất quan trọng, nên cần phải đầu tư thời gian để viết cho thuyết phục.

Dữ liệu ở đây không phải là số liệu, mà còn là hình ảnh và y văn trước đây. Dữ liệu phải được trình bày bằng một hình thức trang nhã. Trang nhã từ cách chọn màu, chọn phông chữ, kích thước chữ, khoảng cách giữa các dòng chữ, v.v. đều phải đảm bảo đúng như yêu cầu của tập san. Thời đó, những hình ảnh chưa được số hóa, nên phải in trên giấy bóng, mà phải kèm theo chú thích sao cho người đọc có thể hiểu được một cách dễ dàng. Giáo sư hướng dẫn tôi thường hay nói câu tương đương với cách nói của người Việt chúng ta, ‘người đẹp vì lụa’, có nghĩa là một nội dung hay và quan trọng cần phải được cho ‘mặc’ một bồ đồ đẹp và trang nhã.Bài học 6 là hình thức trình bày dữ liệu cũng rất quan trọng.

Nhưng bản thảo chưa dừng ở đó, mà còn phải qua nhiều chỉnh sửa từ những người đồng tác giả nữa. Chỉ riêng với giáo sư trực tiếp hướng dẫn, bản thảo đã phải qua ít nhất 5 lần chỉnh sửa. Giáo sư hướng dẫn chính tuy là người ít gặp nhất, nhưng lại là người chỉnh sửa nhiều nhất. Ông nổi tiếng là người rất thông minh (học cử nhân năm 15-16 tuổi), khó tính, và rất elite, và ông kì vọng những người chung quanh phải như ông! Ông chỉnh sửa thêm, yêu cầu phân tích lại một số câu hỏi, và ‘ác mộng’ là vấn đề trình bày hình ảnh sao cho có chất lượng tốt. Ông cũng chính là người quyết định ai là tác giả đầu (tôi), ai là tác giả thứ hai (giáo sư hướng dẫn phụ), và ai là tác giả sau cùng (chính là ông). Sếp có thể không phải là người trực tiếp hướng dẫn, nhưng lại là người có tiếng nói sau cùng; đây chính là người chịu trách nhiệm chính trước công chúng, là tác giả liên lạc (correspondence author). Lúc này tôi mới học đượcbài học 7 là thứ tự tác giả rất quan trọng, vì nó cho biết ai là ‘sếp’ trong công trình nghiên cứu.

Sau giáo sư hướng dẫn chính phê chuẩn bản thảo, nó được gửi cho một tập san danh tiếng qua đường bưu điện bảo đảm. Thời đó, chưa có hệ thống nộp bài báo trực tuyến như bây giờ, nên tất cả bản thảo (4 bản sao) đều phải gửi qua bưu điện hỏa tốc. Khoảng 6 tháng sau, chúng tôi nhận được thư của ban biên tập, kèm theo những bình luận của 3 chuyên gia nặc danh trong chuyên ngành. Đọc qua 8 trang bình duyệt của họ, cảm giác đầu tiên của tôi là choáng váng. Bình luận mang tính khen có, nhưng chê thì nhiều hơn. Khổ nỗi những gì họ chê xem ra … rất có lí. Có chuyên gia đòi hỏi thêm dữ liệu mà chúng tôi không thể nào có được. Hai giáo sư hướng dẫn xem qua bình duyệt và quyết định có lẽ bài báo không có cơ hội ở tập san này (đó là tập san New England Journal of Medicine — NEJM). Bài học 8 là chuẩn bị tinh thần bị từ chối và bị chê, vì từ chối là một qui luật trong xuất bản khoa học.

