Thuật ngữ y học thông dụng phần cuối (I-Z)

I

Iatrogenic: tình trạng gây ra do trị liệu, đưa đến các phụ chứng không lường trước hay không tránh được.

Ichthyosis: bệnh bẩm sinh, da đứa bé khô và sần sùi như vảy cá.

Icterus, jaundice: vàng da.

Id: (tâm lý) theo Freud, một trong ba thành phần của nhân cách nằm trong vô thức, các phần kia là bản ngã (ego) và siêu ngã (superego). Từ đó, xuất phát bản năng (instinct) sinh tồn, yêu ghét, tình dục và những nhu cầu cơ bản khác để tìm khoái lạc, tránh sự đau khổ.

Identical twins, monozygotic twins: (sản phụ khoa) anh/chị em sinh đôi có ngoại dạng rất giống nhau và cùng phái tính, do một trứng thụ thai với một tinh trùng, sau đó phôi tách đôi ra, khác với sinh đôi thường (fraternal twins) do hai trứng thụ thai với hai tinh trùng (dizygotic twins, xem chữ).

Identification: (tâm lý) sự đồng hóa, tiếp thu những đặc tính của người khác, nhất là cha mẹ, rất quan trọng đối với con trẻ trong sự phát triển nhân cách của nó về sau.

Idiocy: (tâm thần) chứng ngu si đần độn, chỉ số thông minh (IQ) rất thấp, dưới 20, thường kết hợp với kém năng lực thể chất và tổn hại ở não.

Idiopathic: vô căn, không rõ nguyên nhân, hoặc tự phát.

Idiot savant: (tâm thần) người ngu thông thái, mức trí tuệ dưới bình thường, nhưng có khả năng rất đặc biệt như chơi nhạc, họa, computer v.v. Những người này thường mắc bệnh tâm thần gọi là tự kỷ (autism).

Ileitis: viêm hồi tràng, phần cuối của ruột non nối với ruột già. Nguyên nhân có thể là bệnh Crohn, thương hàn, lao ruột, hoặc kết hợp với viêm loét ruột già (ulcerative colitis).

Ileostomy: thủ thuật mở thông hồi tràng qua thành bụng để các chất trong ruột thoát ra ngoài. Ðược thực hiện trong cắt bỏ ruột già, hoặc để ruột già ngưng hoạt động và lành lại trong trường hợp bị viêm, bị thương hay phẫu thuật tiến hành tại đấy.

leus, paralytic: tắc ruột, thường là tạm thời, do cơ trơn ruột không hoạt động, xảy ra sau khi mổ bụng, viêm phúc mạc, viêm tụy tạng cấp tính, lượng potassium máu thấp. Triệu chứng: bụng sình hơi căng to và đau, nôn mửa, không trung và đại tiện được.

Illusion: (tâm thần) ảo tưởng, nhận thức sai của giác quan về một sự việc có thật, ví dụ đi đường xa thấy ánh sáng phản chiếu thì ngỡ là một vũng nước, nghe tiếng rít của phanh xe lại tưởng là tiếng ai kêu cứu v.v. Ảo tưởng có thể xảy ra cho người bình thường, hoặc khi cơ thể mệt mỏi, có chuyện lo âu, do dược phẩm, nghiện rượu nặng, bệnh tâm thần nhất là trầm buồn. Ảo tưởng khác với hư giác (hallucination, xem chữ).

Immune: miễn dịch, cơ thể được bảo vệ chống nhiễm trùng, nhờ có kháng thể (antibody) đặc biệt chống lại sinh vật gây bệnh.

Immune system: hệ thống miễn nhiễm, gồm các cơ quan bảo vệ cơ thể chống lại vật lạ xâm nhập, ví dụ khuẩn, tạng của người khác ghép vào. Các cơ quan này gồm có tuyến ức (thymus), tủy xương, hạch bạch huyết, lá lách, a mi đan và những hạch dọc theo hệ tiêu hóa.

Immunisation: chủng ngừa, tạo miễn dịch với phương tiện nhân tạo. Có hai cách: 1- tạo miễn dịch thụ động (passive immunisation), dùng kháng huyết thanh (antiserum), ví dụ thuốc chó dại. 2- tạo miễn dịch chủ động (active immunisation), kích thích cơ thể sản xuất ra kháng thể bằng cách dùng kháng nguyên gồm khuẩn/siêu khuẩn sống hay chết, hoặc độc tố của chúng, tất cả đã được xử lý để không gây hại.

Immunodeficiency: suy yếu hệ thống miễn nhiễm, có thể là di truyền hoặc mắc phải, ví dụ do siêu khuẩn HIV/ Aids, dùng thuốc ức chế hệ miễn nhiễm.

Immunosuppressant: thuốc ức chế hệ thống miễn nhiễm, ví dụ Cyclophosphamide, Cyclosporin, để bảo vệ, duy trì sự sống của mô/cơ quan ghép vào, để chữa các bệnh tự miễn, ví dụ bệnh viêm khớp dạng thấp (rheumatoid arthritis). Vì hệ miễn nhiễm bị suy yếu nên bệnh nhân dễ bi nhiễm khuẩn/siêu khuẩn/đơn bào, cùng mắc phải vài loại ung thư.

Impetigo: chốc lở, một bệnh nhiễm khuẩn ngoài da, chủ yếu là trên mặt và tay chân, do tụ cầu trùng (staphylococcus), đôi khi do chuỗi cầu trùng (streptococcus). Bệnh rất dễ lây.

Implant: thuốc cấy dưới da, ví dụ hóc môn, thiết bị đặt vào cơ thể. ví dụ khớp giả đặt ở gối, thấu kính plastic đặt vào mắt trong phẫu thuật mổ cườm.

Implantation: 1(sản phụ khoa) thai đậu vào tử cung 6 ngày sau khi thụ thai. 2- đặt, cấy vào cơ thể.

Impotence: (tâm lý) bất lực, tình trạng một người nam mất khả năng giao hợp, dương vật không đủ cứng để đưa vào âm đạo, hoặc không xuất tinh được. Cả hai có thể do bệnh về cơ thể như tiểu đường, hoặc do có vấn đề về tâm lý, cảm xúc.

Impulse: xung lực thần kinh.

Inanition: kiệt sức vì thiếu dưỡng chất trong máu, do đói khát, thiếu dinh dưỡng, bệnh đường ruột.

Inborn error of metabolism: sai lệch về chuyển hóa có tính cách di truyền.

Incest: loạn dâm, giao cấu với người cùng huyết tộc.

Incidence: số lượng một bệnh mới, xảy ra vào một thời kỳ nào đó, ví dụ năm 2000 có 200 trường hợp mới về ung thư vú trên 10,000 dân.

Incision: đường xẻ rạch ở da/mô trong phẫu thuật.

Incisor: răng cửa.

Incompatibility: sự bất tương hợp giữa mô, ví dụ giữa máu của hai người.

Incompetence: tình trạng các van của tim/tĩnh mạch bị tổn hại, không khép kín lại nên máu dội ngược về, ví dụ bệnh hở van hai lá của buồng tim trái (mitral incompetence).

Incontinence, urine: tình trạng nước tiểu rỉ ra không kiềm chế lại được, phụ nữ và người lón tuổi dễ mắc phải Có nhiều loại: 1-xón đái khi mang xách nặng, đi bộ lâu, cười, ho…, xảy ra cho các phụ nữ sinh đẻ nhiều nên cơ bắp sàn chậu bị yếu đi, cơ vòng quanh niệu đạo giãn ra (stress incontinence). 2- xón đái vì bọng đái căng đầy nước tiểu (overflow incontinence) do nghẽn niệu đạo, ví dụ bị phình đại tuyến tiền liệt, do tổn thương dây thần kinh kiểm soát việc tiểu tiện. 3- xón đái vì bọng đái thường bị kích thích nên go bóp nhiều (urge incontinence), xảy ra khi đi, ngồi, thay đổi vị thế.

Incoordination: (thần kinh) mất khả năng cử động nhịp nhàng, chính xác nên cử chỉ vụng về, đi đứng mất thăng bằng, do rối loạn của bất cứ phần nào của hệ thần kinh.

Incubation period: thời kỳ ủ bệnh, khoảng thời gian từ khi bị nhiễm trùng đến khi có triệu chứng đầu tiên.

Incubator: lồng ấp trong đó khí oxi, nhiệt độ, độ ẩm đèu được điều chỉnh thích hợp với tình trạng của đứa bé sinh non tháng.

Indication: (y khoa) chỉ định, ví dụ khi mất máu nhiều, sang máu là một chỉ định; ngược lại là chống chỉ định (contraindication), ví dụ thuốc Aspirin, Ibuprofen không nên dùng khi bị loét dạ dày, tá tràng.

Indigestion, dyspepsia: ăn khó tiêu, sình hơi đau bụng, đôi khi kèm thêm ợ hơi, nôn mửa.

Induction: (sản phụ khoa) gây chuyển dạ bằng cách phá vỡ túi nước ối, hoặc làm cho tử cung go bóp với thuốc ocytocin chuyền tĩnh mạch, prostaglandin đặt vào âm đạo. Lý do sử dụng: có thai quá kỳ, sản phụ bị tiền sản giật, cao huyết áp mạn tính. Trong trường hợp thất bại, phải mổ đem con ra (caesarian section).

Inertia: (sản phụ khoa) tình trạng tử cung không go bóp trong khi sinh, tiến trình sinh sẽ kéo dài ra, có thể gây nguy hiểm cho cả mẹ lẫn con.

Infantile: thuộc trẻ con.

Infantile spasms, salaam attacks: cơn động kinh của trẻ từ 3-6 tháng tuổi, có thể xảy ra nhiều lần trong ngày, rất nguy hiểm đến tính mạng.

Infantilism: nhi tính, tình trạng người trưởng thành vẫn còn có các đặc điểm về tâm lý và thể chất của trẻ con.

Infarction: (sự) chết một phần hay toàn phần của một cơ quan, vùng đó gọi là nhồi máu (infarct), xảy ra khi mạch máu chảy đến để nuôi bị tắc nghẽn vì cục máu đông tại chỗ hoặc từ nơi khác chạy đến, ví dụ ở cơ tim (myocardial infarction), ở não (cerebral infarction). Xem hình của chữ cerebrovascular accident.

Infection / infectious diseases: nhiễm trùng / bệnh nhiễm trùng.

Infection, congenital: nhiễm trùng của trẻ sơ sinh. 1- khi còn trong bụng mẹ, ví dụ nhiễm sởi Ðức (rubella), giang mai, siêu khuẩn Cytomegalovirus, HIV. 2- lúc sinh, mẹ bị viêm âm đạo, bệnh lậu mủ, nhiễm Chlamydia, Herpes, nước ối nhiễm trùng.

Infectious mononucleosis: xem chữ Glandular fever.

Inferiority complex: (tâm lý) mặc cảm thấp kém. thua sút người khác.

Infertility: vô sinh, mất khả năng thụ thai ở phụ nữ, tạo thai ở phái nam. Vô sinh nữ có nhiều nguyên nhân: buồng trứng không sản xuất trứng, vòi trứng bị tắc nghẽn, u xơ tử cung, lạc nội mạc tử cung (endometriosis), dịch cổ tử cung có kháng thể chống lại tinh trùng. Vô sinh nam phần lớn là do tinh trùng không được sản xuất ra, hoặc số lượng quá ít (vì viêm tinh hoàn, bệnh ở tuyến yên), một số là do tinh trùng quá yếu, mau chết, có hình thù khác thường, nghẹt ống dẫn tinh.

Infiltration: 1- sự xâm nhập bất thường của một chất vào tế bào, mô hay cơ quan, ví dụ tế bào ung thư, chất béo, tinh bột. 2- tiêm thuốc để gây tê cục bộ.

Inflammation: viêm, gồm các triệu chứng như nóng, sưng đỏ và đau, mất chức năng ở vùng bị bệnh, ví dụ viêm khớp.

Influenza, Flu: cúm, do siêu khuẩn gây ra, rất dễ lây truyền qua các bọt nước bắn ra khi ho hay nhảy mũi. Cúm rất nguy hiểm cho người già, bệnh tiểu đường, suyễn, suy yếu hệ thống miễn nhiễm…, họ dễ bị bội nhiễm khuẩn ở hệ hô hấp, nên cần được tiêm ngừa khi mùa đông đến.

Infusion: 1- truyền chậm vào tĩnh mạch hay dưới da thuốc hoặc dung dịch. 2- chiết xuất hoạt chất của dược thảo bằng cách ngâm vào nước sôi (giống như pha trà).

Ingestion: sự nhai, nuốt thực phẩm vào.

Inguinal / inguinal canal: thuộc bẹn / kênh nối ổ bụng với túi tinh hoàn, trong đó có ống dẫn tinh khí chạy lên.

Inguinal hernia: thoát vị bẹn, ruột non hoặc mạc nối (epiploon) sa xuống bẹn hay tinh hoàn, có thể đẩy trở vào bụng. Trường hợp nếu phần ruột bị dính vào không lên được sẽ gây đau thốn ở bẹn, nguy cơ hoại thư có thể xảy ra khi mạch máu nuôi ruột bị xoắn lại, phải giải phẫu khẩn cấp.

Inhalation: hít vào, xông hơi.

Inheritance: sự di truyền cho con cái qua gen.

Inhibition / inhibitor: 1- ức chế, ngăn lại hay làm giảm chức năng của một cơ quan do tác động của xung lực thần kinh. 2- mệnh lệnh nội tại ngăn không làm điều gì sái hoặc bị cấm đoán.

Innate: bẩm sinh, có từ khi mới sinh, do di truyền từ cha mẹ.

Innervation: (thần kinh) sự phân bổ thần kinh cho một vùng, một cơ quan của cơ thể.

Insight: (tâm lý) sự ý thức về con người, tình trạng, khả năng của mình. Bệnh nhân tâm thần phân liệt không biết là đang có bệnh cần chữa trị và giúp đỡ (lost of insight).

Insomnia: (thần kinh) mất ngủ, có thể do lo lắng thái quá về một vấn đề xảy ra; lối sống thác loạn cà phê thuốc lá, rượu bừa bãi, lười vận động; lạm dụng thuốc an thần, thuốc ngủ; bệnh tâm thần (hưng trầm cảm, lo âu, tâm thần phân liệt, già lẫn). Nhu cầu ngủ thay đổi tùy từng cá nhân, người ngủ ít vài tiếng là đủ, người khác cần đến 10 tiếng mỗi đêm. Phẩm chất của giấc ngủ mới là điều đáng chú ý đến.

Inspiration: hít vào, thở vào.

Instinct: (tâm lý) bản năng, một mẫu hình phức tạp về cư xử hành động đã được định sẵn từ lúc mới sinh. Nhu cầu ăn uống, bài tiết, yêu thương, tình dục và nhất là sinh tồn là những hình thức của bản năng.

Insulin: hóc môn do tế bào tiểu đảo Langherhans của tụy tạng sản xuất để điều hòa lượng đường trong máu. Thiếu nó sẽ gây ra bệnh tiểu đường.

Intelligence quotient, IQ: (tâm lý) thương số thông minh, một chỉ số về phát triển trí tuệ. Trung bình = 90-110, dưới 65 là chậm phát triển trí tuệ, trên 145 là có năng khiếu đặc biệt

Intelligence test: (tâm lý) trắc nghiệm thông minh, thường dùng vào mục đích chẩn đoán tình trạng dưới bình thường và đánh giá sự tổn hại của trí tuệ.

Intercostal muscles: cơ bắp giữa các xương sườn, gồm hai lớp: lớp ngoài nâng xương sườn lên khi thở vào, lớp trong kéo xương sườn lại với nhau khi thở ra.

Interferon: một nhóm chất đạm tự nhiên tế bào sản xuất ra khi bị nhiễm siêu khuẩn để ngăn sự sinh sản và tiêu diệt chúng. Thuốc bào chế dùng tiêm hoặc bơm mũi, chữa các bệnh viêm gan vì siêu khuẩn B và C, chống lại các loại siêu khuẩn trong trường hợp suy yếu hệ thống miễn nhiễm, chữa một vài loại ung thư da khi bị bệnh Aids.

Intermittent claudication: xem chữ claudication.

Intermittent fever: sốt từng cơn, cơn sốt phát ra, hạ xuống rồi trở lại, ví dụ trong bệnh sốt rét.

Intersex: người mà bộ phận sinh dục có đặc điểm của cả hai phái.

Interstitial cystitis: viêm bọng đái không do nhiễm khuẩn, gây đau bụng dưới, hay buồn tiểu, về sau bọng đái có thể bị teo nhỏ lại.

Intervertebral disk: xem chữ disk, intervertebral.

Intestinal obstruction: tắc ruột, triệu chứng là đau bụng, bụng căng sình, không đánh rắm và ỉa được. Nguyên nhân: thoát vị ruột bị thắt (strangulated hernia), ruột lồng vào nhau (intussusception), xoắn ruột (volvulus), u bướu ruột, phân đóng cục cứng (impacted faeces).

Intestine, bowel, gut: ruột, một phần của cơ quan tiêu hóa, đi từ dạ dày xuống hậu môn, gồm ruột non và ruột già. Ruột non gồm tá tràng (duodenum), hỗng tràng (jejunum), hồi tràng (ileum), và là nơi xảy ra hầu hết các tiến trình tiêu hóa và hấp thụ thức ăn. Ruột già chia ra làm nhiều đoạn: manh tràng (caecum) nối với đoạn chót của ruột non, ruột già lên, ngang và xuống, trực tràng và hậu môn. Ruột già liên quan phần lớn đến việc hấp thụ nước trong các chất từ ruột non chuyển sang.

Intoxication: ngộ độc do nuốt phải bất cứ chất độc nào, kể cả rượu và kim loại nặng.

Intracytoplasmic sperm injection, ICSI: (sản phụ khoa) kỹ thuật thụ thai trong đĩa nghiệm, tiêm thẳng tinh trùng vào trứng, rồi khi thụ thai đặt vào tử cung. Áp dụng trong các trường hợp tinh trùng có ít, không di động, kết quả đạt được khoảng 30%.

Intrauterine insemination: (sản phụ khoa) xem chữ artificial insemination.

Intrauterine contraceptive device, ICUD: vòng đặt vào tử cung để ngừa thai, làm bằng plastic hoặc kim khí, có loại chứa thêm thuốc ngừa thai, tác dụng là ngăn ngừa bào thai đậu vào tử cung. Phụ chứng: đau trằn bụng dưới, đau lưng, có kinh ra nhiều huyết, thai ngoài dạ con. Kết quả ngừa thai đạt đến 95%.

Intravenous urogram, IVU: chụp Xquang bộ phận tiết niệu (thận, niệu quản, bọng đái) với chất cản quang tiêm vào tĩnh mạch.

Intrinsic factor: chất do dạ dày tiết ra, cần cho sự tiếp thu vitamin B12. Thiếu vitamin này sẽ đưa đến chứng thiếu máu ác tính.

Introversion / introvert: (tâm lý) sự hướng về nội tâm / người sống về nội tâm.

Intubation: đưa ống vào trong một bộ phận của cơ thể với mục đích chẩn đoán hay chữa trị.

Intussusception: ruột lồng vào ruột, thường xảy ra cho trẻ con dưới 4 tuổi. Triệu chứng: đau bụng, bụng căng lên, phân có nhớt đỏ. Nếu không được chữa trị kịp thời, mạch máu của phần ruột lồng sẽ bị tắc nghẽn, có thể đưa đến thối phần đó và chết.

In vitro fertilisation, IVF: (sản phụ khoa) thụ thai trong đĩa nghiệm, kết quả đầu tiên trên thế giới là cô bé Louise Brown sinh ra đời năm 1978 tại VQ Anh. Kỹ thuật như sau: 1-tiêm thuốc cho người phụ nữ để buồng trứng sản xuất ra nhiều trứng. 2- soi ổ bụng lấy ra một số trứng. 3- cho tinh khí và trứng chung trong đĩa nghiệm. 4- khi thụ thai, đặt tối đa hai phôi vào tử cung, các phôi khác để dành lại cho lần kế nếu thất bại. Kết quả đạt được là từ 20- 25%. Một phương pháp khác là đặt phôi thẳng vào vòi trứng để sau đó phôi di chuyển xuống đậu ở tử cung (zygote intrafallopian transfer, ZIFT).

In vitro / in vivo: mô tả hiện tượng sinh học tạo ra bên ngoài cơ thể, thường là trong ống nghiệm./ hiện tượng sinh học diễn tiến bên trong cơ thể.

Involutional melancholia: (tâm thần) u sầu buồn chán trầm trọng, xảy ra lần đầu tiên cho cả hai phái từ 50-60 tuổi. Bệnh nhân có hoang tưởng phạm tội nặng, đôi khi cho là thế giới này không còn hiện hữu nữa, sức khoẻ chóng suy sụp.

Iridocyclitis: viêm mống mắt và thể mi.

Iris / iritis: mống mắt, nằm phía trước thủy tinh thể, có một lỗ mở ở giữa gọi là đồng tử (con ngươi). Mống mắt điều chỉnh ánh sáng đi vào, khi nhiều thì đồng tử co lại và khi ít thì nở ra. / viêm mống mắt.

Iron: sắt, một phần thiết yếu trong sự chuyên chở khí oxi đi khắp thân thể, có nhiều trong thịt, gan. Thiếu sắt sẽ dẫn đến chứng thiếu máu (iron-deficiency anaemia).

Irradiation: chiếu xạ, dùng các bức xạ điện từ, thường là tia alpha, beta, gamma hoặc tia X, chiếu vào một bộ phận của cơ thể để trị bệnh.

Irritable: dễ bị kích thích.

Irritable bowel syndrome, IBS: hội chứng ruột bị kích thích, một rối loạn của chức năng tiêu hóa kéo dài lâu ngày. Triệu chứng: đại tiện nhiều, mỗi ngày 3 lần hay hơn, hoặc ít, dưới 3 lần mỗi tuần, phân ra khi đặc khi lỏng và có đàm nhớt, sình hơi, đau bụng, nôn mửa. Nguyên nhân chưa rõ, chỉ biết là lo âu, tinh thần căng thẳng, ruột bị nhiễm khuẩn…tạo điều kiện cho chứng bệnh phát sinh.

Ischaemia: thiếu máu cục bộ, do mạch máu nuôi dưỡng một cơ quan bị tắc nghẽn, ví dụ cơ tim, não. Xem chữ infarction.

Itch: ngứa.

-itis: tiếp vĩ ngữ chỉ viêm ở một cơ quan/mô, ví dụ arthritis = viêm khớp.

[collapse]

J

Jacksonian epilepsy: (thần kinh) một loại động kinh khởi phát từ ngón cái lên bàn tay, cánh tay rồi mặt.

Jamais vu: (thần kinh) chữ Pháp, chỉ một triệu chứng của động kinh do hư hại ở vỏ não vùng thái dương, bệnh nhân có cảm tưởng như chưa bao giờ thấy những gì quanh mình, mặc dù trước đó rất quen thuộc.

Jaundice: vàng da và mắt do sắc tố mật bilirubin có quá nhiều trong máu, gồm 3 loại: 1 vàng da do tắc ống dẫn mật (obstructive jaundice), ví dụ sạn mật. Nước tiểu màu vàng đậm, phân màu trắng nhạt, ngứa ngáy khắp người. 2 vàng da do tế bào gan bị viêm (hepatocellular jaundice) nên không sử dụng bilirubine được, chất này sẽ tích tụ trong máu. Nước tiểu đậm nhưng phân có màu bình thường. 3 vàng da do hồng cầu bị vỡ quá nhiều, giải phóng một số lớn bilirubine. Nước tiểu và phân có màu bình thường.

Jaw: xương hàm, gồm xương hàm trên (maxilla) và xương hàm dưới (mandible).

Jealousy, morbid: (tâm thần) chứng ghen tương có tính bệnh hoạn, cho rằng người hôn phối của mình không trung thành, xảy ra trong rối loạn nhân cách, bệnh trầm buồn, tâm thần phân liệt loại có hoang tưởng, nghiện rượu nặng, hư hại một bộ phận của não.

Jejunum / jejunal biopsy: hỗng tràng, phần ruột non nối tá tràng với hồi tràng (xem chữ intestine). Rối loạn ở đây có thể là bệnh không hấp thụ chất gluten có trong bột mì (gluten enteropathy, caeliac disease), bệnh Crohn, u bạch huyết lymphoma./ cắt một mẩu niêm mạc hỗng tràng để định bệnh.

Jerk: (sự) giật cơ.

Jet lag: tình trạng xáo trộn giấc ngủ, kèm với uể oải, mất năng lực về thể chất/tinh thần, do di chuyển bằng máy bay đến những nơi khác múi giờ. Thường xảy ra nhiều khi đi về hướng đông, ví dụ về Việt Nam, hơn là hướng tây, ví dụ đi Mỹ. Ðể phòng ngừa, trên máy bay nên uống nhiều nước, cữ rượu, ăn thức ăn nhẹ; vào các ngày trước khi đi về hướng đông nên ngủ sớm, ngược lại nếu đi về hướng tây, nên ngủ muộn một chút.

Joint: khớp xương.

Jugular vein: tĩnh mạch ở cổ.

Juxta-: tiếp đầu ngữ chỉ sự cận kề, gần sát, ví dụ juxta-articular = cận khớp xương.

[collapse]

K

Kaposi’s sarcoma: một loại ung thư da, gồm nhiều u nhỏ màu đỏ đậm ở chân, tay, lưng, xảy ra cho bệnh nhân bị Aids.

Karyotype: 1- bộ nhiễm sắc thể của con người, chỉ dẫn số lượng cùng cấu trúc của nhiễm sắc thể. 2- biểu đồ của nhiễm sắc thể.

Keloid: sẹo lồi.

Kerato-: tiếp đầu ngữ chỉ: 1- giác mạc. 2- chất sừng cứng, đặc biệt là ở da.

Keratitis: viêm giác mạc do vi khuẩn, do các yếu tố vật lý, hóa học gây ra.

Keratoconjunctivitis: viêm giác mạc và kết mạc, thường do siêu khuẩn.

Keratoconjunctivitis sicca: chứng khô kết giác mạc, xảy ra trong một số bệnh về hệ thống miễn nhiễm.

Keratoconus: giác mạc hình chóp do yếu bẩm sinh ở trung tâm giác mạc, người mắc phải thấy hình ảnh vật thể bị méo mó. Chữa trị: ghép giác mạc.

Keratomalacia: chứng nhủn (mềm) giác mạc, do thiếu vitamin A, có thể gây mù nếu không được chữa trị.

Kernicterus: chứng xảy ra cho trẻ con, gồm vàng da, cổ và lưng ưởn lên. Nguyên nhân: sắc tố bilirubin từ hồng cầu vỡ ra quá nhiều gây hư hại hạch đáy (basal ganglia) của não bộ, có thể đưa đến tử vong. Nếu sống sót, đứa bé có nhiều dư chứng như liệt tứ chi, điếc, mù, khó khăn trong sự phát âm.

Ketoacidosis: độ a xít máu tăng lên do quá nhiều chất ketone, thường xảy ra trong bệnh tiểu đường.

Ketone: hợp chất hữu cơ, sản sinh trong chuyển hóa của chất béo, gồm acetoacetic acid, acetone, betahydroxy-butyrate.

Keyhole surgery: phẫu thuật cắt một đường nhỏ trên cơ thể rồi đưa ống soi và dụng cụ mổ vào. Áp dụng trong cắt túi mật, ruột thừa, phá vỡ sạn thận, mổ các cơ quan sinh dục phụ nữ…

Kidney: thận, gồm 2 quả nằm phía sau lưng, hai bên xương sống. Bên ngoài là lớp vỏ, trong là tủy, nước tiểu tiết vào bể thận rồi chảy xuống niệu quản (ureter) mỗi giờ 60 mililít, 1.5 lít mỗi ngày. Cơ cấu sinh lý của thận là ống sinh niệu (nephron) gồm những mạch máu và ống dẫn tiểu li ti. Thận có nhiều vai trò: 1- lọc các chất cặn bã trong máu, đặc biệt là urea. 2- kiểm soát sự quân bình a xít-kiềm của cơ thể. 3- tạo ra hóc môn erythropoietin điều hành sản xuất hồng cầu. 4- khi huyết áp xuống thấp, ví dụ bị mất nhiều máu, men renin của thận làm co hẹp mạch máu để tăng huyết áp lên.

Kidney biopsy: lấy một mẩu thận để xét nghiệm bằng cách dùng kim đâm xuyên qua da vào thận để hút ra, hoặc mổ thận.

Kidney cancer: ung thư thận, gồm 3 loại: 1- Renal cell carcinoma, tên khác là hypernephroma; triệu chứng là đái ra máu, sốt, đau bên hông, u bướu sờ thấy ở bụng, 25% bệnh nhân sống trên 5 năm sau khi mổ. 2- Nephroblastoma, còn có tên là Wilms tumour, thường xảy ra cho trẻ con dưới 3 tuổi, 75% sống sót nếu được chữa trị sớm. 3- Transitional cell carcinoma, ung thư ở tế bào bể thận; hút thuốc, uống thuốc giảm đau trong nhiều năm là những yếu tố tạo điều kiện cho ung thư loại này phát sinh.

Kidney failure: suy thận, thận giảm khả năng trong việc lọc và đào thải các chất dơ của máu, kiểm soát nước và muối của cơ thể, điều hòa huyết áp. Hậu quả là u rê và các chất phế thải khác tăng cao, rối loạn về điện phân (electrolytes) của máu. Có hai loại: 1 Suy cấp tính, xảy ra trong trường hợp bị sốc nặng, ví dụ mất nhiều máu, phỏng da trầm trọng, kích tim, viêm tụy tạng cấp tính, viêm mạch máu li ti của thận, hồng cầu bị vỡ hàng loạt, tắc nghẽn dòng tiểu vì sạn, vì u bướu v.v. Triệu chứng: nước tiểu dưới 400ml mỗi ngày, khó thở, nôn mửa, người lừ đừ. Cần được xử lý gấp, tiên liệu nói chung là tốt. 2 Suy mạn tính, xảy ra đối với những trường hợp gây tổn hại dần dần quả thận: cao huyết áp; tiểu đường; thận đa nang; tắc nghẽn dòng tiểu do sạn, phì đại tuyến tiền liệt, u bướu; uống thuốc giảm đau liều cao và nhiều năm. Triệu chứng: buồn nôn, kém ăn, yếu trong người, sút cân, nhức đầu. Biến chứng gồm huyết áp tăng lên, thiếu máu, nhuyễn xương (osteomalacia), đau cơ bắp và dây thần. Việc chữa trị gồm chữa căn nguyên, bớt ăn chất đạm, ăn lạt, lọc thận, thay thận.

Kidney function tests: các thử nghiệm về chức năng của thận.

Kidney imaging: chụp hình thận. Có nhiều phương cách: siêu âm, chụp Xquang thường, chụp Xquang sau khi tiêm thuốc cản quang vào tĩnh mạch (intravenous urography, IVU), CT, MRI, Radionuclide scanning.

Kidney, polycystic: thận đa nang, một bệnh di truyền, tế bào thận dần dần bị hư hại đưa đến cao huyết áp và suy thận. Triệu chứng: u bướu và đau ở bụng, đái ra máu. Chữa trị bằng cách lọc máu, thay thận.

Kidney, stone: sạn thận, một số lớn không rõ nguyên nhân. Có thể là cơ thể thiếu nước vì uống không đủ nước khi trời nóng và phải làm việc ra nhiều mồ hôi; thực phẩm có nhiều oxalic acid như cây rhubarb, rau dền, các loại rau xanh, cà phê trong trường hợp sạn oxalate; rối loạn chuyển hóa của tuyến cận giáp (parathyroid) trong sạn nhiều calcium; nhiễm khuẩn đường tiểu gây ra sạn có nhiều ammonium phosphate; bệnh gút (gout), sạn gồm uric acid. Chữa trị: mổ lấy sạn; làm nát sạn (lithotripsy) bằng siêu âm, bằng làn sóng chấn động bên ngoài chiếu vào (extracorporeal shock wave lithotrypsy, ESWL, xem chữ lithotrypsy). Không phức tạp lắm so với ghép tạng khác, và nếu thất bại, bệnh nhân có thể được lọc máu trở lại hoặc ghép lần thứ hai. Tỷ lệ thành công: 80% và 90% nếu là thận của thân nhân cùng huyết thống hiến tặng. Sau khi ghép phải uống thuốc chống thải bỏ suốt đời.

Keptomania: (tâm thần) chứng hay ăn cắp vặt, nhưng không dùng đến các vật đánh cắp được, đôi khi xảy ra trong bệnh trầm cảm.

Klinefelter’s syndrome: hội chứng do bất thường về nhiễm sắc thể, xảy ra cho nam giới. Họ có thừa một nhiễm sắc thể X (XXY thay vì XY), thân người gầy và cao lêu nghêu, tinh hoàn nhỏ và vú to như đàn bà, trí tuệ chậm phát triển.

Knee joint replacement: thay khớp gối bị viêm xương khớp (osteoarthritis) không trị dứt được với thuốc, bằng bộ phận giả mổ lắp vào.

Koilonychia: tình trạng móng tay/ chân dòn, dễ gẫy, lõm xuống, thường xảy ra cho những ai thiếu chất sắt trong cơ thể.

Korsakoff’s psychosis: (tâm thần) chứng mất trí nhớ về những gì mới xảy ra, mất định hướng về thời gian và không gian, hay đặt chuyện để khỏa lấp những gì mình đã quên. Nguyên nhân: hư hại não bộ vì thiếu vitamin B1, thường xảy ra cho người nhgiện rược nặng.

Kraurosis: xơ teo, có thể xảy ra ở âm hộ của các bà lớn tuổi (kraurosis vulvae).

Krukenberg tumour: (sản phụ khoa) ung thư buồng trứng thứ phát, từ ung thư dạ dày, ruột di căn đến.

Kwashiorkor: hội chứng thiếu dinh dưỡng trầm trọng ở trẻ con dưới 3 tuổi. Người chúng lừ đừ, yếu mệt, chân tay sưng, tóc rụng và đổi màu, da đôi khi tróc từng mảng, gan to lên, dễ bị nhiễm khuẩn.

Kyphoscoliosis: gù và vẹo cột sống.

Kyphosis: gù cột sống.

[collapse]

L

Labia: (sản phụ khoa) mép của âm hộ, gồm mép lớn (labia majora) và mép nhỏ (labia minora).

Labour: (sản phụ khoa) cuộc đẻ.

Ladyrinth: mê đạo, một phần của tai trong gồm tiền đình (vestibule), kênh bán nguyệt (semicircular canals) có vai trò giữ thăng bằng cho cơ thể, và ốc tai (cochlear) đặc trách về nghe. Trong mê đạo có chứa đầy dịch. Xem chữa ear.

Lacrimal apparatus: cơ cấu tiết và dẫn lệ. Nước mắt từ tuyến lệ (lacrimal gland) tiết ra sẽ chảy qua các lỗ nhỏ ở góc phía trong vào hai kênh lệ (canaliculus), kế đó qua túi lệ (lacrimal sac) rồi ống dẫn lệ (nasolacrimal duct) để xuống mũi. Tắc trít ống dẫn lệ có thể đưa đến chứng viêm sưng túi lệ (dacryocystitis).

Lacrimation: sự sản sinh ra nhiều nước mắt.

Lactase: một loại men do các tuyến của ruột non tiết ra, giúp tiêu hóa đường trong sữa. Thiếu men này uống sữa vào hay bị tiêu chảy.

Lactation: sự tiết sữa.

-lalia: tiếp vĩ ngữ liên quan đến lời nói, ngôn ngữ.

Lanugo hair: lông tơ, có ở trẻ sinh thiếu tháng, ở bệnh nhân ung thư, bệnh chán ăn tâm thần (anorexia nervosa).

Laparoscopy: soi ổ bụng với dụng cụ luồn qua một đường xẻ nhỏ ở bụng.

Laparotomy: phẫu thuật mở bụng để tìm nguyên nhân của một chứng bệnh chưa được chẩn đoán, hoặc để mở đầu cho cuộc mổ lớn.

Laryngeal nerve: (thần kinh) thần kinh thanh quản, gồm hai dây. Liệt một hoặc cả hai dây làm mất tiếng nói, đôi khi gây nghẹt thở.

Laryngectomy: cắt bỏ một phần/toàn phần thanh quản.

Laryngitis: viêm thanh quản và các dây thanh âm do khuẩn, siêu khuẩn, dị ứng dược phẩm, hút thuốc lá, nói nhiều. Dây này mất tính rung động vì sưng lên, nên làm giọng nói trở nên khàn, bệnh nhân bị khó thở, tiếng nói như còi thổi. Trẻ con mắc phải có thể bị nghẹt thở. Nên giữ phòng ngủ ấm và có ẩm độ cao, hít hơi nước nóng trong 15-20 phút mỗi 2-3 giờ, tránh khí lạnh và sương mù, tuyệt đối cữ thuốc lá và ngưng nói một thời gian.

Laryngology / laryngologist: môn học về các bệnh của thanh quản / bác sĩ chuyên khoa môn này.

Laryngoscopy: soi thanh quản, trực tiếp với dụng cụ đặc biệt hoặc gián tiếp với đèn rọi và kính phản chiếu cho vào họng.

Laryngospasm: co thắt thanh quản, làm tắc đường khí vào phổi, có thể xảy ra trong phản ứng dị ứng.

Laryngotomy: thủ thuật mở khẩn cấp phía dưới thanh quản giúp bệnh nhân thở khi bị tắc trít tại thanh quản hay ở phía trên.

Laryngotracheo-bronchitis: viêm thanh-khí-phế quản, một trường hợp nặng do nhiễm siêu khuẩn, khuẩn, đặc biệt là khuẩn bạch hầu (diphteria) gây viêm tắc thanh quản (croup). Bệnh thường xảy ra cho trẻ con.

Larynx: thanh quản, cơ quan có nhiệm vụ phát âm và dẫn không khí từ họng đến phổi. Thanh quản ở phía trước cổ và trên khí quản, bên trong có một đôi dây thanh âm (vocal cords) để phát âm.

Larynx, cancer of: ung thư thanh quản, nguyên nhân không rõ, nhưng thường xảy ra cho người hút thuốc và uống rượu nhiều. Triệu chứng chính là khàn giọng nếu ung thư phát sinh trước tiên ở dây thanh âm. Một số ung thư phát triển tại nơi khác của thanh quản không có triệu chứng gì đặc biệt cho đến khi lan rộng ra, gây cảm giác nghèn nghẹn ở họng, khó thở, nuốt khó, ho ra máu. Sự chữa trị đem lại kết quả khả quan khi ung thư còn nhỏ, bác sĩ xử lý bằng xạ trị hoặc với tia laser. Nếu ung thư quá lớn, phẫu thuật cắt một phần hay toàn phần thanh quản sẽ được áp dụng; và khi đã lan ra vùng xung quanh, bệnh nhâ sẽ được chữa trị bằng xạ trị và thuốc chống ung thư, nhưng tiên liệu rất xấu.

Laser: chữ viết tắt của Light amplification by stimulated emission of radiation, thiết bị phát ra một luồng ánh sáng tập trung nhiều năng lượng cao. Dùng trong kỹ nghệ, các ngành hóa học, trong y khoa chữa các bệnh mắt, ngoài da, mũi, họng, các chứng đau v.v.

Lavage, gastric: rửa, súc dạ dày, thường là để tống, tẩy ra ngoài các chất độc uống vào.

Laxative drugs: thuốc nhuận trường.

Lead poisoning: nhiễm độc chì, ở trẻ con do liếm/ăn lớp sơn có nhiều chì, người lớn là những công nhân làm việc tại các xưởng nấu chì, làm bình điện, ngửi xăng có chất chì. Triệu chứng: đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy, liệt cơ và co giật. Trong ngộ độc mạn tính, nướu răng có màu xanh nhạt, tổn hại dây thần kinh ngoại biên, thiếu máu.

Learning difficulties, Learning disability: (tâm thần) khó khăn trong sự học biết, tiếp thu lời chỉ dạy, do chậm phát triển trí tuệ, trở ngại trong việc đọc, viết và làm tính (dyslexia), hoặc do tổn hại về thể chất như điếc, kém thị giác, khó phát âm.

Legionnaires disease bệnh cựu chiến binh, tên gọi như vậy vì căn bệnh xảy ra cho các cựu chiến binh Mỹ khi họ đại hội tổ chức tại Pensylvania năm 1976. Nguyên nhân: nhiễm khuẩn trong hơi nước của máy điều hòa không khí, trong nước bồn tắm. Triệu chứng: sốt cao, khó thở, đau nhức cơ bắp, chức năng thận bị ảnh hưởng.

Leiomyosarcoma: u ác tính cơ trơn, thường thấy ở tử cung, dạ dày, ruột non, bọng đái.

Lens: (mắt) 1- thủy tinh thể. 2- thấu kinh.

Lentigo: vết chàm ngoài da màu nâu/đen do hắc tố melanin tụ lại, thường thấy ở người già, có thể phát triển thành một loại ung thư da (melanoma).

Leprosy, Hansen’s disease: bệnh cùi (hủi) thể hiện ở da và gây ảnh hưởng đến dây thần kinh, lây truyền qua tiếp xúc trực tiếp. Thời kỳ ủ bệnh là từ 1-30 năm.

Leptospirosis: bệnh do khuẩn hình xoắn truyền từ chuột sang người, nhất là những ai phải làm việc thường xuyên tại các nơi có nhiều động vật này, ví dụ cống rảnh. Triệu chứng: sốt cao độ, đau cơ bắp, nhức đầu, vàng da, suy thận.

Lesbianism: (tâm lý) đồng tính luyến aí nữ, đàn bà yêu thương, làm tình với nhau. Họ tìm sự khoái lạc tình dục bằng cách thủ dâm, sờ soạn âm vật của nhau, khẩu giao v.v.

Lesion: thương tổn, một vùng của cơ thể bị suy giảm chức năng vì bệnh, vì chấn thương.

Lethargy: (tinh thần) cảm giác mệt mỏi về thể chất và tinh thần.

Leucocyte: bạch cầu, gồm 3 loại: bạch cầu hạt (granulocytes), lymphô bào (lymphocytes) và bạch cầu đơn nhân (monocytes). Bạch cầu giúp cơ thể chống lại các vật lạ xâm nhập vào, ví dụ khuẩn, và sản xuất ra kháng thể.

Leucocytosis / leucopenia: tăng bạch cầu trong máu / giảm bạch cầu trong máu.

Leucoplakia: chứng bạch sản, mảng trắng dày mọc ở niêm mạc miệng, âm hộ, do sự tăng sinh của mô ở đấy. Một số trường hợp là do hút thuốc, uống rượu quá độ, số khác do nhiễm khuẩn. Ðôi khi bạch sản có thể trở thành ác tính.

Leucorrhoea: (sản phụ khoa) huyết trắng, chất tiết từ âm đạo ra, màu tắng hay vàng nhạt. Số lượng nếu nhiều có thể do nhiễm đơn bào Trichomonas vaginalis.

Leukaemia: ung thư máu, do tủy xương và các cơ quan tạo máu khác sản xuất quá nhiều bạch cầu còn non hoặc có hình dạng bất thường. Hệ quả là sự sản xuất hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu bình thường gặp trở ngại, nên bệnh nhân dễ bị nhiễm khuẩn, thiếu máu, máu khó đông lại khi bị thương, gan, lách và các hạch sưng to. Ung thư được phân theo loại bạch cầu tăng sinh bất thường, ví dụ ung thư lymphô bào, ung thư bạch cầu hạt, và theo độ cấp hoặc mạn tính.

Libido: (sự) hứng tình, dục tình.

Lichen: bệnh ngoài da gồm những vệt tròn và cứng nằm gần bên nhau.

Ligament: dây chằng, một băng mô cứng màu trắng, nối hai xương với nhau, tăng cường khớp thêm vững chắc, giới hạn sự di động của khớp về một hướng nào đó.

Ligation: thắt, buộc (mạch máu, vòi trứng…).

Lignocaine: một loại thuốc gây tê.

Limbic system: (thần kinh) hệ viền nằm sâu trong não, có vai trò trong chức năng hô hấp, điều hòa thân nhiệt, cảm xúc, trí nhớ, tình dục, cơn đói và khát. Hư hại do bệnh ở não, chấn thương đầu. Bệnh nhân hay chợt cười chợt khóc, hung hăng hoặc thờ ơ lãnh đạm, buồn chán, lo âu sợ sệt.

Liniment: dầu xoa bóp.

Lipid: chất dầu và mỡ, gồm Triglycerides, Phospholipids (có trong tế bào thần kinh) và Cholesterol.

Lipoma: u lành tính gồm những tế bào mỡ.

Lipoprotein: một hợp chất đạm và mỡ, dùng chuyên chở một số chất béo, ví dụ cholesterol, trong máu. Có loại hợp chất tỷ trọng thấp (low density lipoprotein, LDL) không tốt cho cơ thể nếu số lượng quá cao, và hợp chất tỷ trọng cao (high density lipoprotein, HDL) tốt cho sức khoẻ.

Lithotomy: mổ lấy sạn đường tiểu.

Lithotrypsy: làm nát sạn thận thành mảnh vụn nhỏ bằng cách: 1- dùng sóng siêu âm với dụng cụ đưa xuyên qua da và thận đến hòn sạn (percutaneous lithotrypsy). 2- dùng làn sóng chấn động từ ngoài chiếu vào sạn (extracorporeal shock wave lithotrypsy, ESWL).

Liver: gan, nằm dưới hạ sườn phải, nặng 1,200-1,600g, gồm 4 khối. Thức ăn đã tiêu hóa được chuyển lên gan qua tĩnh mạch chủ gan (hepatic portal vein). Gan có nhiều nhiệm vụ quan trọng: 1- sản xuất chất đạm như albumin để điều hòa sự trao đổi nước giữa máu và tế bào; complement có vai trò miễn nhiễm; các yếu tố giúp đông máu khi bị chảy máu; globin của sắc tố hemoglobin trong máu. 2- sản xuất mật và cholesterol. 3- chuyển hóa glu cốt thành glycogen, hoặc glycogen trở lại thành glu cốt tùy theo nhu cầu của cơ thể. 4- điều hòa aminoacids, một chất đạm trong máu, biến các phần dư thừa thành ammonia và u rê để thải ra ngoài nước tiểu. 5- hóa giải các chất độc.

Liver abscess: mủ tụ trong gan, do nhiễm khuẩn, do đơn bào amoeba.

Liver biopsy: rút một mẩu nhỏ của gan để xét nghiệm, dùng kim đâm xuyên qua dưới sườn bên phải.

Liver cancer: ung thư gan, gồm ung thư nguyên thủy và thứ phát. Ung thư nguyên thủy có hai loại: ung thư tế bào gan và ung thư ống dẫn mật (cholangiocarcinoma). Ung thư thứ phát thường là từ ung thư dạ dày, tụy tạng, đại tràng di căn lên. Ðịnh bệnh bằng siêu âm, rút một mẩu nhỏ ở gan để xét nghiệm tế bào, thử máu đo lượng alphafetoprotein.

Liver disease, alcoholic: tổn hại gan do rượu, gồm nhiều mức độ: mỡ đóng ở gan, nếu kịp thời ngưng.uống, gan có thể trở lại bình thường; viêm mạn tính sẽ tiến triển đến xơ gan.

Liver failure: suy gan, do viêm gan cấp tính, do chai gan giai đoạn cuối. Bệnh nhân ăn uống khó tiêu, bụng sình và có nước, người lừ đừ rồi lơ mơ và hôn mê.

Lobe: thùy, một vùng phân chia của một cơ quan, ví dụ thùy não, gan, phổi.

Lockjaw: hàm trên và dưới cắn chặt nhau, khó há mồm ra, có trong bệnh uốn ván.

 Locomotor ataxia: mất điều hòa vận động.

-logy, -ology: tiếp vĩ ngữ chỉ một ngành học, ví dụ biology = sinh vật học.

Longsightedness (hypermetropia): viễn thị.

Lordosis: cột sống cong về trước, nhất là ở thắt lưng, có thể đưa đến trồi đĩa sụn, viêm xương khớp (osteoarthritis).

Lotion: dung dịch dùng rửa/ tắm.

Louse: rận, rệp, chí (số nhiều = lice).

LSD, lysergic acid diethylamide: (thần kinh) thuốc gây hư giác (hallucination) và ảo tưởng (illusion) cùng nhiều phụ chứng khác như choáng váng, đổ nhiều mồ hôi, run tay chân, sợ hoảng

Lucid interval: (thần kinh) thời gian tỉnh lại sau khi hôn mê vì bị chấn thương sọ não, rồi hôn mê trở lại. Ðây là triệu chứng máu đông cục tụ bên ngoài vỏ cứng màng não (extradural haemorrhagia), cần phải can thiệp giải phẫu gấp.

Ludwig’s angina: viêm sàn miệng do nhiễm khuẩn, cổ sưng to lên. Nếu không chữa trị có thể bị tắc thở, phải thông khí quản.

Lumbago: đau ở thắt lưng. Nếu đau nhiều và phát sinh đột ngột, có thể là do sụn giữa hai đốt sống trồi ra, do cơ bắp hay dây chằng dọc cột sống bị căng kéo.

Lumbar: liên quan đến vùng thắt lưng.

Lumbar puncture: chọc kim rỗng vào giữa hai đốt sống thắt lưng rút dịch não tủy ra, để định bệnh.

Lung: phổi, một cơ quan có tính đàn hồi, nở ra và ép xuống do chuyển động của khung sườn và cơ hoành trong khi thở, thông ra ngoài họng qua khí quản. Khí quản chia làm hai phế quản (bronchus) vào hai lá phổi, tiếp theo là nhiều tiểu phế quản (bronchiole) và tận cùng là phế nang (alveoli), nơi trao đổi khí: oxi trong không khí được hấp thụ và carbon dioxide (CO2) trong máu mao mạch phổi được phóng thích để thở ra ngoài. Dung tích toàn bộ của phổi ở người trưởng thành phái nam là 5.5lít, nhưng khi thở bình thường chỉ có khoảng 500ml không khí tham dự vào việc trao đổi. Các chức năng khác của phổi gồm sự bốc hơi nước, một yếu tố quan trọng trong quân bình dịch và điều hòa nhiệt của cơ thể.

Lung cancer: ung thư phổi, phát ra ở phế quản hay trong phổi. Thuốc lá, không khí ô nhiễm vì khói kỹ nghệ là những yếu tố tạo điều kiện để ung thư phát triển. Chữa trị gồm phẫu thuật cắt bỏ phổi hay thùy phổi bị ung thư (20% ca có thể chữa khỏi), xạ trị hay hóa trị.

