NGÓN TAY CÒ SÚNG – NGÓN TAY BẬT – NGÓN TAY LÒ XO (TRIGGER FINGER)

1. Định nghĩa

Ngón tay cò súng hay còn gọi là ngón tay lò xo hay ngón tay bật là tình trạng giới hạn cử động ngón tay. Người bị bệnh ngón tay cò súng rất khó khăn khi gập ngón tay lại hoặc duỗi thẳng ngón tay ra. Khi người bệnh cố gắng gập ngón tay lại hoặc duỗi ra, ngón tay sẽ bật ra như lò xo hoặc bất ngờ gập mạnh lại như tư thế bóp cò súng. Đó là lý do bệnh lý này có các tên gọi như trên.


Hình 1. Ngón tay cò súng (ngón tay lò xo hoặc ngón tay bật).

Video minh họa ngón tay cò súng:

2. Giải phẫu

Gân là đầu tận của cơ bám vào các xương ngón tay và đây là cách chúng ta có thể uốn cong các ngón tay. Gân được bao phủ bởi một lớp vỏ bao (bao gân), nó giữ gân nằm trong một lớp chất lỏng rất mịn (hoạt dịch). Điều này giúp gân hoạt động mềm mại (tương tự như động cơ nhúng vào nhớt để vận động một cách trơn tru).


Hình 2. Các túi và bao hoạt dịch của bàn ngón tay.

Khi uốn cong các ngón tay, xu hướng tự nhiên của gân là dây cung (bowstring). Cơ thể chúng ta ngăn chặn điều này bằng cách sử dụng dây đai nhỏ (hệ thống ròng rọc) để giữ gân vào các xương ngón tay.

Hệ thống ròng rọc là những vòng xơ tròn (A1, A2, A3, A4, A5) và những phần xơ bắt chéo yếu hơn (C1, C2, C3, C4). A2 và A4 rất quan trọng để ngăn cơ chế dây cung. A1, A3, A5 tương ứng ngang mức khớp bàn ngón, liên đốt gần, liên đốt xa mặt lòng bàn tay. Ròng rọc A1 liên quan nhiều nhất đến bệnh lý ngón tay bật.


Hình 3. Các gân cơ gấp các ngón nông và sâu được bọc trong bao hoạt dịch ngón tay. Bao hoạt dịch này được đính vào xương bàn ngón tay bằng các bao xơ và dây chằng, tức là hệ thống ròng rọc.

3. Nguyên nhân

– Mọi độ tuổi đều có thể bị ngón tay cò súng nhưng bệnh thường thấy ở những người trên 45 tuổi và ở nữ nhiều hơn nam. 
– Người có hoạt động bàn tay nhiều như: người sử dụng máy vi tính nhiều, thợ may, thợ cắt tóc, nhạc công, nha sĩ, thợ mổ…
– Những người có các bệnh lý sau có nguy cơ mắc bệnh ngón tay cò súng cao hơn: tiểu đường, viêm khớp dạng thấp, bệnh nội tiết, bệnh nhiễm trùng…
– Cũng có nhiều trường hợp không tìm thấy nguyên nhân trên lâm sàng.


Hình 4. Nguyên nhân của ngón tay cò súng bao gồm trường hợp vận động ngón tay thường xuyên, chấn thương, các tình trạng bệnh lý toàn thân như viêm khớp, tiểu đường.

4. Cơ chế

Khi uốn cong các ngón tay, xu hướng tự nhiên của gân là dây cung (bowstring). Cơ thể chúng ta ngăn chặn điều này bằng cách sử dụng dây đai nhỏ (hệ thống ròng rọc) để giữ gân vào các xương ngón tay. Bình thường khi gân không dày, nó có thể lướt qua các ròng rọc dễ dàng. Vấn đề là khi gân bị viêm trở nên quá dày (thường dày không đều tạo thành các cục gân), các cục gân này sẽ bị các ròng rọc giữ lại. Để cử động được ngón tay khi gân bị kẹt vào hệ thống ròng rọc, chúng ta phải vận cơ để tạo ra một lực lớn hơn lực giữ của các ròng rọc, thì lúc này cục gân sẽ trượt qua được ròng rọc. Thời điểm trước khi qua được ròng rọc, thì lực vận cơ sẽ tăng dần làm cho gân căng ra, khi lực đủ lớn sẽ làm cho gân bị bật qua (cho nên còn gọi là ngón tay bật), đồng thời có thể nghe thấy tiếng bật. Trường hợp nặng hơn, do ròng rọc quá hẹp và gân quá dày, nên gân không thể di chuyển và nó bị kẹt lại ở tư thế co ngón tay dạng cò súng.