Nhưng những ý kiến của các chuyên gia bình duyệt rất có ích để chỉnh sửa tiếp. Chúng tôi nộp cho một tập san khác tuy cũng có uy tín cao, nhưng thấp hơn tập san NEJM. Lại chờ thêm 4 tháng để nhận được thư bình duyệt, nhưng lần này thì khả quan và ‘thân thiện’ hơn lần trước. Ban biên tập cho chúng tôi 3 tháng trả lời các bình luận, và nộp lại bản thảo. Khi ban biên tập cho cơ hội trả lời có nghĩa là chúng tôi có … cơ may. Lại thêm một thời gian quay quần trong chu trình bình duyệt lần thứ hai – trả lời lần 2 – bình duyệt lần 3 – trả lời lần 3, v.v. tất cả tốn gần 2 tháng nữa thì bài báo mới được chấp nhận cho công bố. Như vậy, tính từ lúc hoàn thiện bản thảo đến lúc công bố mất khoảng 1 năm. Đó là thơi gian trung bình, vì trong thực tế, có những bài báo may mắn hơn và có thời gian công bố ngắn hơn, nhưng cũng có những bài báo cần đến 2 năm để có nơi công bố. Bài học 9 là mỗi lần bị từ chối là một cơ hội để cải thiện cho lần sau, tập san có uy tín càng cao thì yêu cầu về phẩm chất càng cao và họ từ chối càng nhiều.

Trả lời bình duyệt là một nghệ thuật nhưng cũng là một khoa học. Nghệ thuật là đặt vấn đề và những phê bình của các chuyên gia trong bối cảnh. Có khi cùng một dữ liệu, nhưng có chuyên gia khen, mà cũng có chuyên gia chê, và nghệ thuật ở đây là dung hoà hai quan điểm trái chiều. Tính khoa học là trả lời bình duyệt bằng chứng cứ và dữ liệu khoa học, chứ không cảm tính và tuyệt đối không được chỉ trích cá nhân. Không bao giờ bảo chuyên gia bình duyệt nên đọc bài báo này hay cuốn sách kia, vì đó là một cách trả lời rất ư mất lịch sự và thiếu tôn trọng, và bài báo rất dễ bị từ chối. Bài học 10 là trả lời các ý kiến bình duyệt một cách đầy đủ, lịch sự, và có chứng cứ.

Công bố được một vài bài báo khoa học là một thành tích, nhưng chưa thể thành thạo trong cách viết bài báo khoa học. Sau bài báo đầu tiên, tôi lao vào nghiên cứu và viết một loạt bài báo khoa học liên quan. Tuy nhiên, cứ mỗi lần tôi viết xong thì hai giáo sư hướng dẫn lại … tiếp tục sửa. Họ sửa nhiều đến nỗi đến bài thứ 5 mà tôi vẫn thấy mình hình như chẳng viết được bài nào hoàn chỉnh! Nhưng thú thật tôi thấy bài nào hai giáo sư sửa đều hợp lí và … hay. So sánh bản thảo của mình và bản thảo sau khi đã được chỉnh sửa, tôi thấy rõ ràng là mình vẫn chưa học hết kĩ năng bài báo khoa học. Thật ra, kĩ năng tiếng Anh chỉ là một vấn đề; vấn đề lớn hơn là bức tranh chung và chiến lược viết, và chiến lược thì đòi hỏi người giàu kinh nghiệm trong chuyên ngành. Phải đến bài thứ 10 và năm thứ 4 tôi mới cảm thấy mình đủ tự tin để tự mình soạn một bài báo khoa học. Do đó, đối với một người mà tiếng Anh không phải là tiếng mẹ đẻ, cho dù đã xong luận án tiến sĩ, thì vẫn chưa đủ khả năng để tự mình viết bài báo khoa học hoàn chỉnh.

Cơ chế bình duyệt và vận hành của ban biên tập

Theo thời gian, tôi có cơ hội đóng góp nhiều hơn cho chuyên ngành qua việc tham gia bình duyệt và biên tập. Tôi trở thành chuyên gia bình duyệt cho các tập san, và sau này được giao cho trách nhiệm cao hơn là phó biên tập (Associate Editor) cho một số tập san, trong đó có tập san JBMR, được xem là quan trọng nhất và uy tín nhất trong chuyên ngành xương. Ban biên tập bao gồm người có trách nhiệm cao nhất là tổng biên tập, đến những người có trách nhiệm thấp hơn là 4 phó biên tập, và sau cùng là khoảng 20 thành viên (board members). Mỗi nhiệm kì ban biên tập là 5 năm, nhưng cũng có người được mời ở lại đến 3 nhiệm kì (trường hợp của tôi là một ví dụ). 