Lupus erythematous, LE: lupus ban đỏ, bệnh viêm mạn tính mô liên kết, thể hiện ở da và nhiều cơ quan khác trong cơ thể. Tại da là vết đỏ tròn trên mặt/da đầu (discoid lupus erythematous), hoặc vết đỏ có vảy nhỏ hình cánh bướm ở má và mũi. Trong trường hợp nặng (systemic lupus erythematous, SLE), các cơ quan khác bị ảnh hưởng như viêm khớp, thận hư hại dần, tim, phổi, hệ thần kinh. Lupus ban đỏ là một bệnh tự miễn (autoimmune disease), định bệnh bằng cách tìm kháng thể bất thường trong máu (kháng thể DNA và antiDNA). Chữa trị với thuốc corticosteroid, thuốc chống hệ miễn nhiểm.

Lupus vulgaris: một loại bệnh lao da, do khuẩn lao xâm nhập thẳng vào da, tạo những nốt đỏ ở mũi hoặc má, và có thể loét ra nếu không được chữa trị.

Luteinising hormone (LH, interstitial cell stimulating hormone, ICSH): hóc môn của tuyến yên, kích thích sự rụng trứng, biến chuyển ổ trứng thành hoàng thể (corpus luteum), tổng hợp hóc môn progesterone ở buồng trứng, và hóc môn nam tại tinh hoàn.

Lyme disease: bệnh do khuẩn xoắn gây ra, truyền bởi một loại ve (tick). Triệu chứng: da nổi đỏ, sốt, nhức đầu, cứng ở cổ, đau cơ bắp và khớp, nhất là khớp gối. Chữa trị với kháng sinh Tetracycline hoặc Penicillin.

Lymph: bạch huyết, lưu thông trong mạch bạch huyết, thành phần giống như huyết tương (plasma) nhưng ít chất đạm hơn, chứa lymphô bào sản xuất kháng thể. Bạch huyết chảy xuyên qua các hạch (lymph node) rồi trở về hệ thống tuần hoàn máu.

Lymphadenitis: viêm hạch bạch huyết, hạch sưng đau và mềm ra, thường là cấp tính, nằm gần vùng nhiễm trùng. Một số trường hợp mạn tính là do nhiễm lao.

Lymphangiography, lymphography: chụp Xquang mạch và hạch bạch huyết, dùng xét nghiệm mức độ lan tràn của ung thư hệ bạch huyết, chứng phù nề bạch huyết (lymphoedema).

Lymphangioma: u lành tính mạch bạch huyết, thường mọc ở cổ, nách (cystic hygroma). Chữa trị bằng cách cắt bỏ.

Lymphangiosarcoma: u sác cô ma (ác tính) mạch bạch huyết, ít xảy ra, thường thấy nhất ở cánh tay bị sưng mạn tính của các phụ nữ đã được cắt bỏ vú vì ung thư.

Lymphangitis: viêm mạch bạch huyết, thể hiện bằng các sọc đỏ ở da tiếp giáp với một ổ nhiễm do khuẩn chuổi cầu (streptococcus) gây ra. Chữa trị với kháng sinh. Một số ít trường hợp có thể đưa đến phù nề bạch huyết.

Lymphatic system: hệ bạch huyết, một mạng lưới các mạch chuyên chở chất điện giải, nước, đạm – dưới hình thức bạch huyết – từ dịch của mô đến hệ tuần hoàn máu.

Lymph node: hạch bạch huyết, nằm dọc theo mạch bạch huyết, đóng vai trò như một bộ phận lọc, ngăn vật lạ xâm nhập vào, và sản xuất lymphô bào tạo kháng thể.

Lymphocyte: lymphô bào, một loại bạch cầu hiện diện trong hạch bạch huyết, lá lách, tuyến ức (thymus), vách ruột non và tủy xương. Có hai loại: lymphô bào B (B-lymphocyte) sản xuất kháng thể và lymphô bào T (T-lymphocyte) liên quan đến sự thải bỏ cơ quan/mô ghép vào. Lymphô bào T còn được chia ra là trợ bào (helper T-cell) và hủy diệt bào ( killer T-cell).

Lymphocytosis / lymphopenia: tăng lymphô bào / giảm lymphô bào trong máu.

Lymphoedema: phù nề bạch huyết, bạch huyết tích tụ trong mô làm các nơi này sưng phù lên, thường xảy ra nhất ở chân. Nguyên nhân: bất thường bẩm sinh ở hệ bạch huyết; tắc nghẽn mạch bạch huyết do u bướu, giun chỉ ký sinh Wuchereria bancrofti gây bệnh da voi; viêm sưng; chấn thương Chữa trị nguyên nhân, băng chặt vùng sưng phù với băng đàn hồi, uống thuốc lợi tiểu, giải phẫu.

Lymphogranuloma venereum: viêm hạch bạch huyết do khuẩn Chlamydia lan truyền qua đường tình dục. Triệu chứng: cơ quan sinh dục có vết trầy loét, hạch nổi ở bẹn, da bên trên đó dày ra. Chữa trị với kháng sinh.

Lymphoid tissue: mô dạng lymphô, sản xuất lymphô bào và kháng thể, tại những cơ quan như hạch bạch huyết, a mi đan, tuyến ức, lá lách, và các nhóm tế bào khác bao quanh mô.

Lymphoma: u lymphô, một khối u ác tính hạch bạch huyết, gồm bệnh Hodgkin và u không phải loại Hodgkin (non-Hodgkin’s lymphoma). Triệu chứng: hạch bạch huyết nổi to ở nhiều nơi, sút cân, sốt, đổ mồ hôi. Hạch có thể đè lên các cơ quan như tủy sống gây liệt chi, thực quản làm cho nuốt thức ăn khó khăn, mạch bạch huyết gây phù nề bạch huyết, khí quản làm khó thở. Tiên liệu: tử vong xảy ra từ vài tháng cho đến nhiều năm. Chữa trị với thuốc chống ung thư, xạ trị, ghép tủy xương (bone-marrow transplant)

-lysis: tiếp vĩ ngữ chỉ sự phân giải, tiêu hủy, ví dụ haemolysis = vỡ hồng cầu..

[collapse]

M

Macro-: tiếp đầu ngữ chỉ kích thước lớn, ví dụ macrocephaly = não lớn bất thường.

Macrocyte, megalocyte: đại hồng cầu, một hồng cầu có kích thước to bất thường. Chứng đại hồng cầu (macrocytosis) là đặc trưng của một số bệnh xanh xao thiếu máu do thiếu vitamin B12 hay Folic acid, do tăng tốc độ sản sinh hồng cầu.

Macroglossia: tật lưỡi to bất thường, đặc trưng của hội chứng Down, giảm năng tuyến giáp (hypothyroidism), bệnh to cực, lưỡi bị thấm nhiễm dạng bột, có khối u, tắc mạch bạch huyết.

Macrophage: đại thực bào, tế bào có trong mô liên kết và nhiều cơ quan khác như tủy xương, lá lách, hạch bạch huyết, gan, hệ thần kinh trung ương. Ðại thực bào đóng vai trò quan trọng trong hệ thống bảo vệ cơ thể, loại bỏ khuẩn và các vật lạ khác xâm nhập vào.

Macula: điểm, chấm, vết, một vùng khác biệt về cơ thể học với vùng xung quanh. Macula lutea là điểm vàng ở võng mạc mắt.

Macroscopic / microscopic: thấy được bằng mắt thường / thấy được khi soi kính hiển vi.

Macular degeneration: thoái hóa điểm vàng. Xem chữ age-related macular degeneration.

Maggot: con giòi, ấu trùng của ruồi. Trước kia, trong một vài trường hợp, người ta đặt giòi ruồi xanh trên các mô chết hay đang thối rữa để giúp làm lành vết thương.

Magnesium: một kim loại cầu cho sự phát triển của xương và răng, go cơ bắp, truyền dẫn xung lực thần kinh, điều hợp một số lớn men của cơ thể. Có nhiều trong các loại hạt, đậu nành, sữa, thịt cá. Magnesium pha chế hỗn hợp với carbonate và hydroxide được dùng để chống chất chua dạ dày (antacid), với sulphate để nhuận trường. Thiếu magnesium thường do suy thận mạn tính, uống rượu, ruột non kém hấp thu, chữa trị lâu ngày với thuốc lợi tiểu. Triệu chứng: bồn chồn lo âu, buồn chán, run tay chân, đánh trống ngực.

Mal-: tiếp đầu ngữ chỉ bệnh, bất thường, rối loạn.

Malabsorption: chứng ruột non kém hấp thu chất bổ dưỡng của thức ăn, vitamin, các khoáng chất. Nguyên nhân: cơ thể thiếu một vài loại men, ví dụ lactase nên không tiêu hóa được sữa; bệnh xơ nang (cystic fibrosis) và viêm tụy tạng mạn tính nên thiếu men để hấp thu chất béo; bệnh do ảnh hưởng của gluten trong bột mì (gluten enteropathy); tắc ống dẫn mật; chai gan nguyên phát; cắt dạ dày, cắt một đoạn dài ruột non. Triệu chứng: tiêu chảy, sụt cân, thiếu dinh dưỡng và vitamin, thiếu máu. Chữa trị tùy theo nguyên nhân.

-malacia: tiếp vĩ ngữ chỉ một mô bị mềm bất thường, ví dụ keratomalacia = nhuyễn giác mạc.

Maladjustment: (tâm lý) sự khó thích hợp với thay đổi của hoàn cảnh, ví dụ chuyển trường học, dời nhà, li dị, về hưu, bị bệnh. Tình trạng này có tính giai đoạn.

Malaise: bần thần mệt mỏi cả về thể chất lẫn tinh thần.

Malaria: sốt rét, bệnh do muỗi cái Anopheles đốt, truyền sang người các ký sinh Plasmodium, gồm nhiều loại: P. vivax, P. ovale, P. malariae, P. falciparum. Sau khi vào cơ thể, ký sinh sẽ đến sinh sản ở gan và cơ quan khác rồi xâm nhập và tiêu hủy hồng cầu, phóng thích ra nhiều ký sinh mới có khả năng gây nhiễm các hồng cầu khác. Bệnh nhân lên cơn lạnh run, tiếp đó là sốt cao độ và đổ mồ hôi rồi nhiệt độ hạ xuống, kèm theo là nhức đầu, nôn mửa, lâu ngày có thể bị xanh xao thiếu máu. Khoảng cách giữa các cơn thay đổi tùy theo loại ký sinh gây ra. Dạng sốt rét nặng nhất là do ký sinh P. falciparum, có thể đưa đến tử vong vài ngày sau triệu chứng đầu tiên: hồng cầu dính kết nhau làm tắc nghẽn các cơ quan quan trọng, đặc biệt là thận, lá lách to lên, não bị ảnh hưởng gây hôn mê, động kinh (cerebral malaria), hồng cầu bị phá vỡ nhiều gây thiếu máu, hemoglobin được phóng thích ra trong nước tiểu biến thành màu đen (black water fever). Chữa trị và phòng ngừa gồm các thuốc Chloroquine, Proguanil, Quinine, Mefloquine, Pyrimethamine. Một loại thuốc chủng hiện đang được thử nghiệm.

Malformation: dị dạng.

Malignant / benign: ác tính, mô tả một khối u bắt nguồn trong một mô rồi lan đến nơi khác theo giòng máu, hệ bạch huyết / lành tính.

Malingering: (tâm lý) giả bệnh, thường là để trốn việc, tránh nhập ngũ, được lãnh tiền trợ cấp, tiền bồi thường. Cần phân biệt từ này với factitious disorders là giả bệnh với mục đích để được đối xử như một bệnh nhân và lôi cuốn sự chú ý của người khác về căn bệnh của mình; đây là một triệu chứng của hội chứng Munchausen, xem chữ.

Malnutrition: suy dinh dưỡng.

Malocclusion: tật răng so le, răng hàm trên và dưới không khớp với nhau.

Malposition: vị trí bất thường của một cơ quan trong cơ thể.

Malpractice: sai lầm, kém kỹ năng, không đạt tiêu chuẩn khi hành nghề.

Malpresentation: tình trạng thai nhi trong tử cung khi sắp sinh có vị trí khác hơn vị trí đầu ra trước.

Malunion: xương gẫy không liền lại thẳng hàng với nhau.

Mammary gland: (sản phụ khoa) tuyến sản xuất sữa ở loài có vú.

Mammography: (sản phụ khoa) chụp vú bằng Xquang hoặc tia hồng ngoại để phát hiện sớm các tăng sinh bất thường.

Mammoplasty: (sản phụ khoa) phẫu thuật tạo hình vú để thay đổi hình dạng hay tăng/giảm kích thước.

Mandible: hàm dưới, khớp với xương thái dương tạo thành khớp thái dương-hàm (temporomandibular joint) ở phía trước tai. Khớp này có thể bị trật ra vì chấn thương.

Manganese: một kim loại, oxide của nó khi hít vào có thể gây tổn hại não, và các triệu chứng giống như bệnh Parkinson. Thường thấy ở công nhân làm việc trong hầm mỏ ít thoáng khí.

Mania: (tâm thần) hưng cảm, bệnh nhân cảm thấy sảng khoái hớn hở, nhưng cũng mau cau có giận dữ. Tư tưởng, lời nói diễn ra nhanh chóng và liên tục, chuyện nọ không liên hệ với chuyện kia, cử chỉ hành vi ngông cuồng, thiếu suy xét nên có thể gây thiệt hại cho họ, ví dụ phung phí tiền bạc trong việc mua sắm, kinh doanh. Một số người có hoang tưởng vĩ đại (grandeur delusion), cho mình là Chúa, là Phật.

Manic-depressive psychosis: (tâm thần) một bệnh tâm thần nặng gồm trầm uất xen với hưng cảm. Nguyên nhân có thể là di truyền, tâm lý xã hội, xáo trộn sinh hóa trong cơ thể v.v. Chữa trị với dược phẩm, tâm lý liệu pháp, chạy điện (electroconvulsive therapy, ECT). Một số trường hợp bệnh có thể đưa đến tự tử.

Mannitol: một loại thuốc lợi tiểu tiêm tĩnh mạch, giúp giảm áp suất khi bị phù nề não (cerebral oedema), tăng nhãn áp (glaucoma).

Mantoux test: xét nghiệm để kiểm tra về nhiễm lao của một cá thể, dùng chất trích từ khuẩn lao tiêm dưới da cánh tay. Sau vài ngày, nếu vùng tiêm không có gì thay đổi (xét nghiệm âm tính), cá thể đó chưa bao giờ bị nhiễm lao và không có tính miễn nhiễm đối với khuẩn lao; ngược lại, da ửng đỏ và dày cứng (xét nghiệm dương tính) cho biết trước đây họ đã bị nhiễm lao.

Manubrium: phần trên của xương ức (sternum).

MAOI, monoamine oxidase inhibitor: (tâm thần) thuốc chữa bệnh trầm uất bằng cách ức chế men monoamine oxidase trong não. Phụ chứng: huyết áp có thể tăng vọt lên nếu ăn thực phẩm có nhiều tyramine như cheese, bovril v.v. Tên thuốc: Iproniazid, Phenelzine, Tranylcypromin.

Marasmus: suy dinh dưỡng nặng ở trẻ thơ, thể trọng dưới 75% mức trung bình của lứa tuổi. Ðứa bé trông có vẻ già, người xanh xao, lừ đừ, lớp mỡ dưới da tiêu mất hết, thân nhiệt thấp. Tình trạng có thể do ruột kém hấp thu, nôn mửa liên tục, tiêu chảy lâu ngày, có bệnh nặng về tim, phổi, thận và đường tiểu, bị nhiễm mạn tính khuẩn và ký sinh trùng.

Marfan’s syndrome: hội chứng Marfan, một rối loạn di truyền của mô liên kết. Bệnh nhân cao quá khổ, ngón tay và chân dài một cách bất thường, khuyết tật ở tim, thủy tinh thể mắt bị trật một phần khỏi vị trí (partial lens dislocation).

Marijuana: cần sa.

Masculinization: nam hóa, tình trạng phụ nữ có râu, lông mọc nhiều trên cơ thể, giọng nói khàn, cơ bắp nở to ra. Nguyên nhân: rối loạn về chuyển hóa của hóc môn, hoặc do chữa trị với hóc môn.

Masochism: (tâm thần) một loại loạn dâm, người mắc phải chỉ đạt được khoái lạc tình dục khi để người khác đánh thật đau, khi bị nhục mạ.

Mast-: tiếp đầu ngữ chỉ vú, ví dụ mastalgia = đau vú.

Mastectomy: cắt bỏ vú, thường là để chữa ung thư, phẫu thuật gồm: 1- cắt bỏ tận gốc (radical mastectomy), cắt toàn vú và da, cơ ngực phía dưới và hạch ở nách. 2- cắt bỏ tận gốc có sự thay đổi (modified radical mastectomy), chỉ cắt bỏ vú và hạch, để cơ ngực lại, kết quả không xấu hơn kiểu trên. 3- cắt bỏ đơn giản (simple mastectomy) chỉ lấy đi mô vú. Hiện nay, có khuynh hướng chỉ cắt bỏ giới hạn u ung thư (lumpectomy) kèm theo chữa trị với dược phẩm, xạ trị. Dù với kỹ thuật nào thì vấn đề quan trọng vẫn là thường xuyên tự khám vú và chụp hình vú định kỳ.

Mastication: (sự) nhai.

Mastitis: viêm sưng vú, thường do khuẩn xâm nhập từ các tổn hại ở núm vú, đôi khi do thay đổi chuyển hóa hóc môn trong cơ thể. Viêm do khuẩn không được chữa trị có thể đưa đến vú làm mủ, phải xẻ dẫn lưu.

Mastoid / mastoiditis: xương chũm, mỏm của xương thái dương, nằm sau vành tai. / viêm xương chũm, thường do mủ ở tai giữa lan đến. Biến chứng: viêm màng não, mủ tụ trong não (brain abscess), liệt thần kinh mặt (facial paralysis) gây méo mặt và nghe tiếng động to hơn (hyperacusis). Chữa trị với kháng sinh, mổ nạo khoét xương chũm (mastoidectomy).

Masturbation: thủ dâm.

Maturation: (sự) trưởng thành.

Maxilla: xương hàm trên, có chỗ rỗng gọi là xoang hàm (maxillary sinus) nằm hai bên mũi. Xoang có thể bị viêm nhiễm khuẩn (sinusitis).

Measles: bệnh sởi, thường xảy ra cho trẻ con, tác nhân là siêu khuẩn và rất dễ lây bởi những giọt li ti từ hắt hơi bắn ra trong thời gian ủ bệnh (8-14 ngày) cho đến một tuần sau khi các triệu chứng bắt đầu xuất hiện: sốt, chảy nước mũi, xốn ngứa mắt, ban đỏ mọc sau tai rồi ở mặt và lan đi khắp thân thể, kéo dài khoảng 3-5 ngày. Trong hầu hết các trường hợp, bệnh thuyên giảm nhanh, nhưng một số trẻ có biến chứng như tai giữa làm mủ, sưng phổi, lên cơn co giật, một số ít bị viêm não (encephalitis). Chương trình tiêm phòng dùng thuốc hỗn hợp ngừa sởi, quai bị, sởi Ðức (MMR vaccine), theo cơ quan y tế, không gây nguy cơ về bệnh tự kỷ (autism) và bệnh đường ruột cho đứa trẻ sau này.

Meconium: cứt su, phân đầu tiên của bé mới sinh, có màu xanh lạt và sết. Cứt su trong nước ối lúc đang sinh là một dấu hiệu hài nhi gặp nguy cơ.

Media: lớp giữa trong thành động mạch hay tĩnh mạch, gồm sợi đàn hồi và cơ trơn.

Mediastinum / mediastinitis: trung thất, khoảng xoang ngực giữa hai lá phổi, chứa động mạch chủ, khí quản, thực quản và tuyến ức / viêm trung thất, thường là biến chứng của rách thực quản.

Meditation: (tâm lý) thiền, một phương pháp tập trung tư tưởng vào một vật, một chữ hay một ý nghĩ, thường dùng để làm dịu đi sự căng thẳng thể chất lẫn tinh thần.

Medium: chất dùng nuôi cấy sinh vật hoặc tế bào, mô.

Medulla oblongata, Medulla: (thần kinh) hành tủy, một thành phần của cuống não, nằm trên tủy sống. Ngoài việc là một đường dẫn chính cho các xung lực thần kinh vào và ra khỏi não, hành tủy còn có các trung tâm phụ trách về điều hòa tim mạch, hô hấp, nuốt, tiết nước miếng. Các dây thần kinh từ số VI-XII rời khỏi não trong vùng này.

Medulloblastoma: (thần kinh) một loại u não trẻ con, làm cho đi đứng không vững, run tay chân; nếu lưu thông não thủy bế tắc vì bị u ngăn trở sẽ đưa đến chứng tràn dịch não (hydrocephalus), đầu đứa bé to hơn bình thường.

Mega-: tiếp đầu ngữ chỉ kích thước lớn, ví dụ megaureter = niệu quản lớn.

Megacolon: chứng ruột già to lên và đôi khi dài ra thêm. Nguyên nhân: tắc ruột già, bệnh Hirchsprung, táo bón kinh niên, biến chứng của viêm loét ruột già (ulcerative colitis).

Megalocyte: đại hồng cầu, đồng nghĩa với macrocyte.

Megalomania: (tâm thần) hoang tưởng vĩ đại, cho mình là Trời Phật, là một nhân vật quan trọng, Ðây là đặc trưng của bệnh tâm thần phân liệt, hưng cảm, nhiễm giang mai não.

-megaly: tiếp vĩ ngữ chỉ lớn bất thường, ví dụ splenomegaly = lá lách to bất thường.

Meibomiua glands: tuyến bã nhờn ở dưới kết mạc mắt. Ong dẫn tuyến nếu bị tắc có thể đưa đến chứng sưng tuyến bã nhờn (chalazion).

Melaena: phân đen như hắc ín do xuất huyết ở phần trên của cơ quan tiêu hóa, máu xuống ruột già không được tiêu hóa hoàn toàn. Ðây là một trường hợp cần được kiểm tra ngay.

Melancholia: (tâm thần) chứng u uất.

Melanin / melanoma: sắc tố từ màu nâu đậm đến đen, có trong tóc, da, mống mắt và mạch mạc mắt (iris and choroid) / u ác tính các tế bào tạo melanin, thường xảy ra ở da, nhưng cũng thấy trong mắt và các màng nhầy của các cơ quan trong cơ thể. U di căn đến các hạch bạch huyết và gan.

Melioidosis: một loại bệnh truyền nhiễm do bọ chét chuột truyền sang người, gây sưng phổi, mủ tụ tại nhiều nơi, nhiễm trùng huyết.. Khuẩn có tên là Pseudomonas pseudomallei, bệnh có tử vong cao.

Membrane: màng, một lớp mô bao quanh toàn bộ hay một phần cơ quan.

Menarche: (sản phụ khoa) lần có kinh đầu tiên.

Menière’s disease: bệnh của tai trong, xảy ra cho người trên 50 tuổi và ở một bên tai. Triệu chứng đến thình lình từng cơn kéo dài vài phút, có khi hàng giờ, gây chóng mặt dữ dội (vertigo), buồn nôn, mửa, tròng mắt đưa qua lại, phía tai bệnh bị ù và giảm thính lực. Nguyên nhân do lượng nội dịch trong mê đạo tăng cao, gây hư hại mê đạo và đôi khi cả ốc tai (cochlea) nữa. Chữa trị: nằm nghỉ, thuốc antihistamine. Bệnh có khuynh hướng làm giảm dần thính lực và khi điếc xảy ra, các chứng ù tai chóng mặt sẽ hết đi.

Meninges: (thần kinh) màng não, gồm 3 lớp mô liên kết bao bọc não và tủy sống: lớp vỏ dày bên ngoài gọi là màng cứng (dura mater); lớp giữa có tính đàn hồi và giống như mạng nhện (arachnoid), bên dưới có một khoảng gọi là lớp dưới mạng nhện (subarachnoid space) não thủy lưu thông ở đấy; trong cùng là lớp màng nuôi (pia mater). Về cơ thể và bệnh lý học, người ta còn phân biệt khoảng bên ngoài màng cứng (extradural space) và dưới màng cứng (subdural space).

Meningioma: (thần kinh) u màng não đa số là lành tính, xảy ra cho mọi lứa tuổi, phát triển chậm trong não và tủy sống. Triệu chứng gồm nhức đầu, nôn mửa, giảm chức năng tâm trí vì áp suất não thủy tăng lên; do sức ép của u lên mô não nên một số chứng đặc hiệu có thể xảy ra như mất tiếng nói, thị lực kém đi. U khi lan vào xương hộp sọ làm cho xương dày và lồi lên. Ðịnh bệnh bằng Xquang, CT và MRI scan. Chữa trị chủ yếu là giải phẫu cắt bỏ u, hoặc nếu không thực hiện được thì dùng xạ trị.

Meningism: (thần kinh) phản ứng màng não, cổ cũng cứng giống như viêm màng não, thường thấy ở trẻ con bị nhiễm phổi hay phần trên đường hô hấp. Xét nghiệm dịch tủy sống không có gì bất thường.

Meningitis: (thần kinh) viêm màng não do nhiễm siêu khuẩn, tương đối nhẹ, hoặc khuẩn, rất nghiêm trọng, cần được xử lý khẩn cấp. Khuẩn xâm nhập màng não qua đường máu từ bất cứ một ổ nhiễm nào trong cơ thể, hoặc từ mủ tai, xương hàm mặt lan đến, từ không khí thở vào khi bị gẫy xương hộp đáy sọ. Loại thường thấy nhất là Meningococcus Haemophilus influenzae, một số ít là khuẩn lao. Triệu chứng: sốt, nhức đầu dữ dội, nôn mửa, cố tránh ánh sáng, cổ cứng, và trong 50% trường hợp da nổi những nốt đỏ. Bệnh phát triển nhanh, có khi chỉ vài tiếng đồng hồ, gây mê sảng và chết. Việc định bệnh được tiến hành qua rút dịch tủy sống để xét nghiệm. Chữa trị: viêm màng não do siêu khuẩn không cần chữa trị, còn do khuẩn phải dùng kháng sinh liều cao tiêm tĩnh mạch. Chủng ngừa với thuốc chống khuẩn H. influenzae và Meningococcus C.

Meningocele: (thần kinh) trồi màng bao tủy sống ra dưới da thắt lưng, do khuyết tật hở cột sống (spina bifida).

Meningococcaemia: nhiễm trùng huyết do khuẩn Meningococcus.

Meningoencephalitis: (thần kinh) viêm não và màng não do nhiễm khuẩn/siêu khuẩn. Bệnh có thể lan đến tủy sống gây liệt hai chân.

Meningomyelocele, myelocele: (thần kinh) trồi tủy sống và màng bao ra dưới da. Tình trạng này rất nghiêm trọng, gây liệt não, động kinh, chậm phát triển trí tuệ, kém thị lực, đường tiểu tiện bị ảnh hưởng như són đái hoặc bí đái, táo bón hoặc ỉa đùn.

Men-: (sản phụ khoa) tiếp đầu ngữ chỉ về kinh nguyệt.

Menopause: (sản phụ khoa) thời kỳ mãn kinh, thường xảy ra từ 45-55 tuổi, đôi khi sớm hơn. Buồng trứng không còn sản xuất trứng nữa, lượng hóc môn oestrogen giảm xuống, gây ra một số vấn đề cho các bà, còn hóc môn gonadotrophin của tuyến yên và hóc môn nam androgen tăng lên (nên có một số phụ nữ mọc râu!). Máu kinh nguyệt ít dần trong mỗi lần hành kinh, khoảng cách giữa các kỳ dài ra rồi dứt hẳn. Triệu chứng gồm: phừng đỏ mặt trong nhiều tháng hay nhiều năm, đổ mồ hôi nhiều, khô hẹp âm đạo, cổ bọng đái và niệu đạo giảm tính đàn hồi và teo lại nên bắt đi tiểu hoài, táo bón, xương rỗng (osteoporosis) nên dễ gẫy, chất béo trong máu tăng lên tạo điều kiện cho kích tim và đột quỵ xảy ra; về tinh thần thì người phụ nữ dễ cau có bực bội, khó ngủ, không tập trung tư tưởng được, buồn chán và dễ nước mắt. Chữa trị: dùng hóc môn thay thế (hormone replacement therapy, HRT) dưới dạng thuốc viên, thuốc tiêm, cấy dưới da hay dán. Các loại thuốc này làm tăng nguy cơ kích tim và đột quỵ, ung thư vú và tử cung.

Menorrhagia: (sản phụ khoa) chứng rong kinh, có kinh ra nhiều máu, trên 90ml mỗi kỳ (bình thường là 60ml). Nguyên nhân có thể là xáo trộn về hóc môn (dysfunctional uterine bleeding), viêm vùng chậu (pelvic inflammatory disease, PID), u xơ tử cung, mang vòng xoắn ngừa thai, bệnh lạc nội mạc tử cung (endometriosis). Ðôi khi không có nguyên nhân rõ rệt.

Menses: (sản phụ khoa) kinh nguyệt, gồm máu và các chất liệu khác chảy ra khỏi tử cung khi hành kinh.

Menstrual cycle: (sản phụ khoa) chu kỳ kinh nguyệt. Sau khi có kinh, trứng bắt đầu phát triển tại các nang (follicles), tiết ra hóc môn oestrogen, và khi chín tới sẽ rụng ra và rơi vào vòi trứng, khoảng ngày thứ 14. Tiếp theo là nang biến thành thể vàng (corpus luteum) tiết hóc môn progesterone, giúp cho nội mạc tử cung dày lên đẻ sẵn sàng tiếp nhận bào thai nếu trứng thụ thai với tinh trùng; nếu không, lớp nội mạc tử cung tróc đi cùng với máu và đó là huyết kinh.

Menstrual disorders: (sản phụ khoa) rối loạn về kinh nguyệt, ví dụ đau bụng khi có kinh (dysmenorrhoea); không có kinh (amenorrhoea); rong kinh, có kinh ra nhiều máu (menorrhagia); kinh ít và thưa (oligomenorrhagia); kinh xảy ra nhiều lần hơn thường lệ (polymenorrhagia).

Mental: 1- (tâm thần) liên quan hay ảnh hưởng đến tâm thần. 2- liên quan đến cằm.

Mental age: (tinh thần) tuổi tinh thần, cách đo mức độ hoạt động trí tuệ của một cá thể, ví dụ một người có tuổi tinh thần là 6 sẽ hoạt động ở mức trung bình của đứa trẻ 6 tuổi. Phép đo này hiện không còn được dùng nữa, thay vào đó là so sánh hoạt động của những người thuộc cùng nhóm tuổi.

Mental deficiency: (tâm thần) giảm năng tâm thần.

Mental handicap: (tâm thần) đồng nghĩa với learning difficulties, mental retardation, xem các chữ.

Mental Health Act 1983: (tâm thần) đạo luật về Sức Khoẻ Tâm Thần 1983, nói về quyền lợi của bệnh nhân và gồm nhiều khoản (sections), buộc họ phải chữa trị ngoài ý muốn của họ. Ðặc biệt là: Ðiều 2, bệnh nhân có thể bị giữ tại viện 28 ngày; Ðiều 3, giữ tại viện 6 tháng và nếu cần tăng thêm nữa; Ðiều 4, giữ tại viện 48 giờ trong trường hợp khẩn cấp; Ðiều 135, Cảnh sát có thể vào nhà đưa bệnh nhân vào viện, có giá trị trong vòng 72 tiếng đồng hồ.

Mental illness: (tâm thần) bệnh tâm thần, rối loạn về một hay nhiều chức năng trí tuệ và tâm lý như cảm xúc, nhận thức, trí nhớ, ý tưởng… gây đau khổ cho bệnh nhân hoặc gia đình họ. Cần phân biệt rối loạn này với cách cư xử, thái độ không phù hợp theo lề thói xã hội, với chậm phát triển trí tuệ (mental retardation). Bệnh tâm thần được chia ra làm loạn tâm (psychosis), người bệnh mất khả năng nhận thức sự việc, và nhiễu tâm (neurosis), họ vẫn giữ được sự sáng suốt.

Mental impairment: (tâm thần) từ thường dùng trong vấn đề pháp lý đối với cá nhân có hành vi thái độ vô trách nhiệm, đi ngược lại với lề thói xã hội một cách nghiêm trọng.

Mental retardation: (tâm lý) chậm phát triển trí tuệ, phân loại dựa vào thương số thông minh (intelligence quotient, IQ): nhẹ là từ 50-70, vừa phải từ 20-50, nặng là dưới 20. Nguyên nhân có thể là hội chứng Down, rối loạn di truyền về chuyển hóa trong cơ thể, tổn thương não bộ khi còn trong bụng mẹ, lúc sinh thiếu khí oxi lên não, bị chấn thương, bệnh về não sau khi sinh, nhiễm độc chất, thiếu dinh dưỡng trầm trọng, không được thương yêu chăm sóc đầy đủ.

Mercury: thủy ngân, một kim loại có độc tính cao.

Mesentery / mesocolon: màng treo ruột, một lớp phúc mạc (peritoneum) kép nối dạ dày, ruột non, tụy tạng, lá lách và các cơ quan khác trong ổ bụng với thành bụng sau. Màng này có mạch máu, mạch bạch huyết và dây thần kinh phân bổ đến các cơ quan trên./ màng treo ruột già ngang và ruột già sigma vào với thành bụng sau.

Mesothelioma: u biểu mô phế mạc (pleura), phúc mạc (peritoneum) và bao tâm mạc (pericardium). U biểu mô phế mạc có liên hệ với sự tiếp cận lâu ngày bụi thạch miên (asbestos). Một vài khối u có thể mổ cắt bỏ, nhưng đa số phải dùng đến thuốc chống ung thư.

Metabolism: (sự) chuyển hóa, bao gồm sự phân hủy các thành phần hữu cơ phức tạp của cơ thể và phóng thích năng lượng, để cơ thể tiếp tục hoạt động và tăng trưởng.

Metabolic disorders: rối loạn về chuyển hóa, nguyên nhân có thể là: 1 di truyền, thiếu một vài loại gen (inborn errors of metabolism) gây rối loạn sinh hóa trong cơ thể vì không sản xuất được men đặc hiệu. Một số ví dụ là bệnh đường galactose máu tăng cao, bệnh bài tiết ra nhiều chất porphyrin, chất homocysteine, hội chứng Hurler v. 2 trở ngại về điều hành của hệ thống nội tiết (endocrine system) gây thiếu/thừa hóc môn: bệnh tiểu đường, hội chứng Cushing, giảm/cường năng tuyến giáp. 3 một số rối loạn chuyển hóa khác như bệnh thống phong (gout), loãng xương (osteoporosis), nhuyễn xương (osteomalacia), còi xương (rickets), chất béo có nhiều trong máu (hyperlipidaemia) v.

Meta-: tiếp đầu ngữ chỉ sự thay đổi, ví dụ metamorphosis = thay đổi hình dạng.

Metaplasia: dị sản, một sự thay đổi bất thường của mô, ví dụ từ dạng mô này chuyển thành mô khác. Ðây có thể là một dấu hiệu ban đầu của mô có khả năng trở thành ác tính.

Metastasis: di căn, tình trạng tế bào của u ác tính lan ra xa khỏi vị trí gốc, thường đến phổi, gan, não và xương, theo 3 đường chính: 1- máu. 2- hệ bạch huyết. 3- xuyên qua xoang cơ thể, ví dụ phúc mạc.

Methadone: một loại thuốc giảm đau cực mạnh, có đặc tính như morphine, và còn được dùng để cai nghiện heroin, nhưng thuốc có thể gây cho người sử dụng lệ thuộc vào nó.

Micr-, micro-: tiếp đầu ngữ chỉ kích thước nhỏ, ví dụ microcephaly = tật não nhỏ bẩm sinh.

Microbe: vi sinh vật.

Microbiology / microbiologist: vi sinh vật học, về y khoa là nghiên cứu các vi sinh vật gây bệnh / nhà vi sinh vật học.

Microcyte / microcytosis: tiểu hồng cầu / bệnh tiểu hồng cầu, gồm nhiều hồng cầu có hình dạng bé nhỏ, đặc trưng của thiếu máu do thiếu chất sắt, do bệnh về huyết sắc tố, bệnh nhiễm khuẩn kinh niên.

Microglia: (thần kinh) một trong hai lớp căn bản của tiểu thần kinh đệm não bộ.

Microorganism: vi sinh vật, gồm khuẩn, một số nấm, động vật đơn bào (protozoa), mycoplasma, ricketsia, siêu khuẩn.

Microsurgery: vi phẫu thuật, một ngành phẫu thuật được tiến hành với những dụng cụ thật nhỏ và chính xác, bác sĩ nhìn xuyên qua một loại kính hiển vi đặc biệt. Kỹ thuật này giúp thực hiện các cuộc mổ ở mắt, tai trong, tủy sống, não, tim, nối các mạch máu li ti, thông lại ống dẫn tinh và vòi trứng đã được cắt buộc trước kia v.v.

Microwave therapy: liệu pháp vi ba, một phương cách của phép thấu nhiệt (diathermy) dùng sóng điện từ cực ngắn. Với các thiết bị hiện đại, dòng điện vào tế bào/mô có tầng số lên đến 25,000 triệu chu kỳ mỗi giây.

Micturition: tiểu tiện.

Middle ear: tai giữa, nằm trong xương thái dương, gồm một khoảng đầy không khí, có lót một lớp màng nhầy và thông với họng bằng ống Eustache, ngăn với tai ngoài bởi màng nhĩ. Tai giữa có 3 xương nhỏ – búa, đe, bàn đạp – để chuyển các rung động âm thanh từ tai ngoài vào tai trong. Xem chữ Ear

Migraine: nhức như búa bổ ở nửa bên hoặc cả dầu do xáo trộn hóa học và xung điện trong não. Cơn đau kéo dài từ 2 giờ-2 ngày, kèm với nôn mửa, mắt không trông thấy rõ. Khoảng cách giữa hai cơn thay đổi tùy từng cá nhân, trung bình là 1-4 cơn mỗi tháng. Một số ít bệnh nhân có những dấu hiệu báo trước như mờ mắt, thấy hào quang hay đốm đen, lăn tăn ở môi, lưỡi và má. Bệnh thường thấy ở thân nhân cùng một gia đình, phụ nữ mắc phải nhiều hơn nam giới, và đặc biệt là trẻ con cũng có thể bị. Các yếu tố tạo điều kiện gồm có: thay đổi cảm xúc như lo âu, buồn chán, giận dữ, bị kích thích quá độ; thực phẩm như sô cô la, cheese, thức ăn chiên xào, cà phê, rượu, bột ngọt, trứng; có kinh, uống thuốc ngừa thai; làm việc nơi có nhiều ánh sáng, tiếng động lớn. Trong phần chữa trị, ngoài thuốc giảm đau và chống nôn mửa, còn có Triptan ảnh hưởng đến các mạch máu trong và xung quanh não. Ðể phòng ngừa có loại thuốc Beta-blockers và Calcium channel blockers.

Miliary tuberculosis: lao hạt kê, một dạng lao toàn thân, hư tổn ở cơ quan bệnh hiện ra lốm đốm trông giống như hạt kê (millet seeds).

Milk teeth: răng sữa.

Minerals: khoáng chất cần thiết cho sự duy trì sức khoẻ, ít nhất là khoảng 20 loại. Các chất quan trọng gồm Potassium, Sodium, Calcium, Magnesium, Phosphorus, các chất khác là Sắt, Kẽm, Ðồng, Selenium v.v.

  • Calcium có trong sữa, cheese, rau xanh, các loại hạt và đậu, đậu nành.
  • Sodium có trong thịt đỏ, gà, cá, gan, trứng, sữa, muối ăn, ngũ cốc nguyên hạt, lúa mì, các loại củ và hạt.
  • Sắt chứa trong thịt đỏ, gà, cá, gan, trứng, ngũ cốc nguyên hạt và các loại hạt.
  • Magnesium có trong sữa, cá, ngũ cốc nguyên hạt, rau xanh, các loại đậu và hạt.
  • Kẽm có trong thịt đỏ, cá, tôm cua, trứng, sữa, ngũ cốc nguyên hạt, đậu.
  • Iodine chứa trong sữa, cheese, cá, ngũ cốc nguyên hạt, muối ăn có cho thêm

Miscarriage: (sản phụ khoa) xem chữ Abortion..

Misuse of drugs: lạm dụng các loại thuốc gây nghiện và có hại cho sức khoẻ: thuốc phiện và các chất tổng hợp như Heroin, Pethidine; chất kích thích như Amphetamine, Cocaine; chất gây ảo giác (hallucinogen) như LSD, Cannabis.

Mitochondria: ty lạp thể, một cấu trúc của bào tương (cytoplasma) tế bào, chứa chất ATP và các men liên quan đến hoạt động chuyển hóa cùng sản xuất năng lượng của tế bào.

Mitral incompetence: van hai lá không khép kín, làm máu chảy ngược từ tâm thất trái về tâm nhĩ trái. Nguyên nhân thường nhất là van hóa sẹo vì bệnh sốt thấp khớp (rheumatic fever, có nhiều ở Việt Nam), nhưng cũng có thể là do biến chứng của nhồi máu cơ tim (myocardial infarction) hoặc các bệnh tim khác, do tật bẩm sinh. Trường hợp nhẹ, bệnh nhân hay chóng mặt, còn nặng là khó thở, đánh trống ngực, rung tâm nhĩ (atrial fibrillation), máu đông cục tại tâm nhĩ, tâm thất trái lớn ra. Chữa trị gồm dược phẩm, thay van bằng van nhân tạo (mitral prosthesis).

Mitral stenosis: hẹp lỗ mở của van hai lá hóa sẹo vì sốt thấp khớp. Triệu chứng cũng giống như với van không khép kín. Trường hợp nhẹ không cần chữa trị, nhưng nếu nặng phải nông rộng van (valvuloplasty) hoặc thay van nhân tạo.

Mitral valve: van hai lá nằm giữa tâm nhĩ và tâm thất trái. Van dóng lại và mở ra nhờ tác động của các cơ cấu cơ tim như dây gân tim (chorda tendinae) và cơ nhú (papillary muscle), để máu chảy từ tâm nhĩ xuống tâm thất trái, ngăn không cho máu chảy ngược lại.

Mitral valve prolapse, ‘floppy valve’: van hai lá nằm lòng thòng, một số ít trường hợp làm van không khép kín được, nhưng thuộc loại nhẹ nên không gây triệu chứng gì. Nguyên nhân có thể là di truyền, là hệ quả của sốt thấp khớp, bệnh mạch máu vành tim, bệnh tim. Chứng tật này nói chung không cần chữa trị.

MMR vaccination: chủng ngừa với thuốc hỗn hợp chống sởi, quai bị, sởi Ðức, tiêm cho con nít 12 tháng và bồi thêm một mũi lúc 3 tuổi. Một số chuyên gia cho rằng thuốc về sau có thể gây bệnh tự kỷ, bệnh Crohn, nhưng cơ quan y tế VQ Anh xác nhận là rất an toàn.

Mole: nốt ruồi.

Molecular biology: khoa sinh hóa về phân tử thuộc các sinh vật sống, đặc biệt là nghiên cứu chất đạm và nucleic acid.

Molluscum contagiosum: bệnh ngoài da do siêu khuẩn gây ra rất dễ lây, trẻ con hay mắc phải. Triệu chứng gồm nhiều nốt phồng tròn màu trắng đục, hơi lõm ở giữa. Chữa trị bằng cách nạo, nặn và chấm phenol, đốt điện.

Mongolian blue spot: bớt xanh ở lưng dưới hoặc mông đít thấy ở trẻ sơ sinh và sẽ tan đi vài năm sau.

Mongolism: xem chữ Down’s syndrome.

Moniliasis: xem chữ Candidiasis.

Monocyte / monocytosis: bạch cầu đơn bào, có chức năng nuốt các vi trùng, mảnh vụn của mô / chứng tăng bạch cầu đơn nhân, xảy ra trong nhiều loại bệnh như ung thư máu, bị nhiễm bởi một số khuẩn, đơn bào.

Mononucleosis, infectious: xem chữ Glandular fever.

Monozygotic twins: (sản phụ khoa) con sinh đôi, do một trứng thụ thai với một tinh trùng, sau đó phôi tách đôi ra, nên hai đứa con sẽ có cùng phái và giống hệt nhau. Xem chữ Dizygotic twins.

Mons: mu, gò. Mons pubis = mu âm hộ.

Morbid: tình trạng có bệnh hay có sự bất thường.

Morning – after pills: (sản phụ khoa) thuốc ngừa thai dùng trong trường hợp giao cấu ngoài kế hoạch gia đình, phải uống trong vòng 72 tiếng đồng hồ, 2 viên uống ngay và 2 viên 12 tiếng đồng hồ sau đó.

Morning sickness: (sản phụ khoa) buồn nôn và mửa khi mới mang thai, thường xảy ra vào buổi sáng.

Morphine: một loại thuốc giảm đau mạnh dùng trong các cơn đau dữ dội do nhồi máu cơ tim, mổ lớn, chấn thương nặng, ung thư v.v. gây ra Phụ chứng: người lờ đờ choáng váng, buồn nôn, mửa, ăn mất ngon, táo bón, hay lẫn lộn. Thuốc còn gây tình trạng lơ mơ sảng khoái, lạm dụng nó sẽ đưa đến lờn thuốc và nghiện.

Mosaicism: sự hiện diện trong cùng một người của hai hay nhiều nhóm tế bào chứa đựng những nhiễm sắc thể khác nhau, gây ra các hội chứng bất thường về nhiễm sắc thể như hội chứng Down, hội chứng Turner. Bệnh nặng hay nhẹ là tùy theo số lượng các tế bào bất thường này.

Motion sickness: triệu chứng gây ra do di chuyển bằng đường bộ, máy bay, tàu biển, nhẹ thì cảm thấy khó chịu trong người, còn nặng là đổ nhiều mồ hôi, chảy nước miếng, mặt xanh tái, buồn nôn và mửa. Nguyên nhân thường là do sự chuyển động liên tục của bộ phận giữ thăng bằng ở tai trong.

Motor cortex: (thần kinh) vùng vỏ não có nhiệm vụ chuyển xung động thần kinh xuống cơ bắp trong các hoạt động chủ ý. Vỏ não ở bán cầu trái đảm trách hoạt động của các cơ bên phải thân thể.

Motor nerve: (thần kinh) dây thần kinh vận động, chuyển xung động thần kinh từ hệ thần kinh trung ương đến các cơ hay tuyến. Sensory nerve là dây thần kinh cảm giác.

Motor neurone disease, MND: (thần kinh) bệnh thoái hóa dây thần kinh thuộc hệ thần kinh trung ương kiểm soát hoạt động của cơ bắp, xảy ra vào tuổi trung niên, gây cho cơ yếu và teo dần đi. Loại thường thấy nhất là teo cơ do xơ cứng một bên tủy sống (amyotrophic lateral sclerosis, ALS, còn có tên là bệnh Lou Gehrig); triệu chứng ban đầu là yếu bàn tay và tay, kèm theo co giật, cứng đơ và teo cơ bắp, dần dần cơ trơn của cơ quan hô hấp và thực quản bị ảnh hưởng đưa đến cái chết từ 2-4 năm sau. Ðịnh bệnh bằng cách làm điện cơ đồ (electromyogram), sinh thiết cơ bắp, CT và MRI scan tủy sống. Bệnh không có thuốc chữa.

Mould: nấm đa bào có hình dạng sợi, một vài loại dùng để bào chế thuốc kháng sinh, ví dụ Penicillin, một số khác có thể gây bệnh, ví dụ bệnh Aspergillosis.

Mouth cancer: ung thư mồm, thường thấy nhất là ở lưỡi và môi, một số khác ở nền mồm, tuyến nước miếng, nướu răng và vòm miệng (palate). Các yếu tố tạo điều kiện gồm có: vệ sinh răng miệng không tốt, uống rượu mạnh, hút thuốc, ăn trầu kèm với thuốc sợi (người Việt, người Ân độ), răng giả lắp không vừa khít, răng lổm chổm. Bệnh thường phát khởi bằng một mảng trắng dày (leucoplakia) hay một u nhỏ, không đau; sau đó, các nơi này loét nứt ra, đụng vào là chảy máu và đau. Ðịnh bệnh bằng sinh thiết, còn chữa trị là cắt bỏ phần bị ung thư hay dùng xạ trị, hoặc phối hợp cả hai. Kết quả tốt nếu được phát hiện sớm, 50% sống trên 5 năm.

Mouth, dry: khô mồm, do nước miếng không sản xuất đủ, thường có tính cách giai đoạn, vì sợ hãi quá độ, tuyến nước miếng bị nhiễm khuẩn, dùng một vài loại dược phẩm. Chứng khô mồm thường xuyên ít khi xảy ra, nguyên nhân là hội chứng Sjogren, chữa trị u bướu trong mồm bằng xạ trị; các triệu chứng kèm theo là nuốt và nói khó khăn, răng bị sâu, mất vị giác.

Mouth ulcer: loét niêm mạc mồm. Nguyên nhân thường không rõ, người khoẻ mạnh vẫn mắc phải, nhất là khi tinh thần bị căng thẳng, phụ nữ trước khi hành kinh. Các trường hợp khác là do nhiễm siêu khuẩn Herpes simplex, do hội chứng Behcet, bệnh đường ruột.

Ðiều quan trọng là cần phân biệt loét với ung thư mới phát. Cho nên, những ai từ 40 tuổi trở lên, nếu loét kéo dài hơn 1 tháng thì nên đến bác sĩ để được kiểm tra.

Moxibustion: phép cứu với ngải.

MRI scanning, magnetic resonance imaging scanning: kỹ thuật định bệnh bằng cách chụp hình 3 chiều các cơ quan trong cơ thể, dùng từ trường của một thiết bị phối hợp với máy computer, thay vì tia X. Hình ảnh do MRI tạo ra trông rõ nét hơn với CT scan, máy được sử dụng để xét nghiệm não và tủy sống, cơ cấu bên trong của tai và mắt, tim, mạch máu lớn, các khớp v.v.

MRSA, Methicillin resistant Staphylococcus aureus: khuẩn Staphylococcus aureus đề kháng với kháng sinh Methicillin, và hầu như với tất cả loại kháng sinh khác. Trường hợp này thường xảy ra tại các phòng điều trị của bệnh viện, gây tử vong cao.

Muco-: tiếp đầu ngữ chỉ chất/màng nhầy.

Mucopurulent: có chứa nhầy và mủ.

Mucosa, mucous membrane: màng nhầy lót bên trong các cơ quan.

Mucus: dịch nhầy.