Hình 5. Minh họa gân dày lên và bị kẹt khó di chuyển qua ròng rọc


Hình 6. Khi ngón tay duỗi ra thì gân có xu hướng là dây cung so với cây cung là khung xương (tương tự cung tên). Muốn cho khung xương di động được và gân không tách rời khung xương thì phải có một hệ thống giữ gân và xương lại với nhau, đó là vai trò của hệ thống ròng rọc (ngược lại với dây cung và cây cung tách rời xa nhau, nếu gân và xương mà tách rời nhau ra thì rất khó hoạt động linh hoạt và sẽ không nằm gọn trong một ngón tay thì rất vướng).


Hình 7. Khi gân xương dày lên thì sẽ rất khó chui qua hệ thống ròng rọc. Tương tự như đoàn tàu quá khổ sẽ không chui lọt trong đường hầm. Khi ròng rọc dày lên cũng làm gân khó di chuyển. Tương tự như đoàn tàu không thể đi qua một đường hầm quá hẹp.

Video minh họa cơ chế:

5. Lâm sàng

Thông thường, ngón tay cò súng diễn ra đối với những ngón tay hay vận động, chẳng hạn như ngón cái, ngón trỏ, có thể xuất hiện cùng một lúc nhiều ngón tay bị kẹt và có thể xảy ra trên cả hai tay. Người lớn thường bị ngón giữa còn trẻ em thường bị ngón tay cái.

– Mức độ nhẹ: người bệnh cảm giác đau khi cử động ngón tay, kèm theo đó có thể có sưng nề nhẹ. Đau ở gốc ngón tay.

– Mức độ trung bình: Có thể sờ thấy có một chỗ u lồi lên ở mặt lòng bàn tay ngay chỗ ngón bị đau. Dấu hiệu của bệnh rõ ràng nhất khi người bệnh rất khó khăn khi gập ngón tay lại hoặc duỗi thẳng ngón tay ra. Khi người bệnh cố gắng gập ngón tay lại hoặc duỗi ra, ngón tay sẽ bật ra như lò xo hoặc bất ngờ gập mạnh lại như tư thế bóp cò súng. Ngón tay thường có khuynh hướng cứng hoặc kẹt sau khi mới ngủ dậy vào buổi sáng, sau một lúc vận động thì ngón tay mềm ra. Sau đó, nếu không được điều trị thi nó trở nên nặng hơn, phải sử dụng lực của bàn tay khác để kéo ra khi ngón tay đó bị kẹt.

– Mức độ nặng: ngón tay không thể duỗi thẳng được ngay cả khi có lực trợ giúp.


Hình 8. A. Mức độ nhẹ biểu hiện đau ở gốc ngón tay bị ảnh hưởng do viêm quanh ròng rọc A1. B. Mức độ vừa xảy ra khi ngón tay có cảm giác như bị giữ lại, nhưng vẫn có thể di chuyển. Mức độ nghiêm trọng hơn xảy ra khi ngón tay thực sự có thể bị khóa ở vị trí uốn cong, nhưng nó có thể duỗi thẳng bằng cách sử dụng sự trợ giúp lực bởi tay đối diện. C. Mức độ nặng nhất nhất là khi ngón tay bị khóa và không thể di chuyển được.

Phân loại Green:
– Độ I: Đau mặt lòng và khó chịu ở ròng rọc A1.

– Độ II: Vướng ngón tay.
– Độ III: Khóa ngón tay, cử động thụ động thì sửa chửa được.
– Độ IV: Khóa cố định ngón tay.

6. Chẩn đoán hình ảnh

Sự dày lên của ròng rọc A1 chồng lên các đầu xương bàn tay và sự thay đổi trong siêu âm của các gân gấp đi qua đường hầm. Có thể có tràn dịch bao hoạt dịch xung quanh gân. Mức độ dày có thể thay đổi với một số tác giả, giá trị bình thường là khoảng 0,5mm, độ dày được đề xuất khi đường kính trên 1,1mm. Gân cũng có thể dày lên. Quan trọng chẩn đoán được đoạn nào bị dày thì mới can thiệp được chính xác. Khảo sát động sự di chuyển của các gân trong hệ thống ròng rọc trên siêu âm.

6.1. Case 1

Bệnh nhân nữ 62 tuổi, khó khăn trong các cử động ngón 5 tay phải và cảm giác ngứa ran và tê ở ngón 1, 2 và 3.


Hình 9. Hình siêu âm cắt ngang. Dày ròng rọc A1 ngón 5 bên phải. Ròng rọc A1 bên trái là bình thường.


Hình 10. Hình siêu âm cắt dọc. Dày ròng rọc A1 ngón 5 bên phải. Ròng rọc A1 bên trái là bình thường.

6.2. Case 2

Bệnh nhân nam 55 tuổi, đau lòng bàn tay


Hình 11. Ròng rọc A1 dày lên


Hình 12. Ròng rọc A1 dày lên


Hình 13. Gân uốn cong Có sự dày lên của các gân uốn ở cấp độ của ròng rọc A1 (ảnh bên phải) so với bên trái (ảnh bên trái).