Tập san JBMR nhận khoảng 1000 bài báo mỗi năm, nhưng đa số (khoảng 80%) là bị từ chối, và chỉ chấp nhận cho công bố khoảng 15-20%. Qua biên tập và quyết định chấp nhận hay từ chối bài báo, tôi nhận ra rằmg các tập san khoa học là nơi có chế độ kiểm duyệt khắt khe nhất! Thật ra, người trong khoa học không gọi đó là cơ chế “kiểm duyệt”, mà là “gác cổng khoa học.”

Qui trình và ‘số phận’ của một bản thảo bài báo khoa học nằm trong sự tương tác giữa ban biên tập và chuyên gia bình duyệt. Nói là ‘ban biên tập’, nhưng người trực tiếp phụ trách chính là phó biên tập. Theo qui trình chuẩn này, khi bản thảo bài báo được gửi đến tập san thì hàng loạt việc làm sẽ được khởi động: 

Trước hết, một nhân viên phụ tá của tập san sẽ kiểm tra bản thảo có đạt yêu cầu về cơ cấu, hình thức, và các qui định của tập san liên quan đến tài liệu tham khảo và các thông tin quan trọng. Mỗi tập san có những qui định riêng, và tác giả phải tuân thủ theo. Ngoài ra, phụ tá biên tập còn kiểm tra những câu văn có trùng hợp với các bài báo trước đây để đảm bảo đạo văn không xảy ra, hay ‘tự đạo văn’ ở mức độ có thể chấp nhận được. Bản thảo bài báo không đáp ứng các yêu cầu và qui định kĩ thuật này sẽ được trả lại cho tác giả để chỉnh sửa và nộp lại.

Sau khi phần kiểm tra kĩ thuật và qui định xong, bản thảo sẽ được tổng biên tập giao cho một phó biên tập phụ trách. Một tập san có 3-5 phó biên tập, và mỗi người phụ trách một mảng chuyên môn hẹp mà phó biên tập có tiếng. Phó biên tập đọc qua bản thảo và sẽ quyết định từ chối hay hoặc gửi ra ngoài cho các chuyên gia bình duyệt. Nếu từ chối ngay, thì tác giả sẽ được thông báo trong vòng 1 tuần bằng một lá thư tôi hay nói đùa là ‘lá thư đau lòng’ (vì câu đầu tiên là ‘tôi đau lòng báo tin rằng …’). Nếu quyết định bản thảo có thể gửi ra ngoài bình duyệt, thì 2-3 chuyên gia có tiếng trong chuyên ngành sẽ được mời bình duyệt.

Các chuyên gia bình duyệt sẽ đọc và đánh giá bài báo, viết báo cáo gửi cho phó biên tập. Báo cáo của mỗi chuyên gia tập trung vào ý tưởng, phương pháp, và cách diễn giải kết quả. Họ cũng kèm theo một khuyến cáo: (a) chấp nhận cho công bố không cần sửa; (b) cần sửa chút ít; (c) cần chỉnh sửa nhiều hay viết lại; hay (d) từ chối. Chỉ một trong 3 chuyên gia bình duyệt đề nghị từ chối thì khả năng bài báo sẽ bị từ chối lên rất cao.  Có nhiều trường hợp bài báo phải trải qua 3 lần bình duyệt, và tốn rất nhiều thời gian (trên 12 tháng) nhưng cuối cùng có khi vẫn bị từ chối!

Mỗi tháng, các tổng và phó biên tập họp nhau qua Skype để bàn về quyết định chấp nhận hay từ chối các bản thảo đã qua bình duyệt. Có bản thảo các chuyên gia bình duyệt đề nghị từ chối, nhưng ban biên tập có thể chấp nhận. Ngược lại, có bản thảo các chuyên gia đề nghị chấp nhận, nhưng ban biên tập quyết định từ chối. Quyết định từ chối hay chấp nhận ở cấp này thường ít dính dáng đến khoa học tính, mà cân nhắc đến khả năng bài báo được thu hút chú ý từ chuyên ngành khác hay truyền thông đại chúng, và nhất là cân nhắc đến tác giả chính. Có người trong ban biên tập tìm tác giả qua ORCID và xem thành tích trong quá khứ ra sao để quyết định nữa. Ví dụ như tuần rồi, số phận một bài từ Á châu, chúng tôi đang phân vân thì có người xem ORCID của tác giả chính và nói rằng người này đã từng có bài như thế này và chưa bao giờ được trích dẫn, và thế là đề nghị từ chối!  