Multi-: tiếp đầu ngữ chỉ số nhiều, ví dụ multigravida = có chửa nhiều lần.

Multiple personality: (tâm thần) một tình trạng tâm thần ít có, người bệnh có hai hoặc nhiều nhân cách khác nhau, và thường là đối chọi nhau, kiểu ‘ông thiện’ ‘ông ác’. Tình trạng này không có liên quan với bệnh tâm thần phân liệt.

Multiple pregnancy: (sản phụ khoa) đa thai, có chửa nhiều con từ hai trở lên, xảy ra khi hai hoặc nhiều trứng rụng ra từ buồng trứng và được thụ thai cùng lúc với tinh trùng. Ngày nay, trường hợp đa thai là do sử dụng thuốc mắn sinh con (fertility drugs). Các biến chứng gồm có: cao huyết áp, nước ối nhiều, xuất huyết hậu sản, thai nằm ở vị trí bất thường, sinh non, tỷ lệ mổ đem con ra nhiều hơn.

Multiple sclerosis, MS: (thần kinh) đa xơ hóa hệ thần kinh trung ương (não và tủy sống), phát triển dần dần, do hư tổn rải rác ở bao myelin xung quanh trục (axon) tế bào thần kinh. Nguyên nhân không rõ, có thể là bệnh tự miễn (autoimmune disease) (?); di truyền (?); môi trường (?), bệnh ít xảy ra tại vùng nhiệt đới; siêu khuẩn (?). Bệnh có ở người trẻ tuổi, các triệu chứng xảy ra một thời gian nhiều tuần hoặc nhiều tháng rồi giảm đi, và thay đổi tùy theo hư hại ở tủy sống hay vùng não: nếu là tủy sống, bệnh nhân bị tê tay chân, có cảm giác thân thể bị siết chặt lại, chân tay trở nên nặng, cứng đơ và liệt, bọng đái vì mất sự kiểm soát nên hay són đái; tổn hại não bộ gây mệt mỏi, chóng mặt, cơ bắp yếu, đi đứng không vững, nói ngọng, mắt mờ và thấy hai hình, tê đau ở mặt. Về tinh thần thì cảm xúc thay đổi, khi thì phớn phở sảng khoái, lúc lại u sầu buồn chán. Trong phần định bệnh, bác sĩ dùng MRI để phát hiện những mảng ở não tủy, đo tốc độ xung lực thần kinh chạy dọc theo thần kinh mắt (optic nerve). Về chữa trị, có thuốc Interferon beta, Corticosteroid, vật lý liệu pháp, và bệnh nhân nên vận động nhiều.

Mumps: quai bị, một bệnh nhiễm siêu khuẩn thường xảy ra cho trẻ con, lây lan qua các giọt nước bọt bắn ra khi ho, nhảy mũi. Thời gian này là một tuần trước và hai tuần sau khi các triệu chứng xảy ra: một bên tuyến nước bọt mang tai (parotid gland) sưng lên, vài ngày sau là tuyến bên kia. Ðối với thiếu niên và người lớn, chứng quai bị đôi khi kèm với sưng tinh hoàn (orchitis) một bên hoặc cả hai bên, có thể gây vô sinh. Thỉnh thoảng một vài biến chứng xảy ra như viêm màng não, viêm tụy tạng (pancreatitis). Về phòng ngừa, có loại thuốc hỗn hợp MMR (sởi, quai bị, sởi Ðức) để tiêm.

Munchausen’s syndrome: (tâm thần) một loại rối loạn tâm thần gọi nôm na là ‘nghiện bệnh viện’, bệnh nhân tìm đủ mọi cách để nhập viện hầu lôi cuốn sự chú ý của nhân viên y tế. Họ khai đủ thứ bệnh và nêu ra các triệu chứng phù hợp với từng thứ một, lại còn sẵn sàng để bác sĩ làm một số xét nghiệm như nội soi (endoscopy) hoặc cả mổ bụng thăm dò nữa (laparotomy). Trong chứng Munchausen’s syndrome by proxy, bệnh nhân gây thương tích cho người thân, thường là trẻ con, mục đích để lôi cuốn sự chú ý của nhân viên y tế về mình.

Muscular dystrophy: loạn dưỡng cơ, bất cứ bệnh nào trong các bệnh di truyền về cơ bắp, đặc trưng là một số cơ chọn lọc bị yếu và teo dần đi, các sợi cơ thoái hóa và thay vào đó là mô mỡ. Chứng loạn dưỡng cơ được được phân loại theo tuổi của bệnh nhân khi phát bệnh, sự phân bổ các cơ bị yếu, diễn tiến của bệnh và cách di truyền. Việc xác định bệnh căn cứ trên điện cơ ký (electromyogram) và sinh thiết cơ. Loại thường thấy nhất là loạn dưỡng Duchenne, một bệnh di truyền xảy ra cho con trai. Bệnh bắt đầu lúc trên 4 tuổi, triệu chứng gồm có: cơ đai chậu và cơ lưng bị yếu và teo lại, đứa bé có dáng đi lạch bạch, cột sống thắt lưng ưởn về phía trước, còn các cơ bắp chân và sau đó cơ vai và các chi trên thì chắc cứng và to ra. Bệnh không chữa được, sinh lý liệu pháp và liệu pháp chỉnh hình có thể giúp giảm bớt tình trạng tật nguyền này.

Mutagen: chất sinh đột biến, một tác nhân bên ngoài cơ thể khi ảnh hưởng đến các tế bào hay sinh vật có thể làm tăng tỷ lệ đột biến (mutation), gây ra ung thư hay bệnh di truyền. Các chất sinh đột biến chính là: 1- bức xạ, gồm tia Xquang, tia vũ trụ, các thành phần li ti alpha và beta, tia gamma thoát ra từ vụ nổ nguyên tử, lò nguyên tử bị hư hỏng. 2- hóa chất, đặc biệt là của khói thuốc lá. 3- một số siêu khuẩn.

Mutation: đột biến, sự thay đổi về chất liệu di truyền DNA của tế bào, hay thay đổi đặc tính của một cá thể không do di truyền. Có hai loại: đột biến chỉ ảnh hưởng đến một gen và đột biến thay đổi cấu trúc và số lượng nhiễm sắc thể. Ðột biến xảy ra trong các tế bào sinh dục đang phát triển (giao tử, gamete) có thể di truyền cho con cháu, còn đột biến trong các tế bào khác thì không.

Mutism: tật câm, do mất khả năng hay không chịu nói. Câm bẩm sinh xảy ra cho những trẻ bị điếc từ lúc mới sinh (deaf-mutism); mất khả năng hay không chịu nói có thể là một triệu chứng của bệnh hưng trầm cảm nặng, tâm thần phân liệt, u não, tràn dịch não (hydrocephalus).

My-, myo-: tiếp đầu ngữ chỉ cơ bắp, ví dụ myalgia = đau trong cơ bắp.

Myalgic encephalomyelitis, ME: (thần kinh) một rối loạn không rõ nguyên nhân, có thể là do siêu khuẩn. Hiện vẫn còn đang tranh luận về sự hiện hữu của bệnh này, thường xảy ra sau khi cơ quan hô hấp trên hoặc đường ruột bị nhiễm trùng. Tiếp theo đó là nhiều triệu chứng như sốt, nhức đầu, đau cơ bắp, yếu mệt trong người, tay chân tê như kim châm, buồn nôn chóng mặt; về tinh thần thì bệnh nhân bị buồn chán, không tập trung tư tưởng được, kém trí nhớ, khó ngủ, hay sợ hãi. Tình trạng trên sẽ hết đi một thời gian sau, nhưng có một số trường hợp kéo dài dai dẳng nhiều năm. Không có xét nghiệm để định bệnh chính xác cũng như thuốc chữa, ngoài tâm lý liệu pháp ra.

Myasthenia gravis: bệnh ít có, xảy ra cho phụ nữ từ 20-30 tuổi. Ðây là một loại bệnh tự miễn (autoimmune disease), điểm tiếp nhận ở cơ bắp bị bế tắc nên cơ không co lại bình thường khi có một xung điện thần kinh chạy đến. Các cơ bắp bị ảnh hưởng gồm: cơ mắt, gây sụp mi mắt trên, nhìn một hóa hai; cơ mặt, họng, thanh quản, cổ, làm giọng nói trở nên khàn, ngọng nghịu. Trong những trường hợp nặng, cơ tay chân bị ảnh hưởng gây khó khăn cho sự cử động, cơ hô hấp gây khó thở. ¾ bệnh nhân có những bất thường về tuyến ức (thymus), trong số đó 10-15% là u tuyến. Ðịnh bệnh qua khám lâm sàng, dò phản ứng của cơ bắp sau khi tiêm thuốc edrophonium, làm cơ điện đồ (electromyogram), tìm kháng thể trong máu. Chữa trị với dược phẩm đặc hiệu, corticosteroid liều cao, thay đổi thường xuyên huyết tương có kháng thể bằng huyết tương tốt, cắt bỏ u tuyến ức. Bệnh nhân có thể có cuộc sống bình thường nhưng trong trường hợp nặng, nguy cơ suy hô hấp, nhiễm trùng phổi sẽ gặp phải nhiều hơn.

Myc-, myco-, myceto-: tiếp đầu ngữ chỉ nấm, ví dụ mycetoma = viêm mạn tính ở da và xương do một loại nấm.

Mycobacterium: khuẩn hình que, gồm M. leprae, tác nhân của bệnh hủi (cùi), M. tuberculosis gây lao, M. bovine, một loại khuẩn gây lao cho bò, người có thể nhiễm lao nếu uống sữa không được khử trùng.

Mycology: khoa nghiên cứu về nấm và bệnh nhiễm nấm.

Mycoplasma: một loại vi sinh vật to và không có màng bao giống như siêu khuẩn, nhưng khác là có thể sinh trưởng bên ngoài tế bào. Phần lớn đều vô hại, loại gây sưng phổi có tên là Mycoplasma pneumoniae.

Mycosis: bệnh do nấm gây ra.

Mycosis fungoides: một loại ung thư mạch bạch huyết, thể hiện chủ yếu ở da mông đít, lưng và vai, tiến triển chậm.

Mydriasis: tình trạng đồng tử (con ngươi) nở rộng ra

Myelin: (thần kinh) hỗn hợp chất béo và đạm của bao bên ngoài trục một số tế bào thần kinh, giúp sự truyền dẫn thần kinh nhanh hơn so với tế bào không có hỗn hợp này.

Myelitis: (thần kinh) viêm tủy sống, nhiều nhất là thể nằm ngang (transverse myelitis), thường xảy ra trong tiến trình đa xơ hóa, gây tê và liệt chân.

Myelocyte: tủy bào, một dạng bạch cầu hạt còn non, thấy trong các mô tạo máu của tủy xương. Trong những trường hợp bất thường như nhiễm trùng, ung thư máu, tủy bào hiện diện trong máu.

Myelofibrosis: xơ hóa tủy xương mạn tính, gây thiếu máu, trong hệ tuần hoàn có nhiều hồng cầu và bạch cầu còn non. Ðặc trưng khác gồm lớn lá lách, các mô tạo máu hiện diện tại những vị trí bất thường như gan, lá lách.

Myelography: chụp Xquang tủy sống bằng cách tiêm chất cản quang vào khoảng dưới mạng nhện (subarachnoid space) của màng bao tủy, giúp phát hiện khối u, tình trạng tủy sống bị ép do đĩa sụn trồi ra, hư tổn dây thần kinh tủy sống. Kỹ thuật này hiện được thay thế bởi CT, MRI scanning.

Myeloid leukaemia: ung thư máu nhiều bạch cầu hạt (granulocyte), có thể là cấp tính hay mạn tính. Xem chữ Leukaemia.

Myeloma, multiple: một loại ung thư tủy xương, gồm hai hay hơn các tiêu chuẩn sau đây: 1- có một số lượng quá lớn tương bào (plasma cells) trong tủy xương, sản xuất kháng thể immunoglobulin. 2- chất hủy hoại đọng trong xương nên hình chụp Xquang trông có vẻ như bị thủng lỗ. 3- huyết thanh chứa một số lớn kháng thể immunoglobulin. Triệu chứng: đau nhức trong xương, xương bị hủy hoại nên dễ gẫy, và nếu là cột sống, đốt xương có thể cụp xuống, chèn ép dây thần kinh gây tê và liệt chi, suy thận, thiếu máu nên hay chóng mặt, dễ nhiễm trùng, máu chảy khó đông lại. Ðịnh bệnh bằng sinh thiết tủy xương, chụp Xquang, thử máu và nước tiểu tìm immunoglobulin đặc hiệu. Chữa trị với thuốc chống ung thư, xạ trị, chuyền máu, kháng sinh. Tiên liệu xấu, chỉ 1/5 bệnh nhân sống sót được 4 năm hay hơn.

Myocardial infarction: nhồi máu cơ tim làm chết một vùng cơ, khi dòng máu cung cấp bị tắc vì cục máu đông lại tại mảng chất béo đóng ở mạch máu vành tim, hoặc từ nơi khác chạy đến. Tiếng thông thường là kích tim (heart attack). Các yếu tố tăng nguy cơ là: tuổi tác, thuốc lá, ăn uống bừa bãi, cao huyết áp. tiểu đường, béo phì, lượng chất béo trong máu tăng cao, có thân nhân mắc phải. Triệu chứng: đau dữ dội ở giữa ngực kéo dài nhiều phút, lan đến cằm và cánh tay trái, khó thở, bồn chồn lo sợ, rịn mồ hôi, buồn nôn, mửa, hoặc bất tỉnh. Về biến chứng, mối nguy hiểm chết người nhất là rung tâm thất (ventricular fibrillation), các rối loạn khác là nhịp tim đập lộn xộn, van hai lá không khép kín hoàn toàn, viêm màng bao tim, suy tim, vỡ tim, thủng vách ngăn hai tâm thất. Ðịnh bệnh qua khám lâm sàng, làm điện tâm đồ (ECG), đo lượng men do hư tổn tim phóng thích ra, chụp hình khẩn cấp mạch máu vành tim. Bệnh nhân được điều trị tại phòng đặc biệt chuyên về tim mạch (Coronary care unit). Phần lớn, sau khi xuất viện, có thể sinh hoạt bình thường.

Myocarditis: viêm cơ tim, có thể là cấp hoặc mạn tính.

Myocardium: cơ tim, lớp giữa trong ba lớp tạo nên thành tim, ở tâm thất dày hơn tâm nhĩ.

Myoclonus: chứng máy cơ, đặc trưng của một số bệnh đang diễn tiến về thoái hóa của tế bào não. Trường hợp máy giật cơ ban đêm (nocturnal myoclonus) có thể xảy ra cho người bình thường.

Myoma: u lành tính của cơ trơn, ví dụ tử cung, hoặc cơ vân.

Myomectomy: (sản phụ khoa) cắt bỏ u xơ lành tính của tử cung.

Myometrium: (sản phụ khoa) mô cơ trơn tử cung, bao quanh nội mạc tử cung.

Myopathy: bệnh cơ gây đau nhức, cơ yếu đi và teo lại.

Myopia, short-sightedness: cận thị.

Myosarcoma: u ác tính của cơ.

Myosis, miosis: đồng tử thu nhỏ.

Myositis: viêm và thoái hóa cơ, ví dụ polymyositis = viêm đa cơ.

Myotonia: loạn lực cơ, các sợi cơ co lại và giữ lâu trong tình trạng ấy một cách bất thường.

Bệnh nhân có khó khăn để nới lỏng một cử động, ví dụ khi nắm tay lại rồi duỗi thẳng ra. Có hai loại: di truyền và loạn lực cơ do loạn dưỡng cơ (muscular dystrophy).

Myringitis: viêm màng nhĩ.

Myringotomy: thủ thuật xẻ màng nhĩ, áp dụng trong chứng tai giữa có dịch nhờn (glue ear). Bác sĩ cùng lúc đặt một ống thông nhỏ (grommet) giúp dịch thoát ra và tạo sự cân bằng về áp suất của tai giữa và tai ngoài. .

Myxoedema: da thô và hơi phù, có trong bệnh giảm năng tuyến giáp (hypothyroidism) của người lớn.

[collapse]

N

Naevus: vết chàm, bớt, nốt ruồi.

Naloxone: thuốc giảm độc do morphine và các thuốc cùng loại gây ra.

Narcissism: (tâm lý) tình trạng trong đó ‘cái tôi’ được coi là trọng, đáng yêu và suy tôn. Một số lớn người có tình trạng này ở một mức độ ít, nhưng nếu thái quá là một triệu chứng của bệnh tâm thần phân liệt, của rối loạn nhân cách (narcissistic personality disorder). Họ cho mình là cái rốn của vũ trụ, thích lôi cuốn sự chú ý về mình, hay tự đề cao cá nhân, cảm thấy khó chịu nếu bị thất bại việc gì hoặc bị ai chỉ trích, khó thể hòa hợp với người khác.

Narco-: (tinh thần) tiếp đầu ngữ chỉ sự mê, trạng thái sững sờ.

Narcolepsy: (tinh thần) chứng buồn ngủ nhiều lần trong ngày, mỗi lần vài giây đến trên một giờ, gây trở ngại không ít cho sinh hoạt thường nhật. Một số triệu chứng kèm theo là đột ngột mất trương lực cơ bắp, liệt cơ bắp tạm thời, có ảo giác (hallucination) về nghe.

Narcosis: (tinh thần) tình trạng giảm hoặc mất tri thức hoàn toàn do sử dụng các loại thuốc giảm đau, thuốc gây mê.

Narcotic drugs: thuốc giảm đau, lạm dụng có thể đưa đến quen lờn thuốc và nghiện. Tên thuốc: Codeine, Dihydrocodeine, Morphine, Diamorphine, Pethidine.

Nasal obstruction: trít nghẹt mũi. Nguyên nhân: viêm niêm mạc mũi (thường nhất), vách ngăn đôi khoang mũi bị lệch, máu tụ ở đó vì chấn thương (haematoma), mũi mọc nhánh (nasal polyp), ung thư nóc họng; ở trẻ con thường là mô hạch bạch huyết (adenoids) ở nóc họng mọc to lên.

Nasal septum: vách mũi ngăn đôi khoang mũi, gồm phần sụn ở trước và xương ở sau. Vách có thể bị lệch, máu tụ lại khi bị chấn thương, thủng lỗ vì lao, giang mai, hít cocaine, vì giải phẫu.

Naso-: tiếp đầu ngữ chỉ mũi.

Nasolacrimal duct: ống dẫn lệ, nước mắt từ túi lệ chảy theo ống xuống mũi. Xem chữ lacrimal apparatus.

Nasogastric tube: ống bằng plastic đưa qua mũi, thực quản rồi xuống dạ dày, để: hút dịch ở đó ra khi ruột bị tắc hoặc không go bóp sau khi mổ bụng; đưa thực phẩm vào nuôi bệnh nhân ốm nặng không ăn uống được; lấy mẩu dịch để xét nghiệm; súc rửa dạ dày vì ăn phải chất độc, uống thuốc quá liều.

Nasopharynx / cancer of nasopharynx: nóc họng, nằm sau khoang mũi / ung thư nóc họng, thường thấy ở người từ 40-50 tuổi sống trong vùng Ðông Nam Á (ví dụ Việt Nam). Triệu chứng: chảy máu mũi tái đi tái lại, chảy nước mũi thường xuyên, giọng nói tay đổi. Dần dần, bệnh nhân mất mùi vị, thấy hai hình, điếc tai, liệt và đau dữ dội một bên mặt. Ðịnh bệnh bằng sinh thiết một mẩu u bướu để xét nghiệm, chụp Xquang, làm CT scan. Chữa trị bằng xạ trị, tiên liệu tùy theo bệnh được phát hiện sớm muộn, 1/3 bệnh nhân sống sót trên 5 năm.

Nausea: buồn nôn.

Nebuliser: thiết bị dùng để bơm thuốc, phóng ra những hạt bụi li ti, được sử dụng đặc biệt trong một số trường hợp, ví dụ bệnh suyễn.

Necro-: tiếp đầu ngữ chỉ sự chết, sự tan rã.

Necrolysis, toxic epidermal: da phồng lên và tróc ra giống như bị phỏng độ III. Ðối với con nít, nguyên nhân là nhiễm khuẩn Staphylococcus, còn người lớn là do phản ứng thuốc, ví dụ Penicillin, Barbiturate.

Necrophilia: (tâm thần) một loại loạn dâm, người mắc phải chỉ đạt đươc khoái lạc tình dục khi giao cấu với xác chết.

Necrosis: hoại tử, tình trạng một số hay toàn thể tế bào trong một cơ quan hoặc mô bị chết vì bệnh, vì tổn thương vật lý, hóa học hay do trở ngại về cung cấp máu. Hoại tử bã đậu (caseous necrosis) xảy ra trong lao phổi, phổi mềm như cheese.

Negativism: (tâm thần) tính phủ định, một kiểu cư xử hành động đối nghịch với những gì người khác bảo hoặc khuyên phải làm, có thể thấy trong bệnh tâm thần phân liệt, trầm uất.

Nematode (roundworm): giun, cơ thể hình trụ, không có đốt, nhọn ở hai đầu, ví dụ giun kim (oxyuris), giun móc (ancylostoma), giun chỉ (filatiae), giun đũa (ascaris).

Neologism: (tâm thần) dùng từ mới, chỉ một mình người đặt ra hiểu mà thôi, thường xảy ra cho trẻ con, nhưng ở người lớn thì có thể là một triệu chứng của bệnh tâm thần phân liệt.

Neonate: hài nhi mới sinh dưới 1 tháng tuổi.

Neoplasm: u bướu, có thể lành hoặc ác tính.

Neph-, nephro-: tiếp đầu ngữ chỉ thận, ví dụ nephrectomy = cắt bỏ thận.

Nephritis: viêm một hoặc hai quả thận. Từ này không đặc hiệu, dùng mô tả một tình trạng hư tổn do nhiều nguyên nhân gây ra: nhiễm khuẩn, bệnh thuộc hệ miễn nhiễm, rối loạn chuyển hóa v.v.

Nephroblastoma (Wilm’s tumour): u ác tính của thận thấy ở trẻ con. Chữa trị bằng cách cắt bỏ thận, kèm theo xạ trị và thuốc chống ung thư. Kết quả khỏi bệnh đạt 75%.

Nephrocalcinosis: calcium lắng đọng ở thận. Nguyên nhân: lượng calcium máu tăng rất cao vì tuyến cận giáp (parathyroid glands) hoạt động quá tải; bệnh đặc hiệu của thận, nước tiểu sản xuất ra có lượng a xít thấp (renal tubular acidosis); uống thuốc chống a xít lâu ngày để chữa bệnh dạ dày, dùng vitamin D quá liều.

Nephrolithiasis: bệnh sạn thận.

Nephrology: ngành y khoa nghiên cứu và chữa trị các bệnh về thận.

Nephron: ống sinh niệu, mỗi quả thận có khoảng 1 triệu cái, gồm những mạch máu li ti và tiểu quản. Nước và các hóa chất chuyển từ mạch máu sang bao tiểu quản và tiểu quản nhỏ li ti rồi đến một tiểu quản chính lớn hơn. Trong quá trình chảy dọc theo ống này, nước và một số hóa chất như đường, muối, chloride được thu hút lại, một số khác theo nước tiểu để ra ngoài. Mỗi giờ, thận sản xuất 60ml nước tiểu, 1.5 lít mỗi ngày.

Nephrotic syndrome: hội chứng hư thận, nước tiểu có nhiều chất đạm, nên lượng đạm trong máu giảm xuống gây sưng phù chân và mặt, bụng ỏng nước (ascites). Nguyên nhân: viêm thận và mạch máu li ti của thận (glomerulonephritis), tiểu đường, thận đóng bột (amyloid), cao huyết áp nặng, phản ứng do chất độc, ví dụ chì, do dược phẩm.

Nerve: (thần kinh) dây thần kinh, gồm nhiều sợi nhỏ truyền xung lực từ não, tủy sống xuống các cơ và tuyến (dây thần kinh vận động, motor nerve), hay ngược lại từ các cơ quan cảm giác đến não và tủy sống (dây thần kinh cảm giác, sensory nerve). Hầu hết dây thần kinh lớn đều là dây thần kinh hỗn hợp chứa cả hai loại sợi.

Nerve block: (thần kinh) phương pháp gây tê một vùng cơ thể với thuốc tê tiêm vào hoặc xung quanh dây thần kinh phân bổ đến vùng đó.

Nerve ending: (thần kinh) mút cuối của tế bào thần kinh tiếp xúc với tế bào thần kinh khác, hay với một cơ, một tuyến.

Nerve gas: (thần kinh) hơi độc thần kinh gây liệt cơ, đặc biệt là cơ hô hấp.

Nerve impulse: (thần kinh) xung lực thần kinh, truyền dẫn các thông tin dọc theo trục (axon) tế bào thần kinh.

Nerve injury: (thần kinh) hư tổn hoặc đứt một số hay toàn thể các sợi của dây thần kinh. Dây thần kinh ngoại biên (bên ngoài não và tủy sống) có thể mọc lại, chức năng khôi phục được phần nào nhưng cần tích cực thực hành sinh lý liệu pháp để cử động thêm dễ dàng; trong thao tác giải phẫu, phải đặt ngay ngắn các đầu sợi thần kinh để giúp sự mọc lại đạt kết quả khả quan hơn. Dây thần kinh trung ương của não và tủy sống, vì cấu trúc khác với dây thần kinh ngoại biên, nên không mọc lại được.

Nerve, trapped: (thần kinh) dây thần kinh bị đè ép, gây cho cơ quan được phân bổ đến bị tê, lăn tăn như kim châm, yếu liệt, đau nhức. Một số ví dụ là: hội chứng đường hầm cổ tay (carpal tunnel syndrome), dây thần kinh giữa (median nerve) bị ép; rễ của dây thần kinh tủy sống bị đĩa sụn cột sống trồi ra rồi đè lên (prolapse disk); tê liệt tay do mang nạng đè lên dây thần kinh quay (radial nerve).

Nervous breakdown: (tinh thần) tiếng bình dân để chỉ sự suy sụp tinh thần.

Nervous system: (thần kinh) hệ thần kinh, một mạng lưới lớn của các tế bào chuyên biệt để đem thông tin dưới dạng xung lực thần kinh đến và đi khắp cơ thể. Có những loại sau đây: 1 hệ thần kinh trung ương (central nervous system), gồm não và tủy sống, tiếp nhận thông tin từ các bộ phận trong cơ thể và cơ quan giác quan, và gửi tín hiệu đến cơ bắp và tuyến, qua dây thần kinh ngoại biên. 2 hệ thần kinh ngoại biên gồm những dây thần kinh nối não và tủy sống với các bộ phận, 31 đôi (spinal nerve) từ tủy sống và 12 đôi (cranial nerve) từ não. 3 hệ thần kinh tự trị (autonomic nervous system) liên quan đến sự điều hành các cơ quan nội tạng, và được chia làm hệ thần kinh giao cảm (sympathetic nervous system) và đối giao cảm (parasympathetic nervous system). Ðơn vị hoạt động căn bản của hệ thần kinh là tế bào thần kinh (neurone).

Neuro-: tiếp đầu ngữ chỉ dây thần kinh, hệ thần kinh.

Neuralgia: (thần kinh) đau dữ dội như dao đâm, như bị phỏng thường theo đường đi của dây thần kinh. Ví dụ: đau rát vùng da sau khi các mụt nước của bệnh dời leo (herpes zoster) đã lành; đau buốt từng cơn ngắn kịch phát ở nhánh dây thần kinh sinh ba (trigeminal nerve) gồm nhánh mắt, nhánh hàm trên và hàm dưới; đau ở mặt trong cơn nhức nửa bên đầu (migraine) lâu khoảng từ 30 phút đến 3 tiếng đồng hồ, thường xảy ra vào buổi sáng.

Neural tube defects: (thần kinh) khuyết tật bẩm sinh của ống thần kinh (khi còn ở giai đoạn bào thai) không phát triển bình thường. 1 trong hở đốt cột sống (spina bifida), màng bao tủy sống trồi ra dưới da (meningocele) nên dễ bị tổn hại đưa đến nhiễm trùng, hoặc màng bao tủy, tủy sống và dây thần kinh xuất phát từ đó trồi ra (meningomyelocele) gây liệt hai chân, tiểu tiện không kiểm soát được (urinary incontinence), cộng thêm nguy cơ nhiễm trùng. Xem chữ Meningocele. 2 hở hộp sọ (cranium bifidum), thường ở xương ót, từ đó màng não hoặc não trồi ra, đem lại nhiều rối loạn trầm trọng về tâm thần và thể chất.

Neurasthenia: suy nhược tinh thần và thể chất, gồm mệt mỏi, nhức đầu, choáng váng, dễ bực tức, lo âu, không chịu được tiếng động. Chứng này có thể do tổn hại về cơ thể như bị chấn thương đầu, hoặc do rối loạn tâm thần (neurosis).

Neuritis: (thần kinh) viêm dây thần kinh ngoại biên.

Neuroblastoma: (thần kinh) u ác tính bắt nguồn từ bất cứ phần nào của hệ thần kinh giao cảm, thường thấy nhất là ở phần lõi của tuyến thượng thận.

Neurofibromatosis (von Recklinghausen’s disease): (thần kinh) bệnh bẩm sinh gồm nhiều khối u lành tính phát triển ở dây thần kinh, nổi lên dưới da có thể sờ thấy, và những mảng da màu cà phê sữa. Trong một số trường hợp, bệnh kết hợp với u dây thần kinh thính giác (acoustic neuroma), u lõi tuyến thượng thận, bướu não, bướu màng não.

Neurology: thần kinh học.

Neuroma: (thần kinh) u bướu dây thần kinh, ví dụ acoustic neuroma = bướu dây thần kinh thính giác.

Neurone (nerve cell): tế bào thần kinh, một trong số các đơn vị căn bản của hệ thần kinh, được chuyên hóa để dẫn truyền các xung lực thần kinh, mang thông tin từ bộ phận cơ thể này đến bộ phận khác. Cấu trúc gồm có: thân tế bào chứa nhân, đuôi gai (dendrite), trục (axon) có bao myelin hoặc không. Khoảng trống giữa hai tế bào thần kinh tiếp nối nhau gọi là vùng tiếp hợp (synapse). Tế bào thần kinh được chia ra hai loại: tế bào thần kinh vận động và tế bào thần kinh cảm giác.

Neuropathy: (thần kinh) bệnh của dây thần kinh ngoại biên. Nguyên nhân: tiểu đường, thiếu vitamin, uống rượu nhiều, nhiễm độc chì hoặc dược phẩm, bệnh hủi, siêu khuẩn, bệnh miễn nhiễm, ung thư v.v. Triệu chứng: 1- tổn hại thần kinh cảm giác: tê, đau, lạnh tay chân lan ra khắp thân thể. 2- tổn hại thần kinh vận động: cơ bị yếu và teo nhỏ. 3- tổn hại thần kinh tự trị: mồ hôi không toát ra, ngất xỉu từng cơn do huyết áp tụt xuống, rối loạn về tiêu hóa, tiểu tiện, tình dục. Việc định bệnh được tiến hành qua khám lâm sàng, thử máu, chụp Xquang, sinh thiết cơ bắp và dây thần kinh, cùng nhiều thử nghiệm khác.

Neuropsychiatry: ngành y khoa nghiên cứu về ảnh hưởng của các rối loạn thần kinh hệ đến tâm thần.

Neurosis: (tâm thần) rối loạn tâm thần, bệnh nhân vẫn giữ được sự sáng suốt nhưng cách cư xử và suy nghĩ kém thích nghi với vụ việc, hoàn cảnh. Họ hay sợ hoãng, bị chứng ám ảnh rồi buộc phải hành động (obsessive compulsive disorder), rối loạn về tình dục, về tâm lý biến thành những triệu chứng cơ thể (conversion disorder), buồn chán v.v.

Neurosyphilis: bệnh giang mai ảnh hưởng đến hệ thần kinh.

Neurotoxic: (thần kinh) độc hại cho tế bào thần kinh.

Neurotransmitter: (thần kinh) chất truyền dẫn thần kinh, một hóa chất từ các mút thần kinh phóng thích ra để truyền xung lực qua các vùng tiếp hợp đến tế bào thần kinh kế cận, hoặc qua những khoảng trống nhỏ giữa sợi thần kinh và cơ hay tuyến. Các chất trên là: Acetylcholine, Noradrenaline, Dopamine, Serotonin, Gamma-amino butyric acid, Amino acid glutamate, và nhiều hóa chất khác nữa. Khi được phóng thích ra, chất truyền dẫn thần kinh gắn vào các điểm tiếp nhận (receptors) rồi tạo ra xung lực.

Neutrophil: một loại bạch cầu hạt có khả năng tiêu diệt khuẩn và là một cơ chế bảo vệ cơ thể chống lại nhiễm trùng.

Nicotine: độc chất trong thuốc lá, có tính kích thích và gây lệ thuộc vào thuốc lá cho những ai hút thường xuyên. Tuy không gây ung thư phổi, nhưng nicotine tạo điều kiện cho các bệnh tim mạch phát sinh.

Night blindness: chứng quáng gà, không nhìn thấy khi ánh sáng mờ hoặc vào ban đêm vì rối loạn ở tế bào hình que của võng mạc, do bẩm sinh hoặc thiếu vitamin A. Thiếu vitamin này, nếu không được bổ sung, sẽ đưa đến chứng khô mắt và nhuyễn giác mạc (keratomalacia).

Nighmare: cơn ác mộng.

Night terror: cơn sợ hãi ban đêm, xảy ra cho trẻ con từ 2-4 tuổi.

Nitrous oxide: chất khí không màu dùng làm thuốc mê, cũng làm giảm đau để dùng trong nha khoa và khi sinh đẻ. Trước kia khí được gọi là khí gây cười.

Noma: hoại thư ở mồm lan ra tới mặt do nhiễm trùng. Bệnh ít thấy, xảy ra cho những người suy dinh dưỡng trầm trọng.

Non-accidental injury, NAI: chấn thương gây ra cho trẻ con, không do tai nạn mà do cha mẹ hay thân nhân đánh đập hành hạ, thương tích đôi khi rất trầm trọng đưa đến tàn tật, tử vong. Hậu quả về sau cho nó là chậm lớn, tâm lý tình cảm không phát triển. Các yếu tố tạo nên tình trạng này là: khó khăn trong sự liên hệ giữa cha mẹ và con cái, đứa bé có dị tật, vấn đề gia đình và xã hội, cha mẹ trước kia cũng từng bị sách nhiễu hành hạ.

Non-Hodgkin’s lymphoma: một loại u ác tính hạch bạch huyết. Xem chữ Lymphoma.

Nonsteroidal anti-inflammatory drug, NSAID: nhóm thuốc giảm đau, dùng trong các bệnh viêm khớp, đau bụng khi hành kinh. Tên thuốc: Aspirin, Ibuprofen, Naproxen… Phụ chứng có thể xảy ra là chảy máu và loét dạ dày. Loại thuốc không hại cho cơ quan tiêu hóa đang được lưu hành là Celecoxib (Celebrex).

Noradrenaline (Norepinephrine): hóc môn liên hệ với Adrenaline và có tác dụng tương tự, do phần lõi tuyến thượng thận tiết ra, do thần kinh giao cảm phóng thích như một chất truyền dẫn thần kinh. Tác dụng: co các mạch máu nhỏ làm huyết áp cao lên, tăng máu chảy ở mạch máu vành tim, làm chậm nhịp tim, tăng tốc độ và độ sâu của hơi thở, giãn cơ trơn thành ruột.

Normocyte: hồng cầu có kích thước bình thường. Normocytic anaemia là chứng thiếu máu có hồng cầu loại này.

Nosebleed: xem chữ Epistaxis.

Nuchal thickness scanning: đo chiều dày của da phía sau cổ bào thai 10-14 tuần bằng sóng siêu âm (ultrasound) giúp phát hiện những bất thường về nhiễm sắc thể, ví dụ hội chứng Down, càng dày càng có nguy cơ mắc phải.

Nuclear medicine: ngành y khoa sử dụng chất phóng xạ tiêm, uống, hít vào, rồi dùng gamma camera chụp hình, giúp nghiên cứu cấu trúc, chức năng của một cơ quan trong cơ thể.

Nucleic acid: một trong hai loại a xít hữu cơ DNA và RNA (ribonucleic acid) có trong nhân tế bào, chức năng chủ yếu là di truyền và tổng hợp chất đạm.

Nucleus: nhân, phần tế bào chứa chất liệu di truyền DNA, thành phần cơ bản của nhiễm sắc thể. Nhân cũng chứa RNA có nhiệm vụ trong tổng hợp chất đạm. Xem chữ DNA.

Numbness: tê, mất cảm giác ở một phần thân thể do có sự ngăn cản xung lực chạy dọc theo dây thần kinh. Nguyên nhân: mạch máu nuôi dây thần kinh bị chèn ép một lúc, ví dụ khi ngồi xếp bằng; rối loạn, tổn hại hệ thần kinh hoặc nguồn máu nuôi dưỡng hệ, ví dụ bệnh đa xơ hóa hệ thần kinh trung ương (multiple sclerosis, MS), bị trúng phong, bệnh thuộc hệ thần kinh ngoại biên (neuropathy). Ngoài ra, phải kể thêm một số rối loạn tâm lý như lo âu, có những cơn hoãng sợ, kích thích tột độ.

Nutrition: khoa nghiên cứu về thực phẩm liên quan đến tiến trình sinh lý trong cơ thể như tăng trưởng, sản xuất năng lượng, tái tạo tế bào. Khoa cũng xét đến chế độ ăn uống và các bệnh do thiếu dưỡng chất gây ra. Trung bình, phụ nữ cần 2,000 kcal mỗi ngày còn đàn ông là 2,750 kcal.

Nyctophilia / nyctophobia: (tâm lý) thích bóng tối, tránh hoạt động ban ngày. Ðiều này đôi khi là một hiện tượng của chứng sợ tiếp xúc với xã hội bên ngoài (social phobia) / sợ bóng tối, hay xảy ra cho trẻ con.

Nymphomania: (tâm thần) chứng loạn dâm ở phụ nữ, thích lang chạ tình dục.

Nystagmus: rung giật nhãn cầu, chuyển động mắt nhanh và không chủ ý từ bên này sang bên kia, lên xuống hoặc xoay tròn. Nguyên nhân: tật bẩm sinh kết hợp với kém thị lực; rối loạn của phần não có nhiệm vụ vận nhãn và điều hòa vận nhãn; rối loạn của cơ quan về giữ thăng bằng của tai trong hay phần não liên hệ. Rung giật nhãn cầu có thể xảy ra cho người bình thường làm việc trong bóng tối, ví dụ ở hầm mỏ, hoặc khi cố nhìn một chuỗi các vật chuyển động nhanh trước mắt, khi mệt mỏi rã rời.

[collapse]

O

Oat cell carcinoma: một loại ung thư ở khí quản, tế bào hình tròn hay bầu dục nhỏ như hạt yến mạch, thường xảy ra cho người hút thuốc lá. Chữa trị bằng thuốc chống ung thư và xạ trị, nhưng tiên liệu rất xấu.

Obesity: béo phì do có quá nhiều mỡ trong cơ thể, cân lượng trên 20% số phải có so với chiều cao. Có thể dùng chỉ số khối thân thể (body mass index, BMI) để dịnh loại béo phì, trung bình hay nhẹ cân lượng v.v. BMI = cân lượng (kí lô) chia cho bình phương chiều cao (mét). Ví dụ nặng 64 kí, cao1.6 mét, BMI sẽ là: 64 / 1.6 x 1.6 = 25. Từ 20 đến 25 là cân lượng trung bình, dưới 20 là nhẹ cân, 26 đến 30 là hơi nặng cân (overweight), 31 đến 40 là béo phì còn trên 40 là thuộc loại quá béo. Nguyên nhân chưa được rõ lắm, có thể là di truyền, cha mẹ béo phì thì con cái sẽ mắc phải 10 lần nhiều hơn bình thường; rối loạn chức năng của tuyến nội tiết; ăn uống vô độ, ăn tạp, lười vận động. Biến chứng của béo phì gồm có: cao huyết áp, bệnh tim mạch, trúng phong, tiểu đường, viêm xương khớp (osteoarthritis), ung thư ruột già, tuyến tiền liệt, vú, buồng trứng v.v.

Obsession: (tâm lý) sự ám ảnh.

Obsessive compulsive disorder, OCD: (tâm thần) một loại rối loạn tâm thần (neurosis), bệnh nhân bị ám ảnh rồi thôi thúc phải hành động để giải tỏa nó đi. Họ ý thức rằng ám ảnh này là vô nghĩa, điên rồ, cố xua đuổi nhưng không thoát được. Ví dụ ám ảnh bị nhiễm trùng nên rửa tay hoài, ra khỏi nhà rồi lại trở vào nhiều lần để xem lò gas đã tắt chưa v.v. Ðiều này gây cho họ nhiều khó khăn trong công việc làm, trong sự giao tiếp với người khác. Chữa trị bằng tâm lý liệu pháp thay đổi ý thức và cách cư xử hành động (cognitive behavioural therapy), đôi khi kèm với thuốc chống trầm uất (antidepressant).

Obstetrics / obstetrician: (sản phụ khoa) ngành y khoa chuyên về việc chăm sóc phụ nữ trong thời gian mang thai, lúc sinh và khoảng 6 tuần sau khi sinh / bác sĩ sản khoa.

Obstructive sleep apnoea: tình trạng hơi thở hít vào bị giới hạn lúc đang ngủ, kèm theo tiếng ngáy to và lượng khí oxi máu xuống thấp, có thể ảnh hưởng đến hoạt động của tim. Nguyên nhân: ở trẻ con thường do to a mi đan và mô hạch huyết vòm hầu (adenoids), người lớn là do quá béo phì, có bất thường ở họng, ví dụ họng bị hẹp, lưỡi to…

Occlusion: 1- sự tắc, đóng lại của một cơ quan rỗng. 2- (nha khoa) răng hàm trên và hàm duới cắn khít nhau. Xem chữ malocclusion.

Occult: không thấy được với mắt thường, ví dụ faecal occult blood = máu có rất ít trong phân, chỉ tìm thấy khi nhìn qua kính hiển vi, thử nghiệm hóa học.

Occupation diseases: bệnh do nghề nghiệp gây ra.

Occupational therapy: khoa chữa trị giúp bệnh nhân về thể chất hoặc tâm thần phục hồi lại phần nào chức năng đã mất, để trở lại cuộc sống bình thường. Các công tác gồm làm vườn, thủ công, thêu may, in ấn, làm đồ gốm, đồ gỗ các trò vui giải trí (cho người có tuổi) v.v. Khoa cũng xét cấp trợ cụ, trang bị thích hợp cho người bệnh tại nhà họ.

Ocular: thuộc về mắt hoặc sự nhìn thấy.

Oculogyric crisis: tình trạng mắt trợn ngược lên và nhìn thẳng vào một chỗ trong vòng nhiều phút đến hàng giờ, có thể xảy ra cho những người bị chứng giống như bệnh Parkinson (parkinsonism), viêm não, uống thuốc chữa bệnh tâm thần phân liệt loại Phenothiazine.

Oedema: sưng phù, nước tụ lại nhiều một cách bất thường trong mô cơ thể. 1- tại một vùng giới hạn, ví dụ bị chấn thương, viêm sưng. 2- tại nhiều nơi, xảy ra trong suy tim, suy thận, chai gan, viêm thận, hội chứng hư thận (nephrotic syndrome), đói vì thiếu ăn, bị dị ứng, sử dụng môt vài loại thuốc như corticosteroid, phenylbutazone. Trong các trường hợp nặng, nước có thể tụ ở màng phổi (pleural effusion), trong bụng (cổ trướng, ascites), trong nang phổi (phù phổi, pulmonary oedema).

Oedipus complex: (tâm lý) mặc cảm Oedipus. Khoa phân tâm cho đó là một sự đè nén ý tưởng tình dục xảy ra trong vô thức của đứa bé đối với cha/mẹ khác phái với nó, kèm theo là sự ghen tương, ghét bỏ cha/mẹ cùng phái. Sigmund Freud (một nhà phân tâm học người Áo) cho rằng mặc cảm Oedipus (với con gái, đôi khi được gọi là mặc cảm Electra) xảy ra cho mọi trẻ và sẽ chấm dứt khi chúng không còn ý tưởng trên nữa, kèm theo là sự đồng hóa (identification) với cha mẹ cùng phái và về sau là sự gắn bó với người khác phái ngoài xã hội. Sự ngưng phát triển ở giai đoạn Oedipus được coi là nguyên nhân của các chứng thác loạn tình dục (sexual deviation) và rối loạn tâm thần (neurosis).

Oesophageal atresia: tật bẩm sinh của trẻ sơ sinh, một đoạn của thực quản teo lại, không phát triển, nên uống vào lại nôn ra, cần phải xử lý khẩn cấp.

Oesophageal diverticulum: túi phình bất thường ở phần trên (pharyngeal pouch) và giữa của thực quản. Túi phần trên gây nuốt khó, nôn mửa, hơi thở có mùi hôi, chữa trị bằng cách cắt bỏ túi; túi phần giữa thường không có triệu chứng và không cần chữa trị.

Oesophageal stricture: hẹp trít thực quản, gây nuốt khó và đau, nôn mửa, sút cân. Nguyên nhân: ung thư thực quản, viêm thực quản do dịch dạ dày trào lên, uống phải chất phỏng cháy. Chữa trị bằng cách nông rộng thực quản, mổ cắt bỏ đoạn trít, mở dạ dày (gastrostomy) đặt ống để cho thức ăn vào nếu quá già yếu.

Oesophageal ulcer: loét thực quản.

Oesophageal varices: phình tĩnh mạch ở phần cuối thực quản do áp suất của tĩnh mạch cửa tăng cao (portal hypertension) trong bệnh chai gan, các bệnh về gan khác, tắc tĩnh mạch cửa do cục máu đông. Phình mạch có thể vỡ ra gây chảy máu xối xả.

Oesophagitis: Viêm thực quản. Nguyên nhân: 1- (thường thấy nhất) dịch dạ dày trào lên, gây đau nóng ở ngực, ợ chua, khó nuốt, biến chứng gồm loét, chảy máu, trít hẹp thực quản. Chữa trị với thuốc kháng a xít, bệnh nhân nên giảm cân lượng, tránh cúi gập người xuống, đôi khi phải mổ. 2- do ăn uống phải chất có a xít hay kiềm. Ðây là một trường hợp nặng có thể làm thủng hay trít hẹp thực quản, chữa trị gồm ngưng ngay các thức ăn trên, dùng kháng sinh, corticosteroid, và sau đó có thể phải nông rộng thực quản. 3- viêm do nhiễm trùng, thường thấy nhất là nhiễm nấm Candida ở các bệnh nhân suy nhược, đôi khi là siêu khuẩn Cytomegalovirus hay Herpes.

Oesophagoscope: dụng cụ quang học có đèn chiếu sáng, dùng khảo sát mặt trong của thực quản, lấy vật lạ ra, sinh thiết thực quản, nông rộng thực quản khi bị trít hẹp. Dụng cụ có thể là một ống cứng hoặc bằng sợi dẻo.

Oesophagus: thực quản, dài khoảng 23cm, chạy từ họng xuống dạ dày, bên trong là lớp màng nhầy tiết dịch làm trơn thực phẩm nuốt vào. Các cơn go bóp của thực quản cũng giúp đẩy thức ăn xuống.

Oestrogen: một trong nhóm hóc môn steroid (gồm oestriol, oestradiol, oestrone) kiểm soát sự phát triển tình dục ở phụ nữ, giúp cơ quan sinh dục tăng trưởng và hoạt động. Oestrogen chủ yếu do buồng trứng tổng hợp, một số ít được sản xuất ở tuyến thượng thận, tinh hoàn và lá nhau. Ðàn ông sản sinh quá nhiều oestrogen sẽ bị chứng nữ hóa (feminization). Oestrogen dùng chữa chứng vô kinh (amenorrhoea), biến chứng xảy ra lúc mãn kinh, ung thư lệ thuộc vào hóc môn, ví dụ ung thư tuyến tiền liệt, và để làm ngưng sữa tiết ra. Oestrogen cũng là thành phần chính của thuốc ngừa thai. Phụ chứng: buồn nôn, mửa, nhức đầu, choáng váng, xuất huyết không đều ở âm đạo, chất muối và nước giữ lại nhiều trong cơ thể nên chân dễ bị sưng phù. Phụ nữ bị ung thư vú, tử cung không nên dùng nó.

Oestrogen receptor: (sản phụ khoa) điểm đặc hiệu có trên mặt của một tế bào, có khả năng gắn dính với oestrogen, giúp tế bào đó tiếp nhận hóc môn này. Thuốc đề kháng với hóc môn oestrogen (anti-oestrogens) dùng trị ung thư vú, ví dụ Tamoxifen, tác động bằng cách ngăn không cho oestrogen gắn dính vào các điểm trên.

Olfaction: sự ngửi mùi.

Olfactory nerve: (thần kinh) dây thần kinh sọ thứ nhất đặc trách về ngửi mùi, gồm nhiều nhánh từ niêm mạc khoang mũi đi xuyên qua những lỗ nhỏ ở đáy hộp sọ, vào hành khứu giác (olfactory bulb) rồi dây thần kinh khứu giác để chạy lên não. Hư tổn niêm mạc mũi do dị ứng, viêm xoang mũi (sinusitis), gẫy xương đáy hộp sọ gây ảnh hưởng đến khứu giác nên bệnh nhân không còn biết mùi nữa.

Olig-, oligo-: tiếp đầu ngữ chỉ ít, thiếu, ví dụ oligomenorrhoea = có kinh máu ra ít.

Oligohydramnios: (sản phụ khoa) tình trạng ít nước ối (0- 200ml) vào các tháng cuối thai kỳ, thường kết hợp với bào thai chậm phát triển hoặc có những bất thường ở thận.

Oligospermia: tinh trùng có ít (dưới 20 triệu trong 1ml tinh dịch), kém di động, còn non chưa trưởng thành, hình dạng bất thường. Trung bình, tinh dịch chứa 60 triệu tinh trùng trong mỗi mililít, với khoảng 80% di động nhanh và hình dạng bình thường.

Oliguria: tiểu ít, do ra mồ hôi nhiều, mất máu, tiêu chảy, trúng độc, nước tụ lại trong mô (sưng phù), hư tổn ở thận.

Omentum: màng nối phúc mạc, cùng nghĩa với epiploon.

Oncofetal antigen: một chất đạm do bào thai, do một số u ác tính sản xuất, ví dụ CEA (carcino-embryonic antigen) trong ung thư ruột già.