Có sự dày lên của ròng rọc A1. Ròng rọc bình thường có độ dày dưới 0,5 mm, nếu nó lớn hơn 1-1,5 mm thì được coi là bất thường. Các ròng rọc A2, 3, 4 và 5 có cỡ kích thước bình thường. Có kèm theo phức hợp viêm gân của gân gấp nông và sâu ngón tay tại A1. Các dấu hiệu phù hợp với chẩn đoán lâm sàng của ngón tay cò súng.

6.3. Case 3

Bệnh nhân nữ 60 tuổi, lâm sàng ngón tay cò súng


Hình 14. Dày ròng rọc A1 tay phải.


Hình 15. Ròng rọc A1 tay trái bình thường.


Hình 16. So sánh hai bên. Ròng rọc A1 một ngón tay bên phải dày hơn tay bên trái.

6.4. Case 4

Bệnh nhân nam khoảng 53 tuổi, lâm sàng ngón tay cò súng, có tiếng bật ở ngón cái tay phải


Hình 17. Dày ròng rọc A1 tay phải, so với ròng rọc bình thường ở tay trái.

6.5. Case 5

Bệnh nhân nam 45 tuổi. Đau, cứng, và cảm giác khóa ngón tay thứ 3 liên tục khi gập cong và duỗi thẳng ngón tay trong vòng 1 năm.


Hình 18. MRI sagittal, chuỗi xung T1 và PD FS. Sự dày lên của bao gân và gân đặc biệt ở vị trí khớp liên đốt bàn và ngón (ròng rọc A1) và khớp liên đốt gần và đốt giữa ngón 3 (ròng rọc A2), gây ra viêm bao hoạt dịch của gân gấp.


Hình 19. MRI axial, chuỗi xung T1 và PD FS. Sự dày lên của bao gân và gân đặc biệt ở vị trí khớp ròng rọc A1. Dày ròng rọc A1.

Viêm bao hoạt dịch là một tình trạng thường gặp ở ngón tay cò súng. Bình thường gân gấp ngón tay dễ dàng lướt qua ròng giữ gân ở vị trí gần với xương. Ngón tay cò súng xảy ra khi ròng rọc hoặc gân trở nên dày lên và gân không thể lướt qua được dễ dàng.

6.6. Case 6

Ngón tay cò súng, siêu âm mặt cắt dọc gân gấp. Ròng rọc A1 làm dày cản trợ chuyển động của gân gấp, cũng bị dày lên.

Video minh họa ròng rọc cản trở sự di động của gân ở vị trí dày gân:

Video minh họa siêu âm:

7. Điều trị

Ngón tay cò súng nên được điều trị theo cách từng bước, đầu tiên với các phương pháp điều trị ít xâm lấn nhất, chuyển sang xâm lấn nhiều hơn nếu tình trạng vẫn tồn tại.


Hình 20. Điều trị theo từng bước, tùy mức độ nặng của bệnh.

– Điều trị ban đầu là thay đổi thói quen, hạn chế vận động mạnh. (không xách đồ nặng, để ngón tay nghỉ ngơi). Nẹp ngón tay buổi tối. Giữ ấm bàn ngón tay. Tập luyện massage ngón tay. Sử dụng dứa, nghệ, lô hội.


Hình 21. Các phương pháp giảm triệu chứng ở giai đoạn sớm.

– Đối với những trường hợp nặng hơn, thay đổi thói quen và có thể uống thuốc kháng viêm giảm đau. 
– Nếu điều này không thành công, thì thường một mũi tiêm steroid có thể làm giảm viêm thành công và ngăn chặn ngón tay cò súng trong tương lai. Nó có hiệu quả trong khoảng 50% trường hợp. Chích kháng viêm trực tiếp vào bao gân gập thường rất hiệu quả nếu như điều trị sớm. Đôi khi một mũi tiêm thứ hai được đưa ra, và điều này thường làm cho tình trạng viêm biến mất hoàn toàn.
– Cuối cùng, nếu tiêm steroid và điều trị thất bại, thì phẫu thuật có thể được thực hiện để cắt ròng rọc A1 đang dính trên gân. Phẫu thuật này nếu được thực hiện một cách chính xác, chắc chắn sẽ khắc phục vấn đề vì không có bất kỳ mô nào có thể gây ra khóa gân. Phẫu thuật có thể được thực hiện bằng cách gây tê tại chỗ.


Hình 22. Minh họa vị trí phẫu thuật

Video minh họa điều trị:

Video minh họa phẫu thuật:

8. Tham khảo

  1. http://www.bonetalks.com
  2. https://radiopaedia.org
  3. http://www.draguskadir.com.au
  4. https://www.braceability.com
  5. https://www.youtube.com
  6. https://www.top10homeremedies.com

Viết một bình luận