Nếu bài báo được chấp nhận, tác giả sẽ nhận được thư của tổng biên tập thông báo. Sau khi xong phần khoa học, bản thảo sẽ được gửi cho bộ phận sản xuất và biên tập của nhà xuất bản. Biên tập viên của nhà xuất bản sẽ xem xét tất cả những bảng biểu và văn bản trong bài báo. Có khi họ đề nghị chỉnh sửa cách viết cho gọn hơn, rõ ràng hơn, vì nhiệm vụ của họ là tiết kiệm chữ (và qua đó tiết kiệm mực in). Sau khi tác giả đồng ý với những chỉnh sửa của biên tập viên, bài báo sẽ được công bố lập tức trên mạng, và sau đó vài tháng trên báo giấy. Dĩ nhiên, ngày nay có nhiều tập san chỉ công bố trực tuyến chứ không có báo giấy.

Đa số bài báo bị từ chối công bố

Như đề cập trên, đa số những bản thảo gửi đến ban biên tập bị từ chối. Tỉ lệ từ chối dao động rất lớn giữa các tập san. Những tập san có ảnh hưởng lớn như New England Journal of Medicine, Science, Nature, Cell từ chối khoảng 90-95% bản thảo. Nên nhớ rằng những bản thảo được gửi đến những tập san này đã rất chọn lọc. Những tập san đa có uy tín cao trong y khoa như JAMA, BMJ, Nature Medicine, Annals of Internal Medicine, Journal of Clinical Investigation có tỉ lệ từ chối bản thảo dao động trong khoảng 80 đến 90%. Những tập san hàng đầu trong chuyên ngành như nội tiết, xương khớp, ung thư, tim mạch, v.v. thì tỉ lệ từ chối cũng khoảng 70-80%. Tuy nhiên, những tập san có hệ số ảnh hưởng thấp có xu hướng chấp nhận bản thảo trên 50%, có khi lên đến 80%. Đây chính là lí do tại sao công bố trên những tập san có uy tín cao là một dấu ấn về đẳng cấp của nhà khoa học.

Bài báo khoa học bị từ chối ở 3 giai đoạn: ban biên tập, bình duyệt, và tái bình duyệt. Tỉ lệ từ chối rất khác nhau giữa 3 giai đoạn. Một nghiên cứu trên tập san British Medical Journal (một trong những tập san y khoa hàng đầu thế giới), trong giai đoạn 1 (tức ban biên tập), tỉ lệ từ chối khoảng 50% những bài báo gửi đến, mà không gửi ra ngoài để bình duyệt. Giai đoạn 2, sau khi gửi đi cho các chuyên gia bình duyệt, thì vẫn bị từ chối khoảng 45%. Ngay cả ở giai đoạn 3 là tái bình duyệt, xác suất bị từ chối là khoảng 5%.

Một trong những câu hỏi đặt ra là có sự ‘kì thị’ hay thành kiến với các tác giả từ các nước nghèo (như Việt Nam chẳng hạn)? Bằng chứng khoa học cũng cho thấy quả thật có một sự kì thị trong tiềm thức đối với các tác giả từ các nước nghèo. Trong một thí nghiệm thú vị, các tác giả chọn một số bài báo của các nhóm nghiên cứu nổi tiếng từ Mĩ, nhưng đổi nhóm nghiên cứu thành những trung tâm ở các nước nghèo (Phi châu), và gửi các bài báo cho các nhà khoa học phương Tây. Kết quả cho thấy các bài báo không được đánh giá cao và cho điểm thấp hơn những bài báo có địa chỉ từ Mĩ. Đây là một trong nhiều chứng cứ cho thấy quả thật có sự “kì thị địa lí” trong khoa học.