Oncogenic: mô tả một chất, sinh vật, môi trường v.v. là tác nhân của ung thư. Một số siêu khuẩn được coi là có khả năng gây ung thư, ví dụ humanpapilloma virus (HPV) gây mụn cơm (wart) và ung thư cổ tử cung, Epstein-Barr virus gây ung thư vòm hầu.

Oncology / oncologist: ngành nghiên cứu và chữa trị u bướu độc / bác sĩ chuyên ngành.

Onych-, onycho-: tiếp đầu ngữ chỉ móng tay/chân, ví dụ onychomycosis = nhiễm nấm ở móng tay/chân.

Oo-: tiếp đầu ngữ chỉ trứng, buồng trứng, ví dụ oophorectomy = cắt bỏ buồng trứng.

Oophoritis (ovaritis): (sản phụ khoa) viêm buồng trứng, có thể kết hợp với nhiễm khuẩn vòi trứng hoặc vùng bụng dưới.

Ophthalmia: viêm mắt, đặc biệt là ở kết mạc (conjunctiva). Sympathetic ophthalmia là viêm màng mạch nho (uvea) ở cả hai bên mắt, xảy ra sau khi bị chấn thương, một số ít trường hợp do mổ mắt.

Ophthalmia neonatorium: một loại viêm kết mạc ở trẻ sơ sinh, mắt nhiễm bệnh lúc sinh, thường do khuẩn lậu mủ, khuẩn Chlamydia có trong âm đạo sản phụ.

Ophthalmology / ophthalmologist: nhãn khoa, ngành nghiên cứu và điều trị bệnh mắt / bác sĩ chuyên ngành.

Ophthalmoscope: dụng cụ dùng soi bên trong mắt. Scanning laser ophthalmoscope = máy dùng laser xem bên trong mắt, hình đáy mắt hiện ra trên màn ảnh computer.

Opiate: nhóm thuốc có nguồn gốc từ thuốc phiện, gồm Apomorphine, Codeine, Morphine Papaverine, làm giảm đau, cắt cơn ho, gây buồn nôn. Quan trọng nhất là Morphine và chất tổng hợp Heroin từ Morphine, gây cảm giác sảng khoái đưa đến tình trạng sững sờ.

Opium: thuốc phiện, có tác động giảm đau, gây buồn ngủ, vì có chứa morphine.

Optic: thuộc mắt, thị giác.

Optic atrophy: (thần kinh) thoái hóa thần kinh thị giác, do bệnh trong mắt, do tổn thương dây thần kinh thị giác vì chấn thương, vì viêm.

Optic chiasma: (thần kinh) giao thoa thị giác, cấu trúc hình chữ X do hai dây thần kinh thị giác tạo nên. Các dây này từ nhãn cầu đi về phía sau và bắt chéo nhau tại đường giữa não, gần tuyến yên, rồi chạy ra sau não ở phần thùy chẩm (occipital lobe).

Optic disk: (thần kinh) đĩa thị giác, vùng bắt nguồn của dây thần kinh thị giác, nơi các sợi thần kinh từ các tế bào hình nón và hình que của võng mạc rời khỏi nhãn cầu.

Optician: chuyên viên kính mắt.

Optic nerve: (thần kinh) dây thần kinh sọ thứ hai trách nhiệm về thị giác. Mỗi dây thần kinh nhận thông tin từ các tế bào hình nón và hình que trong võng mạc, rồi đi vào hộp sọ phía sau nhãn cầu để đến chỗ giao thoa, sau đó chạy vào thùy chẩm ở mỗi bên não.

Optic neuritis: (thần kinh) viêm thần kinh thị giác sau nhãn cầu, một trong các triệu chứng của bệnh đa xơ hóa thần kinh (multiple sclerosis).

Oral contraceptive: (sản phụ khoa) thuốc uống ngừa thai, kết hợp hóc môn oestrogen và hóc môn progestogen. Có loại chỉ thuần là progestogen mà thôi. Phụ chứng: nhức đầu, lên cân, buồn nôn, máu dễ đông cục nhất là ở tĩnh mạch chân, nguy cơ ung thư vú có tăng chút đỉnh. Kết quả ngừa thai đạt đến 98%, nếu uống thuốc đều

Orbit: ổ mắt, xoang trong hộp sọ chứa mắt.

Orchitis: viêm tinh hoàn, gây đau và sưng đỏ ở bìu dái, có thể kết hợp với viêm mào tinh hoàn (epididymis), Nhiễm trùng thường lan xuống theo ống dẫn tinh, một số trường hợp do quai bị, chứng này nếu ảnh hưởng đến cả hai tinh hoàn có thể gây vô sinh.

Organic disorders: rối loạn hữu cơ, một rối loạn có nhiều thay đổi về cấu trúc của một cơ quan hay mô. So sánh với rối loạn chức năng (functional disorders).

Orientation: (tâm lý) định hướng, sự nhận thức được thời gian, không gian và nơi chốn. Ðịnh hướng có thể bị rối loạn trong trường hợp nhiễm độc dược phẩm, bệnh ở não, chấn thương đầu.

Ornithosis: bệnh nhiễm trùng của chim, đặc biệt là bồ câu, do khuẩn Chlamydia, có thể lây sang người, triệu chứng giống như sưng phổi.

Orthodontics: khoa chỉnh hình răng hàm.

Orthopedics: khoa chỉnh hình xương và khớp.

Orthopnoea: khó thở khi nằm xuống, nên bệnh nhân phải ngủ chống dựa lưng lên hoặc phải ngủ ngồi.

Orthostatic: tư thế đứng. Orthostatic hypotension = giảm huyết áp khi đứng thẳng.

Ost-, oste-, osteo-: tiếp đầu ngữ chỉ xương, ví dụ osteogenesis (ossification) = sự tạo xương.

Osteitis: viêm xương do nhiễm trùng, do tổn hại ở xương, rối loạn chuyển hóa, ví dụ bệnh tăng năng tuyến cận giáp (hyperparathyroidism).

Osteoarthritis: viêm xương khớp, bệnh của sụn kết hợp với hư tổn các cấu trúc khớp và thay đổi về xương như gai xương mọc ra, xương bị lệch đi. Bệnh gây sưng đau, cử động bị giới hạn, đôi khi có tiếng cót két nghe được. Thường xảy ra cho người quá tuổi trung niên, nữ nhiều hơn nam, tại cổ, vai, khuỷu và cổ tay, các ngón tay, phần lưng dưới, khớp háng và gối, cổ chân. Yếu tố tạo điều kiện là sử dụng khớp quá tải, chấn thương, bệnh về khớp như viêm khớp dạng thấp (rheumatoid arthritis) v.v. Ðịnh bệnh qua khám lâm sàng, chụp Xquang, phim cho thấy khoảng cách giữa hai khớp hẹp lại, bờ xương không đều, gai xương. Về điều trị, chưa có phương cách chữa dứt hẳn, các triệu chứng được làm dịu bớt với thuốc chống viêm đau, steroid tiêm vào khớp, vật lý liệu pháp, giảm áp suất trên khớp bằng cách sụt cân, chống gậy, mang giày đặc biệt, đeo bao plastic ở cổ, bao đàn hồi ở đầu gối, phẫu thuật đặt khớp giả vào (joint-replacement surgery) hoặc làm cứng khớp (arthrodesis).

Osteoblast / osteoclast: tạo cốt bào, có nhiệm vụ tạo xương / hủy cốt bào.

Osteochondroma: u xương gồm tế bào tạo ra sụn, không gây đau nhức, thường xảy ra ở phần cuối xương dài. Vì một số ít có thể trở thành ác tính, nên các khối u này đều được mổ cắt bỏ đi

Osteodystrophy: loạn dưỡng xương, do rối loạn chuyển hóa của một cơ quan trong cơ thể bị tổn hại. Ví dụ suy thận mạn tính ảnh hưởng đến xương, gây mất chất xương, trong xương có nang (cyst).

Osteogenesis imperfecta: chứng bẩm sinh do mô liên kết không phát triển đầy đủ nên xương trở nên giòn và dễ gẫy ở nhiều nơi, hay tái đi tái lại. Hậu quả là xương tay chân của đứa bé cong queo và ngắn bớt.

Osteoma: u xương lành tính xảy ra ở xương đùi, xương tay, thường là vô hại, nhưng đôi khi đè lên các cơ quan xung quanh gây ra nhiều bệnh chứng. Chữa trị bằng cách cắt bỏ u đi.

Osteomalacia: chứng nhuyễn xương ở người lớn vì thiếu vitamin D, do ăn uống không đầy đủ, do ít ra nắng hoặc do cả hai. Mô xương mất calcium đi, xương trở thành mềm và dễ gẫy.

Osteomyelitis: viêm xương và tủy xương, thường do khuẩn Staphylococcus aureus từ một vết thương ngoài da hoặc một nơi khác, ví dụ cổ họng, theo máu chạy đến. Bệnh thường xảy ra ở xương chân, tay, xương sống, xương chậu. Trong trường hợp cấp tính, chỗ xương nhiễm trùng bị viêm rồi làm mủ, phần mềm xung quanh sưng lên gây sốt và đau nhức. Nếu không được chữa trị đúng mức, tình trạng viêm mạn tính sẽ xảy ra, một phần xương bị mục, mủ thoát ra theo lỗ rò. Hậu chứng là xương biến dạng, các cơ quan trong cơ thể thoái hóa dạng tinh bột (amyloidosis) gây đủ loại bệnh. Chữa trị: mổ nạo xương mục kết hợp với ghép xương, kháng sinh. Một số ít trường hợp viêm xương và tủy là do khuẩn lao từ phổi theo đường máu chạy đến xương sống, mủ từ đó rỉ ra và ép vào tủy sống gây liệt chân tay.

Osteopathy: thuật nắn xương, dựa trên lý thuyết cho rằng hầu hết các bệnh đều do xương bị chuyển dịch khỏi vị trí đúng của nó. Chữa trị bằng thao tác xoa nắn giúp giảm được nhiều chứng bệnh của xương và khớp.

Osteophyte: gai xương, thường mọc ra tại các nơi sụn khớp bị thoái hóa, ví dụ xương sống, xương đầu gối. Ðây là một nét đặc hiệu của viêm xương khớp (osteoarthritis), nhưng tự nó không phải là nguyên nhân hay triệu chứng của bệnh này.

Osteoporosis: loãng xương, xương giòn và dễ gẫy, thường xảy ra nhất ở cổ tay, cổ xương đùi, xương sống. Loãng xương toàn diện xảy ra cho người già, phụ nữ sau khi mãn kinh, cho những ai dùng thuốc steroid lâu ngày; một số ít trường hợp là do hội chứng Cushing có u bướu mọc ở tuyến yên, tuyến thượng thận. Việc định bệnh đo tỷ trọng xương (bone density) được tiến hành bằng cách dùng Xquang phối hợp với điện toán (quantitative digital radiography), hoặc dùng DEXA (dual energy Xray absorptiometry). Chữa trị: năng vận động, uống thêm calcium và vitamin D, dùng hóc môn thay thế (hormone replacement therapy, HRT) đối với phụ nữ, thuốc Biphosphonate.

Osteosarcoma: ung thư xương, thường xảy ra cho trẻ con và thanh thiếu niên, nguyên nhân không rõ; ở người già, ung thư có liên hệ với bệnh Paget xương. Bệnh phát khởi tại các xương dài của chân tay, quanh đầu gối và vai. Triệu chứng: đau nhức, sưng phần mềm xung quanh. Ung thư di căn đến phổi. Chữa trị: cắt bỏ chi; trong vài trường hợp, cắt đoạn xương bị ung thư rồi thay vào đó bằng xương ghép hoặc xương nhân tạo. Ngoài ra, thuốc chống ung thư cũng được sử dụng để diệt các tế bào ung thư di căn đến các nơi khác trong cơ thể.

Otitis: viêm tai, gồm: 1- viêm tai ngoài (otitis externa) do khuẩn, nấm, bệnh chàm (eczema). 2- viêm tai giữa (otitis media) do khuẩn/siêu khuẩn từ phần trên của cơ quan hô hấp lan lên ống Eustache làm tắc trít ống này lại, nên dịch tiết ở tai giữa không có lối thoát. Viêm cấp tính gây sốt, nhức đầu, ù và đau trong tai, chóng mặt; các triệu chứng sẽ bớt khi màng nhĩ bị thủng. Trong viêm mạn tính, mủ thường xuyên chảy ra từ chỗ thủng, gây viêm tai ngoài, hư các xương nhỏ tai giữa, viêm xương chủm (mastoiditis), tụ mủ cục bộ ở não (brain abscess). Viêm tai giữa loại có dịch nhờn (glue ear), thường xảy ra cho trẻ con, dịch tích tụ lâu ngày ở đấy gây giảm thính lực, cần được xẻ màng nhĩ (myringotomy) đặt ống thông. 3- viêm tai trong (otitis interna, labyrinthitis) là một bệnh bộc phát gồm các triệu chứng như buồn nôn, mửa, chóng mặt, mất thăng bằng, tai ù và kém nghe.

Otology: khoa học về các bệnh của tai.

Otorhinolaryngology: khoa tai mũi họng.

Otorrhoea: dịch tiết ra từ tai.

Otosclerosis (otospongiosis): một bệnh của tai giữa gây giảm dần thính lực, kèm với ù tai chóng mặt. Nguyên nhân: xương nhỏ hình bàn đạp (stapes) của tai giữa bị xơ cứng mất sự chuyển động bình thường, nên âm thanh không truyền vào tai trong được. Chữa trị: mổ cắt bỏ xương ấy (stapedectomy) và thay bằng một thiết bị plastic hoặc kim loại.

Ototoxic: độc hại cho tai, gây ù tai chóng mặt. Nguyên nhân là thuốc như Quinine (chống sốt rét), Aspirin, một vài loại kháng sinh như Streptomycin, Neomycin, Gentamycin v.v.

Ovarian cancer: (sản phụ khoa) ung thư buồng trứng, thường xảy ra sau khi mãn kinh. Loại ung thư này ít có triệu chứng báo hiệu lúc mới phát nên khó định bệnh sớm được.

Ovarian cyst: (sản phụ khoa) u nang buồng trứng, 95% là lành tính, chứa đụng dịch loãng, đôi khi có da, xương, răng trong đó (dermoid cyst). U nang với cuống dài có thể bị xoắn lại phải mổ khẩn cấp.

Ovary: (sản phụ khoa) buồng trứng, gồm hai cái ở hai bên tử cung. Trong buồng trứng có nhiều nang (follicle), ở đó trứng phát triển đến khi chín tới sẽ rụng ra (thường là ngày thứ 14 trước kỳ kinh sắp đến, đối với phụ nữ có kinh đúng ngày) và rơi vào vòi trứng. Nang tiết ra hóc môn nữ oestrogen và một ít hóc môn nam androgen. Sau khi trứng rụng, nang biến thành thể vàng (corpus luteum) tiết ra hóc môn progesterone. Hai hóc môn oestrogen và progesterone điều hợp các thay đổi của tử cung vào mỗi kỳ kinh nguyệt và lúc mang thai.

Oviduct (Fallopian tube): (sản phụ khoa) vòi trứng.

Ovulation: (sản phụ khoa) sự rụng trứng.

Ovum (egg cell): trứng, tế bào sinh dục nữ đã trưởng thành.

Oxidant: chất từ tế bào bị tổn hại phóng thích ra, có hại cho cơ thể nếu quá nhiều. Chất đối kháng (antioxidant) gồm vitamin C, beta carotene và vitamin D.

Oxyhaemoglobin: hợp chất haemoglobin của hồng cầu và khí oxi, có khả năng chuyên chở khí này đến các mô.

Oxytocin: hóc môn của tuyến yên (pituitary gland) giúp tử cung go bóp khi sinh, và kích thích sữa chảy ra.

Ozaena: viêm thối mũi có đóng vảy, do niêm mạc mũi bị teo lại (atrophic rhinitis).

Ozone: lớp khí trong khí quản ở độ rất cao, có khả năng ngăn cản phần lớn các bức xạ cực tím (ultraviolet radiation). Lớp khí này nếu mất đi, quả đất sẽ phải chịu một số lượng lớn bức xạ cực tím, gây nguy cơ cho sức khoẻ, đặc biệt là ung thư da.

[collapse]

P

Pacemaker: 1- thiết bị điều hòa nhịp tim trong trường hợp dòng điện tim bị ngăn trở (heart block), gồm một pin kích thích tim qua một giây điện cực cho vào niêm mạc tim hay để vào bên ngoài tim. 2- một vùng đặc biệt của tim ở tâm nhĩ (sino- atrial node), điều hòa nhịp tim.

Pachy-: tiếp đầu ngữ chỉ dày, ví dụ pachydermia = chứng da dày.

Packed cell volume: xem chữ haematocrit.

Paed-, paedia-: tiếp đầu ngữ chỉ trẻ em.

Paediatrics / paediatrician: nhi khoa / bác sĩ nhi khoa.

Paedophilia: (tâm thần) luyến ái tình dục đối với trẻ con (nam/nữ) bằng những hành động như hôn hít, sờ mó cơ quan sinh dục của nó, hoặc giao cấu với nó.

Paget’s disease: bệnh Paget, gồm: 1- bệnh ở xương (Paget’s disease of bone) xảy ra cho người già, xương dày lên và biến đổi cấu trúc, thường có ở xương sọ, cột sống, xương chậu, xương chân. Triệu chứng: nhức đầu, đau trong xương, xương biến dạng. 2- bệnh ở núm vú (Paget’s disease of the nipples), bề ngoài giống như chàm (eczema), kết hợp với ung thư các ống dẫn sữa trong vú.

Palate: vòm miệng, gồm hai phần: phần cứng ở trước là một thành phần của xương hàm, có một lớp màng nhầy bao phủ; phần mềm ở sau gọi là lưỡi gà (uvula).

Palilalia: (thần kinh) chứng lắp lời, nói đi nói lại một chữ, có trong hội chứng Tourette, viêm não, tổn hại ở não.

Palliative treatment: phương cách chữa trị để tạm thời làm giảm bớt các triệu chứng, nhưng không chữa được bệnh.

Palpitation: tim đập nhanh, đánh trống ngực.

Palsy: (thần kinh) liệt, ví dụ cerebral palsy = liệt não.

Pancreas: tụy tạng, nằm phía sau dạ dày, tiết ra dịch giúp tiêu hóa thức ăn; dịch này chảy vào một ống dẫn rồi đổ ra tá tràng cùng với mật. Tụy tạng cón là cơ quan tiết ra hóc môn Insulin điều hòa lượng đường trong máu, và hóc môn Glucagon làm tăng đường máu lên, tác động ngược với Insulin.

Pancreas, cancer: ung thư tụy tạng, nguyên nhân không rõ, có thể do rượu, thuốc lá. Triệu chứng: đau vùng thượng vị xuyên ra sau lưng, kém ăn, sút cân, vàng da, nôn mửa, tiêu chảy. Chữa trị bằng giải phẫu, xạ trị, hóa trị, tiên liệu nói chung rất xấu, 90% bệnh nhân chết sau khi ung thư được phát giác.

Pancreatitis: viêm tụy tạng, gồm hai loại: 1- cấp tính, nguyên nhân phần lớn do rượu và sạn mật, một số ít do siêu khuẩn quai bị, siêu khuẩn viêm gan, bị đánh mạnh vào bụng. Triệu chứng: đau dữ dội ở trên rốn xuyên ra sau lưng, cơn đau kéo dài đến 48 giờ; sau này, một túi nang nước có thể hình thành tại đấy (pseudocyst). 2- mạn tính, nguyên nhân chính là rượu, cơn đau ngắn hơn, hậu chứng gồm ruột kém hấp thu thức ăn (malabsorption) do thiếu men tụy tạng, tiểu đường, cổ trướng (ascites), ống dẫn mật tắc vì bị đè lên.

Pancytopenia: giảm toàn thể huyết cầu (hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu).

Pandemic: dịch toàn vùng, bộc phát và lan tràn đến nhiều quốc gia, ví dụ bệnh SARS (hội chứng bệnh hô hấp cấp tính và nghiêm trọng).

Pannus: giác mạc bị mạch máu từ kết mạc xâm nhập vào, thấy trong bệnh mắt hột (trachoma).

Papanicolaou test (Pab test): (sản phụ khoa) thử nghiệm Papanicolaou, giúp phát hiện ung thư cổ tử cung, nội mạc tử cung, bằng cách tìm tế bào bất thường trong một mẩu mô lấy từ các nơi nói trên.

Papilloedema: phù gai thị, phần đầu của dây thần kinh thị giác (đĩa gai thị) sưng phù lên.

Papilloma: u nhú, một tăng sinh lành tính ở da hay niêm mạc (ví dụ trong tử cung).

Paracentesis: chọc hút dịch từ một bộ phận của cơ thể ra, ví dụ chọc hút nước màng phổi.

Paraesthesia: (thần kinh) cảm giác kiến bò, tê như kim châm ở chân/tay, một triệu chứng tổn hại từng phần của dây thần kinh ngoại biên.

Paralysis: (thần kinh) liệt, cơ bắp bị yếu. Tình trạng nghiêm trọng, co cứng hay mềm nhão, lan tràn nhiều ít đến các vùng tùy vào mức độ tổn hại của não, tủy sống, dây thần kinh ngoại biên, hay các cơ bắp.

Paranasal sinuses: xoang mũi, thành phần rỗng của xương mặt, gồm xoang hàm trrên (maxillary sinuses), xoang sàng (ethmoidal sinuses), xoang trán (frontal sinuses) mỗi thứ một cặp, và xoang bướm (sphenoidal sinus) một cái. Niêm mạc xoang tiết ra dịch để giữ vi trùng, bụi bặm dơ bẩn lại và và tống ra ngoài qua những lỗ thông ở khoang mũi. Các lỗ này nếu bị trít, không khí không vào xoang được sẽ làm hư tổn lớp niêm mạc ở đấy, tạo điều kiện cho vi trùng sinh sản, gây ra chứng viêm xoang mũi cấp/mạn tính (acute/chronic sinusitis).

Paranoid: (tâm thần) 1- mô tả tình trạng tâm thần gồm hoang tưởng (delusion) xảy ra trong bệnh tâm thần phân liệt, trầm uất xen với hưng cảm (manic depressive psychosis), nghiện rượu nặng, bị xúc động mạnh. 2- mô tả một cá tính hay nghi ngờ kẻ khác làm hại, cảm thấy khó chịu khi bị phê bình chỉ trích, tự cho mình là quan trọng. Rối loạn cá tính loại này là paranoid personality disorder.

Paraphimosis: da quy đầu tuột xuống và thắt lại ở bên dưới, gây sưng đau. Có thể đưa trở lại vị trí cũ, nhưng tốt nhất là mổ cắt bỏ da quy đầu (circumcision).

Paraplegia: (thần kinh) liệt hai chân, thường do bệnh/chấn thương tủy sống.

Parasite: ký sinh, sống nhờ vào sinh vật khác, gồm nấm, khuẩn và siêu khuẩn, đơn bào (protozoa), giun sán.

Parasympathetic nervous system: (thần kinh) hệ thần kinh đối giao cảm, tác động ngược với hệ giao cảm (sympathetic nervous system). Thuốc có tác dụng ngăn cản chức năng của hệ gọi là anti-cholinergic drugs, ví dụ Atropine, Benztropine; ngược lại, thuốc kích thích hệ là cholinergic drugs, ví dụ Betanechol, Carbachol.

Parathyroid glands: tuyến cận giáp trạng, gồm hai cặp tuyến nhỏ nằm phía sau tuyến giáp, tiết hóc môn điều hòa sự phân phối Calcium và Phosphate trong máu. Khi hóc môn tăng lên, calcium sẽ chuyển từ xương vào máu; ngược lại, khi hóc môn giảm xuống, lượng calcium hạ thấp, gây ra chứng co cứng cơ (tetany).

Paresis: (thần kinh) yếu, liệt nhẹ cơ bắp do bệnh ở hệ thần kinh.

Parietal lobe: (thần kinh) thùy đỉnh của não, nằm phía sau thùy trán, bên trên thùy thái dương, gồm các tế bào đặc trách về cảm giác và kết hợp các hoạt động.

Parkinson’s disease: (thần kinh) bệnh Parkinson, do hạch đáy của não bị thoái hóa, chất truyền dẫn thần kinh dopamine không được tiết ra đầy đủ nên trương lực cơ bắp tăng lên, gây run tay rồi chân, cứng khớp, cử động chậm và khó khăn, dáng đi lúp xúp, nét mặt vô cảm.

Parkinsonism: (thần kinh) chứng giống bệnh Parkinson, do tổn hại hạch đáy của não vì dùng thuốc trị bệnh tâm thần, viêm não do siêu khuẩn, nhiễm độc khí carbon monooxide, bướu não, bị đánh liên tục vào đầu (võ sĩ), bệnh Wilson (chất đồng đóng ở não), giang mai..

Parotid gland: tuyến mang tai nằm ở trước tai, tiết ra nước bọt. Lỗ mở của tuyến nằm ở mặt trong má đối diện vớirăng hàm trên thứ hai. Tuyến mang tai, cùng với tuyến dưới lưỡi (sublingual gland) và tuyến dưới hàm (submandibulary gland), hợp thành hệ thống tiết nước bọt.

Parotitis: viêm tuyến mang tai, do siêu khuẩn bệnh quai bị, khuẩn trong miệng.

Pathogen: tác nhân gây bệnh.

Pathology: bệnh học, khoa nghiên cứu tìm hiểu căn bệnh và các nguyên nhân của nó, thực hiện bằng cách xét nghiệm máu, nước tiểu, phân, mô bệnh lấy ở cơ thể sống hay tử thi, sử dụng Xquang và những kỹ thuật khác.

-pathy: tiếp vĩ ngữ chỉ: 1- bệnh, ví dụ nephropathy = bệnh thận. 2- liệu pháp, ví dụ osteopathy = thủ thuật nắn kéo xương.

Pellagra: một bệnh dinh dưỡng do thiếu nicotinic acid, một loại vitamin B, thường thấy ở các dân tộc ăn bắp. Triệu chứng: viêm da có vảy ở những nơi không được che phủ, tiêu chảy, suy nhược tinh thần.

Pelvic inflammatory diseases, PID: (sản phụ khoa) viêm nhiễm cấp/mạn tính vòi trứng, tử cung, buồng trứng từ một cơ quan lân cận truyền sang (ví dụ ruột thừa), từ âm đạo lên (khuẩn Chlamydia), từ máu đến (ví dụ lao). Triệu chứng: đau trằn bụng dưới, đau lưng, chất tiết từ âm đạo có mùi hôi. Hậu chứng có thể là các cơ quan vùng chậu dính lại với nhau, tắc vòi trứng gây vô sinh, có thai ngoài tử cung.

Pelvis: khung chậu, cấu trúc xương bảo vệ các cơ quan ở bụng dưới.

Pemphigoid: bệnh ngoài da, hay tái hồi, gồm những bóng nước ở thân hình và các chi, thường xảy ra cho người lớn tuổi.

Pemphigus: bệnh ngoài da, gồm những cơn bộc phát kế tiếp nhau của các bóng nước. Bệnh có thể thuộc loại nhẹ, có tính gia đình, hoặc loại nặng ít gặp hơn, xảy ra ở tuổi trung niên, các niêm mạc lúc đầu cũng bị ảnh hưởng.

Penis: dương vật.

Peptic ulcer: loét ở cơ quan tiêu hóa như thực quản, dạ dày, tá tràng, hông tràng (jejunum), chỗ nối dạ dày- ruột, do lớp trong cùng (mucosa) bị men pepsin và a xít tấn công. Các yếu tố tạo điều kiện gồm có rượu, cà phê, thuốc lá, khuẩn Helicobacter pylori, thuốc giảm đau như Aspirin, Ibuprofen, căng thẳng tinh thần. Biến chứng: chảy máu ở chỗ loét, thủng ở chỗ loét đưa đến viêm phúc mạc (peritonitis), hẹp môn vị (pyloric stenosis). Chữa trị với phối hợp các thuốc Cimetidine, Ranitidine, proton-pump inhibitor (Lansoprazole, Omeprazole), kháng sinh. Ngày nay, giải phẫu ít còn được áp dụng.

Perfusion: truyền dịch vào mạch máu.

Pericarditis: viêm màng bao tim cấp/mạn tính. Nguyên nhân: siêu khuẩn, nhiễm lao, u rê huyết tăng cao, ung thư. Viêm mạn tính có thể làm bao tim dày cứng, gây trở ngại cho hoạt động của quả tim. Chữa trị tùy theo nguyên nhân. Trường hợp tràn dịch bao tim được hút ra bằng kim xuyên qua lồng ngực, còn bao dày cứng được mổ cắt bỏ.

Perineum: vùng đáy chậu giữa hậu môn và âm đạo.

Peripheral nervous system: (thần kinh) hệ thần kinh ngoại biên bên ngoài hệ thần kinh trung ương (não và tủy sống), gồm dây thần kinh não (cranial nerves) và thần kinh tủy sống (spinal nerves).

Peristalsis: chuyển động từng làn dọc theo một số ống rỗng trong cơ thể, ví dụ ruột.

Peritoneum: phúc mạc, một màng lót bên trong thành bụng và bao bọc các cơ quan trong bụng

Peritonitis: viêm phúc mạc gồm hai loại: 1- nguyên phát, do khuẩn Pneumococcus, khuẩn lao, lan truyền theo đường máu. 2- thứ phát, do thủng hay vỡ một cơ quan trong bụng, ví dụ loét dạ dày, vỡ ruột thừa, tạo cơ hội cho vi trùng và dịch tiêu hóa xâm nhập vào phúc mạc, cần được chữa trị khẩn cấp bằng phẫu thuật.

Peritonsillar abscess: mủ tụ xung quanh a mi đan, biến chứng của viên a mi đan.

Pernicious anaemia (megaloblastic anaemia): thiếu máu ác tính do thiếu vitamin B12, máu và tủy xương có nhiều nguyên hồng cầu khổng lồ (megaloblast) còn non. Triệu chứng: nước da xanh, sụt cân, tiêu chảy từng giai đoạn; trường hợp nặng có thể gây ảnh hưởng đến hệ thần kinh như tê ngón tay/chân, yếu cơ bắp, đi đứng không vững.

Persistent vegetative state: tình trạng sống thực vật, tim vẫn đập, phổi vẫn thở, nhưng hoàn toàn mất tri thức và không có khả năng làm những cử động chủ ý, xảy ra trong tổn thương não trầm trọng.

Personality disorder: (tâm thần) rối loạn nhân cách, cư xử hành động trái với lề thói của xã hội đang sống, gây đau khổ cho bệnh nhân và người xung quang.

Pertussis (whooping cough): ho gà, do khuẩn Haemophilus pertussis gây ra. Tiêm phòng với thuốc chủng kết họp ngừa bạch hầu, ho gà và uốn ván (Diphtheria, Pertussis, Tetanus, DPT).

Pessary: (sản phụ khoa) vòng nâng bằng plastic hay kim loại, thường là hình tròn, đặt vào âm đạo để chữa chứng sa tử cung, sa bọng đái.

Petechiae: đốm xuất huyết dưới da/dưới niêm mạc.

Petit mal: (thần kinh) một loại động kinh trong đó bệnh nhân bất tỉnh trong vài giây đồng hồ, nhưng vẫn giữ được tư thế đứng và sự cân bằng, môi và mồm mấp máy, ngón tay rung nhẹ. Cơn động kinh có thể xảy ra nhiều lần trong ngày.

Phaeochromocytoma: u bướu nhỏ ở phần bên trong của tuyến thượng thận, gây những cơn nhức đầu, tăng huyết áp và nhịp đập của tim, hồi hộp khó thở.

Phalanges: đốt ngón tay/chân.

Phantasy: (tâm lý) ảo tưởng. xem chữ fantasy.

Pharynx / pharyngitis: họng / viêm họng.

-philia: (tâm lý) tiếp vĩ ngữ chỉ sự ao ước, thích thú một cách khác thường, ví dụ nyctophilia = chứng thích bóng tối.

Phimosis: hẹp bao quy đầu nên không tuột ra sau được, tạo điều kiện cho viêm quy đầu xảy ra. Chữa trị bằng phẫu thuật cắt bỏ bao (circumcision).

Phleb-, phlebo-: tiếp đầu ngữ chỉ tĩnh mạch.

Phlebitis: viêm tĩnh mạch, thường thấy ở chân như một biến chứng của bệnh giãn tĩnh mạch (varicose vein), huyết khối có thể đóng vào đấy.

Phlebothrombosis: huyết khối tĩnh mạch, gây tắc tĩnh mạch nằm sâu trong bắp chân. Nguyên nhân có thể là nằm một chỗ lâu ngày vì bệnh, suy tim, có thai, uống thuốc ngừa thai, mổ xẻ…,làm cho dòng máu chảy chậm lại và có sự thay đổi về các yếu tố đông máu. Triệu chứng là chân sưng đau, nhưng nguy cơ chính là cục máu đông có thể tách rời ra và chạy lên gây tắc nghẽn mạch máu phổi. Nên thường xuyên tập thể dục chân, các thuốc chống đông máu như Warfarin, Heparin được dùng trong phòng ngừa và chữa trị. Cục máu đông lớn có thể mổ lấy ra..

Phlegm: đờm dãi, đồng nghĩa với sputum.

Phobia: (tâm thần) nỗi ám ảnh sợ hãi một cách bệnh hoạn, gồm nhiều loại: sợ thú vật, sợ khoảng trống, nơi công cộng (agoraphobia), sợ chỗ kín hẹp, ví dụ thang máy (claustrophobia), sợ tiếp xúc với người khác (social phobia). Chữa trị bằng tâm lý liệu pháp thay đổi cách cư xử hành động (behavioural therapy).

Photocoagulation: tiêu hủy mô bằng ánh sáng phát nhiệt, ví dụ dùng tia laser để chữa các bệnh về mắt như hư võng mạc do tiểu đường gây ra (diabetic retinopathy), thoái hóa điểm vàng (macular degeneration), bong võng mạc (retinal detachment).

Photoretinitis (sun blindness): tổn hại võng mạc, có thể gây mù, do nhìn vào mặt trời mà mắt không được bảo vệ đầy đủ.

-phrenia: (tâm thần) tiếp vĩ ngữ chỉ tình trạng của tâm thần, ví dụ schizophrenia = tâm thần phân liệt.

Physiology: sinh lý học, khoa nghiên cứu về chức năng của sinh vật cùng các bộ phận của chúng.

Physiotherapy: vật lý trị liệu, một ngành chữa trị với các phương pháp vật lý, gồm sử dụng ánh sáng, tia hồng ngoại và cực tím, nhiệt, dòng điện, thoa bóp, thể dục trị liệu.

Pica: (tâm thần) chứng ăn bậy bạ như đất cát, vôi tường, hút xăng v.v., thấy ở trẻ con, ở bệnh nhân tâm thần.

Piles: trĩ (lòi dom), xem chữ haemorrhoids.

Pimples: mụn mủ.

Pineal body (pineal gland): tuyến tùng, to cỡ hạt đậu nằm sâu trong não, tiết ra hóc môn Melatonin khi trời tối. Melatonin được sử dụng trong xáo trộn giấc ngủ do di chuyển bằng máy bay đến những nơi có múi giờ khác (jet lag), mất ngủ vì làm ca đêm, bệnh sầu buồn về mùa đông (seasonal affective disorder syndrome, SADS), người có tuổi bị mất ngủ.

Pinguecula: u mỡ kết mạc (conjunctiva) phát triển ở bờ ngoài và trong của giác mạc (cornea).

Pins and needle: (thần kinh) cảm giác tê lăn tăn.

Pituitary gland (hypophysis): tuyến yên, một tuyến nội tiết quan trọng nằm trong hố xương bướm (sphenoidal bone) ở đáy sọ, bên trên là hạ đồi thị (hypothalamus) và giao thoa thị giác (optic chiasma). Tuyến gồm hai thùy: 1- thùy trước tiết hóc môn kích thích tuyến giáp, hóc môn ACTH kích thích tuyến thượng thận, hóc môn gonadotrophin kích thích tuyến sinh dục, hóc môn tăng trưởng, hóc môn kích thích tiết hắc sắc tố melanin, hóc môn prolactin kích thích sự tạo sữa. Việc sản xuất các hóc môn trên được điều hòa bởi hóc môn của hạ đồi thị. 2- thùy sau, tiết hóc môn vasopressin (anti-diuretic hormone) tăng sự hút nước của thận để giảm cho cơ thể khỏi mất nước, và oxytocin tăng co thắt tử cung khi sinh đẻ, kích thích sữa tiết ra.

Pityriasis: bệnh ngoài da có vảy mịn như cám, gồm bệnh vảy cám trắng (pityriasis alba), vảy cám hồng do siêu khuẩn gây ra (pityriasis rosae), lang ben (pityriasis versicolor) do nấm.

Placebo: giả dược, một loại thuốc không có tác dụng chữa trị, dùng trong xét nghiệm lâm sàng để so sánh với sự công hiệu của một thuốc mới được sản xuất: chia bệnh nhân ra hai nhóm, một nhóm uống giả dược, nhóm kia uống thuốc mới, cả bệnh nhân lẫn bác sĩ đều không biết ai dùng loại nào.

Placenta: (sản phụ khoa) lá nhau, vai trò chủ yếu là cung cấp chất bổ dưỡng cho bào thai, loại bỏ các cặn bã của nó và điều hòa sự trao đổi khí oxi và carbon dioxide giữa hai mẹ con. Nhau còn tiết ra các hóc môn Chorionic gonadotrophin, Progesterone, Oestrogen trong suốt thời gian thai nghén.

Placenta praevia: (sản phụ khoa) nhau đóng thấp ở phần dưới tử cung, thay vì ở phần trên như thường lệ. Nhau có thể tróc ra và gây xuất huyết. Tùy vào tình trạng nặng nhẹ, bác sĩ khuyến cáo thai phụ nên nằm nghỉ nhiều, đôi khi phải can thiệp mổ đem con ra, ví dụ trong trường hợp xuất huyết trầm trọng, lá nhau nằm phủ cả bên trong cổ tử cung nên bào thai không có lối ra.

Plague: 1- một bệnh dịch cấp tính do khuẩn Pasteurella pestis gây ra, bọ chét truyền từ chuột sang người. Triệu chứng: hạch nổi ở bẹn, nách, cổ, nặng hơn nữa là xuất huyết dưới da từng mảng đen loét ra và chết (vì thế, tên cũ của dịch hạch là Black Death, Tử Thần Ðen, sát hại 25 triệu người ở Ấu Châu vào thế kỷ thứ 14). Biến chứng: sưng phổi, nhiễm trùng huyết, đưa đến cái chết nhanh chóng nếu không được kịp thời chữa trị. Phòng ngừa bằng cách diệt chuột, tiêm phòng cho những ai mà công việc phải tiếp cận với chuột. Chữa trị với các kháng sinh Streptomycin, Chloramphenicol, Tetracycline. 2- bất kỳ bệnh dịch nào có tỷ lệ tử vong cao.

Plantar fasciitis (Policeman’s heel): viêm đau tại điểm bám vào xương gót chân của lớp mô cứng ở mặt dưới bàn chân. Chữa trị: lót một miếng đệm trong giày, tập một số động tác đặc biệt ở chân, uống thuốc giảm đau, tiêm corticosteroid tại chỗ đau, dùng tia laser.

Plaque, dental: lớp bựa ở chân răng, nơi sinh sản của khuẩn, có thể gây viêm nướu răng, sâu răng.

Plasma: huyết tương của máu, một dịch màu rơm chứa đựng tế bào máu, muối sodium, potassium, calcium, đạm và nhiều chất khác nữa.

Plasma cell: tương bào, tế bào sản xuất kháng thể trong các mô tạo máu như tủy xương, hạch bạch huyết, lá lách. Ung thư tủy xương (myeloma multiple) là sự phát triển quá độ của tương bào.

Plasmapheresis: một phương pháp chữa một số bệnh miễn nhiễm bằng cách lấy đi một số lượng huyết tương trong máu.

Plasmodium: ký sinh gây bệnh sốt rét, do muỗi Anopheles truyền sang, gồm 4 loại: Plasmodium vivax, Plasmodium falciparum, Plasmodium ovale, Plasmodium malariae.

Plastic surgery: phẫu thuật tạo hình, tái tạo các bộ phận cơ thể bị biến dạng hay hư tổn. Nếu chỉ thực hiện để cải thiện bề ngoài, phẫu thuật được gọi là giải phẫu thẩm mỹ (cosmetic surgery).

Platelet (thrombocyte): tiểu cầu trong máu có chức năng làm ngưng chảy máu. Thiếu tiểu cầu (thrombocytopenia) gây chảy máu dưới da, da nổi đốm đỏ hoặc bầm (purpura), chảy máu mũi, ruột, não, âm đạo, khớp xương.

-plegia: tiếp vĩ ngữ chỉ liệt, ví dụ hemiplegia = liệt nửa người.

Pleura: màng phổi (phế mạc) bao bọc phổi, gồm lớp ngoài và trong, giữa hai lớp là một khoang (pleural cavity); khoang này khi bị bệnh có thể chứa dịch (tràn dịch màng phổi, pleural effusion) hoặc khí.

Pleurisy: viêm màng phổi gây đau khi thở, thường do sưng phổi, các bệnh khác trong phổi, ở thành ngực, bụng.

Pneum-, pneumo-: tiếp đầu ngữ chỉ: 1- có khí, hơi. 2- phổi. 3- hô hấp.

Pneumoconiosis: bệnh bụi phổi, gây ra do hít phải các loại bụi trong một thời gian dài, ví dụ bụi than đá, bụi sắt v.v.

Pneumonia: sưng phổi do khuẩn gây ra, các nang phổi chứa đầy tế bào bị viêm làm cho phổi đặc lại. Sưng phổi được phân chia theo 1- hình ảnh thấy trên phim Xquang: vết nám toàn thùy phổi, từng đốm nhỏ ở một phần thùy phổi, nếu rải rác nhiều nơi thì gọi là sưng khí quản – phổi (bronchopneumonia). 2- loại khuẩn như Pneumococcus, Staphylococcus aureus, Haemophilus influenzae v.v.

Pneumothorax: tràn khí trong khoang màng phổi, do chấn thương lồng ngực, do mặt ngoài phổi bị rách thủng. Cần chữa trị ngay để khí thoát ra.

Poliomyelitis: sốt tê liệt do nhiễm siêu khuẩn, thường xảy ra cho trẻ con. Ða số trường hợp là nhẹ, bệnh nhân chỉ bị cứng cơ bắp ở cổ và lưng, một số ít nặng hơn, cơ yếu đi và sau đó liệt hẳn. Trường hợp sốt tê liệt hành tủy (bulbar poliomyelitis), các cơ của hệ thống hô hấp bị liệt gây khó thở phải dùng đến máy thở. Phòng ngừa sốt tê liệt bằng thuốc chủng uống hoặc tiêm.

Polycystic disease of the kidney: bệnh thận đa nang, một bệnh bẩm sinh trong đó các mô được thay thế bằng nhiều nang. Triệu chứng xảy ra khoảng từ 20-40 tuổi và gồm đái ra máu, nhiễm khuẩn đường tiểu, cao huyết áp kết hợp với suy thận mạn tính.

Polycystic ovary syndrome: (sản phụ khoa) hội chứng đa nang buồng trứng, một tình trạng gồm kinh nguyệt có ít hoặc bặt hẳn, vô sinh (vì không có trứng rụng ra), lông và râu mọc nhiều, mụn trên mặt, béo phì. Nguyên nhân do sự mất quân bình giữa hai hóc môn LH và FSH của tuyến yên. Chữa trị với thuốc đối kháng oestrogen như Clomiphene, Progestogen, thuốc ngừa thai, cắt bỏ một lớp buồng trứng.

Polycythaemia: chứng tăng hồng cầu trong máu, xảy ra cho những người sống ở vùng cao, thiếu oxi trong máu vì bị bệnh hô hấp hay tim mạch, khối u mọc ở thận. Bệnh nhân có nước da đỏ thắm, hay nhức đầu, tăng huyết áp, dễ bị đột quỵ, cùng những triệu chứng khác do máu sệt lại làm tắc mạch máu. Chữa trị: trích máu, thuốc chống ung thư, xạ trị.

Polymyalgia rheumatica: một bệnh thấp gây đau và cứng cơ vai và hông, thấy ở người có tuổi. Chữa trị với corticosteroid, nhưng phải tiếp tục dùng trong một thời gian dài.

Polyp: bướu, một tăng sinh thường là lành tính mọc ở niêm mạc mũi và xoang mũi của bệnh nhân bị viêm mũi dị ứng, ở các nơi khác như dạ dày, ruột. Chữa trị bằng cách cắt bỏ đi.

Polyposis: bệnh có nhiều bướu polyp trong một cơ quan. Polyp ở đại tràng có nhiều khuynh hướng trở thành ác tính nên bệnh nhân được khuyến cáo cắt bỏ toàn bộ phần bị bướu.

Portal hypertension: tăng áp suất tĩnh mạch cửa gan, gây lớn lá lách, giãn tĩnh mạch thực quản (có thể vỡ và xuất huyết trầm trọng), dịch tích tụ trong khoang phúc mạc (cổ trướng, ascites). Nguyên nhân thường nhất là xơ gan, một số bệnh khác ở gan, huyết khối tĩnh mạch cửa.

Portal vein: tĩnh mạch cửa dài khoảng 8cm, một thành phần của hệ cửa gan (hepatic portal system), gồm nhiều nhánh: tĩnh mạch lách, dạ dày, màng treo ruột, trực tràng và hậu môn. Áp suất tĩnh mạch có thể tăng lên, xem chữ Portal hypertension.

Positron emission tomography, PET: kỹ thuật xét nghiệm hoạt động của các mô trong cơ thể bằng cách tiêm chất phóng xạ vào mạch máu rồi đo độ phóng xạ tập trung ở đấy. Kỹ thuật đang được áp dụng để nghiên cứu các bệnh tâm thần.

Posology: khoa nghiên cứu về liều lượng thuốc sử dụng.

Post maturity: (sản phụ khoa) có thai trên 42 tuần (thường là 40 tuần), đứa bé có thể chết trong bụng mẹ; nếu sống, da bị khô, nứt và lột ra từng mảng, dễ bị nhiễm khuẩn.

Post-natal depression: (sản phụ khoa) trầm buồn hậu sản, gồm thể nhẹ (baby blue) hoặc nặng (puerperal psychosis). Loại sau thường kèm theo hoang tưởng bị người khác rình mò ám hại, sản phụ có thể tự tử, hất hủi và cả giết con mình nữa.

Post-partum haemorrhage: (sản phụ khoa) băng huyết hậu sản. Nguyên nhân: tử cung không go bóp, sót nhau, rách âm đạo, cổ tử cung và các nơi khác, rối loạn về đông máu.

Post-traumatic stress disorder, PTSD: (tâm thần) tinh thần căng thẳng hậu chấn thương, chấn động mạnh về cảm xúc, ví dụ sau khi bị tai nạn khủng khiếp, bị hãm hiếp, chứng kiến cảnh bắn giết rùng rợn v.v. Bệnh nhân hay nhớ lại chuyện cũ, có nhiều cơn ác mộng, khó ngủ, có mặc cảm phạm tội, trầm buồn, cảm thấy cô đơn, khó tập trung tư tưởng. Bệnh sau một thời gian sẽ hết đi, các trường hợp nặng cần có sự hỗ trợ của gia đình, tư vấn, tâm lý trị liệu.

Potassium: một kim loại, phối hợp với sodium và calcium giúp điều hòa nhịp tim, giữ quân bình lượng nước trong cơ thể, truyền dẫn xung động thần kinh, co cơ bắp. Thiếu potassium do ỉa mửa nhiều, uống thuốc lợi tiểu và corticosteroid lâu ngày, sử dụng quá tải thuốc xổ, bị tiểu đường, hội chứng Cushing, một vài loại bệnh thận, đổ nhiều mồ hôi, uống một lượng lớn cà phê, trà, rượu. Triệu chứng: mệt mỏi trong người, lừ đừ buồn ngủ, choáng váng, yếu và liệt cơ bắp. Thừa potassium do suy thận, bệnh Addison, dùng thuốc lợi tiểu loại giữ lại potassium. Triệu chứng: tê tay chân, liệt cơ bắp, rối loạn nhịp tim, suy tim.

Pott’s disease: lao xương sống, có thể gây gù lưng, mủ lao ép vào tủy sống gây liệt tay/chân.

Precocious puberty: tuổi dậy thì đến sớm, gái thì vú và lông mu mọc trước 6 tuổi, có kinh trước 8 tuổi; trai có những nét đặc trưng khác về cơ quan sinh dục của người lớn. Ðối với con gái, 90% trường hợp không thấy gì bất thường, nhưng 50% con trai có nguyên nhân trầm trọng, ví dụ ung thư tinh hoàn, ung thư tuyến thượng thận.

Predisposition: bẩm chất, có khuynh hướng mắc phải một loại bệnh đặc biệt, có thể do di truyền hoặc phát sinh từ các yếu tố như thiếu vitamin, thiếu ăn kém ngủ v.v.

Pre-eclampsia: (sản phụ khoa) tiền sản giật, thai phụ bị cao huyết áp (trên 140/90 mm thủy ngân), phù mình, nước tiểu có đản bạch. Tỷ lệ bệnh là 7/100 người, thường xảy ra ở tuổi dưới 25 hoặc trên 35. Không được chữa trị, có thể đưa đến sản giật (eclampsia) gây nguy hiểm cho cả mẹ lẫn con.

Prefrontal lobe: (thần kinh) phần trước của thùy trán não, có chức năng liên quan đến cảm xúc, trí nhớ, sự học hỏi, cách xử thế.

Pregnancy: (sản phụ khoa) có thai, thai kỳ kéo dài khoảng 260 ngày tính từ lúc thụ thai cho đến khi sinh, hoặc 289 ngày tính từ ngày đầu của kỳ kinh chót. Trong thời gian mang thai, các bà phải rất thận trọng trong việc sử dụng dược phẩm để bảo đảm an toàn cho bản thân và cho bào thai, luôn luôn hỏi dược sĩ về những thuốc mua không cần toa. Nên tránh 1- hút thuốc, đứa bé sẽ nhỏ con, sau này dễ mắc bệnh về hô hấp. 2- uống rượu, có thể gây chứng sứt môi, sứt vòm hầu, dị tật ở tim, kém thông minh. 3- sử dụng ma túy, gây tác hại như thiếu cân lượng, động kinh, khó ngủ, đôi khi chết.

Pregnancy, multiple: (sản phụ khoa) có chửa nhiều coni, xảy ra khi 2 hoặc nhiều trứng rụng ra cùng lúc và thụ thai với nhiều tinh trùng. Tỷ lệ sinh đôi là 1/80, sinh ba, 1/8,000, sinh tư, 1/73,000. Biến chứng có thể xảy ra cho thai phụ là cao huyết áp, nhiều nước ối (hydramnios), bào thai nằm ở những vị trí bất thường. Việc sinh đẻ thường bằng cách mổ đem con ra.

Pregnancy tests: (sản phụ khoa) thử thai với nước tiểu, đo lượng hóc môn HCG tăng cao trong đó.

Premature birth, preterm birth: con sinh ra trước 37 tuần, 40% không rõ nguyên nhân, số còn lại là do 1- thai phụ mắc các bệnh như tiền sản giật, cao huyết áp, thận, tim mạch, tiểu đường. 2- lá nhau tróc ra gây xuất huyết, vỡ túi ối sớm, có nhiều nước ối, chửa nhiều thai. 3- lớn tuổi. Biến chứng của trẻ sinh non là suy hô hấp, gan chưa phát triển đầy đủ gây vàng da, xuất huyết não, lượng đường máu xuống thấp, dễ nhiễm vi trùng. Nhờ khoa học tiến bộ ngày nay, một số trẻ dưới 23 tuần được cứu sống, còn với trẻ 28 tuần, tỷ lệ sống sót là 89%.

Premature ejaculation: xuất tinh sớm, trước khi cho dương vật vào âm đạo, hoặc vừa ngay sau đó.

Premenstrual syndrome, PMS: (sản phụ khoa) hội chứng xảy ra một hai tuần trước khi có kinh, gồm đau bụng dưới, nhức đầu, căng vú, sưng chân, buồn chán mệt mỏi, cau có gắt gỏng. Chữa trị: bớt ăn mặn, uống thuốc lợi tiểu, thuốc giảm đau, thuốc ngừa thai.

Prenatal diagnosis, antenatal diagnosis: (sản phụ khoa) định bệnh trong khi mang thai, mục đích để phát hiện những bất thường về gen hoặc những bất thường khác của bào thai. Phương cách sử dụng gồm siêu âm, rút nước ối (amniocentesis) hay một ít phần ngoài của lá nhau (chorionic villus sample) để xét nghiệm nhiễm sắc thể tế bào thai nhi, rút máu từ cuống nhau để thử. Hiện nay, các bác sĩ đã kiểm tra được các bất thường của phôi 3 ngày tuổi thụ thai trong đĩa nghiệm, để chỉ cho vào tử cung phôi lành mạnh (preimplantation genetic diagnosis, PGD).

Prepuce, foreskin: da quy đầu.

Presby-, presbyo-: tiếp đầu ngữ chỉ tuổi già, ví dụ presbyacusis = nghễnh ngãng tai vì có tuổi.

Presbyopia: lão thị, khó đọc ở khoảng cách bình thường, hoặc không làm được các công việc cần nhìn gần, do thủy tinh thể mất dần tính đàn hồi nên kém khả năng tăng độ cong tập trung vào các vật gần.

Presenility: già trước tuổi về tâm trí và cơ thể.

Presentation: (sản phụ khoa) ngôi thai, vị trí của thai trong bụng mẹ gồm ngôi đầu, mặt, trán, vai (nằm ngang), mông.

Prevalence rate: tỷ lệ mắc bệnh ở một thời kỳ, tính trên số người bị bệnh trong 1,000 dân.

Preventive medicine: y khoa phòng ngừa.

Primigravida / primipara: (sản phụ khoa) chửa / đẻ con so.

Prion: (thần kinh) một chất đạm bất thường trong não, có ở bệnh Creutzfeldt-Jacob, bệnh bò điên.

Proct-, procto-: tiếp đầu ngữ chỉ hậu môn/trực tràng, ví dụ proctitis = viêm đau trực tràng.

Prodrome: triệu chứng báo hiệu của một bệnh.

Progeria: lão nhi, một tình trạng rất hiếm xảy ra, tất cả các dấu hiệu của tuổi già xuất hiện và tiến triển ở một đứa bé.

Progesterone: (sản phụ khoa) hóc môn nữ do buồng trứng, lá nhau sản xuất ra, một ít từ tuyến thượng thận và tinh hoàn. Vai trò chủ yếu của hóc môn là chuẩn bị để nội mạc tử cung tiếp nhận bào thai.

Progestogen: (sản phụ khoa) hóc môn tự nhiên hoặc tổng hợp, bao gồm progesterone, được dùng trong hội chứng trước khi có kinh, ra máu tử cung, ngừa thai.

Prognosis: tiên liệu bệnh.

Projection: (tâm lý) sự qui, gán những thất bại của mình lên cho người khác, ví dụ thi hỏng thì đổ thừa là tại nhà cửa không đủ tiện nghi. Ðây là một phương cách của cơ chế bảo vệ tâm lý (defense mechanism, xem chữ).

Prolactin: hóc môn tuyến yên, kích thích sữa chảy ra sau khi sinh.

Prolapse (uterus): (sản phụ khoa) sa tử cung, do lớp dây chằng (ligament) và cơ bắp đáy chậu nâng tử cung bị giãn ra vì sinh đẻ nhiều, gồm nhiều mức độ: tử cung còn nằm trong âm đạo, lồi hẳn ra ngoài. Cùng với tử cung, bọng đái, niệu đạo, trực tràng có thể sa xuống theo. Ðể phòng ngừa, sau khi sinh nên tập thể dục vùng đáy chậu (pelvic floor exercise). Về chữa trị, bác sĩ có thể đặt vòng (pessary) nâng tử cung lên, giải phẫu.

Prolapse intervertebral disk: đĩa sụn cột sống trồi ra, xem chữ disk prolapse.

Prophylaxis: dự phòng, mọi phương cách dùng để phòng bệnh, ví dụ tiêm ngừa, cho chất Fluor vào nước uống tránh sâu răng.

Prostaglandin: một chất tương tự hóc môn, có trong các mô và dịch của cơ thể như tử cung, tinh dịch, phổi, thận v.v. Prostaglandin có nhiều tác động, một trong số này là gây co thắt tử cung, giúp tạo chất nhầy bảo vệ dạ dày chống dịch a xít, có vai trò trong viêm sưng. Về sản khoa, prostaglandin tổng hợp được dùng để dục đẻ, phá thai, chữa loét ở các cơ quan tiêu hóa.

Prostate: tuyến tiền liệt, nằm ngay dưới bọng đái, phía trước trực tràng, dịch tiết ra là một thành phần của tinh khí. Qua ảnh hưởng của hóc môn nam androgen, tuyến bắt đầu phát triển ở tuổi dậy thì cho đến tuổi 20 thì dừng lại và to dần lên từ 50 trở đi. Các bệnh thông thường của tuyến tiền liệt là phì đại tuyến, ung thư, viêm sưng.

Prostate, benign hyperplasia, BPH: phì đại tuyến tiền liệt, xem chữ Benign prostatic hyperplasia.

Prostate cancer: ung thư tuyến tiền liệt, thường xảy ra cho người có tuổi, yếu tố gây bệnh có thể do lượng hóc môn nam Testosterone tăng cao. Triệu chứng giống như phì đại tuyến, đái ra máu, bí đái, đau lưng dữ dội nếu ung thư đã di căn đến xương sống. Ðịnh bệnh qua cách sờ khám hậu môn, siêu âm, cắt một mẩu tuyến để xét nghiệm, thử độ men PSA máu. Chữa trị: không làm gì cả, chỉ theo dõi tiến triển của bệnh nếu là người quá già yếu; xạ trị; làm hạ lượng hóc môn nam bằng cách dùng hóc môn nữ oestrogen, thuốc chống hóc môn nam (anti-androgen) hoặc cắt bỏ hai tinh hoàn; mổ cắt bỏ tuyến, phụ chứng hậu phẫu là đái són, tinh khí xuất ra chạy ngược vào bọng đái khi giao cấu (retrograde ejaculation); bất lực.

Prostate specific antigen, PSA: men đặc hiệu của tuyến tiền liệt, tăng lên trong trường hợp phì đại tuyến, ung thư. Ðây chỉ là một xét nghiệm kèm với các xét nghiệm khác, PSA có thể không thay đổi ở các bệnh trên hoặc ngược lại tăng ở người bình thường. Tuy nhiên, nếu lượng men cao hơn 4ng/mililít, nguy cơ bị ung thư có thể là 20%.

Prostatitis: viêm tuyến tiền liệt cấp hay mạn tính. Viêm cấp tính thường do nhiễm khuẩn, còn mạn tính có thể do nhiễm khuẩn hoặc không.

Prosthesis: bô phận giả, thiết bị gắn vào cơ thể như một phương tiện trợ giúp, ví dụ hàm răng giả, chân tay giả, trợ thính cụ v.v.

Protein: đạm, một nhóm hợp chất hữu cơ gồm carbon, hydrogen, oxygen, nitrogen, là thành phần thiết yếu trong cơ thể, tạo chất liệu cho cơ bắp, mô, các cơ quan v.v., điều hòa chức năng của men và hóc môn. Khi có quá nhiều so với nhu cầu cơ thể, đạm sẽ được biến đổi thành đường glucốt dùng làm nguồn dự trữ năng lượng.

Proteinuria: trong nước tiểu có chất đạm. Xem chữ albuminuria.

Prothrombin time, PT: thời gian cần có để máu đông lại, nếu kéo dài là dấu hiệu thiếu các yếu tố đông máu. PT được áp dụng để theo dõi tình trạng máu trong khi chữa trị với thuốc chống đông máu, ví dụ Warfarin.

Protozoa: động vật đơn bào, hầu hết đều sống tự do, một số ít là ký sinh trùng gây bệnh như sốt rét, bệnh ngủ (sleeping sickness).

Pruritus: ngứa.

Pseudo-: tiếp đầu ngữ chỉ giống nhau về bề ngoài, giả.

Pseudogout: bệnh đau sưng khớp giống như thống phong (gout), do kết tinh của chất Calcium pyrohosphate lắng đọng trong màng hoạt dịch và dịch khớp.

Pseudohermaphroditism: lưỡng phái tính không hoàn toàn thật, một bất thường bẩm sinh trong đó cơ quan sinh dục bên ngoài của người nam/nữ giống như người của phái kia, ví dụ một phụ nữ có các mép âm hộ và âm vật (labia and clitoris) lớn giống như bìu dái và dương vật. So sánh với lưỡng phái tính thật (hermaphroditism) là một tình trạng có cả hai cơ quan nam và nữ hay cơ quan sinh dục gồm tế bào buồng trứng và tinh hoàn.

Psittacosis (parrot disease): bệnh của vẹt, bồ câu, gà vịt bị nhiễm khuẩn Chlamydia truyền sang người do hít phải lông, phân, bụi chuồng chim. Triệu chứng: sốt, ho khan, đau dữ dội ở cơ bắp, nhức đầu. Chữa trị với kháng sinh Tetracycline hoặc Erythromycin.

Psoriasis: bệnh vảy nến, một bệnh ngoài da mạn tính gồm những mảng đỏ có vảy, ở khuỷu tay, cánh tay, đầu gối, da đầu và các nơi khác của thân thể. Bệnh thường có trong gia đình, xảy ra từ tuổi thanh niên, đôi khi kết hợp với viêm các khớp nhỏ ở ngón tay/chân (psoriatic arthritis). Nguyên nhân không rõ, một số yếu tố tạo điều kiện là căng thẳng tinh thần, nhiễm khuẩn Streptococcus, uống thuốc Lithium (chữa hưng cảm), beta-blockers. Cho đế nay bệnh chưa thể chữa khỏi hẳn được, các triệu chứng giảm bớt với thuốc thoa có chất Tar và Dithranol, thuốc uống loại giống vitamin D (Calcipotriol), thuốc Psoralen phối hợp với tia cực tím A (PUVA), Methotrexate, Retinoids.

Psych-, psycho-: tiếp đầu ngữ chỉ 1- tâm trí, tinh thần. 2- tâm lý.

Psyche: (tâm lý) tâm trí hay linh hồn của con người.

Psychedelic drugs, hallucinogenic drugs: (tâm thần) các loại thuốc gây thay đổi về mức độ nhận thức của tâm trí, tạo ảo giác và trạng thái lâng lâng, ví dụ Lysergic acid diethylamide (LSD), cần sa.

Psychiatry / psychiatrist: khoa tâm thần, ngành y khoa chuyen về nghiên cứu, phòng ngừa, chữa trị các bệnh tâm thần, các rối loạn về cảm xúc và cư xử hành động / bác sĩ tâm thần.

Psychoanalysis: (tâm lý) khoa phân tâm do Sigmund Freud (1856-1939) đề xướng, là một trường phái của tâm lý học và là một phương pháp chữa trị các rối loạn tâm thần, bằng cách khuyến khích bệnh nhân nói lên hết những tâm tư thầm kín của mình, nỗi lo sợ, sự bất đồng trước kia và bây giờ, những giấc mơ đã có. Theo Freud, rối loạn tâm thần là hậu quả của sự không phát triển bình thường về cảm xúc khi còn thơ ấu.

Psychodrama: (tâm lý) một phương pháp tâm lý trị liệu từng nhóm, bệnh nhân có dịp nhìn rõ lại chính mình bằng cách diễn lại vai trò liên quan với những gì đã xảy ra trong quá khứ của họ, cùng với các thành viên trong nhóm.

Psychology: (tâm lý) tâm lý học, khoa nghiên cứu về những diễn tiến trong tâm trí, như trí nhớ, cảm xúc, ý nghĩ, nhận thức, cùng những biểu hiện bên ngoài như ngôn ngữ, cách cư xử hành động. Khoa cũng cứu xét các vấn đề như trí thông minh, khả năng học hỏi, sự phát triển nhân cách và gồm nhiều trường phái sử dụng những phương pháp cùng đưa ra những lý thuyết khác nhau.

Psychologist: nhà tâm lý học, chuyên về nhiều ngành: giáo dục (educational psychologist), nghiên cứu về vấn đề học hành và trí thông minh của trẻ con, trẻ tật nguyền; bệnh lý (clinical psychologist), đặc trách về cảm xúc và cư xử hành động của bệnh nhân; xã hội và kỹ nghê (social and industrial psychologist) xét về ảnh hưởng của các yếu tố này đối với tinh thần và cách cư xử hành động của công nhân; ngành chuyên vế nghiên cứu (experimental psychologist) các vấn đề tâm lý.

Psychomotor: (tâm lý) từ nói về liên quan giữa sự vận động của cơ thể và tinh thần.

Psychopath: (tâm thần) người có những hành vi trái với tập tục và luật lệ của xã hội đang sống, và họ không hề tỏ ra hối hận về những hành vi đó, như phá làng phá xóm, gây sự đánh nhau với người khác, sách nhiễu vợ con, xì ke ma túy, rượu chè be bét, làm ở đâu cũng không lâu vì tính tình ngang ngược, hành động phạm pháp, không kết bạn được với ai.

Psychosexual development: (tâm lý) sự phát triển về tâm lý tình dục, qua đó một người sẽ trưởng thành hơn trong cảm xúc và hành động tình dục. Sự ý thức về phái tính của mình, cư xử theo vai trò của phái tính cùng sự lựa chọn bạn tình là ba lĩnh vực phát triển chính.

Psychosis: (tâm thần) một trong nhóm rối loạn tâm thần, bệnh nhân mất ý thức về tình trạng không bình thường của mình, gồm có tâm thần phân liệt, hưng trầm cảm, bệnh do tổn hại ở não.

Psychosomatic: (tâm lý) từ thường dùng cho các bệnh gây ra do các yếu tố thể chất và tâm lý tác động lẫn nhau, ví dụ suyễn, loét ở cơ quan tiêu hóa và căng thẳng tinh thần.

Psychotherapy: (tâm lý) tâm lý trị liệu, áp dụng để chữa các rối loạn tâm thần và vấn đề tâm lý, gồm khoa phân tâm, liệu pháp tập trung vào bệnh nhân, vào một nhóm người, vào gia đình. Các liệu pháp này cơ bản là dựa trên mối quan hệ giữa bệnh nhân và chuyên viên chữa trị, bệnh nhân không được hướng dẫn về những gì phải làm gì mà chính họ tự quyết định lấy.

Psychotropic drugs: (tâm thần) thuốc ảnh hưởng đến tâm trí, như thuốc chống trầm cảm (antidepressant), làm dịu cơn (sedative), kích thích (stimulant), an thần (tranquiliser).

Pterygium: mộng thịt, một tăng sinh hình tam giác ở phía trong giác mạc, do kết mạc (conjunctiva) bị thoái hóa rồi dày lên. Bệnh thường thấy ở những vùng khí hậu khô nóng, có nhiều bụi, ví dụ Việt Nam.

Ptosis: sụp mi mắt trên, do nhiều nguyên nhân: 1- rối loạn về dây thần kinh thứ III (thần kinh vận nhãn), thường kèm với liệt cử động mắt gây chứng thấy một vật thành hai, đồng tử nở lớn. 2- hội chứng Horner (rối loạn thần kinh giao cảm tại vùng cổ), triệu chứng là sụp mi mắt trên, đồng tử co nhỏ lại, mồ hôi không ra bên phía mắt sụp. 3- nhược cơ nặng (myasthaenia gravis). 4- tật bẩm sinh, bệnh của cơ mắt.

Puberty: tuổi dậy thì, thời điểm bắt đầu trưởng thành về tình dục, cơ quan sinh sản bắt đầu phát triển và hoạt động, do ảnh hưởng của các hóc môn buồng trứng và tinh hoàn.

Pubes / pubis: vùng mu / xương mu.

Puerperal: (sản phụ khoa) liên quan đến sinh đẻ, hoặc ngay sau khi sinh.

Puerperal depression: (sản phụ khoa) trầm buồn hậu sản.

Puerperal infection: (sản phụ khoa) nhiễm trùng trong vòng 10 ngày sau khi sinh, sẩy thai, phá thai.

Pulmonary circulation: tuần hoàn phổi, một hệ thống lưu thông máu giữa tim và phổi. Máu ít khí oxi từ tâm thất phải theo động mạch phổi chảy đến các mao mạch phế nang, tại đấy có sự trao đổi khí, máu phóng thích carbon dioxide để thở ra ngoài và nhận oxi vào. Sau đó, máu với đầy oxi này chảy vào tĩnh mạch phổi rồi xuống tâm nhĩ trái để phân phối đi khắp thân thể.

Pulmonary embolism: nghẽn động mạch phổi hay một nhánh của nó, thường do cục máu đông từ tĩnh mạch chân chạy lên (Phlebothrombosis, xem chữ), nếu lớn có thể làm chết ngay. Chữa trị: dùng thuốc chống đông máu Heparin/Warfarin nếu cục máu nhỏ, truyền Streptokinase để làm tan, hoặc mổ nếu lớn quá.

Pulmonary hypertension: tăng huyết áp động mạch phổi (bình thường, huyết áp ở đây thấp hơn nhiều so với huyết áp của động mạch chủ). Nguyên nhân: biến chứng của nghẽn động mạch phổi, khuyết tật ở vách ngăn đôi hai buồng tim, bệnh ở van hai lá (mitral valve), bệnh phổi mạn tính. Triệu chứng: lớn tâm thất phải, hay ngất xỉu, đau ngực, suy tim. Chữa trị theo nguyên nhân.

Pulmonary oedema: phù phổi, do nước ứ đọng vào đó. Nguyên nhân: suy tim, nhiễm trùng phổi, hít phải gas kích thích như Sulphur dioxide, Chlorine. Triệu chứng: khó thở, ho ra đàm màu hồng có nhiều bọt. không xử lý kịp thời có thể đưa đến tử vong (‘chết đuối trên cạn’). Chữa trị với thuốc lợi tiểu, Morphine, Aminophylline, thở khí oxi, đôi khi phải trợ thở.

Pulmonary stenosis: hẹp bẩm sinh van động mạch phổi, có thể đưa đến suy tim, chữa trị bằng phẫu thuật thay van.

Pulse: mạch, bình thường là 60-80 nhịp mỗi phút ở người lớn.

Punch-drunk syndrome: hội chứng gồm trí tuệ sa sút dần, run tay, lên cơn động kinh, hậu quả của việc bị đấm liên tục vào đầu (võ sĩ quyền Anh).

Pupil / pupillary reflex (light reflex): đồng tử (con ngươi) / phản xạ đồng tử (phản xạ ánh sáng), kích thước đồng tử thay đổi tùy theo ánh sáng nhiều ít chiếu vào mắt, nhiều thì đồng tử co lại, ít thì nở lớn ra.

Purpura: da nổi đỏ do xuất huyết ở mao mạch dưới da. Nguyên nhân: khuyết tật mao mạch, thiếu tiểu cầu trong máu, thiếu vitamin C, nhiễm trùng huyết, tăng u rê máu.

Purulent / pus: có mủ / mủ.

Pustule: mụn mủ.

Putrefaction: thối rữa.

Py-, pyo-: tiếp đầu ngữ chỉ mủ, có mủ, ví dụ pyarthrosis = viêm nhiễm khớp có mủ.

Pyelitis: nhiễm khuẩn bể thận (phần của thận chứa nước tiểu trước khi chảy vào niệu quản, xem chữ kidney).

Pyelography (urography): chụp Xquang bể thận bằng cách tiêm vào mạch máu chất cản quang (intravenous urography) hoặc cho ống thông từ dưới bọng đái lên bể thận rồi bơm chất cản quang vào đấy (retrograde pyelography).

Pyelonephritis: nhiễm khuẩn thận, có thể là cấp hoặc mạn tính. Viêm mạn tính làm thận bị sẹo và teo lại, đưa đến suy thận.

Pyloric stenosis: hẹp môn vị (phần cuối của dạ dày mở vào tá tràng) gây mửa thức ăn có khi ăn vào 24 giờ trước đó. Nếu tình trạng kéo dài, bệnh nhân sẽ sụt cân, mất nước cơ thể, máu trở thành kiềm (alcalosis). Nguyên nhân: đối với con nít, thường là bẩm sinh (congenital hypertrophic pyloric stenosis) xảy ra cho trẻ từ 3-5 tuần tuổi, cơ trơn môn vị dày lên và có thể sờ thấy qua thành bụng; về người lớn là loét dạ dày, ung thư dạ dày gần môn vị. Chữa trị bằng giải phẫu cho cả hai trường hợp.

Pyoderma gangrenosum: loét hủy hoại da, đặc biệt là ở chân, kết hợp với các bệnh viêm loét đại tràng (ulcerative colitis), bệnh Crohn, viêm khớp dạng thấp (rheumatoid arthritis).

Pyonephrosis: thận có mủ.

Pyopneumothorax: tràn khí và mủ ở khoang màng phổi, gây ra bởi khuẩn tạo khí, bội nhiễm tràn dịch màng phổi (hydropneumothorax), khí đưa vào khi làm thủ thuật rút mủ màng phổi ra.

Pyorrhoea: nướu răng làm mủ.

Pyosalpinx: vòi trứng có mủ.

Pyramidal system: hệ thống hình tháp đặc trách về vận động của cơ thể, gồm các sợi thần kinh thuộc hệ thần kinh trung ương chạy từ vùng vận động của vỏ não xuống tủy sống. Tại hành tủy (phía trên tủy sống), các sợi tập hợp thành hình tháp và chạy chéo sang bên kia để xuống tủy sống (hệ bó tháp bắt chéo). Hư tổn vỏ não vận động ở một bên gây yếu cơ mặt và tay chân bên kia.

[collapse]

Q

Quadriceps: cơ tứ đầu ở đùi, chức năng là duỗi chân ra.

Quadriplegia (tetraplegia): liệt cả hai tay và chân.

Quarantine: cách ly kiểm dịch, thời gian một người (hay súc vật) được cô lập để phòng ngừa bệnh truyền nhiễm lan tràn. Trước kia là 40 ngày, nay các bệnh khác nhau có thời gian cách ly khác nhau.

Quinine: một loại thuốc trước đây dùng để phòng và trị sốt rét, nay được thay thế bởi các thuốc công hiệu và ít độc hơn. Thuốc dùng uống hay tiêm, liều cao có thể gây ngộ độc như sốt, buồn nôn, lẫn lộn, tổn hại tai và mắt.

Quinsy (peritonsillar abscess): viêm mủ quanh a mi đan.

[collapse]

R

Rabies (hydrophobia): bệnh dại (bệnh sợ nước) gây tổn hại hệ thần kinh trung ương, do siêu khuẩn từ chó dại truyền sang người, có thể là do dơi. Sau thời kỳ ủ bệnh từ 10 ngày đến nhiều tháng (tùy theo nơi bị cắn), bệnh nhân cảm thấy mệt mỏi, sốt, khó thở, tiết nhiều nước bọt, đau cổ họng khi nuốt vì cơ ở đấy co thắt lại. Bệnh không chữa được, vào giai đoạn cuối, chỉ cần nhìn thấy nước là họ đã lên cơn động kinh và liệt cơ ở họng (vì vậy có tên là bệnh sợ nước) và chết trong vòng 4-5 ngày sau. Khi bị chó dại cắn, tiêm ngay thuốc chủng dại (rabies vaccine) mỗi ngày trong vòng 18-21 ngày, cùng với tiêm kháng huyết thanh dại (rabies antiserum), có thể ngăn ngừa bệnh phát triển.

Radiation: bức xạ, năng lượng dưới dạng sóng hay hạt li ti, đặc biệt là bức xạ điện từ, gồm (theo thứ tự độ dài sóng tăng dần): tia gamma, tia X, tia cực tím, tia sáng thấy được, tia hồng ngoại và các hạt li ti.

Radiation sickness: bệnh bức xạ, gây ra do tiếp cận với tia phóng xạ như tia X, tia gamma. Liều rất cao sẽ làm chết trong vòng vài giờ vì tổn hại ở hệ thần kinh trung ương; liều thấp hơn gây các triệu chứng như nôn mửa, tiêu chảy, tổn hại tủy xương, rụng tóc, tiêu ra máu.

Radical treatment: chữa trị tận gốc để cho khỏi bệnh hơn là chỉ làm giảm các triệu chứng.

Radioactive iodine therapeutic: chữa trị cường tuyến giáp (hyperthyroidism) với chất Iodine phóng xạ (I131) uống. Sau thời gian ổn định, hoạt động của tuyến có thể bị giảm xuống (hypothyroidism) nên phải uống Thyroxine suốt đời. Bệnh nhân nên cách ly với các bà có thai và con nít trong vòng 10 ngày sau khi uống I131.

Radioactivity: lực phóng xạ phát ra năng lượng dưới dạng tia alpha, beta hay gamma.

Radiodermatitis: viêm da do bức xạ gây ra, da khô, teo lại và biến màu, dễ bị nhiễm khuẩn.

Radiography: phép chụp hình các cơ quan của cơ thể bằng Xquang, CT scanning, tiêm chất phóng xạ vào cơ thể.

Radiology / radiologist: ngành y khoa chẩn đoán bệnh qua các hình chụp bằng Xquang, sóng siêu âm, kỹ thuật MRI / bác sĩ chuyên khoa.

Radionuclide (radioisotope) scanning: phương pháp định bệnh bằng cách cho bệnh nhân uống, tiêm chất phóng xạ rồi đo độ phóng xạ phóng thích ra, không gây tác hại cho họ.

Radiosensitive: mô tả một số tế bào ung thư cảm thụ với bức xạ, nên có thể chữa trị được bằng xạ trị.

Radiotherapy: xạ trị, chữa trị bằng tia X, beta hay gamma phát ra từ các máy phóng xạ hay chất đồng vị phóng xạ. Chùm bức xạ có thể từ ngoài chiếu vào, hoặc dùng kim, dây kim loại, viên thuốc đặt/cấy vào bộ phận bị ung thư

Ranula: nang dưới lưỡi tạo nên khi ống dẫn tuyến nước bọt hay tuyến nhầy bị tắc.

Rash: ban đỏ.

Rationalisation: (tâm lý) một cơ chế bảo vệ (defence mechanism) để biện minh thái độ, hành động của mình bằng cách đưa ra giải thích hợp lý, ví dụ không có bạn gái thì cho rằng không ai xứng đáng với mình.

Raynaud’s disease: bệnh gây ra do mạch máu ngón tay co thắt lại khi trời lạnh, ngón tay xanh tím và đau nhức cho đến khi trở lại màu đỏ thì hết. Các trường hợp có triệu chứng như trên, nguyên nhân biết được, gọi là hiện tượng Raynaud (Raynaud’s phenomenon): xơ vữa mạch máu (atherosclerosis); bệnh thuộc mô liên kết, ví dụ bệnh lupus ban đỏ (systemic lupus erythematous); sử dụng các dụng cụ làm rung tay, ví dụ máy khoan điện, máy cưa, thuốc beta-blockers, thuốc Methysergide. Biến chứng có thể xảy ra là loét hoặc thối ngón tay. Chữa trị bằng cách giữ ấm tay, dùng thuốc giãn mạch máu ngoại biên như Prazosin, Phenoxybenzamine, Tamsulosin. Vấn đề giải phẫu cắt bỏ hạch giao cảm (sympathectomy) được đặt ra nếu chữa nội khoa không kết quả.

Reaction formation: (tâm lý) một cơ chế bảo vệ phản ứng chống lại tư tưởng, ý nghĩ nằm trong vô thức, ví dụ hay gây sự với người khác để khỏa lấp mặc cảm thấp kém của mình.

Recrudescence: sự tái diễn các triệu chứng của bệnh sau thời gian có vẻ đã bình phục.

Rectosigmoid: vùng ruột già ở chỗ tiếp hợp giữa đại tràng sigma và trực tràng.

Rectum: trực tràng, phần tận cùng của ruột già, phân được chứa ở đó trước khi bài tiết.

Red blood cell, erythrocyte: hồng cầu.

Reduction: đặt trở lại vị trí bình thường một bộ phận cơ thể nằm sai chỗ, ví dụ xương gẫy.

Referred pain: đau cảm nhận ở một bộ phận cơ thể khác hơn là nơi bị bệnh, ví dụ mủ trong gan gây đau vùng vai phải, kích tim gây đau ở cánh tay trái.

Reflex: (thần kinh) phản xạ, một cử động tự động hay không chủ ý, do một vùng thần kinh bị kích thích, ví dụ kim chích vào tay gây phản xạ thụt tay lại trước khi não có thời gian gửi tín hiệu đến các cơ liên hệ.

Reflexology: khoa chữa trị phụ (complementary medicine) bằng cách bấm huyệt ở bàn chân, dựa vào lý thuyết là các huyệt này tương đương với các cơ quan trong cơ thể.

Reflux: hồi lưu, tình trạng một chất lỏng chảy ngược hướng chuyển động bình thường, ví dụ hồi lưu thực quản (oesophageal reflux), bọng đái-niệu quản (vesico-ureteric reflux).

Refraction: khúc xạ, sự đổi hướng của tia sáng khi đi xuyên một môi trường trong suốt này đến một môi trường trong suốt khác, ví dụ ánh sáng đi từ không khí xuyên qua giác mạc, thủy tinh thể, pha lê dịch vào võng mạc mắt. Tật về khúc xạ gồm loạn thị, cận và viễn thị.

Refractive surgery: phẫu thuật dùng tia laser để chữa các tật khúc xạ.

Refrigeration: làm lạnh hạ thấp nhiệt độ của một bộ phận cơ thể để giảm sự chuyển hóa của mô, hoặc để gây tê cục bộ.

Regimen: chế độ trị liệu để chữa bệnh hay để cải thiện sức khoẻ, gồm chế độ ăn uống, dùng thuốc, luyện tập đặc biệt.

Regression: (tâm lý) tình trạng thoái trào, trở lại mức độ ấu trĩ, nhất là về tâm lý, tình cảm.

Regurgitation: 1-tình trạng các chất không tiêu hóa trong dạ dày ựa lên miệng 2- tình trạng một chất lỏng chảy ngược với hướng bình thường, ví dụ máu trào ngược từ tâm thất trái về tâm nhĩ trái trong bệnh hở van tim (mitral incompetence).

Rehabilitation: công tác giúp bệnh nhân, người mất năng lực, để họ phục hồi lại sức khoẻ và sinh hoạt bình thường hoặc để phòng sự mất năng lực trở nên tồi tệ hơn.

Rejection: sự thải bỏ một tạng được ghép vào, do hệ thống miễn nhiễm của người nhận ảnh hưởng đến tạng ghép đó.

Relapse: sự tái phát các triệu chứng bệnh.

Relapsing fever: sốt hồi quy, một bệnh nhiễm khuẩn Borrelia do ve, chí truyền sang, các cơn sốt xảy ra cách khoảng nhau vài ngày, kèm với nhức đầu dữ dội, đau các cơ và khớp.

Relaxation / relaxation therapy: thư giãn cơ bắp / liệu pháp thư giãn chỉ dẫn cho bệnh nhân cách tập thư giãn cơ bắp để làm giảm bớt lo âu.

REM, rapid eye movement: mắt chuyển động nhanh ở một giai đoạn của giấc ngủ, giấc mơ hay xảy ra trong giai đoạn này.

Remission: sự thuyên giảm các triệu chứng.

Renal cell carcinoma, hypernephroma: ung thư biểu mô tế bào thận, phát triển chậm, di căn theo đường máu đến phổi và xương, chữa trị bằng giải phẫu.

Repression: (tâm lý) sự loại trừ ước muốn, ý tưởng viển vông ra khỏi tâm trí.

Reproductive system: hệ thống sinh sản, một tập hợp các cơ quan và mô liên quan đến tiến trình sinh sản, Về phái nam là tinh hoàn (testis), ống dẫn tinh trùng (vas deferens), tuyến tiền liệt, túi tinh khí (seminal vesicle), niệu đạo (urethra) và dương vật; ở phụ nữ là buồng trứng, vòi trứng, tử cung, âm đạo và âm hộ.

Respiration: hô hấp, tiến trình trao đổi khí tại phế nang giữa một sinh vật và môi trường, thu nhận oxi từ máu vào và nhả carbon dioxide từ máu ra.

Respirator: máy hô hấp, một thiết bị để duy trì các chuyển động thở của bệnh nhân bị liệt.

Respiratory distress syndrome: hội chứng suy kiệt hô hấp, xảy ra cho trẻ sơ sinh thường là thiếu tháng, phổi không nở ra được hoàn toàn vì thiếu một chất liệu (surfactant) làm giảm căng bề mặt của các phế nang.

Respiratory quotient: thương số hô hấp, tỷ lệ giữa thể tích khí carbon dioxide ra khỏi máu vào phế nang và thể tích khí oxi hấp thu từ phế nang vào máu. Con số trung bình là 0.8 vì có nhiều oxi hấp thu hơn carbon dioxide thải ra.

Respiratory system: hệ thống hô hấp, gồm xoang mũi, họng, thanh quản, khí quản, phế quản, tiểu phế quản và nang phổi, cơ hoành và các cơ khác liên hệ đến chuyển động khi thở.

Restless legs syndrome: cảm giác bồn chồn, ngứa ngáy, đau nhức ở bắp chân khi ngồi, nằm, và giảm bớt khi đứng dậy đi.

Nguyên nhân không rõ, có thể do trở ngại của lưu thông máu, hư tổn dây thần kinh ngoại biên, cơ thể thiếu chất sắt, vitamin B12 hay Folic acid. Chữa trị với các thuốc như Bromocriptine, Pergolide, Ropinirole v.v.

Resuscitation: hồi sinh.

Retardation: sự chậm lại tiến trình chuyển hóa / phát triển của mô, của các cơ quan trong cơ thể và trí tuệ.

Retention: bí đái.

Reticular activating system, RAS: (thần kinh) hệ thống các đường thần kinh trong não liên quan đến mức độ ý thức của con người, từ ngủ, tình trạng lơ mơ đến tỉnh táo hẳn.

Reticular formation: (thần kinh) hệ thống hình lưới của các tế bào ở cuống não, có vai trò quan trọng trong giấc ngủ, sự chú ý, vận động, phản ứng về tim mạch và hô hấp.

Retina: võng mạc, phần trong cùng của nhãn cầu, gồm nhiều lớp: Lớp ngoài sát với màng mạch (choroid) chứa nhiều sắc tố ngăn bớt ánh sáng đi qua; lớp trong gồm những tế bào nhạy cảm với ánh sáng hình nón và que (cone and rod), tế bào thần kinh lưỡng cực (bipolar cell), tế bào hạch (ganglion cell), tất cả hội tụ lại rồi đi vào dây thần kinh thị giác (thần kinh số II). Một số lớn tế bào hình nón tập trung ở một chỗ lõm gọi là điểm vàng (macula lutea), khả năng về thị lực rất cao. Xem chữ Eye. Quan sát đáy võng mạc với dụng cụ soi (ophthalmoscope), với thiết bị sử dụng tia laser và computer (scanning laser ophthalmoscope) có thể giúp phát hiện những tổn hại ở đó hoặc trong não.

Retinal detachment: bong võng mạc, võng mạc tách ra khỏi nơi bám vào mạch mạc (choroid), thường là tự phát, một số trường hợp do chấn thương mắt, cận thị nặng. Trước đó đã có một vết rách ở võng mạc không được chữa trị kịp thời, pha lê dịch len vào và làm bong dần thêm ra. Chứng này không gây đau đớn, bệnh nhân thấy ánh sáng chói lòa và nhiều đốm đen lờn vờn trước mắt, sau đó là một màn đen che khuất một phần của tầm nhìn. Khi lớp bong lan đến điểm vàng (macula lutea) ở trung tâm mắt, thị giác sẽ bị giới hạn rất nhiều và có thể bị mù hẳn. Chữa trị bằng tia laser, kết quả khả quan nếu điểm vàng không bị ảnh hưởng.

Retinitis pigmentosa: một tình trạng di truyền, võng mạc bị thoái hóa dần do lớp sắc tố ở đấy không hoạt động bình thường. Bệnh bắt đầu từ thuở bé, đứa trẻ không trông thấy rõ khi trời tối, tầm nhìn giới hạn ở vùng trung tâm điểm của sự vật, dần dần đi đến mù hẳn.

Retinoblastoma: một loại ung thư võng mạc ít có, xảy ra cho trẻ con.

Retinoid: nhóm thuốc có nguồn gốc từ vitamin A, làm lột và khô da, giảm bớt chất bã nhầy (sebum) tiết ra, dùng chữa chứng mụn nặng, bệnh vảy nến, da vảy cá (ichthyosis) và một số bệnh ngoài da khác. Thuốc gồm có Isotretinoin, Tretinoin, Tazarotene, uống / thoa ngoài da. Phụ chứng có thể rất nghiêm trọng như dị tật bào thai nếu dùng khi có mang, hư tổn thận và gan, đau nhức và cứng đơ cơ bắp, da nổi đỏ ngứa ngáy dữ dội.

Retinopathy: bất cứ rối loạn nào tại võng mạc đưa đến giảm thị lực hoặc mù, thường là do tổn hại các mạch máu ở đấy, xảy ra trong biến chứng của bệnh tiểu đường (diabetic retinopathy), cao huyết áp, bệnh Aids. Trong bệnh tiểu đường, máu từ mạch máu hư tổn, từ mạch máu mới mọc vỡ ra và chảy vào pha lê dịch (vitreous humour). Chữa trị bằng cách đốt với tia laser.

Retrobulbar neuritis: như chữ Optic neuritis.

Retrograde: nghịch hướng, đi về phía sau hoặc chuyển động theo hướng ngược, ví dụ retrograde pyelography, xem chữ pyelography. Chứng quên về các sự kiện xảy ra trước kia (retrograde amnesia) có thể do bị bệnh hoặc tổn thương đầu.

Retroversion: (sản phụ khoa) tử cung nghiêng về phía sau, xảy ra cho khoảng 20% phụ nữ.

Reye’s syndrome: một rối loạn ít có, xảy ra co trẻ con, gồm viêm não, suy gan, nguyên nhân không rõ, có thể là do uống Aspirin. Do đó, con nít dưới 12 tuổi không nên dùng nó.

Rhesus factor: yếu tố Rhesus, một nhóm kháng nguyên có thể hiện diện hoặc không trên bề mặt hồng cầu, tạo ra nhóm máu Rhesus. Ða số người có yếu tố Rhesus, gọi là Rhesus dương tính (Rh+), số không có gọi là Rhesus âm tính (Rh-). Sự không tương hợp giữa Rh+ và Rh- là nguyên nhân quan trọng của các phản ứng truyền máu và bệnh tan huyết trẻ sơ sinh (haemolytic anaemia of the newborn).

Rheumatic fever: sốt thấp khớp, tuổi mắc phải là từ 5-15. Bệnh phát ra như một biến chứng muộn của bệnh tự miễn, do khuẩn hình chuỗi (Streptococcus) gây viêm họng. Ðặc trưng chính là viêm khớp diễn tiến từ khớp này sang khớp khác, nhưng nghiêm trọng nhất là tổn hại tim xảy ra âm ỉ, các van tim dày lên và thành sẹo đưa đến chứng hẹp hoặc hở van tim (‘liếm khớp nhưng cắn tim’). Một số bệnh nhân nổi các nốt đỏ không đau trên da khuỷu tay, cẳng chân, một số khác làm những cử động tay chân bất thường (múa vờn, chorea). Chữa trị với kháng sinh như Penicillin, nằm nghỉ, thuốc giảm đau, thuốc Steroid.

Rheumatism: bệnh thấp, gồm viêm đau các khớp và cơ cấu phụ thuộc như cơ bắp, gân cơ bắp (tendon), dây chằng (ligament).

Rheumatoid arthritis: viêm khớp dạng thấp, xảy ra từ tuổi trung niên trở lên, đôi khi cả trẻ con (juvenile arthritis), phụ nữ mắc phải ba lần nhiều hơn nam giới. Ðây là một loại bệnh tự miễn, ảnh hưởng đến các khớp ngón tay, cổ tay, vai, đầu gối, cổ chân và ngón chân. Khớp sưng đau và cứng nhất là vào buổi sáng, khi tăng khi giảm. Các cấu trúc khớp bị tổn hại là màng hoạt dịch, bao khớp, bao của gân cơ bắp, sụn và xương bị mòn. Biến chứng gồm có: viêm bao tim (pericarditis), màng phổi có nước, mắt bị khô, xanh xao thiếu máu. Ðịnh bệnh qua khám lâm sàng, chụp Xquang và MRI khớp, thử máu tìm yếu tố dạng thấp (rheumatoid factor), xét độ lắng máu, đếm tế bào máu. Chữa trị với thuốc giảm đau kháng viêm, thuốc chống lại hệ thống miễn nhiễm, vật lý trị liệu, trị liệu bằng công tác (occupational therapy), mổ thay khớp.

Rheumatology / rheumatologist: ngành y khoa chuyên về định bệnh, chữa trị các bệnh liên quan đến khớp, cơ bắp, gân cơ bắp, dây chằng và các cơ cấu phụ thuộc / bác sĩ chuyên khoa.

Rhinitis: viêm niêm mạc mũi, có thể do: siêu khuẩn (gây cảm lạnh, common cold); dị ứng; niêm mạc teo lại và đóng vảy, dịch tiết ra có mùi hôi (atrophic rhinitis, ozaena); niêm mạc dày lên và tiết ra nhiều nước mũi.

Rhinophyma: mũi sư tử, thường xảy ra cùng với mụn trứng cá đỏ (rosacae).

Rhinorrhoea: chảy nước mũi.

Rhythm method: (sản phụ khoa) phương pháp ngừa thai bằng cách chỉ giao cấu trong giai đoạn an toàn (safe period) ở đầu và cuối chu kỳ kinh nguyệt. Tỷ lệ thất bại lên đến 25%.

Rickets: còi xương, xảy ra cho trẻ con vì thiếu vitamin D (do ăn uống kém dinh dưỡng, bị tiêu chảy lâu ngày, ít ra nắng). Xương trở nên mềm và cong lại. Trong còi xương do chức năng thận suy giảm (renal rickets), các khoáng chất tạo xương bị mất ra ngoài theo nước tiểu.

Rigor: 1- cơn lạnh run. 2- xác cứng đơ trong vòng 8 tiếng đồng hồ sau khi chết (rigor mortis), sau đó trở lại mềm mại như thường.

Ringworm (tinea): bệnh nấm ở da, rất dễ lây do tiếp xúc trực tiếp giữa người với nhau, giữa súc vật và người, hoặc dùng các vật liệu bị nhiễm. Bệnh tạo ra những khoanh tròn gây ngứa ngáy dữ dội. Các loại gồm có: nấm ở kẽ ngón chân (tinea pedis, athlete’s foot), trên da đầu (tinea capitis), ở bẹn (tinea cruris), ở râu (tinea barbae). Chữa trị với thuốc kháng nấm uống và thoa.

RNA (ribonucleic acid): một nucleic acid trong nhân và bào tương liên quan đến việc tổng hợp chất đạm của tế bào.

Rod: một trong hai tế bào của võng mạc nhạy cảm với ánh sáng (tế bào kia có hình nón, cone) cần thiết cho sự nhìn trong bóng tối. Xem chữ Retina.

Rodent ulcer: ung thư da loại loét gặm nhấm, đồng nghĩa với basal cell carcinoma.

Rosacea: mụn (trứng cá) đỏ ở mặt, các mạch máu nở ra làm má và mũi ửng đỏ, mũi có thể to lên (mũi sư tử). Bệnh thường xảy ra cho phụ nữ từ 30 tuổi trở đi, nguyên nhân không rõ. Chữa trị với kháng sinh Tetracycline uống hoặc Metronidazole thoa, kết quả rất tốt.

Roseola: bệnh nhiễm siêu khuẩn xảy ra cho trẻ con, ban hồng đào nổi ra vài ngày sau khi lên cơn sốt.

Roundworm: giun tròn, xem chữ nematode.

Rubella: sởi Ðức, đồng nghĩa với German measles.

Rubeola: sởi, đồng nghĩa với measles.

Rule of nines: cách tính nhanh về tỷ lệ phỏng của cơ thể, để ước định số lượng dung dịch cần truyền vào cho nạn nhân. Cơ thể được chia ra thành nhiều vùng, mỗi vùng chiếm khoảng 9% diện tích: đầu 9%, mỗi tay, 9%, mỗi chân, 18%, ngực và bụng, 18%, lưng và mông đít, 18%, cơ quan sinh dục, 1%.

[collapse]

S

Sacroiliitis: viêm khớp xương cùng-xương hông (sacroiliac joint). Viêm cả hai bên là đặc trưng thường gặp ở bệnh viêm cứng đốt sống (ankylosing spondylitis) và các bệnh về khớp khác như viêm khớp trong bệnh vảy nến, hội chứng Reiter (viêm khớp, viêm niệu đạo và kết mạc).

Sadism: (tâm thần) bạo dâm, một loại loạn dục chỉ đạt khoái lạc khi gây đau khổ cho người đồng sàng bằng hành động hung bạo hoặc bằng lời nói.

SADS, seasonal affective disorder syndrome: (tâm thần) tình trạng buồn chán khi mùa đông đến, trí tuệ và thể chất trì trệ, hay ngủ, ăn nhiều. Nguyên nhân không rõ, tăng thêm ánh sáng ban ngày đôi khi làm giảm bớt các triệu chứng.

Salaam attacks: (thần kinh) xem chữ infantile spasms.

Saliva / salivation / salivatory glands: nước miếng / sự tiết nước miếng / tuyến nước miếng, gồm tuyến mang tai (parotid gland), tuyến dưới hàm (submandibular gland), tuyến dưới lưỡi (sublingual gland). Các tuyến này có thể đóng sạn, nhất là tuyến dưới hàm. Xem chữ Parotid gland.

Salmonella: khuẩn sống trong ruột, có thể gây ngộ độc thức ăn, viêm dạ dày-ruột non (gastroenteritis). Loại S. typhi gây bệnh thương hàn (typhoid fever), S. paratyphi, bệnh phó thương hàn (paratyphoid fever).

Salpingitis: viêm vòi trứng do khuẩn từ âm đạo, tử cung lan đến, hoặc do đường máu. Bệnh nặng có thể làm sẹo và tắc vòi trứng nên không thể có con được.

SANE: một tổ chức thiện nguyện ở VQ Anh, vai trò của hội là thông tin và nghiên cứu các bệnh tâm thần cùng giúp đỡ cho bệnh nhân tâm thần và thân nhan của họ qua điện thoại.

Saprophyte: sinh vật sống nhờ vào mô chết hoặc thối rữa của động vật và thực vật.

Sarcoidosis: một loại bệnh mạn tính không rõ nguyên nhân, gồm nhiều hạch bạch huyết nổi ở các bộ phận của cơ thể và những u thịt nhỏ tại phổi, gan, lá lách. Da, hệ thần kinh, mắt, tuyến nước miếng cũng có thể bị ảnh hưởng.

Sarcoma: ung thư mô liên kết, phát triển tại nhiều nơi của cơ thể.

Sarcoptes: sâu ghẻ.

Scabies: ghẻ ngứa, chữa trị với các thuốc diệt sâu ghẻ như Lindane, Malathion. Cần chữa cho cả gia đình.

Scald: phỏng gây ra do nước/hơi nóng.

Scan: xét nghiệm các bộ phận cơ thể bằng siêu âm, computerised tomography (CT), magnetic resonance imaging (MRI).

Scarlet fever (scarlatina): bệnh hồng nhiệt, do độc tố của một loại khuẩn Streptococcus gây ra, chủ yếu là cho trẻ con và rất dễ lây bởi các giọt nước bọt bắn ra khi ho. Triệu chứng: sốt cao, viêm a mi đan, nổi ban đỏ ở mặt và khắp thân thể, đặc biệt là lưỡi có bợn trắng và đỏ rực (‘lưỡi trái dâu tây’). Chữa trị với kháng sinh giúp ngăn ngừa các biến chứng như nhiễm trùng tai và thận.

Schistosomiasis (bilharziasis): bệnh do sán lá thuộc giống Schistosoma gây ra, truyền qua da những ai tắm, lội trong nước có sán sinh trưởng. Triệu chứng: tiêu chảy, kiết lỵ, gan và lách to lên, bọng đái bị viêm và có thể biến thành ung thư.

Schiz-, schizo-: (tâm thần) tiếp đầu ngữ chỉ sự phân tách.

Schizoid personality: (tâm thần) nhân cách của loại người lập dị, hướng về nội tâm, sống cô đơn, lạnh nhạt với môi trường xung quanh, nhưng phần lớn không phát triển thành bệnh tâm thần phân liệt.