Kinh nghiệm cá nhân của tôi cũng nhất quán với chứng cứ khoa học. Có những bài báo của đồng nghiệp từ trong nước được tôi giúp thiết kế nghiên cứu và biên tập, và đã được góp ý từ các đồng nghiệp có kinh nghiệm cao từ Mĩ, nhưng khi gửi cho tập san vẫn bị chê là … viết sai tiếng Anh! Dĩ nhiên, khi yêu cầu chỉ ra sai chỗ nào thì chuyên gia bình duyệt không nói. Ngược lại, có bản thảo từ Úc của nghiên cứu sinh tôi, với tiếng Anh có vài chỗ sai về văn phạm và ngữ vựng (cố ý), nhưng tất cả chuyên gia bình duyệt không phàn nàn!

Tuy có sự kì thị trong tiềm thức, nhưng tỉ lệ từ chối không hẳn khác nhau giữa các quốc gia. Chẳng hạn như thống kê của các tập san y khoa lớn như New England Journal of Medicinevà JAMA cho thấy tỉ lệ từ chối bài báo từ Mĩ và ngoài Mĩ không khác nhau. Tuy nhiên, đối với các tập san chuyên ngành thì có sự khác biệt lớn, chẳng hạn như tập san Circulation Research (chuyên về tim mạch), tỉ lệ từ chối chung là 85%, không khác mấy so với tỉ lệ từ chối các bài báo từ Hàn Quốc (88%), nhưng bài báo từ Trung Quốc có tỉ lệ từ chối lên đến 99% vì chất lượng quá kém và tiếng Anh chưa đạt. Một phân tích thú vị khác của tập san American Journal of Roentgenology cho thấy trong thời gian 2003 – 2005, tập san này chấp nhận 72% những bài báo từ Mĩ, nhưng tỉ lệ này cho các nước ngoài Mĩ là 60%. Những chứng cứ thực tế trên đây cho thấy bài báo từ các nước nghèo hay kém phát triển thường có ‘nguy cơ’ bị từ chối cao hơn là những bài báo từ các nước tiên tiến.

Tại sao bài báo bị từ chối?

Lí do 1: bài báo không thích hợp cho tập san. Đây là lí do ban biên tập từ chối rất nhanh. Tập san khoa học có đẳng cấp riêng trong chuyên ngành, và đẳng cấp này có thể phân biệt qua hệ số ảnh hưởng (impact factor, viết tắt là IF). Tập san có IF cao cũng có nghĩa là có ảnh hưởng lớn, và những tập san này chỉ công bố những công trình quan trọng. Nếu công trình nghiên cứu không phải thuộc vào loại “đột phá” thì không nên gửi cho các tập san như Science và Nature, mà nên xem xét đến các tập san chuyên ngành.

Lí do 2: Thiếu cái mới. Có thể nói rằng ban biên tập của bất cứ tập san nào cũng thích cái mới trong một bài báo. Cái mới có thể là mới về phương pháp, mới về cách tiếp cận, kết quả mới, cách diễn giải mới, v.v. Do đó, những công trình nghiên cứu không có cái mới, không có yếu tố ‘ngạc nhiên’, không làm cho người đọc hào hứng, thì khó có cơ hội công bố trên các tập san có tiếng. Những nghiên cứu mà câu trả lời hay kết quả chẳng ảnh hưởng gì đến chuyên ngành, chẳng gây tác động gì đến chính sách công hay thực hành lâm sàng cũng khó có cơ hội được công bố. Tầm quan trọng và thiếu cái mới trong công trình nghiên cứu là lí do hàng đầu (80% bài báo bị từ chối với lí do này).

Lí do 3: Phương pháp nghiên cứu. Phương pháp nghiên cứu có thể ví von như là bộ  xương của bài báo; bộ xương cứng thì cơ thể mới có thể đứng vững. Một nghiên cứu trên các nhà khoa học giải Nobel và tổng biên tập cho thấy gần 3/4 bài báo khoa học bị từ chối vì lí do phương pháp không đạt. Phương pháp ở đây bao gồm những khiếm khuyết về cách tiếp cận, thiết kế nghiên cứu (như thiếu nhóm chứng, , phương pháp đo lường chưa đạt, qui trình thực hiện thiếu tính hệ thống, phương pháp phân tích dữ liệu sai hay quá kém, cỡ mẫu không đủ. Trong giới biên tập người ta thường nói chỉ cần nhìn phần phương pháp là có thể đánh giá đẳng cấp của tác giả.