Schizophrenia: (tâm thần) bệnh tâm thần phân liệt (bệnh điên), gồm những rối loạn về cử chỉ hành động, tư tưởng và nhận thức, xảy ra ở tuổi từ 14-50, tỷ lệ trong dân chúng là 1%; tỷ lệ này tăng 10% nếu cha/mẹ bị bệnh, cả cha lẫn mẹ,40%, anh chị em 10%. Có những triệu chứng rõ ràng – triệu chứng ‘dương’ – như hành động kỳ quặc, cười nói một mình; tư tưởng lộn xộn, nói chuyện không đầu không đuôi, có ý nghĩ là người khác biết được. Họ có hoang tưởng (delusion) mình đang bị theo dõi, bị kẻ khác ám hại, mình là Chúa, là Phật. Giác quan có sự lệch lạc như hư giác về nghe (auditory hallucination), nghe tiếng thì thầm trong tai, tiếng hai người nói chuyện với nhau về mình. Cảm xúc của họ rất thất thường, buồn nhiều hơn vui, biểu lộ không đúng lúc, ví dụ nghe kể một chuyện buồn lại phát lên cười khúc khích. Một số bệnh nhân có triệu chứng không lộ ra – triệu chứng ‘âm’ – như chẳng buồn nói với ai, nhụt hết ý chí nghị lực, không còn thiết đến bất cứ chuyện gì. Loại này khó trị hơn loại có triệu chứng ‘dương’. Một số khác vì mất ý thức (insight) là mình đang bị bệnh cần sự giúp đỡ của người khác, nên không chịu đi khám và uống thuốc. Chức năng nhận thức (cognitive functions) như trí thông minh, trí nhớ, óc phán xét, sự tập trung tư tưởng v.v. tuy không bị ảnh hưởng nhiều, nhưng phần nào cũng giảm bớt vì bệnh lâu ngày, vì uống thuốc. Bệnh tâm thần phân liệt do nhiều nguyên nhân, thường có liên hệ với nhau: di truyền; sinh hóa, chất truyền dẫn thần kinh Dopamine tăng hoạt động; tâm lý xã hội; các bệnh của não bộ. Về tiên liệu, 20% khỏi được, 20% rất khó trị, 60% tình trạng có thể ổn định nhưng cần phải uống thuốc liên tục một thời gian dài và được theo dõi thường xuyên. Theo thống kê, có 10% bệnh nhân mất trí tự tử.

Sciatica: (thần kinh) đau thần kinh tọa, đau dọc theo mặt ngoài và sau đùi, chân, bàn chân, thường do đĩa sụn giữa hai đốt sống bị thoái hóa rồi trồi ra và ép vào rễ dây thần kinh thắt lưng dưới. Bệnh có thể bộc phát khi nâng, khiêng không đúng cách vật nặng hoặc vặn xoắn thân hình, gây đau và cứng lưng, tê và yếu chân. Chữa trị bằng cách nằm nghỉ, nhưng nếu bệnh kéo dài ngày là một chỉ định giải phẫu cắt bỏ phần đĩa sụn trồi ra (microdiscectom).

Sciatic nerve: (thần kinh) thần kinh tọa, có đường kính lớn nhất so với các dây thần kinh khác trong cơ thể, chạy từ cột sống thắt lưng dưới xuống phía sau đùi, đến phần trên khớp gối thì chia làm hai nhánh. Các sợi của thần kinh tọa phân bổ đến cơ bắp và da ở chân.

Sclera / scleritis: củng mạc, lớp xơ trắng bên ngoài nhãn cầu; ở phần trước của mắt, củng mạc trở thành giác mạc (cornea). Xem chữ eye. /

Scleroderma: xơ cứng bì, da dày từng chỗ hoặc toàn thể, biến thành màu ngà. Nguyên nhân không rõ, có thể là một bệnh tự miễn rất khó trị, nhưng một số trường hợp tự nhiên khỏi.

Sclerosis: mô trở thành xơ cứng, thường là do đóng sẹo sau khi bị viêm sưng, hoặc vì tuổi già. Bệnh có thể xảy ra ở một bên của tủy sống (amyotrophic lateral sclerosis) gây liệt dần dần các cơ bắp; ở rải rác khắp não và tủy sống trong bệnh đa xơ thần kinh (multiple sclerosis); hoặc ở thành động mạch của người lớn tuổi gây xơ cứng động mạch (atherosclerosis).

Sclerotherapy: liệu pháp gây xơ cứng, chữa chứng giãn tĩnh mạch (varicose vein) bằng cách tiêm một loại dung dịch để tĩnh mạch đóng huyết khối và sau đó hóa sẹo.

Scoliosis: vẹo ngang xương sống, do bẩm sinh hoặc bệnh ở các đốt sống, cơ bắp và dây thần kinh dọc theo lưng, có thể chữa được bằng giải phẫu.

-scope: tiếp vĩ ngữ chỉ dụng cụ dùng quan sát hay khám nghiệm, ví dụ gastroscope = dụng cụ khám nghiệm bên trong dạ dày.

Screening test: thử nghiệm đơn giản thực hiện trên một số lớn người có vẻ mạnh khoẻ để phân biệt những ai có một bệnh đặc hiệu với những người không mắc phải, ví dụ chụp Xquang, khám quẹt cổ tử cung (cervical smears).

Scrofula: bệnh tràng nhạc, bệnh lao các hạch bạch huyết thường là ở cổ, không chữa trị sẽ làm mủ rồi vỡ ra ngoài da tạo thành những vết loét.

Scrotum: bìu dái, bao ngoài của tinh hoàn giúp cho tinh trùng sản sinh và tồn trữ tại đấy ở vào nhiệt độ thấp hơn trong bụng.

Scurvy: bệnh gây ra vì thiếu vitamin C, do ít ăn rau quả tươi. Dấu hiệu đầu tiên là sưng nướu răng và chảy máu, sau đó là xuất huyết dưới da, các vết thương trước đây đã lành cò thể toác ra lại. Bệnh thường xảy ra cho người già thiếu sự chăm sóc của gia đình, nếu để lâu có thể đưa đến tử vong.

Sebaceous cyst: nang bã nhờn, phát sinh từ tuyến bã nhờn của da, thường thấy ở đầu, mặt, cơ quan sinh dục. Nang chứa bã như cheese và có thể rất lớn, chữa trị bằng cách mổ bỏ đi.

Sebaceous gland: tuyến của da tiết chất bã nhờn (sebum) ra ngoài theo lỗ chân lông.

Seborrhoea: bã nhờn tiết ra quá nhiều, thường thấy ở mặt, da đầu. Tình trạng này một phần do ảnh hưởng của hóc môn nam androgen, và tạo điều kiện để mụn trứng cá và bệnh viêm da có bã nhờn (seborrhoeic dermatitis) phát sinh.

Secretion: sự tạo và tiết ra các hóa chất như men và hóc môn từ tuyến và các bộ phận của cơ thể. Tuyến có thể là ngoại tiết (exocrine gland), hóa chất theo một ống dẫn ra ngoài, ví dụ tuyến nước miếng, hoặc nội tiết (endocrine gland), hóa chất tiết thẳng vào máu, ví dụ tuyến giáp trạng.

Sectioning: (tâm thần) chữ nói về sự thi hành các điều khoản của đạo luật tâm thần. Xem chữ Mental Health Act.

Sedation / sedative drugs: sự làm dịu bớt căng thẳng tinh thần, cơn động kinh, cơn hung hăng gây nguy hiểm cho bản thân và cho người khác v.v. / thuốc có tác dụng trên.

Seizure: (thần kinh) cơn động kinh, xem chữ Epilepsy.

Semen, seminal fluid: tinh dịch chủ yếu là từ túi tinh dịch tiết ra, một số ít từ tuyến tiền liệt và tuyến Cooper. Số lượng mỗi lần giao cấu là khoảng 5ml, chứa từ 300-500 triệu tinh trùng. Thành phần quan trọng của tinh dịch là đường fructose kích thích sự di động của tinh trùng. Nồng độ đường, tinh dịch và sự sản xuất tinh trùng chịu ảnh hưởng của hóc môn nam Testosterone.

Seminal vesicle: túi tinh dịch, một trong hai tuyến sinh dục mở vào ống dẫn tinh trước khi ống này đổ vào niệu đạo. Phần lớn chất lỏng của tinh dịch là từ túi này tiết ra.

Seminoma: u ác tính tinh hoàn, xảy ra cho người lớn tuổi hơn so với u quái tinh hoàn (teratoma). Chữa trị: mổ cắt bỏ tinh hoàn, dùng thuốc chống ung thư và xạ trị nếu ung thư di căn đến phổi và xương.

Senescence: tình trạng lão hóa gây suy giảm năng lực cơ thể và trí tuệ.

Senile dementia: (tâm thần) sa sút trí tuệ và cách cư xử hành động, xảy ra cho người già.

Sensation: cảm giác, ví dụ đau, nóng, nhức mỏi v.v.

Sense / sense organ: tri giác, một trong những khả năng biết được tính chất của môi trường bên ngoài qua nhìn, nghe, ngửi, nếm, sờ mó / giác quan gồm mắt, tai, mũi, lưỡi, da.

Sensitive: nhạy cảm, có khả năng đáp ứng với kích thích, ví dụ tế bào võng mạc nhạy cảm với ánh sáng và đáp ứng bằng cách gửi xung động thần kinh đến não.

Sensitisation: sự gây nhạy cảm của một vật lạ đối với cơ thể, ví dụ cỏ hoa, cơ thể sản xuất ra kháng thể để chống lại.

Sensory cortex: (thần kinh) vỏ cảm giác của não, có nhiệm vụ nhận các tín hiệu do dây thần kinh cảm giác (sensory nerve) mang đến. Vỏ cảm giác được chia thành nhiều vùng khác nhau ở não, ví dụ cảm giác đau, nóng được tiếp nhận ở thùy đỉnh.

Separation anxiety: (tâm lý) mối lo âu, sợ hãi về viễn ảnh phải xa rời một nơi an toàn, ví dụ trẻ phải xa cha mẹ để đi học.

Sepsis: nhiễm trùng ở một vết thương, một bộ phận cơ thể, tạo ra mủ và khuẩn phát triển trong máu (bacteraemia). Nếu khuẩn phát triển nhanh chóng và sản xuất ra độc tố thì được gọi là nhiễm trùng huyết (septicaemia).

Septal defect: khuyết tật có lỗ ở vách ngăn tim phải và trái, nguyên nhân không rõ, một số ít trường hợp do mẹ bị bệnh sởi Ðức lúc mang thai. Lỗ có thể ở vách ngăn hai tâm nhĩ (atrial septal defect, ASD) hoặc ở vách ngăn hai tâm thất (ventricular septal defect, VSD). Sự thông thương không bình thường của máu sẽ xảy ra, máu chảy từ tim trái có áp suất cao sang tim phải áp suất thấp hơn, hậu quả là máu lưu thông quá nhiều ở động mạch phổi gây tăng huyết áp ở đấy và suy tim. Lỗ lớn được đóng lại bằng phẫu thuật, lỗ nhỏ nếu không gây tác hại đến vấn đề tim mạch thì không cần chữa trị.

Septicaemia: nhiễm trùng huyết, máu có nhiều khuẩn sinh sản nhanh và tiết ra độc tố. Nguyên nhân: nhiễm trùng đường tiểu, viêm dạ dày-ruột (gastroenteritis), sưng phổi, viêm màng não, ổ mủ trong cơ thể. Các bệnh tiểu đường, ung thư, suy yếu hệ miễn nhiễm, dùng thuốc chống hệ miễn nhiễm là những yếu tố tạo điều kiện cho nhiễm trùng huyết phát sinh. Triệu chúng: sốt cao, lạnh run, thở nhanh, tâm trí lơ mơ. Nếu không được xử lý kịp thời, tình trạng có thể đưa đến choáng sốc nhiễm trùng huyết (septic shock), mạch nhảy nhanh, huyết áp tụt xuống, nước da xanh tím, ít nước tiểu, suy thận, suy tim và chết.

Septum: vách ngăn chia một cơ quan, ví dụ vách ngăn hai buồng tim, vách ngăn khoang mũi.

Sequel: di chứng, rối loạn trong cơ thể do bệnh hoặc tai nạn trước đó gây ra.

Sequestration / sequestrum: sự tạo ra một mảnh xương mục tách rời với các mô xung quanh / mảnh xương mục, thấy trong bệnh viêm xương-tủy (osteomyelitis).

Serology: khoa nghiên cứu về huyết thanh và những thành phần trong đó, đặc biệt là vai trò của chúng trong sự bảo vệ cơ thể chống lại bệnh.

Serotherapy: trị liệu bằng huyết thanh chứa kháng thể để chữa nhiễm trùng hoặc để gây miễn dịch thụ động tạm thời, ví dụ chữa bệnh uốn ván với huyết thanh chống bệnh tiêm cùng với thuốc chủng ngừa.

Serum: huyết thanh, dịch tách ra khỏi cục máu đông hay huyết tương để lắng xuống. Huyết thanh có thành phần tương tự như huyết tương và kháng thể trong đó, nhưng không có các yếu tố đông máu.

Serum sickness: phản ứng đôi khi xảy ra 7-10 ngày sau khi tiêm huyết thanh, ví dụ huyết thanh chống uốn ván. Triệu chứng: da nổi đỏ, sốt, đau khớp, hạch bạch huyết lớn ra.

Sex chromosome: nhiễm sắc thể phái tính X và Y, phụ nữ có 2 nhiễm sắc thể X, đàn ông 1 nhiễm sắc thể X và 1 nhiễm sắc thể Y.

Sex hormone: hóc môn sinh dục do buồng trứng và tinh hoàn tiết ra để kiểm soát phát triển sinh dục và chức năng sinh sản. Oestrogens và Progesterone là hóc môn sinh dục nữ, các Androgens là hóc môn sinh dục nam.

Sex-linked inheritance: mô tả sự liên kết giữa nhiễm sắc thể phái tính, thường là nhiễm sắc thể X, và một số bệnh, ví dụ bệnh ưa chảy máu (haemophilia), bệnh loạn dưỡng cơ (Duchenne muscular dystrophy). Ðàn ông vì chỉ có một nhiễm sắc thể X mà thôi nên chỉ họ mới mắc các bệnh trên, đàn bà nhờ có 2 nhiễm sắc thể X nên sẽ là người mang mầm bệnh và truyền sang cho con trai.

Sexual abuse: (tâm thần) sách nhiễu tình dục.

Sexual deviation: (tâm thần) rối loạn tình dục, thường xảy ra cho phái nam, họ chỉ đạt được tột đỉnh khoái lạc bằng những hành động khác thường như để người khác đánh thật đau (masochism), mặc quần áo phụ nữ (transvestism), phô trương bộ phận sinh dục (exhibitionism), cọ vào mông, đùi phụ nữ (frottage), giao cấu với xác chết (necrophilia), sờ soạn, giao cấu với trẻ con (paedophilia), gây đau đớn hoặc nhục mạ người đang làm tình với mình (sadism).

Sexually transmitted diseases (STD): (sản phụ khoa) bệnh lây truyền qua đường tình dục. Trước kia là giang mai (syphilis), lậu, hạ cam (chancroid), nay là nhiễm khuẩn Chlamydia, đơn bào Trichomonas vaginalis, siêu khuẩn Herpes, Human papilloma virus (gây mụn cơm), nấm Candida, siêu khuẩn viêm gan, HIV, u mềm lây (molluscum contagiosum).

Shingles, Herpes zoster: bệnh ‘dời leo’, xem chữ Herpes.

Shock: sốc, một tình trạng kết hợp với suy sụp tuần hoàn khi áp huyết tụt xuống quá thấp nên không duy trì được lượng máu cung cấp đến các mô. Bệnh nhân rịn mồ hôi, tay chân lạnh và tím, mạch nhanh, thở không đều, khô mồm, tiểu ít. Nguyên nhân có thể là: xuất huyết nội hoặc ngoại; cơ thể mất nước do phỏng, ỉa mửa nhiều; tắc nghẽn mạch máu vành tim, mạch máu phổi; khuẩn có nhiều trong máu và tiết ra độc tố (septic shock); bị dị ứng nặng (anaphylactic shock); cơn xúc động mạnh (neurogenic shock). Chữa trị tùy theo nguyên nhân.

Siamese twins: cặp sinh đôi giống hệt nhau và có cùng phái tính dính nhau ở đầu, ngực, bụng, hông, tay chân v.v. Chữ Siamese có nghĩa là Xiêm La (Thái Lan ngày nay), đánh dấu trường hợp đầu tiên y học ghi nhận và nghiên cứu về hai anh em Chang và Eng sinh năm 1871, dính nhau ở hông và sống đến 63 tuổi, lấy vợ đẻ con đầy đàn!

Sibling rivalry: (tâm lý) sự ganh tị, không thuận thảo giữa anh chị em, nhất là khi có một bé mới sinh, anh chị em nó cảm thấy không còn được cha mẹ chú ý đến nữa.

Sickle cell disease: bệnh hồng cầu lưỡi liềm, xảy ra cho người da đen và dân vùng Ðịa Trung Hải. Hồng cầu chứa đựng huyết sắc tố haemoglobin bất thường (HbS), nên dễ bị vỡ gây vàng da, thiếu máu. Chữa trị theo triệu chứng và các biến chứng, gồm truyền dung dịch, kháng sinh, thuốc giảm đau, truyền máu, thay máu (exchange transfusion). Cách chữa trị đem lại nhiều kết quả là thay ghép tủy xương (bone marrow transplant).

Side effect: tác động phụ của mộ loại thuốc.

Siderosis: bệnh nhiễm oxide sắt trong phổi xảy ra cho các thợ bạc, thợ mỏ, có thể gây xơ hóa phổi.

Sigmoid colon: đại tràng sigma, phần tận cùng hình chữ S của đại tràng xuống (descending colon) dẫn đến trực tràng. Xem chữ Rectosigmoid.

Sigmoidoscopy: phép soi đại tràng sigma để xét nghiệm về những triệu chứng xảy ra ở phần dưới cơ quan tiêu hóa, ví dụ chảy máu ở trực tràng, bướu polyp, viêm loét ruột già (ulcerative colitis), ung thư phần cuối ruột già.

Sign: dấu hiệu của căn bệnh không thể hiện rõ để bênh nhân biết, nhưng bác sĩ khám thấy được. So sánh với chữ triệu chứng (symptom).

Silicosis: bệnh xơ hóa phổi do hít phải nhiều bụi có khoáng chất silica, xảy ra cho công nhân khai thác quặng, hầm đá, cát, cạo sét nồi hơi. Bệnh này tạo điều kiện cho lao phổi phát sinh.

Sinoatrial node, SA node: nút xoang nhĩ, một trung tâm tự động (pacemaker) gồm các tế bào cơ tim ở thành trên tâm nhĩ. Nút co thắt nhịp nhàng khoảng 70 lần mỗi phút, phát ra xung lực thần kinh lan khắp tâm nhĩ đến nút nhĩ thất (atrioventricular node) rồi khắp tim. Nút xoang nhĩ chịu ảnh hưởng của các hóc môn, chất hóa học, hệ thần kinh.

Sinus: 1- xoang trong xương chứa không khí, đặc biệt là xương mặt và sọ. 2- kênh lớn chứa máu tĩnh mạch, ví dụ xoang tĩnh mạch ( venous sinuses) trong màng cứng của não dẫn máu ra khỏi não. 3- chỗ nhô ra của một cơ quan hình ống, ví dụ xoang mạch máu cảnh (carotid sinus) ở cổ. 4- lỗ rò từ một ổ nhiễm trùng ra ngoài da hay vào một cơ quan rỗng.

Sinus arrhythmia: loạn nhịp xoang, nhịp tim đập chậm lại (sinus bradychardia) hoặc nhanh hơn (sinus tachycardia).

Sinusitis: viêm xoang mũi, thường kết hợp với viêm niêm mạc mũi, có thể là cấp hay mạn tính. Triệu chứng: đau nhức vùng xoang bị bệnh, ngạt mũi, chất tiết ra có mủ, không biết mùi. Ðịnh bệnh bằng Xquang, CT scan. Chữa trị với kháng sinh, thuốc giảm ngạt mũi, thuốc nhỏ mũi chứa steroid, rửa hoặc mổ xoang mũi. Xem chữ Paranasal sinuses.

ST units (système international d’unités): hệ thống quốc tế về đơn vị, căn cứ trên mét, kí lô, giây (thời giờ).

Sjogren’s syndrome: hội chứng Sjogren, một bệnh tự miễn ảnh hưởng đến tuyến nước miếng và nước mắt, gây chứng khô miệng và mắt. Bệnh xảy ra riêng rẽ hoặc kết hợp với viêm khớp dạng thấp (rheumatoid arthritis). Chữa trị với dung dịch loại thay thế nước mắt và nước miếng.

Skeleton: bộ xương.

Skin: da, bao bọc bên ngoài cơ thể, gồm lớp ngoài (biểu bì) và lớp trong (bì); bên dưới là một lớp mỡ. Da có nhiều chức năng: bảo vệ cơ thể ngăn ký sinh xâm nhập; giảm bớt sốc va chạm của chấn thương; giúp cơ thể không bị mất nước; điều hòa nhiệt độ nhờ các tuyến mồ hôi, lông, mao mạch: khi cơ thể quá nóng, nhiệt sẽ thoát đi bằng cách ra mồ hôi, mao mạch giãn nở; khi quá lạnh, mao mạch co lại, lông dựng đứng lên để giữ một lớp không khí trên biểu bì. Da cũng hoạt động như một cơ quan bài tiết (bằng cách tiết ra mồ hôi), và như một giác quan nhờ có dây thần kinh nhạy cảm với nhiệt, lạnh, sờ, đau. Lớp mỡ dưới bì là một nguồn dự trữ thực phẩm và nước.

Skin graft: ghép da, dùng chính da của bệnh nhân (autograft), đôi khi da của người khác (homograft) để tạm thời làm lành vết thương. Lớp da dùng để ghép có thể mỏng hoặc dày, tùy từng trường hợp của vết thương.

Skull: bộ xương đầu và mặt, gồm hộp sọ (cranium) và xương mặt, bao gồm cả xương hàm dưới.

Sleep: giấc ngủ, chiếm 1/3 thời gian trong đời người, gồm hai phần xen kẽ nhau: 1- phần có tròng mắt di động nhanh (rapid eye movement, REM), còn gọi là giấc ngủ nghịch lý (paradoxal sleep) chiếm 1/5 của giấc ngủ, sóng não điện đồ (EEG) giống như người đang thức, giấc mơ xảy ra trong giai đoạn này. 2- phần có tròng mắt nằm im (non-rapid eye movement, NREM) chiếm 4/5 thời gian của giấc ngủ, sóng não điện đồ càng lúc càng sâu và chậm lại. Con nít 1 tuổi cần ngủ 14 tiếng đồng hồ mỗi ngày, 5 tuổi là 12 tiếng, còn người lớn từ 7-8 tiếng, có khi ít hơn.

Sleep apnoea: ngưng thở lúc ngủ kéo dài độ 10 giây. Nguyên nhân có thể là béo phì; cao huyết áp; phần mềm của nóc họng (uvula) giãn ra quá độ và thòng xuống khí quản; a mi đan và hạch vòm hầu (adenoids) quá to, lưỡi lớn một cách bất thường, xương hàm nhỏ.

Sleep deprivation: thiếu ngủ, nếu kéo dài lâu ngày sẽ làm giảm năng xuất trong công việc, khó tập trung tư tưởng. Không ngủ 3 ngày liên tiếp hoặc hơn có thể đưa đến hư giác về nghe và thấy, đôi khi có hoang tưởng bị kẻ lạ theo dõi. Các cơ quan Công An, Cảnh Sát thường dùng phương pháp bắt nghi can thức suốt ngày đêm để điều tra cật vấn.

Sleeping drugs: thuốc ngủ, dùng lâu ngày sẽ làm quen thuốc phải tăng liều lượng lên, và lệ thuộc vào nó.

Sleeping sickness: bệnh ngủ, xảy ra cho người Phi Châu, do một loại đơn bào từ ruồi Tse Tse truyền sang.

Sleepwalking (somnambulism): chứng mộng du, khi đang ngủ đột nhiên đứng dậy đi trong vài phút rồi trở về giường lại. Chứng này thấy ở trẻ con, đôi khi ở người lớn có nhiều lo âu hoặc uống thuốc ngủ.

Sling: băng chéo hình tam giác, buộc sau cổ để nâng đỡ cánh tay gẫy.

Slipped disk: trồi đĩa sụn giữa đốt xương sống, xem chữ Disk prolapse.

Smallpox (variola): bệnh đậu mùa do siêu khuẩn gây ra, lây truyền do tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân. Triệu chứng gồm những nốt đỏ nổi ở mặt rồi lan khắp người, trở thành mụn nước rồi mụn mủ, khi lành để lại sẹo vĩnh viễn (‘Mặt rỗ như tổ ong bầu’), khả năng lây nhiễm vẫn còn cho đến khi các vảy rụng đi. Hầu hết bệnh nhân đều bình phục nhưng các biến chứng nặng gây tử vong có thể xảy ra là viêm thận, sưng phổi. Bệnh đậu mùa đã hoàn toàn bị tiêu diệt từ năm 1978.

Smear: lấy một mẩu mô hay các chất liệu khác từ một bộ phận cơ thể và phết lên kính để xét nghiệm dưới kính hiển vi.

Smooth muscle: cơ trơn, có trong các cơ quan rỗng như dạ dày, ruột, bọng đái, khi co thắt không biết được.

Snore: ngáy.

Socialisation: sự hòa nhập về mặt xã hội với người khác.

Social phobia: (tâm thần) chứng sợ chỗ đông người, như sợ nói trước công chúng, ăn uống nơi công cộng.

Sodium: một khoáng chất giúp quân bình lượng nước cơ thể, duy trì nhịp đập của tim, dẫn truyền xung động thần kinh và co cơ bắp. Số sodium máu dư thừa được thận thải ra ngoài. Thiếu sodium xảy ra trong các trường hợp ỉa mửa lâu ngày, đổ mồ hôi nhiều, dùng thuốc lợi tiểu quá độ. Các triệu chứng gồm mệt lả người, co rút cơ bắp, choáng váng, nếu nặng có thể làm tụt huyết áp, ngất xỉu. Thừa sodium do ăn quá nhiều muối đưa đến tăng huyết áp, sưng chân, hư thận, đột quỵ.

Sodium bicarbonate: thuốc kháng a xít, dùng trong chứng ăn khó tiêu, ợ chua, loét cơ quan tiêu hóa. Uống nhiều và lâu ngày gây co rút cơ bắp, yếu trong người, nôn mửa. Các bệnh nhân suy tim, hư hại ở thận không nên dùng nó.

Sodium cromoglycate: thuốc có tác dụng đề kháng chất histamine tiết ra trong khi bị dị ứng, được sử dụng trong một vài loại suyễn, dị ứng thực phẩm, dị ứng mũi và mắt.

Sodium valproate: thuốc chữa các chứng động kinh, tên thương mại là Epilim. Phụ chứng: lừ đừ buồn ngủ, rối loạn chức năng gan và điều hòa cơ bắp, gây dị tật bào thai đối với các thai phụ.

Sodomy: giao cấu qua đường hậu môn giữa người đồng tính luyến ái, người khác phái, hoặc giữa người và súc vật.

Soft sore (chancroid): một bệnh hoa liễu do khuẩn Haemophilus ducreyi gây ra, triệu chứng gồm vết loét mềm ở bộ phận sinh dục, hạch bạch huyết ở bẹn sưng lên rồi loét ra.

Soiling: ỉa đùn, xảy ra cho trẻ con đã quá lứa tuổi biết kiểm soát về vấn đề đại tiện, thường kèm với đái dầm. Nguyên nhân: táo bón, chậm phát triển về khả năng kiểm soát việc đại tiện, không được tập luyện về vấn đề bài tiết, bị căng thẳng tinh thần, ví dụ sắp phải đi học.

Solvent abuse: (tâm thần) hít các loại dịch bay hơi như xăng, nước sơn, chất keo (glue), acetone v.v., thường xảy ra cho trẻ con, gây nhức đầu, nôn mửa, trí óc lẫn lộn, tổn hại niêm mạc mũi và họng, hư gan, thận và hệ thần kinh, suy tim.

Somatic: 1- liên quan đến cơ thể (soma), ngược với tâm trí (mind). 2- liên quan đến tế bào cơ thể, ngược với tế bào sinh sản (tinh trùng, trứng).

Somatization disorder (Briquet’s syndrome): (tâm thần) một loại bệnh tâm thần xảy ra cho phụ nữ, họ thường xuyên đến khám bác sĩ và khai ra cùng lúc một loạt triệu chứng về cơ thể – ví dụ thấy hai hình, tê chân tay, đau ở cơ quan sinh dục, rối loạn về chức năng tiêu hóa – nhưng khi kiểm tra thì không thấy có hư hại gì ở các bộ phận trong người. Nguyên nhân có thể là căng thẳng tinh thần, lo âu, buồn chán. Về chữa trị có khoa tư vấn (counselling), tâm lý liệu pháp, thuốc chống buồn chán.

Somatoform disorders: (tâm thần) một số bệnh tâm thần gồm bệnh tưởng tượng (hypochondriasis), bệnh somatization disorder, rối loạn tâm lý chuyển biến thành các triệu chứng cơ thể (conversion disorder).

Somnambulism: mộng du, đồng nghĩa với Sleepwalking.

Sore: loét lở ở niêm mạc hay da, do bị thương, nhiễm trùng.

Sore throat: đau cổ họng, thường do nhiễm khuẩn/siêu khuẩn ở a mi đan hay họng, có thể kèm với sưng hạch bạch huyết vùng cổ.

Spasm: cơn go mạnh không chủ ý của cơ, ví dụ cơ hoành gây nấc cụt (hiccup), cơ cẳng chân gây chuột rút, cơ mặt, cơ cổ và lưng trong bệnh uốn ván, cơ trơn khí quản trong suyễn, cơ mặt và tay chân khi lượng calcium máu xuống thấp (tetany), cơ toàn thân trong chứng liệt cứng cơ (spastic paralysis).

Spasmolytic drugs: thuốc làm giãn cơn go của cơ trơn, dùng trong suyễn, đau thắt ngực, đau bụng.

Spastic paralysis: (thần kinh) liệt cứng cơ, xảy ra trong đột quỵ, liệt não (cerebral palsy), viêm đa xơ thần kinh hệ (multiple sclerosis).

Specific: đặc hiệu.

Speculum: dụng cụ để khám tai, mũi, âm đạo và cổ tử cung.

Speech: nói, phát âm. Trung tâm về nói nằm tại hai vùng đặc biệt của vỏ não, đa số là ở bên trái (vùng Wernicke và Broca), từ đó xung động thần kinh truyền xuống các cơ của bộ phận phát âm như thanh quản, lưỡi, qua sự điều hợp của tiểu não (cerebellum). Sự phát triển về nói của đứa trẻ diễn tiến như sau: 3 tháng, bập bẹ; 9 tháng, nhại giọng của người khác; 12-15 tháng, nói tiếng một kèm với ra dấu; 18-24 tháng, nói tiếng đôi, ví dụ ‘ba mẹ’, ‘đau quá’, số ngữ vựng khoảng 100 chữ; 2-3 tuổi, nói câu dài hơn, gồm 4 chữ; 3 tuôi trở đi, nói câu ngắn gọn, dễ hiểu, có ý nghĩa. Nguyên nhân rối loạn phát âm: hư tổn trung tâm về nói ở não do chấn thương đầu, bướu não, đột quỵ; điếc; đa xơ thần kinh hệ, bệnh Parkinson, bệnh thuộc tiểu não; hư tổn dây thần kinh từ não xuống các cơ của thanh quản, môi và lưỡi; bệnh ở thanh quản.

Speech therapy: khoa luyện lại cách phát âm.

Sperm (spermatozoon): tinh trùng do tinh hoàn sản xuất bắt đầu từ tuổi dậy thì, dưới ảnh hưởng của hóc môn nam Testosterone và hóc môn Gonadotrophin của tuyến yên. Trong khi tế bào cơ thể có 2 nhiễm sắc thể (nst) phái tính (sex chromosome), nam là XY, nữ là XX thì tinh trùng chỉ có 1 nst, hoặc là X hay Y. Nếu tinh trùng X thụ thai với trứng (nst luôn luôn là X), ta sẽ có X+X = XX = con gái; còn với tinh trùng Y sẽ là X+Y = XY = con trai. Cơ cấu tinh trùng gồm: đầu mang nhiễm sắc thể, cổ và đuôi giúp di chuyển nhanh. Số lượng tinh dịch xuất ra khi giao cấu là khoảng 2-5ml, bình thường chứa đựng từ 300-500 triệu tinh trùng. Nhưng chỉ vài nghìn con lọt qua được cổ tử cung, bơi lên một đoạn đường dài 4cm để gặp trứng tại vòi trứng, trong khoảng từ vài giây đến 3 tiếng đồng hồ, và trong số này chỉ một con thụ thai với trứng.

Spermatid cord: dây tinh, gồm ống dẫn tinh (vas deferens), dây thần kinh và các mạch máu, chạy từ tinh hoàn lên kênh ở bẹn rồi vào bụng và đổ ra ống dẫn của tuyến tiền liệt.

Spermatocele: nang mào tinh hoàn (epididymis) nằm ở phía trên tinh hoàn, chứa tinh dịch. Chữa trị bằng phẫu thuật cắt bỏ.

Spermatorrhoea: di tinh, tinh dịch chảy ra không chủ ý và không có cực khoái (orgasm).

Sperm donation: hiến tặng tinh trùng, người tặng được giữ vô danh, giúp cho những cặp vợ chồng muốn sinh con khi người chồng chẳng may bị vô sinh. Tinh trùng được tồn trữ tại ‘Ngân hàng tinh trùng’ và khi cần thì lấy ra để cho vào âm đạo hay xuyên qua cổ tử cung người vợ. Sác xuất thành công tương tự như giao cấu bình thường.

Spermicide: thuốc diệt tinh trùng dùng trong việc ngừa thai, điều chế dưới dạng kem, keo, bọt nước, thường kết hợp với bao cao su, màng chắn (diaphragm) để tăng thêm kết quả.

Spherocyte / spherocytosis: hồng cầu hình quả cầu, nhỏ hơn hồng cầu bình thường và rất dễ vỡ / bệnh tăng hồng cầu quả cầu, có thể là di truyền hay là một loại bệnh thiếu máu tan huyết (haemolytic anaemia), gây vàng da, thiếu máu, túi mật dễ đóng sạn. Chữa trị bằng cách cắt bỏ lá lách.

Sphincter: cơ thắt bao quanh một lỗ, ví dụ quanh hậu môn, quanh môn vị (pylorus) ở phần cuối dạ dày vào tá tràng.

Sphygnomanometer: dụng cụ dùng đo huyết áp.

Spina bifida: hở đốt cột sống, một khuyết tật bẩm sinh thường thấy ở vùng lưng. Nguyên nhân không rõ, có thể là do chế độ ăn uống của thai phụ thiếu vitamin, đặc biệt là folic acid. Tình trạng nếu nhẹ (spina bifida occulta), đứa bé không việc gì, vùng lưng nơi đốt hở bị lõm vào, hoặc có một chùm lông mọc ở đấy. Tình trạng trở nên trầm trọng nếu màng bao tủy sống trồi ra dưới da (meningocele) hoặc cả màng bao và tủy sống trồi ra (meningomyelocele, xem chữ).

Spinal anaesthesia: gây tê cục bộ bằng cách tiêm thuốc tê vào não thủy, hoặc vào bên ngoài màng bao tủy sống vùng lưng (epidural anaesthesia). Thủ thuật được áp dụng trong giải phẫu các bộ phận ở hạ bộ hoặc để sinh đẻ không đau.

Spinal cord: (thần kinh) tủy sống, một phần của hệ thần kinh trung ương, dài 45cm, nằm bên trong cột sống từ hành tủy (medulla oblongata) xuống đến đốt sống lưng thứ hai, tận cùng là chùm thần kinh có hình đuôi ngựa (cauda equina). Cơ cấu tủy sống gồm một lõi chất xám ở giữa, có chất trắng bao quanh, bên ngoài là màng bao tủy. Từ tủy sống chạy ra 31 đôi dây thần kinh ở những khoảng trống giữa các đốt sống.

Spinal injury: tổn thương cột sống, nếu ảnh hưởng đến tủy sống sẽ gây mất cảm giác, hoặc cảm giác đau, nóng rát, cơ bắp bị yếu hoặc liệt: ở cổ gây liệt tứ chi, ở dưới cổ gây liệt hai chân, các chức năng đại tiểu tiện bị xáo trộn như bí đái, táo bón hoặc đái dầm, ỉa đùn.

Spinal nerve: (thần kinh) thần kinh tủy sống, gồm 31 đôi. Mỗi dây thần kinh có 2 rễ, rễ trước mang các sợi thần kinh vận động, rễ sau mang các sợi cảm giác. Ngay sau khi rời khỏi tủy sống, các rễ này hợp lại thành một dây thần kinh hỗn hợp ở mỗi bên.

Spine: cột sống, xem chữ backbone.

Spirometry: phép xét nghiệm chức năng của phổi, đo lượng không khí thở mạnh hết ra (forced vital capacity, FVC) so với lượng không khí thở mạnh ra trong 1 giây đồng hồ (forced expiratory volume in 1 second, FEV1). Tỷ lệ trung bình giữa FEV1/ FVC là 70-80%. Trong bệnh phổi do nghẹt khí quản, ví dụ suyễn, FEV1 giảm xuống so với FVC; trong bệnh phổi do phổi bị xơ rút lại (restrictive lung diseases), tỷ lệ không thay đổi vì khí quản không bị nghẹt.

Spleen: lá lách, một cơ quan màu đỏ đậm nằm ở hốc sườn trái, dưới và sau dạ dày. Chức năng gồm có: 1- kiểm soát phẩm chất của hồng cầu, bằng cách phá hủy các hồng cầu già gần 120 ngày, hồng cầu hình dạng khác thường hoặc không phát triển đầy đủ. 2- chống nhiễm trùng bằng cách sản xuất ra kháng thể, thực bào (phagocyte) và lymphô bào. Mặc dù có các vai trò trên, lá lách không phải là một cơ quan thiết yếu, và khi cắt bỏ đi, nhiệm vụ của nó sẽ được thay thế bởi các thành phần khác của hệ bạch huyết. Tuy nhiên, người không còn lá lách sẽ dễ bị nhiễm khuẩn, nhất là khuẩn pneumococcus. Lá lách có thể vỡ ra khi bị đụng, đánh mạnh vào bụng, cần phải mổ cắt bỏ khẩn cấp.

Splenomegaly: lớn lá lách, xảy ra trong những trường hợp như: sốt rét, nhiễm trùng tăng bạch cầu đơn nhân (infectious mononucleosis, glandular fever), bệnh kala-azar do đơn bào Leishmania gây ra, thương hàn, bệnh về máu như ung thư máu, tan vỡ hồng cầu, ung thư hạch bạch huyết (lymphoma).

Splint: nẹp, dụng cụ để giữ im xương gẫy.

Spondy-, spondylo-: tiếp đầu ngữ chỉ đốt sống, cột sống.

Spondylitis: viêm khớp đốt sống, thường gây ra bởi viêm xương khớp (osteoarthritis), viêm khớp dạng thấp (rhumatoid arthritis), viêm cứng khớp đốt sống (ankylosing spondylitis).

Spondylolisthesis: trượt đốt sống ra trước, do bẩm sinh, chấn thương, viêm xương khớp, thường xảy ra ở đốt sống lưng thứ năm bên trên xương cùng (sacrum), gây đau lưng, đau thần kinh tọa (sciatica); đôi khi trượt ở xương cổ gây đau nhức, tê yếu tay và bàn tay. Chữa trị: mang đai lưng, đai cổ, kéo xương sống (traction), vật lý trị liệu, mổ gắn dính hai đốt sống lại với nhau (spinal fusion).

Spondylosis: thoái hóa đĩa sụn cột sống ở vùng cổ, ngực, thắt lưng. Trên phim Xquang, khoảng cách giữa hai đốt sống hẹp lại, có gai xương (osteophyte) mọc ra. Nhiều trường hợp không gây triệu chứng nào cả, còn nếu đau nhiều, chữa trị bằng cách mang đai cổ, đai lưng, hoặc mổ gắn dính đốt sống lại với nhau.

Spontaneous: tự phát, phát sinh ra không có nguyên nhân rõ rệt

Sporadic: mô tả một bệnh chỉ thỉnh thoảng mới xảy ra, hoặc xảy ra tại một vùng riêng biệt. So sánh với dịch (epidemic).

Sprain: bong gân, do căng hoặc rách dây chằng (ligament) ở khớp. Chữa trị bằng đắp nước đá, thuốc giảm viêm đau, băng chặt khớp, đôi khi phải mổ.

Sprue, tropical: bệnh đường ruột xảy ra ở vùng nhiệt đới (trong đó có Việt Nam), gây tiêu chảy, phân có mỡ rất thối, sụt cân, thiếu máu, viêm sưng lưỡi. Chữa trị với kháng sinh, vitamin B12 và Folic acid.

Sputum: đàm nhớt.

Squamous cell carcinoma: một loại ung thư da, xảy ra cho người trên 60 tuổi, nhất là người da trắng sống tại vùng có nhiều nắng, những ai phải tiếp cận lâu ngày với các chất arsenic, than, paraffin, dầu mỡ. Ung thư thể hiện bằng vết loét ở môi, tai, mu bàn tay, có thể di căn đến các cơ quan khác của cơ thể. Chữa trị: mổ cắt bỏ vùng ung thư, hủy bằng xạ trị hoặc hơi lạnh (cryosurgery), đôi khi phải dùng đến thuốc kháng ung thư.

Squint (strabismus): lé (lác) mắt, thường một mắt lé vào trong hoặc ra ngoài, đôi khi là lên hoặc xuống. Ðối với trẻ con (có thể do viễn thị), chứng lé làm thấy một hình thành hai, nên nó cố không sử dụng mắt ấy, lâu dần sẽ bị mờ đi (amblyopia). Về người lớn, lé có thể do bệnh ở não, ở dây thần kinh phân bổ đến mắt, ở cơ bắp mắt, ví dụ đột quỵ, tiểu đường, đa xơ thần kinh hệ, u não, cường tuyến giáp. Trong phần chữa trị, đối với trẻ con, dùng gạc che mắt bình thường lại để buộc nó phải sử dụng mắt lé, giải phẫu sửa lại càng sớm càng tốt; đối với người lớn, cần nên làm các xét nghiệm để loại trừ những bệnh có thể chữa được.

Stammering: tật nói lắp.

Staphylococcus infection: nhiễm khuẩn hình cầu. Loại Staphylococcus aureus thường thấy ở da và niêm mạc, gây nhọt và các ổ mủ; Staphylococcus pyogenes liên quan đến bệnh nhiễm làm mủ, các loại khác tạo ra độc tố gây ngộ độc thực phẩm.

-stasis: tiếp vĩ ngữ chỉ sự ngưng chảy của một chất lỏng, sự ứ đọng, ví dụ haemostasis = ngưng chảy máu.

Statin: loại thuốc làm hạ cholesterol máu xuống, ví dụ Atorvastatin (Lipitor).

Status asthmaticus: cơn suyễn kéo dài trên 24 giờ, có nguy cơ gây tử vong vì suy hô hấp hay kiệt sức, cần được xử lý khẩn cấp.

Status epilepticus: (thần kinh) tình trạng động kinh kéo dài hoặc liên tục, có thể chết vì xáo trộn nghiêm trọng của các chất điện giải (electrolyte) cơ thể. Trong mỗi cơn động kinh, hô hấp bị ngưng lại nên gây tổn hại thêmi cho tế bào não vì thiếu hụt khí oxi.

Steatorrhoea: phân có chất dầu, do ruột giảm hấp thu chất béo, mổ cắt bỏ một đoạn dài ruột non, dùng thuốc hạ mỡ. Phân có màu tái, rất hôi thối và khó dội trôi đi.

Stem cells: tế bào gốc, tế bào chưa biệt hóa trong tủy xương, gan, tụy tạng, cơ bắp v.v., có thể tạo ra các tế bào đặc hiệu của từng cơ quan. Tế bào gốc của phôi (embryonic stem cell) đa hiệu hơn, tạo ra các loại tế bào khác nhau cần cho sự phát triển của phôi. Hiện nay, kỹ thuật trích tế bào gốc ở máu cuống nhau hài nhi mới sinh được áp dụng để chữa các bệnh, đặc biệt là bệnh về máu.

Stereotypy: (Tâm thần) chứng rập khuôn, lập đi lập lại liên tiếp một động tác phức tạp, lần nào cũng theo cùng một cách, thấy trong bệnh tâm thần phân liệt và một số bệnh tâm thần khác, bệnh tự kỷ trẻ con, bệnh nhân sống ở viện lâu ngày buồn chán không có gì để kích thích họ.

Sterile: 1- vô sinh. 2- vô trùng.

Sterility: mất khả năng có con.

Sterilisation: 1- sự triệt sản bằng phẫu thuật, cắt, buộc ống dẫn tinh của đàn ông / vòi trứng của đàn bà. 2- làm vô trùng các dụng cụ, vết thương.

Sternum: xương ức (xương ngực).

Steroid: một nhóm hợp chất tự nhiên gồm các hóc môn sinh dục nam và nữ (androgens và oestrogens), hóc môn vỏ tuyến thương thận corticosteroid, hóc môn progesterone, muối mật, các chất sterol ví dụ cholesterol.

Stigma: 1- điều xấu làm mất sĩ diện, ví dụ gia đình có người mắc bệnh tâm thần. 2- chấm, đốm trên da.

Stillbirth: (sản phụ khoa) sinh thai chết, khi thai đã trên 28 tuần. Trước thời gian này gọi là sẩy thai, hư thai.

Stimulant: chất kích thích hoạt động của một hệ thống hay chức năng cơ thể.

Stitch: vết khâu.

Stoma: 1- miệng hay bất kỳ bộ phận nào giống miệng. 2- (trong phẫu thuật) lỗ mở nhân tạo của một cơ quan rỗng, ví dụ mở đại tràng để miệng ra ngoài bụng (colostomy).

Stomach: dạ dày, một cơ quan rỗng nằm dưới hoành cách mô (diaphragm), bên phải lá lách và một phần ở dưới gan, thông với thực quản qua tâm vị (cardia), với tá tràng qua cơ thắt môn vị (pyloric sphincter). Dạ dày nối tiếp tiến trình tiêu hóa bắt đầu từ miệng: dịch vị chứa hydrochloric acid và men pepsin, cộng với sự go bóp của cơ trơn dạ dày biến thực phẩm thành một chất như kem để đưa vào tá tràng. Dạ dày cũng tiết ra chất nhầy (mucus) bảo vệ chống lại sức xói mòn của axít.

Stomach-ache: đau ở vùng bụng trên.

Stomach cancer: ung thư dạ dày, xảy ra cho người trên 50 tuổi, nam nhiều hơn nữ, tỷ lệ dân Nhật mắc phải cao hơn so với người Tây phương. Nguyên nhân chưa rõ, một số yếu tố tạo điều kiện như thức ăn muối mặn, muối chua, xông khói; thiếu máu ác tính; một phần dạ dày đã bị cắt. Ðịnh bệnh bằng cách soi dạ dày và cắt một mẩu u để xét nghiệm, chụp Xquang. Chữa trị: cắt bỏ toàn bộ dạ dày, xạ trị, thuốc kháng ung thư, tiên liệu bệnh khá tốt nếu được phát hiện sớm, các trường hợp đến trễ chỉ 10% sống sót sau 5 năm.

Stomach ulcer: loét dạ dày.

Stomat-, stomato-: tiếp đầu ngữ chỉ miệng, ví dụ stomatitis = viêm niêm mạc miệng.

Stomatology: ngành y khoa liên quan đến các bệnh ở miệng.

-stomy, -ostomy: tiếp vĩ ngữ chỉ một lỗ mở phẫu thuật vào một cơ quan, ví dụ colostomy = mở đại tràng.

Stool: phân.

Strabismus: lé (lác) mắt, xem chữ squint.

Strain: 1- cơ bị căng hay rách do làm việc quá sức, gây sưng đau, các lực sĩ hay mắc phải, nhất là cơ sau đùi và cẳng chân. Cơ căng dọc cột sống là một nguyên nhân hay xảy ra của chứng đau lưng. 2- nhóm sinh vật, ví dụ khuẩn, có những tính chất đặc biệt phân biệt chúng với các đồng loại khác.

Strangulated: nghẹt, mô tả một phần cơ thể bị gián đoạn cung cấp máu, ví dụ ruột bị mắc kẹt trong thoát vị (hernia), tinh hoàn xoắn lại.

Streptococcal infections: nhiễm khuẩn hình chuỗi, gồm nhiều loại: Streptococcus pyogenes gây các bệnh nhiễm, ví dụ bệnh hồng nhiệt (scarlet fever), và sản xuất ra ngoại độc tố; Streptococcus viridans liên quan đến chứng viêm nội tâm mạc (endocarditis); Streptococcus pneumoniae tác nhân của sưng phổi.

Stress: (tâm lý) căng thẳng tinh thần do bất cứ yếu tố nào ảnh hưởng đến sức khoẻ thể chất và tinh thần, ví dụ bị thương tích nặng, tâm trí bất ổn, biến cố lớn xảy ra như chồng/vợ/con chết, ly hôn, chứng kiến cảnh tai ương do thiên nhiên hay người tạo ra v.v. Cơ thể đáp ứng lại bằng cách sản xuất các hóc môn cortisol adrenaline làm tăng nhịp tim và huyết áp lên, tăng sự chuyển hóa và hoạt động thể chất. Căng thẳng tinh thần nếu xảy ra thường xuyên sẽ dẫn đến chứng lo âu, buồn chán, ăn uống khó tiêu, hồi hộp đau ngực, nhức mỏi cơ thể.

Stress fracture: gẫy xương do có sự va chạm thường xuyên, xảy ra cho những người chạy, đi bộ đường xa mà không mang giày bảo vệ tốt. Các nơi gẫy thường là xương bàn chân, cẳng chân, cổ xương đùi, xương thắt lưng.

Stress ulcer: một loại loét ở cơ quan tiêu hóa, đôi khi xảy ra sau khi bị choáng sốc, phỏng nặng, chấn thương trầm trọng. Nguyên nhân không rõ, vết loét thường có tại nhiều nơi của dạ dày.

Stricture: sự co hẹp lại của bất cứ cấu trúc hình ống nào trong cơ thể, ví dụ thực quản, ruột, niệu quản và niệu đạo. Nguyên nhân: cơ quan ấy bị viêm, có khối u, bị cơ quan lân cận đè lên, cơ trơn go bóp mạnh.

Stridor: thở rít, nghe được lúc thở vào, do thanh quản hay khí quản bị tắc trít.

Stroke, apoplexy: (thần kinh) đột quỵ (trúng phong) do giòng máu không đến được để nuôi dưỡng não nên một phần não bị chết. Nguyên nhân bị tắc có thể là: 1-máu đông cục tại chỗ (thrombosis), hay xảy ra nhất và thường do mảng chất béo đóng ở thành mạch tạo thêm điều kiện. 2- máu đông cục từ nơi khác chạy đến (embolus), ví dụ từ động mạch cổ, tù tim. 3- vỡ mạch máu não do cao huyết áp, do mạch máu phình ra (aneurysm). Xem chữ cerebrovascular accident. Các yếu tố tăng rủi ro cho đột quỵ gồm có: tuổi già; cao huyết áp; mạch máu não xơ hẹp vì có mảng chất béo đóng vào (atherosclerosis); bệnh tim; tiểu đường; hút thuốc lá; lượng hồng cầu trong máu cao hơn bình thường (polycythaemia); tăng mỡ máu; sử dụng thuốc có chất oestrogen, ví dụ thuốc ngừa thai. Triệu chứng tùy vào số lượng tế bào não và vùng não bị ảnh hưởng: hôn mê và chết, yếu, liệt tay chân ở nửa bên đối diện với não hư tổn, nói ngọng, khó nuốt, mờ mắt. Một số trường hợp máu lưu thông chỉ bị gián đoạn chốc lát (transient ischaemic attack, TIA), do mạch máu go bóp mạnh hoặc do cục máu đông, triệu chứng gồm yếu tay chân, mờ mắt, khó phát âm. Bệnh nhân sẽ trở lại bình thường vài phút sau, nhưng đây là một dấu hiệu báo cho biết rủi ro đột quỵ có thể xảy ra bất cứ lúc nào. 1/3 trường hợp chết vì đột quỵ, 1/3 tỉnh lại với nhiều dư chứng sau đó, 1/3 bình phục gần như hoàn toàn. Các biến chứng là sưng phổi, tắc mạch máu phổi do cục máu đông từ chân chạy lên (vì nằm im một chỗ lâu ngày). Việc định bệnh được tiến hành qua khám lâm sàng, sử dụng kỹ thuật CT, MRI scan, thử máu v.v.Phần chữa trị gồm thuốc men, thở oxi, thường xuyên thay đổi vị trí nằm của bệnh nhân để tránh lở loét phần mềm ở mông đít, vai, lưng, gót chân và tránh sưng phổi, vật lý trị liệu, tập lại giọng nói (speech therapy).

Stupor: (thần kinh) sững sờ, tình trạng gần như bất tỉnh, tâm trí không hoạt động và giảm khả năng đáp ứng với kích thích.

Stuttering: nói lắp, xem chữ stammering.

Stye: mụt lẹo, viêm cấp tính tuyến ở chân lông mi, do khuẩn gây ra.

Sub-: tiếp đầu ngữ chỉ 1- ở dưới, ví dụ sublingual = dưới lưỡi. 2- một phần, tình trạng nhẹ, ví dụ subluxation = trật khớp nhẹ.

Subacute combined degeneration of the cord: (thần kinh) thoái hóa kết hợp bán cấp ở tủy sống, gồm tổn hại các dây thần kinh vận động và cảm giác, do thiếu vitamin B12 và thiếu máu ác tính. Bệnh thường kèm theo hư hại dây thần kinh ngoại biên, dây thần kinh thị giác, sa sút trí tuệ (dementia).

Subarachnoid space: (thần kinh) khoảng giữa mạng nhện và màng bao não và tủy sống, chứa não thủy (cerebrospinal fluid) và các mạch máu lớn. Trường hợp xuất huyết dưới mạng nhện (subarachnoid haemorrhage) thường do vỡ mạch máu bị phình ở đó. Xem các chữ brain haemorrhage và meninge.

Subconscious: (tâm lý) thuộc tiềm thức, mô tả các tiến trình tâm trí không nhận biết được, nhưng ít nhiều có thể gợi lên với khoa phân tâm.

Subcutaneous: dưới da.

Subdural space: (thần kinh) khoảng dưới màng cứng của màng bao não và tủy sống. Trường hợp chảy máu ở đấy (subdural haemorrage) là do tĩnh mạch vỡ sau khi bị đánh, đụng vào đầu, thường xảy ra cho người già, người say rượu bị ngã. Máu tụ lại dần dần, có khi nhiều tuần, nhiều tháng sau mới gây các triệu chứng như nhức đầu, lừ đừ buồn ngủ, trí óc lẫn lộn, yếu liệt một nửa người. Ðịnh bệnh bằng cách chụp Xquang mạch máu não, CT scan. Chữa trị: mổ dẫn lưu chỗ máu tụ, tiên liệu tốt. Xem chữ brain haemorrage và meninge.

Sublimation: (tâm lý) sự lý tưởng hóa, một cơ chế bảo vệ dùng kiềm chế lại những thúc đẩy của bản năng, nhất là về tình dục, bằng những hành động tốt đẹp, ví dụ tham gia vào công việc từ thiện.

Sublingual gland: tuyến dưới lưỡi, tiết ra nước miếng.

Subluxation: trật khớp nhẹ, hai đầu xương không còn thẳng hàng nhưng vẫn tiếp cận nhau. So sánh với trật hẳn khớp ra (dislocation), hai đầu xương không còn tiếp cận nhau, các cơ cấu xung quanh khớp ít nhiều bị tổn hại..

Submandibular gland (submaxillary gland): tuyến dưới hàm, tiết ra nước miếng. Tuyến này hay đóng sạn. Xem chữ parotid gland.

Subphrenic abscess: mủ tụ dưới hoành cách mô (diaphragm) thường ở bên phải, phía trên gan. Nguyên nhân: nhiễm khuẩn hậu phẫu, thủng cơ quan tiêu hóa, ví dụ thủng dạ dày, tá tràng. Chữa trị bằng kháng sinh, mỗ dẫn lưu mủ.

Substance abuse: lạm dụng các chất độc như rượu, ma túy, chất hóa học v.v.

Substitution: (tâm lý) thay thế mục tiêu không đạt được bằng một mục tiêu khác thích hợp hơn, ví dụ nuôi con nuôi khi mình không thể sinh con được.

Suction: hút dịch các chất liệu khác bằng một ống thoát, ví dụ hút hơi và dịch trong dạ dày (nasogastric suction).

Sudden infant death syndrome: hội chứng ấu nhi chết thình lình, xem chữ cot death.

Suffocation: ngạt thở, xem chữ asphyxia.

Suggestion: (tâm lý) ám thị, thay đổi sự tin tưởng, thái độ, cảm xúc của một người bằng cách nói cho họ biết rằng những điều này sẽ thay đổi được.

Suicide: tự tử.

Sunstroke: say nắng.

Superego: (tâm lý) siêu ngã, phần tâm trí giúp đánh giá một sự việc là đúng hay sai, tốt hay xấu, đưa đến hành động có lý trí và lý tưởng. Siêu ngã là kết quả của sự thu nhập những gì được cha mẹ truyền vào tâm trí cho đứa trẻ.

Superficial: ở trên hay bên ngoài, gần bề mặt.

Superinfection: bội nhiễm, một bệnh nhiễm mới gây ra bởi một loại khuẩn khác với khuẩn của bệnh đang có.

Superiority complex: (tâm lý) mặc cảm tự tôn, cho mình là hơn thiên hạ. Theo khoa phân tâm, đây là một cách để bù lại những thiếu sót, kém cỏi tàng ẩn trong tiềm thức của con người.

Supernumerary: có thừa, có nhiều hơn bình thường, ví dụ supernumerary nipples là có núm vú dư thừa mọc từ nách xuống bẹn.

Supination, supine: lật ngửa, nằm ngửa (bàn tay, thân hình).

Suppository: thuốc đặt vào hậu môn hay âm đạo.

Suppuration: nưng mủ.

Supra-: tiếp đầu ngữ chỉ ở trên, bên trên, ví dụ suprarenal = trên thận.

Supraventricular tachycardia, SVT: tim đập nhanh một cách bất thường, khoảng 140-180 nhịp mỗi phút, kéo dài hàng giờ. Triệu chứng gồm đánh trống ngực, đau ngực, khó thở, ngất xỉu. Nguyên nhân do có nhiều nút bất thường ở tâm nhĩ phát ra xung lực thần kinh hoạt động thay cho nút tâm nhĩ (sinoatrial node). Ðịnh bệnh bằng tâm điện đồ, còn chữa trị là với thuốc chống loạn nhịp (anti- arrhythmic drugs), đôi khi phải sử dụng đến thiết bị khử rung (defibrillator). Xem chữ sinoatrial node.

Surgical spirit: cồn để làm vô trùng da trước khi mổ, tiêm thuốc v.v.

Surrogacy: mang thai đẻ hộ, do có sự thỏa thuận giữa một phụ nữ và cặp vợ chồng mà bà vợ không sinh con được vì không có tử cung bẩm sinh, tử cung đã bị cắt, dị tật ở tử cung. Có hai cách: 1- lấy trứng của bà vợ rồi cho thụ thai trong đĩa nghiệm với tinh trùng của ông chồng, sau đó cho phôi vào tử cung bà đẻ hộ. 2- cho tinh trùng của ông chồng thẳng vào tử cung bà nọ (artificial insemination). Vấn đề trên đã gây ra lắm cảnh thương tâm và trái đạo lý: một số bà đẻ hộ, sau khi trao con cho người ta, tinh thần ray rứt đến độ sinh bệnh trầm cảm; mẹ mang thai đẻ con cho con gái mình, nên vừa là mẹ lại là bà ngoại!

Suture: 1- đường khớp bất động, đặc biệt ở hộp sọ. 2- khâu vết thương.

Swab: miếng gạc dùng lau sạch hay đắp thuốc vết thương.

Swallowing difficulty (dysphagia): nuốt khó, có nhiều nguyên nhân: vật lạ rơi vào thực quản; mồm khô ít nước miếng tiết ra; rối loạn go bóp ở thực quản; trít hẹp thực quản do bị sẹo teo, do u bướu; viêm thực quản; thực quản có chỗ phình ra (oesophageal diverticulum); các bệnh nội thương như nhược cơ nặng (myasthaenia gravis), trúng phong; nguyên nhân tâm lý; một cơ quan khác đè lên, ví dụ bướu cổ, phình động mạch chủ vùng ngực.

Sweat, sweat gland: mồ hôi, tuyến mồ hôi. Xem chữ skin.

Sycosis barbae: nhiễm khuẩn nang chân râu.

Sydenham‘s chorea: cơn giật ở đầu, mặt, tay chân, ngón tay, thường xảy ra cho trẻ con tiếp theo sốt viêm khớp (rheumatic fever). Chữa trị bằng kháng sinh, thuốc hạ cơn; các chứng giật sẽ giảm đi trong vòng 2-3 tháng không để lại dư chứng nào cả.

Sympathectomy: (thần kinh) hủy dây thần kinh giao cảm để tăng máu chảy đến tứ chi, giảm chứng đau mạn tính, giảm mồ hôi tiết ra quá độ, được tiến hành bằng cách tiêm thuốc gây thoái hóa hạch giao cảm.

Sympathetic nervous system: (thần kinh) hệ thần kinh giao cảm, một trong hai phần của hệ thần kinh tự trị (autonomic nervous system), gồm các sợi chạy ra khỏi hệ thần kinh trung ương qua một chuỗi hạch gần tủy sống ở vùng ngực và thắt lưng. Các dây thần kinh giao cảm phân bố đến mạch máu, tuyến mồ hôi, tuyến nước miếng, tim, phổi, ruột và các cơ quan trong bụng, hệ sinh dục. Hệ chi phối chức năng của các cơ quan này bằng hoạt động phản xạ hài hòa với hệ thần kinh đối giao cảm (parasympathetic nervous system).

Symptom: triệu chứng, một biểu lộ của bệnh bệnh nhân biết được.

Synapse: (thần kinh) vùng tiếp hợp, một khoảng cách rất nhỏ ở phần cuối của sợi thần kinh, qua đó xung lực thần kinh truyền sang tế bào thần kinh khác, nhờ các chất truyền dẫn thần kinh (neurotransmitter) phóng thích ra. Xem chữ neurotransmitter.

Syncope (fainting): cơn bất tỉnh vì tạm thời máu không dẫn đủ đến não, có thể xảy ra do xúc động mạnh, đứng lâu một chỗ, bị thương chảy máu nhiều.

Syndrome: hội chứng, một kết hợp các dấu hiệu, triệu chứng tạo thành hình ảnh lâm sàng của một bệnh đặc biệt.

Synovial fluid / synovium: dịch do màng hoạt dịch tiết ra, giúp trơn khớp / màng hoạt dịch bao quanh khớp và một số sợi gân (tendon) ở ngón tay và chân. Màng này có thể bị viêm ở khớp (synovitis), ở sợi gân (tenosynovitis). Xem chữ arthritis.

Syphilid: ban đỏ nổi khắp người vào giai đoạn hai của giang mai, từ 2 tháng-2 năm sau khi bị nhiễm. Bệnh rất lây ở giai đoạn này.

Syphilis: giang mai, một bệnh hoa liễu mạn tính do khuẩn xoắn Treponema pallidum gây ra, xâm nhập vào cơ thể lúc giao cấu, đôi khi qua vết thương ngoài da, qua lá nhau đến bào thai nếu bà mẹ mắc bệnh (giang mai bẩm sinh). Triệu chứng ban đầu là một vết loét cứng ở nơi nhiễm. 2-4 tuần sau khi tiếp cận; qua giai đoạn hai, bệnh nhân cảm thấy khó chịu trong người, sốt, hạch bạch huyết lớn ra, nổi ban đỏ; giang mai giai đoạn ba có thể gây tổn hại nghiêm trọng cho tim mạch, não và tủy sống đưa đến mù, liệt toàn thân, mất trí. Chữa trị với Penicillin đem lại kết quả tốt nếu sử dụng vào những tuần đầu sau khi bị nhiễm.

Syringomyelia: (thần kinh) rỗng tủy sống bẩm sinh, gây yếu và teo cơ bàn tay, mất nhận biết về đau và nóng, nhưng vẫn còn cảm giác về sờ mó. Bệnh không chữa được.

System: hệ thống, một nhóm cơ quan/mô có chức năng sinh lý đặc biệt, ví dụ hệ thần kinh, hệ hô hấp.

Systemic: liên quan hay ảnh hưởng đến toàn cơ thể hơn là từng bộ phận hay cơ quan riêng biệt.

Systemic lupus erythematous, SLE: lupus ban đỏ, ảnh hưởng đến nhiều bộ phận của cơ thể. Xem chữ lupus erythematous.

Systole / systolic pressure: tâm thu, một thời kỳ trong chu kỳ hoạt động của tim, lúc tim go lại, xen kẽ với lúc tim giãn ra (diastole): ở mỗi nhịp đập, tâm nhĩ go lại để đẩy máu vào tâm thất, kế đó tâm thất go lại và đẩy máu vào các động mạch (động mạch chủ bên trái, động mạch phổi bên phải) / áp huyết tâm thu.

[collapse]

T

Tabes dorsalis: (thần kinh) một dạng giang mai thần kinh xảy ra 5-20 năm sau khi bị nhiễm bệnh, khuẩn hủy hoại dần các sợi thần kinh cảm giác. Bệnh nhân bị đau nhói ở chân và thân hình, đi không vững, mất kiểm soát về tiểu tiện, một số bị mờ mắt do tổn hại dây thần kinh thị giác.

TAB vaccine: thuốc chủng ngừa thương hàn, phó thương hàn A và B (typhoid, paratyphoid A and B).

Tachycardia: tim đập nhanh. trên 100 nhịp mỗi phút, gây khó thở, xây xẩm mày mặt, đánh trống ngực. Nguyên nhân: dùng sức nhiều, sốt, lo âu, cường tuyến giáp, bệnh mạch máu vành tim, rối loạn nhịp tim, sử dụng một vài loại thuốc.

Tactile: liên quan / ảnh hưởng đến cảm giác sờ mó.

Taenia / taeniasis: sán giẹp, gồm sán bò dài từ 4-10 mét, sán lợn từ 2-7 mét / nhiễm sán, do ăn thịt bò/lợn bị nhiễm và không nấu chín kỹ lưỡng.

Tamponade: sự tăng sức ép một cách bất thường vào một cơ quan, ví dụ dịch tiết ra nhiều ở màng bao tim khi bị viêm (pericarditis) gây trở ngại cho hoạt động của tim.

Tantrum: (tâm lý) cơn giận dữ của trẻ con, thường là vào khoảng 2 tuổi.

Tapeworm: các loại sán giẹp.

Tardive dyskinesia: (tâm thần) cử động liên tục ở mồm và lưỡi giống như đang nhai một vật gì, và tay chân, do sử dụng lâu ngày một vài loại thuốc chữa bệnh tâm thần.

Tarsus: 1- xương cổ chân và phần sau bàn chân. 2- tấm màng cứng trong mi mắt, gồm mô liên kết.

Taste: vị giác.

T-cell: một trong hai loại bạch cầu lymphô bào, có vai trò quan trọng trong hệ miễn nhiễm của cơ thể, tế bào kia là B-cell.

Telangiectasis: một vùng da bị đỏ do kích thước mạch máu ở đó tăng lên, thường thấy ở má và mũi người uống rượu nhiều, bệnh trứng cá đỏ (rosacae), bệnh lupus ban đỏ, một số trường hợp không rõ nguyên nhân.

Temporal arteritis (giant cell arteritis): viêm mạch máu vùng thái dương, xảy ra cho người có tuổi, các triệu chứng gồm nhức dữ dội một bên đầu, đôi khi kèm thêm kém hoặc mất thị giác bên đó. Ðịnh bệnh bằng cách cắt một mẩu mạch máu để xét nghiệm, đo độ lắng của hồng cầu (erythrocyte sedimentation rate, ESR). Chữa trị dài ngày với Corticosteroid, hoặc với thuốc kháng miễn nhiễm.

Temporal lobe: (thần kinh) thùy thái dương, có vai trò về giác quan như ngửi, nếm, nghe, thấy, và về một vài hình thức của trí nhớ.

Temporal lobe epilepsy: (thần kinh) một loại động kinh do các dòng điện bất thường phát ra từ thùy thái dương bị tổn hại vì chấn thương lúc sinh đẻ, chấn thương đầu, bướu não, tụ mủ ở não, trúng phong. Triệu chứng: mất tri thức về sự việc xung quanh, có hư giác (hallucination) về mùi vị, ảo tưởng là đã từng chứng kiến một cảnh vật (déjà vu) mặc dù chưa thấy bao giờ, mặt nhăn nhó, mắt xoay tròn. Cơn kéo dài nhiều phút đến hàng giờ, sau đó bệnh nhân không nhớ những gì đã xảy ra. Chữa trị giống như với các chứng động kinh khác.

Tenderness: đau khi sờ, ấn vào.

Tendinitis: viêm gân cơ bắp do sử dụng quá tải, bệnh thấp khớp, đôi khi do nhiễm khuẩn. Các dạng thường thấy là viêm gân cơ bắp trên sống xương bả vai (supraspinal tendinitis), gây đau và giới hạn cử động của vai, ở ngón tay (thumb tendinitis), ở khuỷu tay (tennis, golfer’s elbow).

Tendon: gân cơ bắp bám vào xương. Gân ở tay, cổ tay, bàn chân có một lớp màng hoạt dịch (synovium) bao bên ngoài, tiết ra dịch cho trơn gân.

Tenesmus: buồn rặn ỉa nhưng phân không ra.

Tennis elbow: đau ở phía ngoài khuỷu tay, do viêm gân cơ bắp bám vào mỏm xương tay, thường vì đẩy kéo, khiêng xách vật nặng. Chữa trị với thuốc giảm đau, corticosteroid tiêm tại chỗ, sóng siêu âm.

TENS (transcutaneous electrical nerve stimulation): phương cách giúp giảm đau, dùng dòng điện đặt ngoài da để kích thích các đầu mút dây thần kinh ở đó.

Tension: (tinh thần) cảm giác căng thẳng tinh thần kết hợp với đau và cứng cơ bắp, nhức đầu, khó thể thư giãn được.

Teratogen: chất hoặc yếu tố gây dị tật ở bào thai, ví dụ thuốc an thần Thalidomide (nay không còn được sử dụng cho thai phụ nữa), rượu, nhiễm siêu khuẩn sởi Ðức, siêu khuẩn Cytomegalovirus, Xquang và các chất phóng xạ.

Teratoma: u bướu ở một cơ quan mà tế bào không phải thuộc cơ quan đó, thường thấy ở buồng trứng gây bướu chứa dịch nhờn cùng với da, răng, tóc, xương; ở tinh hoàn; tuyến tùng (pineal gland).

Testis: tinh hoàn, nơi sản xuất tinh trùng và hóc môn nam Testosterone. Vào giai đoạn bào thai, tinh hoàn còn nằm trong bụng, sau đó di chuyển dần xuống kênh háng (inguinal canal) rồi bìu dái, nhiệt độ ở đây thấp so với trong bụng, giúp cho việc tạo và tồn trữ tinh trùng được tốt hơn. Cơ cấu của tinh hoàn gồm những ống sinh tinh trùng (seminiferous tubules) sản xuất tinh trùng non; các tinh trùng này sẽ trưởng thành khi di chuyển lên mào tinh hoàn (epididymis) có hình xoắn, rồi vào ống dẫn tinh chính (vas deferens). Xen kẽ giữa các ống sinh tinh trùng là tế bào Leydig tiết ra hóc môn testosterone. Mỗi tinh hoàn được bảo vệ bởi một lớp bao xơ cứng, bên ngoài là bìu dái (scrotum).

Testis, cancer of: ung thư tinh hoàn, thường xảy ra cho giới trẻ, nguy cơ tăng lên nếu tinh hoàn còn nằm trong bụng không xuống tới bìu. Triệu chứng là một bên dái to cứng lên, không đau, chất alpha-fetoprotein tăng cao nếu ung thư thuộc loại teratoma. Bệnh có thể di căn đến hach, phổi, xương…; chữa trị bằng cách cắt bỏ tinh hoàn, kèm thêm hóa trị và xạ trị. Tiên liệu nói chung tốt, nếu sớm phát hiện, tỷ lệ khỏi hẳn là 95-100%, còn nếu muộn hơn là 80-90%.

Testis, pain in the: đau ở tinh hoàn, do bị bóp hoặc đá trúng, đôi khi phải mổ để thoát máu tụ lại và chữa các tổn hại; do viêm tinh hoàn (orchitis), viêm tinh hoàn và mào tinh hoàn (epididymo-orchitis) vì nhiễm khuẩn/siêu khuẩn; xoắn dây tinh trùng; một vài trường hợp không rõ nguyên nhân còn ung thư tinh hoàn không gây đau nhức.

Testis, swollen: sưng tinh hoàn hoặc bìu dái. 1- loại không đau gồm dái nước (hydrocele, xem chữ), dịch hoặc tinh khí tụ trong mào tinh hoàn (epididymal cyst, spermatocele), giãn tĩnh mạch (varicocele) ở dây tinh trùng (spermatic cord), ung thư tinh hoàn. 2- loại đau gồm viêm tinh hoàn, viêm tinh hoàn và mào tinh hoàn, xoắn dây tinh trùng.

Testis, torsion of: xoắn dây tinh trùng, thường xảy ra ở tuổi dậy thì và cho các trường hợp mà tinh hoàn dễ di động trong bìu dái. Triệu chứng là dái sưng to, rất đau, cần mổ khẩn cấp để giải phóng chỗ xoắn, và nếu hư tổn trầm trọng phải cắt bỏ tinh hoàn đi

Testis, undescended: tinh hoàn không xuống đến bìu dái. Xem chữ cryptorchidis.

Testosterone: hóc môn nam quan trọng do tinh hoàn sản xuất ra, một số rất ít do buồng trứng. Chức năng của hóc môn là kích thích sự tăng trưởng của xương và cơ bắp, sự phát triển về tình dục. Testosterone được dùng để kích thích sự dậy thì, chữa chứng vô sinh của đàn ông do các rối loạn ở tinh hoàn hoặc tuyến yên gây ra. Ðối với phụ nữ, nếu lượng hóc môn tăng cao sẽ gây khàn giọng, lông mọc ra nhiều còn tóc thì rụng đi.

Tetanus (lock jaw): uốn ván, một bệnh nhiễm do bào tử (spore) của khuẩn Clostridium tetani gây ra từ vết thương, sản xuất độc tố kích thích dây thần kinh đưa đến chứng co giật. Triệu chứng khởi phát từ 4-25 ngày sau khi bị thương, gồm cứng mồm không há ra được (lock jaw), cứng cổ, ngực, bụng, lưng uốn cong về phía trước, giật toàn thân và rất đau; nếu cơ hô hấp bị ảnh hưởng, phải mổ khai thông khí quản hoặc cho ống vào khí quản để trợ thở. Ðể phòng ngừa, dùng thuốc chủng phối hợp với bạch hầu, ho gà (DPT vaccine) tiêm cho trẻ con và tăng cường thêm một mũi 10 năm sau; các vết thương phải được sát trùng kỹ lưỡng. Về chữa trị có kháng độc tố uốn ván (tetanus antitoxin).

Tetany: co giật các cơ bắp, đặc biệt là ở bàn tay và chân, đôi khi ở mặt. Nguyên nhân: lượng calcium máu xuống thấp do ăn uống thiếu vitamin D, lượng potassium giảm đi vì ỉa mửa kéo dài, thở nhanh và sâu làm máu trở thành kiềm, đôi khi do tuyến phó giáp trạng (parathyroid) kém hoạt động.

Tetralogy of Fallot: tật bẩm sinh ở tim, gồm phối hợp 4 loại: hẹp động mạch phổi, tâm thất phải lớn, thông vách ngăn giữa hai tâm thất, động mạch chủ nằm ở chỗ lỗ thông. Chữa trị bằng giải phẫu.

Tetraplegia: liệt tứ chi, đồng nghĩa với quadriplegia.

Thalamus / thalamic syndrome: (thần kinh) đồi thị, khối chất xám nằm sâu trong mỗi bên bán cầu não. Các tín hiệu của cảm giác nóng, lạnh, sờ mó, đau, trừ cảm giác mùi vị, đều đi ngang cơ quan này trước khi truyền đến vỏ não. Xem chữ brain / hội chứng đồi thị, do trúng phong, bướu não gây ra, bệnh nhân có cảm giác tăng lên về đau và bỏng rát.

Thalassaemia: một bệnh thiếu máu bẩm sinh, có nhiều ở các xứ vùng Ðịa Trung Hải, Á Châu và Phi Châu, do có sự bất thường về huyết sắc tố (haemoglobin) của hồng cầu. Các triệu chứng khác gồm lớn lá lách, rối loạn chức năng của tủy xương, cơ quan tạo tế bào máu. Người được cả cha lẫn mẹ di truyền sang sẽ bị bệnh thiếu máu trầm trọng (Thalassaemia major), còn nếu chỉ thừa hưởng gen của một trong hai người thì thường không có triệu chứng gì cả. Chữa trị bằng cách truyền máu nhiều lần, ghép tủy sống (bone marrow transplant).

Thalidomide: thuốc dùng để an thần, làm dịu cơn bứt rứt khó chịu. Nhưng vì gây dị tật ở bào thai, ví dụ thiếu tay/chân, nên đã bị cấm sử dụng đối với thai phụ. Thuốc hiện được dùng để chữa một vài loại bệnh hủi (1997).

Therapeutics: ngành y chuyên về các phương pháp khác nhau để chữa bệnh và giúp lành bệnh, đặc biệt là việc dùng thuốc.

Thermocautery: dùng nhiệt để hủy các mô bệnh.

Thermocoagulation: dùng phương pháp đốt để làm đông lại và tiêu hủy mô bệnh

Thermotherapy: liệu pháp dùng nhiệt để làm giảm đau và cứng khớp, tăng thêm sự tuần hoàn máu đến vùng bị bệnh.

Thoracentesis (pleurocentesis): chọc màng phổi với một ống thông để dẫn lưu dịch, mủ, không khí.

Thoracic cavity: xoang ngực.

Thoracotomy: phẫu thuật mở xoang ngực để xem xét hoặc để tiến hành các cuộc mổ tim, phổi và các cấu trúc khác trong ngực.

Thorax: ngực, phần xoang cơ thể ở giữa cổ và cơ hoành.

Threadworm: sán kim.

Thrombectomy: phẫu thuật lấy đi cục máu đông trong động/tĩnh mạch. Thrombin: một chất men trong máu, có vai trò trong tiến trình đông máu. Thrombocyte (platelet): tiểu cầu, có vai trò trong sự đông máu.

Thrombocytopenia: giảm số lượng tiểu cầu, gây xuất huyết dưới da, chảy máu kéo dài ở vết thương. Nguyên nhân do tủy xương không sản xuất đủ tiểu cầu vì bị bệnh, ví dụ ung thư, hoặc tiểu cầu bị hủy hoại nhiều.

Thromboembolism: tắc nghẽn mạch máu, do huyết khối tách ra và chạy đến đóng tại một vị trí khác.

Thrombolysis: sự làm tan khối huyết bằng cách truyền vào tĩnh mạch một loại men, ví dụ Streptokinase.

Thrombophlebitis: viêm tĩnh mạch kết hợp với huyết khối.

Thrombosis: chứng huyết khối, máu thay đổi từ trạng thái lỏng sang trạng thái đặc, tạo ra cục máu đông (thrombus). Khối này có thể tách ra và chạy đến nơi khác gây tắc nghẽn mạch máu, ví dụ ở não, mạch máu vành tim, động mạch phổi, chân. Xem chữ Deep vein thrombosis, DVT.

Thrush: nhiễm nấm Candida albicans. Xem chữ Candidiasis.

Thymus / thymoma: tuyến ức, một cơ quan trong lồng ngực nằm phía sau xương ức, ở trên và trước tim, chứa đầy lymphô bào sản xuất kháng thể bảo vệ cơ thể chống nhiễm trùng. Tuyến tăng kích thước vào tuổi dậy thì, sau đó teo dần đi / u tuyến ức, đôi khi xảy ra trong chứng suy nhược cơ nặng (myasthenia gravis), gây sụp mi mắt trên, khó nuốt, các cử động bị giới hạn.

Thyrocalcitonin (calcitonin): hóc môn do một số tế bào của tuyến giáp sản sinh ra, làm giảm lượng calcium và phosphate trong máu xuống. Dùng chữa chứng tăng calcium huyết và bệnh Paget xương.

Thyroid cartilage: sụn giáp, sụn chính của thanh quản có hình chữ V nhô ra phía trước cổ (‘táo Adams’).

Thyroidectomy: cắt bỏ tuyến giáp gồm cắt một phần tuyến bị bệnh (partial thyroidectomy); cắt gần toàn bộ (subtotal thyroidectomy) để chữa bệnh tăng năng tuyến giáp, bác sĩ lấy đi 90% tuyến..

Thyroid gland / thyroid hormone: tuyến giáp gồm hai thùy, nằm ở phía trước khí quản, tiết ra hóc môn tuyến giáp và hóc môn thyrocalcitonin / hóc môn tuyến giáp, một chất có chứa iodine, đóng vai trò thiết yếu trong các tiến trình chuyển hóa bình thường và trong sự phát triển của tâm trí và thể chất, gồm hai hóc môn Triodothyroxine Thyroxine. Một số rối loạn liên quan đến tuyến giáp là: *Bướu cổ (goitre) xảy ra: 1- cho thiếu nữ ở tuổi dậy thì, các bà mang thai, thường tự hết đi. 2- cho những người ăn uống thiếu chất iodine, bướu có khi rất to, chữa bằng thyroxine hoặc giải phẫu. *Viêm tuyến giáp (thyroiditis) gồm: 1- viêm cấp tính do nhiễm khuẩn. 2- viêm mạn tính, kháng thể tạo ra chống lại mô của tuyến gây suy tuyến giáp (bệnh Hashimoto). *Giảm năng tuyến giáp, hóc môn không tiết ra đủ, có thể xảy ra cho trẻ con và người lớn. Xem chữ hypothyroidism. *Tăng năng tuyến giáp (thyrotoxicosis), hóc môn tiết ra quá nhiều, nguyên nhân gồm có: tăng hoạt dộng đơn thuần của tuyến giáp; u lành tính/ung thư tuyến giáp; bệnh Graves có bướu cổ và mắt lộ ra (xem chữ goitre). Triệu chứng: tim đập nhanh, đổ nhiều mồ hôi, run tay, hay lo âu hồi hộp, dễ cau có gắt gỏng, khó ngủ, ăn nhiều nhưng vẫn sút cân, không chịu được khí hậu nóng. Chữa trị bằng cách cắt bỏ gần toàn bộ tuyến giáp, uống Iodine phóng xạ, thuốc kháng hóc môn như Carbimazole, Propylthiouracil. *Ung thư, phát triển dần dần, u cứng và không đều, lan nhanh đến hạch ở cổ, ảnh hưởng đến dây thần kinh của cơ thanh quản gây khàn giọng, đến thực quản gây khó nuốt. Chữa trị bằng cách cắt bỏ tuyến giáp, uống hóc môn tuyến giáp, iodine phóng xạ.

Thyroid-stimulating hormone, TSH (thyrotrophin): hóc môn tuyến yên kiểm soát sự sản xuất hóc môn tuyến giáp. TSH có thể dùng để xét nghiệm chức năng của tuyến giáp.

Thyrotrophin-releasing hormone, TRH: hóc môn do hạ đồi thị (hypothalamus) tiết ra, có tác động trong việc sản xuất TSH của tuyến yên.

Thyroxine: một trong các hóc môn của tuyến giáp. Có thể dùng uống để chữa chứng giảm hoạt động của tuyến.

Tibia: xương chày, xương lớn của cẳng chân.

Tic: cử động không chủ ý lập lại nhiều lần, thay đổi từ giật cơ đến các hoạt động có phối hợp nhịp nhàng. Chứng này thường xảy ra nhất khi bị xúc động mạnh.

Tic douloureux: (thần kinh) cơn giật rất đau tại vùng các nhánh dây thần kinh sinh ba (trigeminal nerve) phân bố ở mặt, chữa với thuốc Carbamazepine.

Tick: ve, mạt, là các loại ký sinh gây bệnh.

Tincture: cồn trích từ loại thuốc có gốc thực vật.

Tinea: nhiễm nấm ở da, xem chữ ringworm.

Tinnitus: ù tai. Nguyên nhân: ráy tai, tổn hại màng nhĩ, tai giữa có nước/mủ, xương bàn đạp tai giữa (stapes) bị xơ cứng (otosclerosis), bệnh Ménière, sử dụng một số dược phẩm như Aspirin, Quinine, tổn hại ở tai trong và dây thần kinh thính giác.

Tiredness: mệt, do làm việc quá độ, thiếu ngủ, lo âu, buồn chán, giảm năng tuyến giáp, thiếu máu, ung thư.

Tissue: mô, tập hợp các tế bào đặc biệt để thực hiện một chức năng, ví dụ mô cơ bắp, hô hấp. Mô hợp lại thành cơ quan của cơ thể.

Tissue culture: nuôi cấy mô sống lấy từ cơ thể đặt vào một môi trường thích hợp có đầy đủ dưỡng chất và khí oxi. Khoa nuôi cấy tạo da, sụn (tissue engineering) dùng trong việc ghép đang được thực hiện tại nhiều quốc gia.

Tissue typing: phân loại để xác định sự tương hợp giữa mô người nhận và người hiến tặng cơ quan được ghép vào. Thành bại của việc ghép là do có sự tương hợp này.

Tobacco-smoking: hút thuốc lá. Thuốc lá chứa các độc tố như nicotine, gây nghiện và làm tăng adrenaline tiết ra, đưa đến cao huyết áp; chất tar gây ung thư; carbon monooxide làm cứng mạch máu, tạo điều kiện cho máu đông cục tại chỗ. Những nguy cơ của thuốc lá là: 1 ung thư phổi, bọng đái, thận, tụy tạng, mồm, họng, thanh quản, thực quản. 2 viêm phế quản mạn tính, phế thủng (emphysema). 3 xơ cứng mạch máu vành tim, mạch máu chân, não. 4 các bà có thai sẽ sinh con nhẹ cân, sau này dễ bị suyễn. 5 người không hút nhưng hít phải khói thuốc có thể bị sổ mũi, thở khò khè và cả ung thư phổi nữa.

Toenail, ingrowing: bìa móng chân, nhất là ngón cái, mọc đâm vào da, gây viêm nhiễm khuẩn. Nguyên nhân thường do cắt móng chân không đúng cách, mang giày quá chật, vệ sinh bàn chân không tốt.

Tolerance: giảm hay mất đáp ứng (quen, lờn) đối với một loại thuốc hay một chất, ví dụ rượu. Tình trạng này có thể đưa đến nghiện.

Tomography: chụp cắt lớp bằng tia X, từ trường, siêu âm để có được hình ảnh rõ nét của các cấu trúc ở độ sâu đặc biệt trong cơ thể. Kỹ thuật thường phối hợp với computer, như computerised axial tomography (CAT), MRI.

Tone, muscle: căng tự nhiên của sợi cơ bắp lúc nghỉ, giúp giữ tư thế, mở mắt ra. Căng nhiều một cách bất thường sẽ đưa đến tình trạng căng cứng cơ, gây khó khăn trong sự vận động; căng kém đi (hypotonia) làm cơ thể mềm nhão.

Tongue: lưỡi, có vai trò trong sự cảm nhận vị của thức ăn uống, trong nhai nuốt và phát âm. Trên mặt lưỡi có những u nhú (papillae) chứa đựng tế bào đặc trách về từng vị khác nhau như đắng, chua, cay, ngọt. Các rối loạn ở lưỡi gồm có: 1 lưỡi to hơn bình thường trong hội chứng Down, ngu đần trẻ con (cretinism), bệnh to cực (acromegaly). 2 viêm lưỡi, nứt lưỡi. 3 loét, đóng vảy trắng (leucoplakia) có thể đưa đến ung thư. 4 mặt lưỡi trơn, rát đỏ trong chứng thiếu máu ác tính, thiếu máu vì thiếu chất sắt, giang. 5 u nhú dài ra và trở màu đen, rất lâu khỏi nhưng không độc hại. 6 ung thư, do hút thuốc, ăn trầu, uống rượu, vệ sinh răng miệng kém. Bệnh khởi phát dưới nhiều hình thức như loét ở bìa lưỡi, lưỡi đóng mảng trắng, u cứng, vết nứt sâu. Ban đầu bệnh nhân không cảm thấy đau cho đến khi ung thư lan tới nướu răng, hàm dưới, hạch cổ, kèm thêm chảy nước miếng, lưỡi cứng đơ, khó nuốt. Chữa trị: cắt bỏ phần lưỡi bị ung thư, cắt toàn bộ lưỡi, các hạch cổ, đôi khi cả hàm dưới, kèm với xạ trị, thuốc chống ung thư. Tiên liệu: 50% phụ nữ, 25% đàn ông sống quá 5 năm.

Tonic: 1- liên quan đến căng cơ bắp. 2- loại thuốc tăng sức mạnh và sự hăng hái, gây cảm giác sảng khoái.

Tonometer: dụng cụ đo áp suất của một bộ phận cơ thể, ví dụ mắt (ophthalmotonometer).

Tonsil / tonsillectomy: a mi đan (hạch hạnh nhân), một khối mô lymphô bào ở mỗi bên họng phía sau lưỡi. Vai trò của nó – cùng với hạch vòm hầu (adenoids) – là giúp cơ thể chống nhiễm trùng phần trên của cơ quan hô hấp / cắt bỏ a mi đan. Trái với trước kia, nay ít còn được áp dụng, trừ trường hợp a mi đan bị nhiễm trùng tái đi tái lại, hoặc quá to gây trở ngại khi nuốt thức ăn.

Tonsillitis: viêm a mi đan do nhiễm khuẩn/siêu khuẩn, gây sốt, nuốt đau, nhức tai. Viêm do khuẩn Streptococcus pyogenes, nếu không được chữa trị tốt, độc tố của chúng có thể đưa đến sốt thấp khớp (rheumatic fever) có hại cho tim, hoặc viêm thận (glonerulonephritis).

Tooth abscess: mủ chân răng do khuẩn từ lỗ sâu răng gây ra, mủ có thể lan xuống xương hàm, vào nướu răng. Chữa trị: nhổ răng sâu, khoan lỗ sâu đến ổ mủ để mủ thoát ra, phối hợp với kháng sinh.

Tophus: chất lắng của uric acid vào sụn, đặc biệt là ở vành tai, trong da và khớp. Ðây là một đặc trưng của bệnh thống phong (gout).

Topical: dùng thuốc đắp tại chỗ, ví dụ ở da, mắt.

Torpor: (tinh thần) trạng thái uể oải và suy giảm về sự đáp ứng, đặc trưng của một số rối loạn tâm trí.

Torticolis: vẹo cổ sang một bên, do tổn thương cơ cổ lúc sinh, sẹo rút ở da cổ, cổ bật ra sau khi bị đụng xe (whiplash).

Tourette ‘s syndrome: hội chứng Tourette, xem chữ Gilles de la Tourette syndrome.

Tourniquet: vật dùng để ngăn máu từ vết thương chảy ra như dây cao su, băng buộc chặt quanh chi. Hiện nay không được sử dụng nữa vì sợ trở ngại máu lưu thông xuống phần dưới chi, chỉ ấn mạnh vào vết thương là đủ.

Toxaemia: nhiễm độc huyết, do độc tố của khuẩn gây ra. Triệu chứng gồm sốt cao độ, ỉa mửa.

Toxic: độc hại, có thể gây tử vong.

Toxic shock syndrome: tình trạng sốc nặng do nhiễm độc huyết, nguyên nhân thường là vật lạ như bông gòn cho vào âm đạo, vòng ngừa thai bị nhiễm khuẩn Staphylococcus/Streptococcus.

Toxin: độc chất do sinh vật, ví dụ khuẩn, tạo ra.

Toxocariasis: bệnh nhiễm do ấu trùng (larvae) của sán chó/mèo gây ra.

Toxoplasmosis: bệnh do đơn bào Toxoplasma gondii có trong thịt không nấu chín kỹ hoặc thực phẩm dính phân mèo. Thai phụ mắc phải có thể sinh non hoặc con mang dị tật.

Trachea / tracheostomy: khí quản, một phần của cơ quan hô hấp tiếp theo thanh quản. Khí quản có thể bị viêm (tracheitis) do khuẩn/siêu khuẩn gây ra, con nít dể bị ngạt thở nhất là nhiễm khuẩn bạch hầu. / mổ thông khí quản, được tiến hành khẩn cấp khi bị ngạt thở, nhưng cũng là một phẫu thuật có dự định để bơm không khí, khí oxi vào phổi (ventilation), hút đàm nhớt đọng trong khí quản không khạc ra được vì bệnh nhân bị hôn mê.

Trachoma: bệnh mắt hột do nhiễm khuẩn Chlamydia trachomatis, có nhiều ở các xứ nóng. Kết mạc mi mắt sưng đỏ, chảy nước và mủ. Nếu không chữa trị, kết mạc sẽ thành sẹo và co rút lại làm mi mắt bật vào tròng, lông mi quét lên giác mạc (lông quặm, trichiasis), lâu dần có thể gây mờ hay mù. Chữa trị với thuốc nhỏ mắt có chứa kháng sinh Tetracycline.

Trance: (tâm thần) xuất thần, trạng thái kém hoặc mất phản ứng với môi trường xung quanh dù nhận thức không bị suy giảm, do thôi miên, thiền, thuốc gây ảo tưởng, tín ngưỡng.

Tranquilliser: (tâm thần) thuốc an thần, gồm loại dùng chữa các bệnh tâm thần phân liệt, hưng cảm (major tranquilliser) và loại để giảm lo âu, căng thẳng tinh thần (minor tranquilliser).

Transcutaneous electric nerve stimulation: xem chữ TENS.

Transference: (tâm lý) sự chuyển tình cảm của bệnh nhân dành cho người có nhiều ảnh hưởng đối với họ, ví dụ cha mẹ, sang chuyên viên đang chữa trị. Tình cảm này có thể là thương hay ghét. Countertransference là sự chuyển tình cảm ngược lại, từ chuyên viên chữa trị sang cho bệnh nhân.

Transfusion: truyền máu, truyền dung dịch.

Transient ischaemic attack, TIA: tình trạng bệnh lý gần giống như trúng phong, gồm các triệu chứng yếu tay chân, khó phát âm, mờ mắt một bên, nhưng người bệnh trở lại bình thường vài phút, vài giờ sau đó. Nguyên nhân: lưu thông máu đến một phần não tạm thời bị gián đoạn vì máu đông cục tại chỗ hay từ nơi khác chạy đến, hoặc vì mạch máu não co thắt lại. Ðây là một báo hiệu cho biết rủi ro bị trúng phong có thể tăng lên.

Transplantation: ghép mô/cơ quan, gồm nhiều cách: 1-ghép tự thân (autograft), lấy phần cơ thể nơi này ghép vào nơi khác, ví dụ lấy da đùi ghép vào chỗ phỏng ở ngực. 2- ghép cơ quan của người này cho người kia (allograft, homograft). 3- ghép cơ quan của súc vật sang người (xenograft).

Transsexualism: (tâm thần) tình trạng thường thấy ở đàn ông, họ khăng khăng tin rằng mình thuộc phái tính trái với phái tính đang có, đôi khi đưa đến việc xin mổ để thay đổi giống.

Transurethral resection of the prostate (TURP)/ Transurethral vaporisation of the prostate (TUVP): cắt lạng tuyến tiền liệt phì đại xuyên qua niệu đạo / làm bốc hơi tuyến tiền liệt phì đại xuyên qua niệu đạo, để cho teo nhỏ lại.

Transvestism: (tâm thần) một loại loạn dục, người mắc phải ăn mặc quần áo của phái khác, mục đích để khơi động tình dục cho mình. Thường thấy ở đàn ông.

Trauma: 1- thương tích về thể chất. 2- nỗi đau về tinh thần, về cảm xúc.

Travel sickness: say tàu xe.

Tremor: run, thấy ở người già, bệnh cường tuyến giáp, bệnh Parkinson.

Trichiasis: lông quặm, xem chữ trachoma.

Trichinosis (trichiniasis): bệnh giun xoắn, do ăn thịt có ấu trùng (larvae) giun và không được nấu chín kỹ.

Trichomoniasis: nhiễm đơn bào, loại Trichomonas vaginalis gây viêm và ngứa âm đạo, dịch tiết ra có mùi hôi; loại Trichomonas hominis gây tiêu chảy.

Trichophyton: loại nấm gây bệnh ở da, móng tay, tóc.

Trichuriasis: bệnh nhiễm ở ruột già, do giun tóc (whipworm) Trichuris trichiura gây ra. Triệu chứng: tiêu chảy ra máu, đau bụng, xanh xao, yếu trong người. Chữa trị với thuốc chống giun như Tiabendazole, Piperazine salt.

Tricuspid valve: van 3 lá, ở giữa tâm nhĩ và tâm thất phải.

Trigeminal nerve: (thần kinh) thần kinh sinh ba, gồm 3 nhánh: nhánh mắt, nhánh hàm trên và nhánh hàm dưới (ophthalmic nerve, maxillary nerve, mandible nerve). Các sợi vận động phân bố đến các cơ đặc trách về nhai, các sợi cảm giác cho biết về nóng, lạnh, đau, sờ mó ở nửa đầu và mặt.

Trigeminal neuralgia: (thần kinh) cơn giật rất đau ở mặt do tổn hại dây thần kinh sinh ba. Xem chữ tic douloureux.

Triglyceride: một chất béo tổng hợp từ sự tiêu hóa thức ăn. Nhiều triglyceride trong máu là một nguy cơ bệnh mạch máu vành tim có thể xảy ra.

Triiodothyronine: một trong hai hóc môn tuyến giáp, hóc môn kia là thyroxine.

Trismus: hàm cắn sít lại do cơ hàm go mạnh, một triệu chứng của bệnh uốn ván (tetanus).

Trisomy: tình trạng có thêm một nhiễm sắc thể trong mỗi tế bào, gây một số hội chứng như hội chứng Down có nhiễm sắc thể phụ ở số 21, hội chứng Patau ở số 13, hội chứng Edward ở số 18.

-trophy: tiếp vĩ ngữ chỉ sự nuôi dưỡng, tăng trưởng, ví dụ dystrophy = kém tăng trưởng, thoái hóa.

-tropic: tiếp vĩ ngữ chỉ sự hướng về, có ảnh hưởng đến.

TSH: xem chữ thyroid-stimulating hormone.

Tubal pregnancy: (sản phụ khoa) thai nằm trong vòi trứng. Xem chữ ectopic pregnancy.

Tuberculin / tuberculin test: lao tố, một chất chiết ra từ khuẩn lao / thử da để biết một người đã bị nhiễm lao trước đây hay không, dùng trong sự định bệnh những trường hợp nghi là lao, trong việc xem ai cần chủng thuốc BCG. Cách thử được tiến hành theo phương pháp Mantoux hay Heaf (tiêm/bơm tuberculin vào da). Nếu là dương tính, chỗ tiêm nổi u đỏ và cứng, người được thử trước đây đã bị nhiễm lao; nếu là âm tính, da không thay đổi màu sắc, người được thử chưa hề bị nhiễm lao và không có miễn nhiễm về lao, cần chủng BCG.

Tuberculosis, TB: lao, do nhiễm khuẩn Mycobacterium tuberculosis (vi trùng Koch), gồm: 1 lao phổi, lây do hít phải những hạt li ti người bị lao ho/nhảy mũi hắt ra. Ban đầu là một ổ lao nhỏ, phần lớn lành lại nhờ sự đề kháng của cơ thể; một số nhỏ (5%) lan theo mạch bạch huyết đến các hạch trong phổi, theo máu đi khắp thân thể (lao kê, miliary tuberculosis), hoặc phá dần tế bào phổi tạo ra những hang (cavity). Biến chứng chính là sưng màng phổi có nước (pleurisy), tràn khí trong khoang màng phổi (pneumothorax). 2 lao hạch, thường thấy ở cổ; lao ruột; lao xương (đầu gối, xương sống), lao thận; lào màng não. Trên thế giới hiện có 30 triệu trường hợp lao và 3 triệu người chết mỗi năm, thường xảy ra cho người già, người bị suy yếu hệ miễn nhiễm, ví dụ do bệnh Aids, tiểu đường, nghiện rượu nặng, nghèo khổ, dân di cư. Ðịnh bệnh bằng cách chụp Xquang, thử đàm tìm khuẩn lao, thử da với tuberculin. Phòng ngừa: tiêm BCG cho trẻ con từ 13 tuổi, cho những ai có nhiều nguy cơ mắc bệnh; thử da với tuberculin; chụp Xquang thân nhân người bệnh, người di dân từ những xứ có nhiều bệnh lao. Chữa trị với kháng sinh như Streptomycin, Ethambutol, Isoniazid, Rifampicin, Pyrazinamide, phối hợp ba-bốn thứ trong 2 tháng, kế đó là hai thứ (Rifampicin và Isoniazid) trong 4-7 tháng nữa.