Lí do 4: cách trình bày dữ liệu. Nội dung bài báo quan trọng nhưng nếu trình bày không tốt cũng dễ bị từ chối. Có 3 nguyên nhân chính dẫn đến bài báo bị từ chối đăng: trình bày dữ liệu không đầy đủ (32%), có mâu thẫn giữa các dữ liệu trình bày (25%) và không cung cấp đầy đủ chi tiết về phương pháp nghiên cứu (25%). 

Lí do 5: tiếng Anh. Một nghiên cứu ở Đài Loan cho thấy khoảng 1/4 những bài báo trong ngành y học bị từ chối là do tiếng Anh không đạt. Nhiều tập san có thể thông cảm nếu văn phong tiếng Anh có sai sót có thể chỉnh sửa được, nhưng họ không thể chấp nhận bài báo có quá nhiều sai sót về tiếng Anh. Về cách viết, các khoa học không ưa cách viết sử dụng từ ngữ hoa mĩ và sáo rỗng (ít thông tin), hoặc cách viết dùng những từ “đao to búa lớn” mà không có ý nghĩa cụ thể. Ngoài ra, diễn đạt ý tưởng không khúc chiết (21%) và câu văn thừa (11%) cũng là những nguyên nhân bị từ chối.

Trên đây là những kinh nghiệm và bài học của một người từng làm nghiên cứu sinh, và những trải nghiệm của một người trong vai trò biên tập của vài tập san khoa học. Những kinh nghiệm này thật ra chẳng có gì mới, bởi vì những ai từng qua thời làm nghiên cứu sinh ở nước ngoài đều ít nhiều trải qua, chỉ có khác nhau là môi trường khoa học mà thôi. Nội dung và thông điệp của bài báo rất quan trọng, nhưng tiếng Anh cũng đóng vai trò quyết định, nhất là đối với những tác giả từ các nước đang phát triển. Nhưng tiếng Anh là một rào cản lớn của rất nhiều nhà khoa học Việt Nam. Không nên kì vọng rằng một nghiên cứu sinh mới xong chương trình tiến sĩ hay hậu tiến sĩ ở nước ngoài là có ngay khả năng độc lập nghiên cứu và soạn bài báo khoa học. Những kĩ năng này đòi hỏi thời gian và tương tác với những người có kinh nghiệm tốt.

Ở nước ta, hiện nay các nghiên cứu sinh và giáo sư chịu áp lực công bố khoa học. Theo qui định mới, một nghiên cứu sinh phải công bố ít nhất 2 bài báo khoa học để được bảo vệ luận án. Tôi nghĩ qui định này hợp lí (và đã có nhiều người, trong đó có tôi, kêu gọi trước đây). Tuy nhiên, vì tiếng Anh là rào cản lớn cho đa số nghiên cứu sinh và ngay cả người hướng dẫn luận án, nên yêu cầu 2 bài báo trong thực tế là một yêu cầu không thấp. Tôi nghĩ cần phải công bằng hơn bằng cách huấn luyện kĩ năng soạn bài báo khoa học cho tất cả các nghiên cứu sinh trước khi họ bắt tay vào nghiên cứu.

Ghi thêm: bản ngắn hơn đã đăng trên VNexpress hai kì theo đường link sau đây:

https://vnexpress.net/tin-tuc/khoa-hoc/trong-nuoc/gs-nguyen-van-tuan-bai-bao-dau-tien-cua-toi-tung-bi-quang-vao-thung-rac-3724815.html

https://vnexpress.net/tin-tuc/khoa-hoc/trong-nuoc/cong-trinh-nghien-cuu-duoc-tap-chi-quoc-te-kiem-duyet-the-nao-3725008.html

Viết một bình luận