Tumefaction: căng mô do dịch tích tụ ở đấy.

Tumour: u, có thể lành hoặc ác tính.

Tumour marker: chất do u ác tính tiết ra. Ðo chất này giúp theo dõi việc chữa trị, ví dụ đo lượng alpha-fetoprotein trong khi chữa ung thư tinh hoàn.

Tumour necrosis factor (TNF): yếu tố trong máu tiêu diệt các tế bào ung thư.

Tunnel vision: tầm thấy giới hạn ở trung tâm cảnh vật, giống như nhìn xuyên qua đường hầm, một triệu chứng của tăng nhãn áp (glaucoma) thời kỳ nặng. Xem chữ glaucoma.

Turner’s syndrome: hội chứng do khuyết tật di truyền ở phụ nữ, họ chỉ có một nhiễm sắc thể X thay vì bình thường là hai. Người mắc phải bị vô sinh vì không có buồng trứng, kèm thêm chậm phát triển trí tuệ, mảng da thừa dính vào vai và cổ.

Twins: (sản phụ khoa) sinh đôi, gồm hai trường hợp: 1-sinh đôi thường, hai trứng thụ thai cùng lúc với hai tinh trùng, cặp sinh đôi giống nhau như anh chị em của chúng (fraternal twins). 2- sinh đôi do một trứng thụ thai với một tinh trùng, sau đó phôi tách đôi ra, cặp sinh đôi sẽ cùng phái tính và giống nhau như tạc (identical twins). Xem chữ dizygotic và monozygotic twins.

Tympanic membrane: cùng nghĩa với ear drum. Xem chữ ear.

Typhoid fever: thương hàn, do khuẩn Salmonella typhi gây ra. Một loại bệnh gần giống như vậy gọi là phó thương hàn do nhiễm khuẩn Salmonella paratyphi A và B. Triệu chứng: sốt cao, nổi ban đỏ ở ngực và bụng, lá lách to lên. Biến chứng có thể là tiêu chảy ra máu, thủng ruột. Bệnh truyền lây qua thức ăn, nước uống bị nhiễm. Chữa trị với kháng sinh Chloramphenicol, Ciprofloxacin.

Typhus: sốt ban do trùng Rickettsiae gây ra, triệu chứng gồm nhức đầu dữ dội, ban đỏ nổi khắp người, sốt cao kéo dài nhiều ngày, mê sảng. Bệnh truyền do chí rận (dịch sốt ban), bọ chét chuột (sốt ban địa phương, endemic typhus), do ve, mạt.

[collapse]

T

Ulcer: loét, một chỗ nứt ở da, ở niêm mạc đường tiêu hóa. Loét ở da có thể do giãn tĩnh mạch chân (varicose vein), nằm liệt giường (bedsore), ung thư da; loét đường tiêu hóa gồm lở miệng, loét thực quản, dạ dày, tá tràng, ruột già.

Ulcer, aphthous: lở bên trong má, môi, lưỡi, xảy ra từ 10-40 tuổi, phụ nữ nhiều hơn nam giới, do nhiễm khuẩn Streptococcus, căng thẳng tinh thần, dị ứng, đôi khi không có nguyên nhân rõ rệt. Chữa trị với kem Corticosteroid bôi vào chỗ lở, nước súc miệng chứa kháng sinh Tetracycline.

Ulcerative colitis: viêm loét ruột già. Triệu chứng: tiêu chảy ra máu, phân có mủ nhớt, đau bụng, sốt, sút cân, các triệu chứng này có thể tái đi tái lại. Biến chứng gồm thiếu máu, ruột già nhiễm độc và căng to ra (toxic megacolon), loét miệng, đau khớp, viêm màng mạch nho của mắt (uveitis), ung thư. Ðịnh bệnh bằng cách soi trực tràng và đại tràng sigma, soi và chụp Xquang toàn ruột già, thử máu và phân. Chữa trị với thuốc Corticosteroid, Sulphasalazine, mổ cắt bỏ ruột già.

Ultrasound scanning: phương pháp dùng siêu âm để khám xét các cơ quan rỗng có chứa nước, ví dụ tử cung đang mang thai, túi mật, các cơ quan mềm, ví dụ gan. Siêu âm không xuyên qua xương và gas, nên ít được sử dụng đối với các vùng có xương bao quanh, ví dụ não, hoặc chứa khí, ví dụ phổi, ruột. Siêu âm được áp dụng trong: 1 sản khoa: khám xét tử cung và bào thai; các bất thường của bào thai như không não, hở đốt xương sống, hội chứng Down, dị tật ở tim; song thai, thai nằm trong vòi trứng, thai trứng, thai đã chết; gần ngày sinh, xem kích thước và vị trí của thai, số lượng nước ối, vị trí lá nhau. Trong thao tác rút nước ối (amniocentesis) hay lấy mô nhau (chorionic villus sampling,CVS) để thử về bất thường của nhiễm sắc thể bào thai, siêu âm giúp tiến hành một cách chính xác. 2 ngoài sản khoa: khám xét não bộ của hài nhi; các bệnh về gan như u bướu, gan chai, ổ mủ, sạn túi mật; dị tật tim, hoạt động của van tim; các bệnh thuộc tụy tạng, thận, vú, bọng đái, buồng trứng. Doppler ultrasound dùng để kiểm tra một vật chuyển động, ví dụ tim đập của trẻ sơ sinh, số lượng máu chảy trong mạch máu.

Ultrasound treatment: dùng siêu âm chữa các tổn thương tại phần mềm, ví dụ dây chằng của khớp, cơ bắp và gân cơ bắp; chữa sạn thận bằng cách làm nát sạn.

Ultraviolet rays: tia cực tím (tử ngoại), gồm loại độ sóng dài, UVA, độ sóng vừa, UVB, và độ ngắn, UVC. Tia có tự nhiên trong ánh mặt trời, nhưng phần lớn UVB và UVC (rất có hại cho sức khoẻ) được lớp ozone của khí quyển giữ lại, nên ánh sáng rọi xuống quả đất chỉ còn lại UVA và một phần rất nhỏ UVB, ít độc hại. Tuy nhiên, nguy cơ về ung thư da có thể xảy đến, nhất là đối với người da trắng, nếu tắm nắng nhiều mà da không được bảo vệ tốt. Các mỏ hàn điện, tia laser trị bệnh cũng sản xuất ra tia cực tím, nên khi sử dụng phải bảo vệ mắt cẩn thận. Về y khoa, tia cực tím dùng chữa một số bệnh ngoài da như vảy nến, bạch tạng (vitiligo), bệnh vàng da trẻ sơ sinh do chất bilirubin có nhiều trong máu; định bệnh các bệnh nấm, dùng đèn Wood (Wood’s light).

Umbilical cord / umbilicus: cuốn rốn / rốn.

Unconscious: 1- bất tỉnh. 2- vô thức, không còn nhận biết được ký ức, động cơ hành động, sự chủ ý.

Uraemia: tình trạng máu có nhiều u rê và chất thải chứa nitrơ, do suy thận gây ra. Triệu chứng gồm nôn mửa, hay buồn ngủ, ngủ lịm, có thể chết. Chữa trị bằng cách lọc máu với máy lọc nhân tạo.

Ureter: niệu quản, ống dẫn nước tiểu từ bể thận xuống bọng đái.

Urethra: niệu đạo, chạy từ bọng đái ra ngoài, ở phụ nữ dài khoảng 3.5-4cm và mở ra giữa âm vật và lỗ âm đạo. Niệu đạo của đàn ông dài khoảng 20cm. Xem chữ bladder.

Urethral discharge: dịch tiết ra từ niệu đạo.

Urethral stricture: hẹp niệu đạo vì sẹo trít lại, nguyên nhân trước kia là lậu mủ.

Urethritis: viêm niệu đạo, do khuẩn lậu, khuẩn Chlamydia gây ra. Triệu chứng gồm dịch tiết ở niệu đạo, tiểu rát và khó, có thể đưa đến hẹp trít niệu đạo.

Uric acid: chất từ nucleic acid của tế bào thải ra, một số từ thức ăn chứa nhiều nucleic acid như gan, thận, đồ lòng. Uric acid được bài tiết qua đường tiểu, một số ít qua đường tiêu hóa. Lượng trong máu nếu cao lên (hyperuricaemia) là do giảm đào thải hoặc tăng tạo sinh chất này, đưa đến chứng thống phong (gout), sạn thận. Nguyên nhân: bệnh ở thận, uống thuốc lợi tiểu, thuốc chữa ung thư, thiếu men giúp thải uric acid, ung thư máu, hồng cầu vỡ ra hàng loạt

Urinary diversion: phẫu thuật để nước tiểu thoát ra ngoài, gồm hai cách: 1 tạm thời: mổ bụng trên vùng xương mu và đặt ống thông vào bọng đái, áp dụng trong trường hợp tuyến tiền liệt phì đại, trít niệu đạo. 2 vĩnh viễn, khi bọng đái đã bị cắt bỏ vì ung thư, bọng đái không còn làm việc hữu hiệu nữa vì chấn thương tủy sống. Thao tác gồm mổ nối hai niệu quản vào đại tràng sigma, hoặc nối vào một khúc ruột non, một đầu cho ra ngoài bụng có túi hứng nước tiểu.

Urinary retention: bí đái. Nguyên nhân: trít bao quy đầu, tắc trít niệu đạo, sạn bọng đái, ung thư bọng đái, phì đại/ung thư tuyến tiền liệt, tổn thương tủy sống, u xơ tử cung đè lên niệu đạo. Biến chứng có thể xảy đến là hư thận, nhiễm khuẩn cơ quan tiết niệu. Chữa trị theo nguyên nhân, đặt ống thông tiểu tạm thời hoặc vĩnh viễn vào bọng đái.

Urination, frequent: đái nhiều lần, nguyên nhân có thể là: 1- tiểu đường, đái tháo lạt (diabetes insipidus, do hóc môn kháng đái antidiuretic hormone, ADH, của tuyến yên tiết ra ít). 2- viêm bọng đái, sạn/u bọng đái. 3- phì đại tuyến tiền liệt. 4- suy thận. 5- lo âu.

Urography: chụp Xquang bể thận. Xem chữ pyelography.

Urology: niệu học, ngành y khoa nghiên cứu và chữa trị bệnh đường tiểu.

Urticaria (hives): mày đay, phản ứng dị ứng cấp/mạn tính, do nhạy cảm với một số thực phẩm. Triệu chứn gồm những nốt tròn đỏ nổi trên da gây ngứa dữ dội. Ðôi khi mày đay ảnh hưởng đến nơi khác, ví dụ sưng môi và lưỡi, cần được xử lý khẩn cấp.

Uter-, utero-: (sản phụ khoa) tiếp đầu ngữ chỉ tử cung, ví dụ uterosalpingography = chụp Xquang tử cung và vòi trứng.

Uterus: (sản phụ khoa) tử cung, một cơ quan hình trái lê dài khoảng 7.5cm, treo trong khung chậu nhờ các lớp gấp của phúc mạc (dây chằng) và các băng xơ, phần trên thông với hai vòi trứng, phần dưới với âm đạo qua cổ tử cung. Tử cung có một lớp màng nhầy lót bên trong gọi là nội mạc (endometrium) và một thành cơ trơn dày. Khi sinh con, cơ trơn này co thắt mạnh để đẩy thai nhi qua cổ tử cung và âm đạo. Khi không mang thai, màng nhầy trải qua các chu kỳ phát triển và thoái hóa để bong ra theo với máu kinh.

Uterus, cancer of: (sản phụ khoa) ung thư tử cung, gồm ung thư cổ tử cung (cervical cancer, xem chữ) và ung thư nội mạc tử cung (endometrial cancer), thường xảy ra vào thời mãn kinh, rủi ro tăng lên đối với các bà béo phì, uống hóc môn oestrogen lâu ngày, không con hoặc ít con.

Uterus, prolapse of: (sản phụ khoa) sa tử cung, xem chữ prolapse. Thể mi

Uterus, retroverted: (sản phụ khoa) tử cung bật ngược ra sau, thường không gây triệu chứng nào cả nên không cần chữa trị.

Uvea /uveitis: màng mạch nho, gồm màng mạch, thể mi và mống mắt, xem chữ eye / viêm màng mạch nho, có thể ảnh hưởng trầm trọng đến tầm nhìn, thường do bệnh miễn nhiễm, một ít do nhiễm khuẩn lao, giang mai. Chữa trị với thuốc Corticosteroid nhỏ mắt, Atropine nhỏ mắt, kháng sinh nếu do nhiễm khuẩn.

Uvula: lưỡi gà, một phần mềm của vòm hầu, đôi khi dài quá gây ngủ ngáy.

[collapse]

V

Vaccination / vaccine: chủng ngừa / thuốc chủng ngừa.

Vacuum extractor: (sản phụ khoa) dụng cụ hút đặt vào đầu thai nhi để bác sĩ kéo ra ở mỗi cơn go của tử cung, áp dụng trong trường hợp sản phụ bị đuối sức không rặn được, đứa con có dấu hiệu trở ngại về hô hấp, tim mạch. Sinh hút chậm hơn dùng kềm (forceps) nhưng ít gây tổn hại cho cơ quan sinh dục của thai phụ.

Vagina: (sản phụ khoa) âm đạo, một phần của cơ quan sinh dục phụ nữ tiếp nối với tử cung ra ngoài âm đạo, gồm một lớp cơ vòng có lót niêm mạc bên trong.

Vaginal discharge: (sản phụ khoa) dịch tiết từ âm đạo ra, có thể là bình thường trong thời kỳ sinh đẻ, hoặc do uống thuốc ngừa thai. Chất tiết là bất thường nếu ra nhiều, có mùi hôi, màu vàng hoặc xanh, do nhiễm nấm Candida albicans, đơn bào Trichomonas vaginalis, miếng gạc bỏ quên, vòng nâng tử cung (pessary); đối với trẻ con, nguyên nhân là nhiễm khuẩn, vật lạ trong âm đạo.

Vaginismus: (sản phụ khoa) cơn co thắt rất đau của cơ vòng âm đạo khi đụng vào, gây trở ngại trong vấn đề giao cấu. Nguyên nhân có thể là tâm lý, như đã từng bị hãm hiếp, sách nhiễu tình dục lúc trẻ, giáo dục gia đình quá khắt khe về việc giao tiếp nam nữ; là thể chất như viêm nhiễm âm đạo/bọng đái, niêm mạc âm đạo khô teo lại sau thời mãn kinh. Chữa trị tùy theo nguyên nhân, nông rộng dần âm đạo với dụng cụ nông (dilator) có kích thước từ nhỏ đến lớn và do bệnh nhân tự đặt vào.

Vaginitis: (sản phụ khoa) viêm âm đạo do nhiễm trùng (nấm Candida albicans, đơn bào Trichomonas vaginalis, khuẩn thường trú ở âm đạo sinh sản quá nhiều); do dị ứng với các loại xà phòng hay thuốc rửa âm đạo; vật lạ bỏ quên ví dụ bông gòn; giảm hóc môn tiết ra sau khi mãn kinh (atrophic vaginitis).

Vagotomy: (thần kinh) phẫu thuật cắt dây thần kinh phế vị bên trái, làm giảm bớt a xít và men pepsin từ dạ dày tiết ra, áp dụng trong việc chữa trị loét dạ dày và tá tràng. Có nhiều cách: cắt thân dây thần kinh (truncal vagotomy), cắt chọn lọc và cắt chọn lọc đặc biệt các nhánh dây thần kinh (selective, highly selective vagotomy).

Vagus nerve: (thần kinh) thần kinh phế vị, dây thần kinh sọ số X và là thành phần chính của hệ thần kinh đối giao cảm (parasympathetic system). Thần kinh bắt đầu từ hành tủy (medulla oblongata) chạy xuống cổ, ngực, bụng, có nhánh phân bố hầu hết đến những cơ quan chính trong cơ thể như thanh quản, họng, thực quản, khí quản, tim phổi, tiêu hóa. Chất truyền dẫn thần kinh là Acetylcholine, làm phế quản hẹp lại, tim đập chậm hơn, dịch dạ dày và tụy tạng tiết ra nhiều, ruột go bóp để đẩy thức ăn đi.

Valsalva’s manoeuvre: thao tác thở mạnh ra, miệng ngậm lại, hai ngón tay kẹp chặt cánh mũi, giúp bảo vệ màng nhĩ không bị áp suất không khí bên ngoài ảnh hưởng đến, ví dụ khi đi máy bay.

Valve: van, có ở tim, tĩnh mạch và mạch bạch huyết. Van mở ra để máu chảy đi theo một hướng và khép kín lại để máu không chảy ngược trở về.

Valvuloplasty: mổ tái tạo van tim bị hẹp lại hoặc hở ra (stenosis, incompetence).

Valvulotomy: nông rộng van tim bị hẹp, dùng một bóng hơi luồn vào mạch máu lần lên đến chỗ hẹp.

Valvulitis: viêm van tim cấp/mạn tính, thường do bệnh thấp khớp (rheumatic fever) gây ra.

Varicella: thủy đậu, xem chữ Chickenpox.

Varicocele: giãn tĩnh mạch bìu dái, hầu hết là ở bên trái, thường không có triệu chứng nào. Một số trường hợp gây đau thốn hạ bộ, giảm số lượng tinh trùng sản xuất ra. Chữa trị bằng cách mặc quần lót chật, đôi khi phải mổ cắt bỏ tĩnh mạch giãn nếu lượng tinh trùng quá thấp đưa đến vô sinh.

Varicose veins: giãn tĩnh mạch, thường thấy ở mặt ngoài chân, ở các nơi khác là thực quản do chai gan gây ra, bìu dái (varicocele), hậu môn (trĩ). Nguyên nhân: van bị tổn hại không khép kín lại nên máu chảy ngược trở về. Giãn tĩnh mạch chân được chữa trị bằng cách mang băng đàn hồi, tiêm thuốc gây xơ cứng vào tĩnh mạch (sclerotherapy), lột rút tĩnh mạch đi (stripping).

Variola: đậu mùa, xem chữ Smallpox.

Vascular: liên quan đến mạch máu.

Vas deferens: ống dẫn tinh trùng, đi từ mào tinh hoàn (epididymis) lên dây tinh (spermatic cord), xuyên qua tuyến tiền liệt và đổ vào niệu đạo.

Vasectomy: cắt ống dẫn tinh để triệt sản cho đàn ông, có tính cách vĩnh viễn (việc nối lại rất khó đạt kết quả), không ảnh hưởng đến vấn đề tình dục. Thường là phải vài tháng sau khi mổ mới hết hẳn tinh trùng, vì một số vẫn còn ở túi tinh dịch. Do vậy, để bảo đảm an toàn, nên tạm thời sử dụng các phương pháp ngừa thai khác, ví dụ bao cao su, cho đến khi thử nghiệm tinh dịch hai lần cách nhau 15 ngày mà không còn thấy tinh trùng trong đó nữa.

Vasoconstriction: sự co hẹp mạch máu có tác dụng giảm lượng máu chảy đến một phần cơ thể, tăng huyết áp lên, ví dụ trong trường hợp bị sốc, rối loạn tuần hoàn, xuất huyết nhiều.

Vasodilation / vasodilator: sự giãn nở mạch máu để tăng lượng máu chảy đến một phần cơ thể / thuốc giãn mạch máu, dùng chữa những trường hợp mạch máu bị trít hẹp (mạch máu vành tim, mạch máu chân), chữa cao huyết áp, suy tim. Các loại thuốc gồm Calcium channel blockers (Nifedipine, Amlodipine), Nitrates (Glyceryl trinitrate, Isosorbide), ACE inhibitors (Captopril, Perindopril).

Vasomotor centre: trung tâm vận mạch ở hành tủy (medulla oblongata), ảnh hưởng đến nhịp tim và huyết áp. Trung tâm hoạt động qua hệ thần kinh giao cảm và đối giao cảm.

Vasopressin (antidiuretic hormone, ADH): hóc môn tuyến yên, gíúp hấp thu nước ở thận tăng lên nên ít đi tiểu, và cũng có tác dụng co hẹp mạch máu. Dùng để chữa bệnh đái tháo lạt (diabetes insipidus, xem chữ), chữa giãn tĩnh mạch thực quản do chai gan gây ra.

Vasovagal attack: cơn bất tỉnh do thần kinh phế vị bị kích thích mạnh, nhịp tim đập chậm lại. Thường xảy ra khi bị đau dữ dội, căng thẳng tinh thần, sốc, sợ hãi.

Vegetarianism: ăn chay, không ăn thịt cá và đôi khi tất cả sản phẩm của loài vật như trứng, sữa. Loại ăn chay sau (vegan diet) có thể đưa đến thiếu máu vì thiếu vitamin B12, thiếu calcium vì không uống sữa, nhưng điều lợi là giảm bớt bệnh đường ruột, ví dụ ung thư ruột già, bệnh mạch máu vành tim, cao huyết áp.

Vegetative state: (thần kinh) tình trạng hôn mê sâu, mặc dù mắt vẫn mở, đầu và tay chân thỉnh thoảng cử động, nhưng không có dấu hiệu nhận biết, đáp ứng khi bị kích thích, chỉ có những chức năng cơ bản như thở, tim đập là còn duy trì.

Vein: tĩnh mạch, huyết quản dẫn máu trở về tim. Tất cả tĩnh mạch, ngoại trừ tĩnh mạch phổi, đều mang máu đã nhả oxi từ các mô của cơ thể đến tĩnh mạch chủ (vena cava) rồi vào tâm nhĩ phải. Thành tĩnh mạch gồm ba lớp mỏng, ít đàn hồi hơn so với động mạch, và có những van giúp máu chảy theo một hướng về tim.

Vena cava: tĩnh mạch chủ, chuyên chở máu đã nhả khí oxi từ các tĩnh mạch cơ thể về tâm nhĩ phải. Có hai nhánh: tĩnh mạch chủ trên (superior vena cava) dẫn máu từ đầu, cổ, ngực và cánh tay; tĩnh mạch chủ dưới (inferior vena cava) từ các bộ phận cơ thể dưới cơ hoành.

Venereal diseases, VD: bệnh hoa liễu, lan truyền qua đường tình dục, xem chữ sexually transmitted diseases, STD.

Venesection: rút máu từ tĩnh mạch ra trong việc hiến máu, trong chữa trị các bệnh như bệnh đa hồng cầu (polycythaemia), bệnh do chất sắt hấp thu và tồn trữ quá nhiều (haemochromatosis, bronze diabetes).

Venom: nọc rắn, rết, nhện, bồ cạp.

Ventilator: thiết bị giúp đưa khí vào và ra khỏi phổi, khi bệnh nhân không thở bình thường được, do chấn thương nặng ở đầu, sử dụng quá liều chất ma túy, hoặc những trường hợp y khoa khẩn cấp khác.

Ventouse: ống giác hơi.

Ventricle: 1- tâm thất, một trong hai ngăn ở phía dưới tim, tâm thất trái bơm máu vào động mạch chủ, tâm thất phải vào động mạch phổi. Xem chữ Heart. 2- não thất, gồm 4 cái, chứa đựng não thủy (cerebrospinal fluid) và thông với nhau qua những ống thông nhỏ (duct).

Ventricular ectopic beat: tim đập lạc vị, định bệnh bằng điện tâm đồ (ECG). Xem chữ Ectopic beat.

Ventricular fibrillation: rung thất, một rối loạn nhịp tim rất nguy hiểm đến tính mạng, tim rung lên nhưng không hiệu lực trong việc đẩy máu đi, thường xảy ra trong bệnh kích tim, đôi khi vì điện giật hoặc chết đuối. Ðịnh bệnh bằng tâm điện đồ, tình trạng này cần được xử lý khẩn cấp bằng hồi sinh tim phổi (cardiopulmonary resuscitation), sử dụng máy khử rung (defibrillator) và thuốc chống rối loạn nhịp tim (antiarrhythmic drugs). Xem chữ Fibrillation.

Ventricular septal defect, VSD: tật bẩm sinh tim, có một lỗ thông ở vách giữa hai tâm thất, 50% trường hợp sẽ tự nhiên bít lại. Một số khác lỗ quá rộng, máu chảy vào động mạch phổi dưới một áp suất cao sẽ gây tăng huyết áp phổi (pulmonary hypertension), dần dần đưa đến suy tim phải. Xem chữ Heart diseases, congenital.

Ventricular tachycardia, VT: nhịp thất nhanh, một tình trạng rối loạn nhịp tim rất nguy hiểm, do một ổ phát điện bất thường ở tâm thất. Xung lực thần kinh không theo tuyến truyền dẫn thường lệ nên tim đập nhanh từ 140-200 nhịp mỗi phút, kéo dài vài giây đến nhiều giờ, các cơn go bóp ít hữu hiệu sẽ đưa đến tụt huyết áp và có khi tim ngừng đập. Nguyên nhân: kích tim, đau cơ tim (cardiomyopathy). Ðịnh bệnh bằng tâm điện đồ, không sớm chữa trị sẽ đưa đến tử vong. Trong trường hợp khẩn cấp, dùng máy khử rung, thuốc chống rối loạn nhịp tim tiêm và sau đó uống.

Vermicide / vermifuge: thuốc diệt giun sán / thuốc tẩy giun sán.

Version: (sản phụ khoa) xoay thai để giúp sinh đẻ được dễ dàng, ví dụ xoay thai nằm ngang, thai ngôi mông (breech presentation) để đầu xuống trước

Vertebra: đốt sống, một trong 33 xương của cột sống, gồm thân và phần xương hình cung tạo ra một khoảng trống trong đó tủy sống đi qua. Phần hình cung này có một gai ở sau và hai nhánh ngang làm nơi bám của cơ dọc cột sống, và các mặt để đốt nọ khớp với đốt kia. Các đốt sống gắn liền với nhau bằng các dây chằng và các đĩa sụn. Xem chữ Backbone.

Vertebrobasilar insufficiency: (thần kinh) cơn chóng mặt, thấy hai hình, yếu cơ, khó phát âm xảy ra không liên tục, do máu chảy đến các phần não giảm đi. Nguyên nhân thường là xơ cứng mạch máu vì chất béo đóng vào. Chứng này đôi khi là dấu báo hiệu tai biến mạch máu não có thể xảy ra.

Vertigo: (thần kinh) chóng mặt, cảm giác thân hình/cảnh vật xoay tròn, hoặc mặt đất nghiêng một bên. Nguyên nhân: xáo trộn ở kênh bán nguyệt (semicircular canals) của tai trong và các dây thần kinh xuất phát từ đấy, xảy ra cho 1- người khoẻ mạnh khi không quen đi thuyền, tàu biển, máy bay. 2- viêm kênh bán nguyệt (labyrinthitis) kèm với nôn mửa, đi đứng xiêu vẹo, do cúm, nhiễm khuẩn tai giữa. 3- bệnh Ménière, ngoài chóng mặt ra, có thêm chứng ù tai, tròng mắt chuyển động qua lại (nystagmus), nôn mửa. Xem chữ. 4- xơ cứng mạch máu não. 5- u bướu cuống não, đa xơ thần kinh, chứng sợ khi đứng ở nơi cao (agoraphobia). Chữa trị với thuốc kháng chất histamine (antihistamine drugs), thuốc anticholinergic.

Vesicle: bóng nước nhỏ ở da.

Vesicoureteric reflux: nước tiểu chảy ngược từ bọng đái lên niệu quản, do van niệu quản- bọng đái bị hư tổn. Biến chứng: nhiễm khuẩn gây viêm thận và bể thận, ở trẻ con thận làm sẹo và teo lại.

Vesicovaginal fistula: (sản phụ khoa) lỗ thông bất thường giữa bọng đái và âm đạo, do tổn thương bọng đái trong khi mổ về phụ khoa, ví dụ cắt bỏ tử cung, xạ trị, hoại thư âm đạo vì sinh đẻ kéo dài quá lâu (thường xảy ra tại các xứ chậm tiến).

Vestibulocochlear nerve: (thần kinh) dây thần kinh số VIII, gồm hai phần: 1- dây thần kinh tiền đình (vestibular nerve) chuyển xung động thần kinh từ tiền đình và kênh bán nguyệt của tai trong đến tiểu não (cerebellum), kiểm soát sự thăng bằng. 2- dây thần kinh ốc tai (cochlear nerve) chuyển xung động thần kinh từ ốc tai đến vùng thái dương của não để nhận biết âm thanh. Xem chữ Ear. Các bệnh có thể xảy ra cho dây thần kinh là bướu lành (acoustic neuroma), viêm màng não, nhiễm độc dược phẩm.

Virilization: (sản phụ khoa) nam hóa xảy ra cho phụ nữ, hóc môn nam androgen tiết ra quá nhiều do bướu ở tuyến thượng thận, hội chứng đa nang buồng trứng (polycystic ovary syndrome). Các đặc điểm gồm: lông và râu mọc nhiều, tóc trán mọc theo kiểu đàn ông, bặt kinh nguyệt, âm vật to ra, mông và đùi teo lại, cơ bắp vai và tay nở lớn, giọng nói khàn.

Virology: ngành y khoa nghiên cứu về siêu khuẩn.

Virulence: khả năng gây bệnh của vi sinh vật.

Virus: siêu khuẩn, sinh vật nhỏ nhất trong các vi sinh vật gây bệnh, kích thước từ phân nửa đến 1/100 khuẩn, nên không thể thấy với kính hiển vi thường và không lọc qua màng lọc được. Cấu trúc và sự sinh sản của chúng cũng đơn giản hơn: Cấu trúc gồm một lõi nucleic acid (DNA hoặc RNA), một lớp vỏ chất đạm bên ngoài và bên trong. Về sinh sản, siêu khuẩn không thể sinh trưởng bên ngoài được và phải sống nhờ vào tế bào. Lây siêu khuẩn xảy ra qua nhiều cách: 1- hít thở các giọt nước bọt ho hoặc nhảy mũi bắn ra; nước miếng của chó dại, kim tiêm dùng cho nhiều người, ví dụ để chích ma túy. 3- thực phẩm ăn uống. 4- giao cấu. 5- kết mạc mắt nếu dịch có siêu khuẩn bắn vào, ví dụ máu. Siêu khuẩn tấn công cơ thể và phát triển tại chỗ, một số lan đến các hạch bạch huyết, vào máu đến các cơ quan như da, não, gan, phổi, thần kinh hệ, và gây bệnh bằng cách: 1- hủy hoại tế bào chúng xâm nhập vào. 2- kết hợp với kháng thể cơ thể tạo ra rồi phát sinh triệu chứng. 3- gây ung thư, ví dụ siêu khuẩn Papilloma gây mụn cơm, tạo điều kiện cho ung thư cổ tử cung phát triển, siêu khuẩn Epstein-Barr gây ung thư vòm hầu. 4- làm giảm sức đề kháng của cơ thể, ví dụ siêu khuẩn HIV, nên dễ bị bội nhiễm bởi khuẩn, siêu khuẩn khác, nấm, đơn bào v.v. Các loại bệnh gồm cảm lạnh, cúm, sởi, quai bị, thủy đậu, đậu mùa, bại liệt trẻ con, Aids, bệnh chó dại. Kháng sinh không có hiệu lực trong việc chống siêu khuẩn; một số thuốc kháng siêu khuẩn đã được bào chế như Aciclovir, Idoxuridin, Ribavirin, Amantadine; về HIV/Aids hiện có Zidovudine, Ritonavir, Ipinavir v.v. Phòng ngừa bệnh do siêu khuẩn có các loại thuốc chủng, ví dụ MMR (measles, mumps, rubella).

Viscera: cơ quan nội tạng, ví dụ gan, ruột v.v.

Vision: sự nhìn thấy.

Visual acuity / visual field: thị lực / thị trường, vùng phía trước mặt có thể nhìn thấy được mà mắt không phải chuyển dịch. Ðo thị trường được áp dụng trong một số bệnh mắt như tăng nhãn áp, thoái hóa điểm vàng của võng mạc, bong võng mạc.

Vision, loss of: mất thị lực, có thể xảy ra dần dần hoặc đột ngột: 1 xảy ra dần dần: do tuổi già, thủy tinh thể bị đục gây chứng cườm mắt; thoái hóa điểm vàng võng mạc; tăng nhãn áp mạn tính; biến chứng của tiểu đường; bênh ở giác mạc. 2 xảy ra đột ngột: chảy máu ở thủy tinh dịch, pha lê dịch, võng mạc do chấn thương, vỡ mạch máu mới mọc ở võng mạc trong bệnh tiểu đường; tắc nghẽn mạch máu mắt, mạch máu não phân bố đến vùng thị lực ở thùy chẩm, do cục máu đông.

Vital centre: trung tâm của sự sống, một tập hợp tế bào thần kinh não chi phối những hoạt động quan trọng trong cơ thể như hô hấp, tim đập, huyết áp, điều hòa nhiệt độ v.v. Hầu hết các trung tâm này nằm tại hạ đồi thị (hypothalamus) và cuống não.

Vitamin: sinh tố, chất cần cho sự tăng trưởng và phát triển bình thường với một số lượng rất nhỏ. Các chất này cơ thể không thể tổng hợp được nên phải do chế độ ăn uống cung cấp. Sinh tố được chia làm hai nhóm, tùy theo tính hòa tan trong nước hay trong dầu. Nhóm hòa tan trong nước gồm phức hợp sinh tố B và C; nhóm hòa tan trong dầu là các sinh tố A, D, E, K. Thiếu hụt bất kỳ chất nào sẽ gây ra một số bệnh đặc hiệu.

Vitamin A (Retinol): sinh tố tan trong dầu có sẳn trong thực phẩm gốc động vật, đặc biệt là sữa và các chế phẩm của sữa, lòng đỏ trứng, gan, và được tạo ra trong cơ thể từ sắc tố Beta- carotene có ở cải bắp, rau xà lách, củ cà rốt. Sinh tố A cần cho sự tăng trưởng, nhìn thấy khi trời tối, duy trì sự phát triển của các mô nhầy; thiếu nó sẽ đưa đến còi cọc, mắt quáng gà, khô mắt, nhũn giác mạc và sau cùng là mù.

Vitamin B1 (Thiamin, Aneurine): một phức hợp sinh tố B có trong ngũ cốc, các loại đậu và hột, khoai lang, thịt. Thiếu B1 sẽ đưa đến chứng phù thủng, liệt thần kinh ngoại biên, suy tim (beriberi, xem chữ).

Vitamin B2 (Riboflavin): phức hợp sinh tố B khác, có trong gan, sữa, trứng, cần cho sự hô hấp của tế bào. Thiếu B2 gây chứng viêm lưỡi, nứt môi và mép miệng.

Vitamin B6 (Pyridoxin): phức hợp sinh tố B có trong mọi thực phẩm nến thiếu nó ít khi xảy ra.

Vitamin B12 (Cyanocobalamin): phức hợp sinh tố B, chỉ có trong thực phẩm gốc động vật như gan, trứng, cá, sữa, và chỉ hấp thu được nếu có sự hiện diện của yếu tố nội tại (intrinsic factor) tiết ra từ dạ dày. Thiếu B12 có thể xảy ra cho những người ăn chay trường mà không ăn trứng và uống sữa, bị viêm dạ dày mạn tính vì không có yếu tố nội tại. Tác động nghiêm trọng nhất là thiếu máu ác tính (pernicious anaemia, xem chữ) và thoái hóa hệ thần kinh, đặc biệt là ở tủy sống.

Vitamin C (Ascorbic acid): sinh tố tan trong nước, có vai trò thiết yếu trong sự duy trì các mô liên kết và tổng hợp chất collagen của cơ thể. Sinh tố C có nhiều trong chanh, cam, rau xanh, thiếu nó sẽ gây chứng scurvy (xem chữ).

Vitamin D: sinh tố tan trong dầu, làm tăng sự hấp thu calcium và phosphorus trong ruột, và giúp các khoáng chất này lắng đọng vào xương. Gan và dầu cá chứa nhiều sinh tố D; ngoài ra, chất tiền sinh tố có trong da sẽ chuyển thành sinh tố D dưới ảnh hưởng của ánh mặt trời.

Thiếu sinh tố D xảy ra vì chế độ ăn uống không đủ chất lại ít ra nắng, gây còi xương (rickets) ở trẻ con và nhũn xương (osteomalacia) ở người lớn. Liều lượng thông thường là 10 microgram cho trẻ con đến 5 tuổi, và 2.5 microgram sau đó. Vì sinh tố D có độc tính nên tránh dùng quá liều.

Vitamin E: sinh tố tan trong dầu, có trong dầu thực vật, trứng, bơ, ngũ cốc nguyên hạt. Sinh tố E là một chất chống oxi-hóa bảo vệ tế bào, liều từ 400-800 mg mỗi ngày có khả năng giảm bớt nguy cơ máu đông cục ở mạch máu vành tim.

Vitamin K: sinh tố tan trong dầu, cần cho sự hình thành chất prothrombin có vai trò trong tiến trình đông máu. Thiếu sinh tố K ít xảy ra vì có nhiều trong rau xanh và thịt, và nhờ khuẩn tại ruột già tổng hợp.

Vitiligo: bạch tạng, một bệnh tự miễn phát sinh dần dần, gồm những vệt trắng ngoài da. Chữa trị với thuốc L-phenylalanine phối hợp với tia cực tím A (ultraviolet A) đem lại phần nào kết quả.

Vitreous body (vitreous humour) / vitreous detachment: pha lê dịch ở phòng sau mắt, xem chữ eye / bong pha lê dịch khỏi võng mạc, do tuổi già, bệnh tiểu đường, cận thị nặng. Chỗ bong đôi khi làm rách võng mạc rồi gây bong võng mạc (retinal detachment, xem chữ).

Vitrectomy: cắt bỏ một phần/toàn bộ pha lê dịch, đôi khi được tiến hành để chữa bong võng mạc.

Vocal folds (vocal cords): nếp thanh âm (dây thanh âm), một bộ phận do hai nếp mô nhô ra hai bên thanh quản, gồm dây thanh âm thật (true vocal cords) rung động để tạo thành tiếng nói, và dây thanh âm giả (false vocal cords) không có vai trò gì trong sự phát âm. Dây thanh âm thường mở ra theo hình chữ V, khoảng trống ở giữa gọi là thanh môn (glottis) để không khí ra vào. Khi phát âm, hai dây khép lại và rung lên, và tùy theo mức căng của nó mà tiếng nói có độ cao thấp khác nhau.

Vocal cord paralysis: Liệt dây thanh âm, do dây thần kinh của các cơ thanh quản (recurrent laryngeal nerves) bị tổn hại, có thể ở một bên hay hai bên. Nếu chỉ một bên, bệnh nhân bị khàn giọng nhưng vẫn thở được; khi liệt xảy ra ở cả hai bên, dây thanh âm khép lại và không mở ra, đường hô hấp sẽ bị tắc nên phải khai thông khẩn cấp khí quản. Vì dây thần kinh của các cơ thanh quản xuất phát từ đáy não chạy xuống cổ và ngực rồi mới vòng lên để phân bố đến dây thanh âm nên liệt dây này có nhiều nguyên nhân: ung thư phổi, thực quản, tuyến giáp trạng, phình động mạch chủ, đột quỵ v.v. Cho nên, khi bị khàn giọng, nên sớm đến bác sĩ để được kiểm tra.

Vocal cord polyps / nodules: bướu lành / u nhú ở dây thanh âm, làm giọng nói trở nên khàn, xảy ra cho những trường hợp sử dụng quá tải tiếng nói, ví dụ ca sĩ, người rao hàng, giảng đạo v.v., hoặc hút nhiều thuốc lá, hít khói nhà máy thường xuyên.

Volvulus: xoắn ở cơ quan tiêu hóa, gây tắc một phần hay toàn phần, đôi khi làm giảm máu cung cấp đưa đến hoại thư (gangrene). Xoắn có thể mở ra tự nhiên nhưng phần lớn là phải mổ khẩn cấp. Các loại gồm có: xoắn dạ dày, thường xảy ra trong trường hợp thoát vị khe (hiatus hernia, xem chữ); xoắn ruột non vì dính lại với nhau sau khi mổ; xoắn đại tràng sigma vì quá dài; xoắn cả ruột non lẫn ruột già.

Vomit / vomiting: 1- mửa. 2- chất mửa ra / sự mửa, một hoạt động phản xạ đẩy các chất chứa trong dạ dày ra ngoài. Tại não có một trung tâm đặc biệt kiểm soát về mửa, trung tâm này có thể bị kích thích rồi phát ra một chuỗi xung lực thần kinh gây co thắt cơ hoành và các cơ bụng, đồng thời làm giãn cơ vòng ở lối vào dạ dày, làm cho các chất chứa ở dạ dày bị tống ra. Các yếu tố kích thích có thể là: một số thuốc tác động trực tiếp, ví dụ apomorphine; bệnh dạ dày, nuốt phải một dung dịch lạ, bị tắc ruột; bệnh ở tai trong, ví dụ viêm mê đạo, say tàu xe.

Vomiting in pregnancy: (sản phụ khoa) nôn mửa khi có thai, thường bắt đầu từ tuần thứ sáu đến tuần thứ mười hai, một đôi trường hợp xảy ra suốt thai kỳ, nguyên nhân có thể là trung tâm mửa của não bị kích thích vì có sự thay đổi lượng hóc môn trong khi có thai. Trường hợp nôn mửa nhiều và kéo dài có thể gây mất nước của cơ thể, xáo trộn hóa chất trong máu, tổn hại gan, cần phải được nhập viện để chữa trị.

Von Recklinghausen’s disease: 1- hội chứng do hóc môn cận tuyến giáp tiết ra quá nhiều, gây xương bị mất khoáng chất nên trở nên yếu, dễ gẫy, gây sạn thận. 2- u xơ dọc theo dây thần kinh, xem chữ neurofibromatosis.

Von Willebrand’s disease: bệnh di truyền, gây chảy máu tự nhiên giống như bệnh ưa chảy máu (haemophilia).

Voyeurism: (tâm thần) một loại loạn dục, bệnh nhân chỉ đạt được khoái lạc tình dục bằng cách nhìn trộm người khác đang tắm, đang làm tình v.v.

Vulva: (sản phụ khoa) âm hộ, cơ quan sinh dục nữ bên ngoài, gồm mép lớn và mép nhỏ mỗi bên bao quanh lỗ mở của âm đạo và niệu đạo, và âm vật (clitoris).

Vulvectomy: (sản phụ khoa) cắt bỏ âm hộ, luôn cả hạch hai bên bẹn trong trường hợp ung thư âm hộ.

Vulvitis / vulvovaginitis: (sản phụ khoa) viêm âm hộ / viêm âm hộ và âm đạo

[collapse]

W

Warfarin: thuốc chống đông máu, chủ yếu dùng điều trị các bệnh máu đông cục trong mạch máu v2nh tim và tĩnh mạch.

Wart: mụn cơm (mụn cóc) do siêu khuẩn Human Papilloma virus gây ra. Lọai mụn cơm mọc ở cổ tử cung có nhiều nguy cơ phát triển thành ung thư.

Wernicke-Korsakoff syndrome: (thần kinh) hội chứng do thiếu vitamin B1 ảnh hưởng đến não và thần kinh hệ, thường xảy ra cho người nghiện rượu nặng, ăn uống thiếu dinh dưỡng, nôn mửa dai dẵng. Bệnh nhân trải qua hai giai đoạn: 1- giai đọan đầu xảy đến thình lình, tròng mắt đưa qua đưa lại (nystagmus), đi đứng không vững, mất cảm giác, tê tay chân, mất dần sự tỉnh táo và có thể bị hôn mê rồi chết. 2- giai đọan hai tiếp theo nếu không được chữa trị vào giai đọan một: mất trí nhớ về nhũng chuyện mới xảy ra, mất định hướng về thời gian và không gian, thờ ơ lạnh lùng, hay bịa đặt chuyện để khỏa lấp những gì mình đã quên (Korsaloff’s psychosis, xem chữ).

Wheeze: thở khò khè, thấy trong suyễn, viêm khí quản mạn tính.

Whiplash injury: tổn thương phần mềm, dây chằng, đốt sống, tủy sống vùng cổ, thường do bị đụng xe làm đầu bật mạnh ra trước hoặc ra sau, Trường hợp nặng có thể chết, liệt tứ chi hay hai

Whipworm: giun tóc Trichuris trichiura, một loại ký sinh nhỏ như sợi tóc sống trong ruột già, lây truyền do nước, thu65c phẩm bị nhiễm. Xem chữ Trichuriasis.

White matter: (thần kinh) chất trắng của thần kinh trung ương: ở não, chất này nằm bên trong chất xám, ở tủy sống, nằm bên ngoài.

Whitlow: mủ tụ ở ngón tay do khuẩn, gây sưng và đâu nhức dữ dội, chữa trị với kháng sinh, đôi khi phải mổ thóat mủ.

WHO, World Health Oraganisation: tổ chức Y Tế Quốc Tế.

Whooping cough: ho gà, xem chữ Pertussis.

Wilm’s tumor: một loại ung thư thận thường xảy ra cho trẻ, cùng nghĩa với chữ Nephroblastoma.

Wilson’s disease: một khuyết tật bẩm sinh về chuyển hóa chất đồng trong cơ thể, chất này đọng trong gan gây vàng da và xơ gan, đọng trong não gây chậm phát triển trí tuệ và các triệu chứng giống nhu6 bệnh Parkinson.

Windpipe (trachea): khí quản.

Wisdom tooth: răng khôn, thường mọc ra từ 17-21 tuổi, một số người không có răng này. Trong một vài trường hợp, vì không đủ chỗ nên răng không trồi ra được, lợi bị nhiễm trùng phải dùng kháng sinh hoặc nhổ đi.

Withdrawal: 1- (tâm lý) không còn quan tâm, thích thú với môi trường xung quanh. Tình trạng ý nghĩ của mình biến khỏi trí não (thought withdrawal) là một d8ặc trưng của bệnh tâm thần phân liệt. 2- giao cấu gián đoạn, rút dương bật ra khỏi âm đạo để cho xuất tinh khí ra ngoài với mục đích ngừa thai.

Withdrawal symptoms: triệu chứng xảy ra khi đột ngột phải ngưng sử dụng các chất đã quen dùng như rượu, ma túy: đổ mồ hôi, run tay chân, người lạnh mọc ốc.

Wrist drop: (thần kinh) cổ tay bật xuống do tổn thương dây thần kinh quay (radial nerve) vì bị đè ép lên, bị nhiễm độc chì.

Wucheria: một giống giun ký sinh sợi chỉ sống trong các mạch bạch huyết. Wucheria bancrofti là loại giun nhiệt đới gây bệnh da voi (elephantiasis, xem chữ), viêm mạch bạch huyết và tiểu ra dưỡng chấp (chyle).

[collapse]

X

Xanthelasma: nốt màu vàng gồm chất béo đóng quanh mắt người già, không độc hại. Một số trường hợp là dấu hiệu của rối loại chuyển hóa mỡ.

X chromosome: nhiễm sắc thể phái tính có trong tế bào của cả hai phái, nữ có 2, nam chỉ có 1. Gen về một số bệnh di truyền, ví dụ bệnh ưa chảy máu (haemophilia) hiện diện trên nhiễm sắc thể X.

Xennograft (heterograft): ghép dị loại, lấy mô/tạng của loài vật này ghép cho loài vật khác.

Xenophobia: (tâm lý) chứn sợ người ngoại quốc.

Xero: tiếp đầu ngữ chỉ tình trạng khô, ví dụ xerodermia = da khô, da đóng vảy cám.

Xerophthalmia: bệnh mắt do thiếu vitamin A, giác mạc và kết mạc bị khô, dày lân và nhăn lại, có thể đưa đến chứng nhuyễm giác mạc (keratomalocia) và mù.

X-linked diseases: bệnh di truyền liên quan đến bất thường ở nhiễm sắc thể X, ví dụ bệnh ưa chảy máu (haemophilia).

X rays: tia X, dùng để chụp hình các cơ quan của cơ thể, dùng trong xạ trị (radiotherapy).

[collapse]

Y

Yaws (pian): ghẻ cóc, bệnh nhiễm khuẩn Treponema pertenue có ở vùng nhiệt đới, do kém vệ sinh thân thể, tiếp xúc trực tiếp với người bệnh, do ruồi truyền đi. Chữa trị với kháng sinh Penicillin.

Y chromosome: nhiễm sắc thể phái tính, chỉ có ở đàn ông.

Yeast: một loại nấm để cất rượu, làm bánh mì. Nấm gây bệnh là Candida albicans, Cryptococcus.

Yellow fever: sốt vàng da do siêu khuẩn gây ra, lan truyền bởi một loại muỗi. Bệnh thấy ở Phi Châu, Nam Mỹ.

[collapse]

Z

Zollinger-Ellison syndrome: hội chứng do dịch vị tiết ra quá nhiều, gây ỉa chảy và loét nhiều nơi ở dạ dày. Nguyên nhân: u tụy tạng lành / ác tính. Chữa trị với thuốc chữa loét, cắt bỏ u tụy tạng, cắt bỏ toàn bộ dạ dày.

Zoonosis: bệnh của súc vật có thể truyền sang người, ví dụ bệnh chó dại.

Zoophobia: (tâm lý) chứng sợ súc vật.

Zygote: hợp tử, kết quả của sự thụ thai giữa tinh trùng và trứng trước khi bắt đầu phân chia.

[collapse]

Tài liệu tham khảo

Từ điển Y Học Anh-Việt Bác sĩ Bùi Khánh Thuần, Nhà Xuất bản Y Học, 1993

– Từ điển Y Học Anh-Việt, Bác sĩ Phạm Ngọc Trí, Nhà Xuất bản Y Học, 1999

– Từ điển Anh-Việt, Viện Ngôn Ngữ Học, Nhà Xuất bản T.P Hồ Chí Minh, 1993

– Concise Colour Medical Dictionary, Oxford University Press, 2001

– Complete Family Health Encyclopedia, The British Medical Association, 2000

– Health Encyclopedia, The Royal Society of Medicine, 2002

– Davidson’s Principles & Practice of Medicine, Edition 2000

– Merck Manual of Medical Information, Home Edition, 2000

– Anatomy and Physiology in Health and Illness, Ross and Wilson, 2000

[collapse]

Trích từ

Nguyễn Xuân Cẩm, Chú giải thuật ngữ y học anh-việt thông dụng, english-vietnamese glossary of medical terms in common usage, https://www.vmhs.org.uk/media/17747/medical-glossary.pdf

[collapse]

 

Viết một bình luận